| Hotline: 0983.970.780

Không cứng nhắc để khuyến khích sức sáng tạo của người dân

Thứ Năm 24/05/2018 , 08:22 (GMT+7)

Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về một số dự án Luật, trong đó có Luật Trồng trọt. Phát biểu tại các tổ, cơ bản các ĐBQH đều đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Luật Trồng trọt chứ không thể để pháp lệnh giống cây trồng mãi như thế này được.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại tổ bày tỏ sự trân trọng và tiếp thu nghiêm túc mọi đóng góp của ĐBQH cũng như của cử tri thông qua các kênh khác nhau với mong muốn xây dựng một dự luật hoàn chỉnh, đáp ứng tốt nhất điều kiện thực tế hiện nay.

 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tại phiên thảo luận tổ về Luật trồng trọt

Ghi nhận của PV nhận thấy, hầu hết các ý kiến đều tán thành dự án Luật Trồng trọt và thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến quan trọng. ĐB Nguyễn Thanh Hiền, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, lâu nay hoạt động trồng trọt có vị trí quan trọng nhưng chỉ mới có Pháp lệnh giống cây trồng và Nghị định phân bón. Để thúc đẩy sản xuất thì rõ ràng còn nhiều bất cập, còn nhiều khoảng trống. Do đó rất đồng tình việc phải có Luật điều chỉnh.

Đi vào những điều khoản cụ thể, ĐB Hiền nói, vấn đề xã hội hóa quy định trong Điều 21 nói về giá cả là thỏa thuận nhưng ĐB Hiền đề nghị quản lý nhà nước cần có mức trần. Ông Hiền lập luận nếu không quy định cụ thể mức trần thì việc thu tiền này sẽ không quản lý được.

Một vấn đề khác theo ĐB Hiền là tình trạng tranh mua tranh bán trong vùng quy hoạch lâu nay lộn xộn, lần này được đề cập trong luật là hợp lý. Sản xuất hàng hóa tập trung, nông dân dễ chạy theo DN, việc quy định trách nhiệm các bên trong vùng quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung để tránh việc tranh mua tranh bán và không phá vỡ quy hoạch của các địa phương là cần thiết.

Đồng tình với quan điểm của ĐB Hiền (Nghệ An) vấn đề trong khoản 1 Điều 21 thu tiền dịch vụ theo giá thỏa thuận trong khảo nghiệm, ĐB Ngô Chí Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh khẳng định như thế là khó thực hiện và sẽ gây khó cho công tác quản lý. Ban soạn thảo nên có mức trần cụ thể.

Đặt vấn đề tại phiên thảo luận, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nói, chúng ta có quá cứng nhắc trong quy hoạch đất SXNN không? Chẳng hạn chúng ta quy hoạch vùng sản xuất mía, sắn nhưng, người dân bỏ sang trồng cam, chanh leo… thì có được không? Cái này trong Luật phải được làm rõ bởi đất đã giao cho dân rồi. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần phải linh hoạt, nếu cứng nhắc quá thì sẽ rất khó, nhất là quy hoạch không sát với thị trường, không dự báo được xu thế nông sản.

Một vấn đề khác cũng được ông Phớc quan tâm đấy là phát huy tính sáng tạo của người dân, các nhà khoa học khi họ kiếm tìm loại giống mới. Ở Nghệ An có một số hộ dân sản xuất cam V2, trước nổi tiếng là cam Xã Đoài, từ 2 sào cam V2 nay đã có khoảng 7.000ha, giá trị cho 1 tỷ đồng/ha, khi người dân đưa vào nếu không có sự động viên khích lệ thì rất khó có được những giá trị như thế.

“Vậy thì trong luật có nên cứng nhắc là phải đăng ký tên giống hoặc nên chăng chưa xử phạt người dân khi chưa có kết luận khoa học đối với những giống mới do họ sáng tạo ra không. Vấn đề là trong luật cần có một điều khoản theo hướng mở để không phủ nhận sáng tạo của người dân, nhà khoa học”, ĐB Phớc đề nghị.

Thay mặt ban soạn thảo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận và tiếp thu các ý kiến của ĐBQH, đồng thời giải trình làm rõ thêm một số vấn đề ĐBQH quan tâm.

Về ý kiến nên đưa thuốc BVTV và nước vào luật, Bộ trưởng Cường cho hay, thực tế không phải dự luật này bỏ qua mà hiện có hai dự luật đã điều chỉnh rồi. Thuốc BVTV đã được Luật Kiểm dịch thực vật điều chỉnh; nước thì Luật Thủy lợi điều chỉnh rất rõ.

Về xã hội hóa, từ nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm, kiểm nghiệm, sản xuất, Bộ trưởng khẳng định với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì càng xã hội hóa bao nhiêu càng tốt. Nhà nước chỉ tham gia những khâu thiết yếu nhất liên quan đến quản lý thôi, còn lại trao quyền cho xã hội hóa làm. Đi đôi với xã hội hóa thì gắn chặt giữa quyền lợi và nghĩa vụ.

Về ý kiến của Tổng kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, quan điểm của Bộ luôn khuyến khích sức sáng tạo của nông dân và các nhà khoa học nhằm góp phần làm phong phú bộ giống cây trồng cho đất nước. Ở Sóc Trăng có một nông dân phát hiện giống nhãn tím (lá tím, quả tím rất đẹp) mà bây giờ bán 200.000 đồng/kg và cũng không có đủ hàng để bán.

“Với những trường hợp này sẽ phải làm như thế nào như cách đặt vấn đề của ĐB đúng là không thể bắt ông nông dân phải vòng qua hết quy trình này, thủ tục kia được trong khi sản phẩm của người ta tạo ra đã thực sự có dấu ấn, có giá trị rồi. Nếu cứng nhắc thì nông dân sao làm nổi và người ta mất đi cơ hội, mất đi tính sáng tạo, thời cơ của họ. Do đó những trường hợp đặc biệt cần phải xem xét thỏa đáng chứ không thể cứng nhắc được”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tán thành cách tiếp cận của Tổng kiểm toán Nhà nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trồng trọt chiếm tỷ trọng lớn trong quy mô SXNN. Nếu như năm ngoái tổng giá trị xuất khẩu riêng trồng trọt là 18 tỷ USD, năm nay với đà này chắc chắn trồng trọt sẽ đóng góp 20 tỷ USD xuất khẩu. Trong số 10 mặt hàng xuất khẩu mục tiêu mỗi mặt hàng phải đạt 1 tỷ USD trở lên thì trồng trọt có 7 mặt hàng như thế. Vì thế rất cần bộ luật, vốn trước kia chỉ là pháp lệnh. Bộ luật này không chỉ có mỗi thành tố giống trồng mà nó bao hàm nhiều thành tố khác như sản xuất chuỗi, quy trình chế biến, phân bón…

 

Xem thêm
Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu trong xây dựng nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

149 dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 có sự tham gia của 74 đơn vị, 149 dự án thuộc 21 lĩnh vực.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.