| Hotline: 0983.970.780

Không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí

Thứ Tư 18/09/2013 , 10:14 (GMT+7)

Tỉnh Long An có 166 xã, mục tiêu đến năm 2015, phấn đấu có 36 xã (khoảng 22% số xã) đạt chuẩn NTM.

Tỉnh Long An có 166 xã, mục tiêu đến năm 2015, phấn đấu có 36 xã (khoảng 22% số xã) đạt chuẩn NTM. Ông Lê Minh Đức (ảnh), Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết:

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị lớn và đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm huy động cả hệ thống chính trị (từ tỉnh đến huyện, xã, ấp) và nhân dân vào cuộc. Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2011-2015 đã chọn xây dựng NTM là một trong bốn chương trình đột phá của tỉnh, từ đó tất cả Đảng bộ các cấp trong tỉnh cũng đều có nghị quyết riêng về xây dựng NTM.

Sau khi khảo sát, đánh giá thực trạng NTM, đối với những tiêu chí chưa đạt, tỉnh chỉ đạo các xã có lộ trình phấn đấu cụ thể từng năm, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các xã thực hiện từng tiêu chí theo lộ trình. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Hầu hết các xã đã tổ chức phát động thi đua xây dựng NTM, tạo nên khí thế phấn đấu sôi nổi, rộng khắp trong toàn tỉnh.

Kết quả xây dựng NTM ở Long An có sự tiến bộ đáng phấn khởi. Đến tháng 6/2013, số tiêu chí đạt bình quân trên 1 xã là 10,7 tiêu chí, tăng 4,7 tiêu chí/xã so với năm 2010. Năm 2010, chưa có xã đạt 15 tiêu chí nhưng hiện tại đã có 16 xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Hiện nay, toàn tỉnh không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Riêng 36 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM đến năm 2015, số tiêu chí đạt được bình quân trên 1 xã là 13,4 tiêu chí, tăng 6 tiêu chí/xã so với năm 2010, trong đó đã có 1 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành); 18 xã đạt từ 14-18 tiêu chí; 16 xã đạt từ 9-13 tiêu chí; 1 xã đạt 8 tiêu chí. Dự kiến đến cuối năm 2013, toàn tỉnh sẽ có 3 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí là xã Dương Xuân Hội và Bình Quới của huyện Châu Thành; xã Mỹ Yên của huyện Bến Lức.

Thưa ông, Long An đã huy động nguồn lực bằng cách nào?

Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và phát động phong trào thi đua xây dựng NTM. Các huyện, xã đã thực hiện rất tốt công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM, trước hết là vận động người dân tại chỗ hiến đất làm đường giao thông, kênh mương và các công trình phúc lợi công cộng.

Thông qua tuyên truyền, vận động nên hầu hết người dân đã hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích của xây dựng NTM, tích cực ủng hộ, tự nguyện hiến đất, giao mặt bằng cho xã để thi công công trình. Lãnh đạo các huyện, xã còn chủ động gặp gỡ, mời gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (nhất là những người dân Long An làm ăn, sinh sống ở TP HCM) tham gia đóng góp, ủng hộ xây dựng NTM và việc đóng góp của các tổ chức, cá nhân đều được được UBND tỉnh khen thưởng kịp thời.

Mục đích cuối cùng của Chương trình xây dựng NTM là nâng cao thu nhập cho người dân, muốn vậy cần nâng cao mặt bằng dân trí, tạo việc làm ổn định. Theo ông, đó có phải là một việc khó khăn đối với nông thôn vùng ĐBSCL so với các vùng khác?

Đúng vậy. Suy cho cùng mục tiêu bao trùm và quan trọng nhất của xây dựng NTM là nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Là một tỉnh mà tỷ trọng nông nghiệp còn chiếm khá cao trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh (năm 2013 nông nghiệp ước chiếm 32%); tỷ lệ dân ở nông thôn chiếm khoảng 80% dân số, kinh tế chủ yếu là dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh xác định trước hết phải tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, coi đây là giải pháp quan trọng hàng đầu. Bên cạnh đó, việc nâng cao mặt bằng dân trí, tạo việc làm ổn định cho người dân là rất quan trọng.

Long An là tỉnh thuộc ĐBSCL, có nhiều huyện nằm ở vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười, giáo dục và đào tạo phát triển còn chậm, kinh tế thuần nông. Trong những năm gần đây sản xuất nông nghiệp thường xảy ra dịch bệnh, giá cả nông sản và đầu ra không ổn định, lại bị tác động của suy thoái kinh tế chung, đương nhiên tỉnh cũng gặp những khó khăn như các tỉnh khác trong vùng. Tuy nhiên, Long An có lợi thế địa lý nằm cận kề TP HCM một trung tâm kinh tế, thị trường tiêu thụ lớn của cả nước, cho nên tỉnh cũng có những lợi thế nhất định để phát triển giáo dục - đào tạo, giải quyết việc làm và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Từ đó, góp phần giải quyết bài toán nâng cao thu nhập cho người dân.

Tỉnh Long An có nhiều khu công nghiệp nằm tiếp giáp với TP HCM, việc tạo việc làm có thuận lợi gì không?

Các khu công nghiệp nằm tiếp giáp với TPHCM đã thu hút rất nhiều lao động của tỉnh, nhất là lao động trẻ, góp phần chuyển dịch lao động khu vực nông thôn khá mạnh. Các khu công nghiệp tập trung chủ yếu ở các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, nên ở đây cơ cấu lao động phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao. Còn các huyện nông nghiệp thì tỷ lệ lao động nông nghiệp vẫn còn chiếm cao hơn lao động phi nông nghiệp. Đó là một thực tế, lao động nông thôn hiện nay chủ yếu là từ lứa tuổi trung niên trở lên, nhiều nơi bị thiếu lao động nhất là lúc thời vụ thu hoạch tập trung.

Về hoạt động đào tạo nghề tại các xã hiện nay cũng còn gặp nhiều khó khăn. Đối với nghề phi nông nghiệp khó tìm được việc làm sau khi học nghề, đối với nghề nông nghiệp tuy thuận lợi là có việc làm sau học nghề nhưng lại khó khăn trong việc huy động học viên và việc duy trì sĩ số lớp học, vì nhiều lao động hàng ngày phải làm để kiếm sống.

Để giải quyết bài toán việc làm cho lao động, các xã có khu công nghiệp đã gắn với doanh nghiệp để đào tạo nghề và bố trí việc làm cho lao động tại doanh nghiệp. Còn lao động nông nghiệp thì chủ yếu vẫn gắn với nghề hiện có của chính người học nghề, nhưng có năng suất và chất lượng

Nếu cần đòn bẩy, tỉnh có đề xuất gì để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM?

Khó khăn lớn nhất để xây dựng NTM là nguồn vốn. Đa số các xã hiện nay chưa đạt tiêu chí giao thông, nhất là ở các xã vùng Đồng Tháp Mười, vì địa hình đất thấp, địa chất yếu, suất đầu tư cao, phải làm nhiều cầu. Tiêu chí trường học, trạm y tế cũng khó đạt vì các tiêu chí này mới được nâng cao theo chuẩn mới; Tiêu chí thu nhập cũng khó đạt, vì nhiều nơi kinh tế thuần nông nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người thấp. Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa cũng khó đạt, vì nhiều nơi khó tạo được quỹ đất để xây dựng Nhà văn hóa và Khu thể thao xã, ấp đạt chuẩn.

Để đẩy nhanh tiến trình thực hiện xây dựng NTM, theo tôi Trung ương nên tăng mức hỗ trợ vốn ngân sách cho các xã (500 triệu đồng/xã), để các xã làm vốn đối ứng khi huy động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp xây dựng NTM. Không nhất thiết mỗi ấp phải xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao mà có thể làm liên ấp. Về sản xuất, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ sản xuất theo GAP; có quy định doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải gắn với việc xây dựng vùng nguyên liệu.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất