| Hotline: 0983.970.780

Không đóng tiền tiêu úng, nguy cơ 3.000 ha lúa 'chết chìm'

Thứ Hai 17/07/2017 , 09:01 (GMT+7)

TX Tân Châu (An Giang) nói chung và vùng bao Bắc Vĩnh An nói riêng là vùng trồng lúa lớn của tỉnh. Tuy nhiên...

Tuy nhiên một thực trạng đáng buồn đang diễn ra tại đây là tỷ lệ bà con tham gia đóng phí rút úng cho Tổ hợp tác (THT) rút úng vùng bao Bắc Vĩnh An rất thấp, không đủ kinh phí chi trả tiền điện vận hành rút úng.

Nguy cơ tổ rút úng hết tiền

Vùng bao Bắc Vĩnh An có hơn 3.300 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó phần lớn vùng lúa tập trung vào 4 xã Châu Phong, Lê Chánh, Phú Vĩnh và Long An. Theo UBND xã Châu Phong, công tác rút úng được giao cho THT rút úng Bắc Vĩnh An đứng ra điều hành, quản lý. Hiệp thương với bà con nhân dân có đất canh tác với giá 70 ngàn đồng/công/năm.

16-08-59_dsc02642
Ảnh: Khương Duy

Tuy nhiên từ năm 2012 đến năm 2015, tiền rút úng chỉ thu được khoảng 48%, tỷ lệ nợ tới gần 3,5 tỷ đồng. UBND 4 xã đã báo cáo về UBND TX và ngành chuyên môn. Ông Nguyễn Trung Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong cho biết: “Thời gian qua tổ rút úng còn tồn tại được là do sự chỉ đạo của UBND TX cùng với sự hỗ trợ của 4 địa phương có đất sản xuất nằm trong vùng bao Bắc Vĩnh An. Nếu tổ rút úng không trang trải nổi tiền điện thì địa phương tạm ứng ngân sách cho tổ rút úng mượn”.

THT rút úng vùng Bắc Vĩnh An đã được thành lập mới nhưng tỷ lệ người nông dân đóng phí rút úng vẫn chưa cao. Ông Phan Văn Mứt là nông dân có 25 công đất trồng lúa ở vùng bao Bắc Vĩnh An cho biết, đã hơn 10 năm nay chưa bao giờ tỷ lệ người tham gia đóng phí rút úng lại thấp đến như vậy. Một số hộ có đất canh tác lớn thường nằm ở vùng đất cao nên chủ quan không đóng phí vì nghĩ rằng nước lớn cũng không ảnh hưởng đến lúa của họ.

Nhiều nông dân cho biết, năm 2014 – 2015, khu vực vùng Bắc Vĩnh An cũng từng xảy ra thiệt hại lúa chết do mưa lớn kéo dài. Lượng mưa nhiều khiến các trạm bơm hoạt động tối đa công suất ngày đêm vẫn không rút kịp. Một diện tích lúa mới gieo sạ chìm trong biển nước. Nhiều nông dân thiệt hại 100% và phải tốn thêm chi phí, nhân công xuống giống mới.
 

Người dân kêu giá cao

Trên một diện tích đất canh tác lúa rộng lớn nhưng chưa tới 50% người dân tham gia đóng phí rút úng thì rất khó khăn trong quá trình điều hành rút úng. Chú Dương Văn Bạc ngụ ấp Vĩnh Lợi 2, người có 7ha đất trồng lúa cho biết, một trong những nguyên nhân khiến nhiều người nông dân không tham gia đóng phí chính là giá cả rút úng trên đầu công. Bà con không đồng ý giá 70 ngàn đồng/công/năm, đòi giảm xuống 60 ngàn.

Nhất là những hộ có diện tích đất lớn và nằm trên vùng đất cao thì cho rằng chi phí đó quá cao. Ông Dương Văn Bạc chia sẻ: “Những năm qua THT úng rút thực hiện không đạt yêu cầu nên người nông dân không chịu đóng phí. Giờ đây hành lập THT rút úng mới người nông dân mình cần nâng cao ý thức để bảo vệ tài sản. Đối với tôi, mức giá 60- 70 ngàn đồng không thành vấn đề, miễn sao rút úng tốt cho bà con nông dân là được”.

Xã Lê Chánh có diện tích đất canh tác lớn trong vùng bao Bắc Vĩnh An, nhưng lại có tỷ lệ đóng phí rút úng thấp nhất. Trên 60% bà con nông dân không tham gia đóng phí đầy đủ. Được biết hiện tại điện lực đã ra thông báo sẽ không đóng điện cho THT rút úng nếu không chi trả tiền điện trước ngày 30/7/2017.

Chưa kể hiện nay đang bắt đầu vào mùa mưa, nếu lượng mưa lớn mà không rút úng kịp sẽ gây ngập úng, dịch bệnh sẽ bùng phát khiến năng suất lúa giảm mạnh. Ông Trần Văn Cao ngụ ấp Phú Hữu 1, xã Lê Chánh cùng nhiều nông dân trên địa bàn vừa lo lắng vừa bức xúc: “Ở khu vực này đa số bà con nông dân đóng đầy đủ, nhưng vẫn còn một số người không chịu đóng làm ảnh hưởng chung”.
 

Địa phương nói gì?

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Phong, Tổ trưởng THT rút úng vùng bao Bắc Vĩnh An, số tiền điện đang nợ công ty điện lực là hơn 300 triệu đồng. Hiện nay địa phương, Hội Nông dân và thành viên THT đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con nông dân để cùng nhau đóng tiền rút úng, đảm bảo sản xuất vụ HT trong vùng bao Bắc Vĩnh An thắng lợi.

“Muốn vụ HT này đạt được trọn vẹn, mang lại hiệu quả kinh tế thì bà con nông dân cần nhín 1 chút phần tiền đóng vào chi phí rút úng. Trong 4 xã còn nợ rất là nhiều, mong muốn bà con có ý thức trả tiền sớm cho điện lực. Nếu không điện lực sẽ không đóng điện thì THT không cách nào rút úng cho bà con sản xuất vụ HT sắp tới”, ông Ngô Phước Hùng cho biết.

Tình trạng này đã gây bức xúc cho những bà con nông dân tích cực đóng đầy đủ phí rút úng. Bởi lẽ đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của bản thân mình khi đảm bảo việc sản xuất lúa thắng lợi. Ông Trần Văn Ớt, người dân xã Lê Chánh nói: “Tôi đề nghị cấp trên, lãnh đạo chính quyền cần phải có biện pháp xử lý để răn đe những hộ không đóng tiền rút úng. Có như vậy họ mới sợ”.

+ Ông Nguyễn Văn Tiền, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Chánh cho biết, địa phương đau đầu trong việc cùng với THT rút úng Bắc Vĩnh An vận động nông dân tham gia đóng tiền rút úng. Bởi phần lớn người dân chưa có ý thức cao, vẫn chây ỳ không chịu đóng phí. Địa phương cũng đề nghị rà soát, nắm lại danh sách những hộ chây ỳ để có sự công bằng.

+ Những bài học đắt giá do mưa lớn khiến bà con nông dân chịu thiệt hại nghiêm trọng cho đến trắng tay vẫn còn đó. Mới đây nhất, hàng trăm hecta hoa màu, lúa của bà con nông dân tại vùng Cỏ Lau thuộc xã Phú Hữu, huyện An Phú cũng bị ngập nước, thiệt hại nặng nề. Có nhiều hộ chỉ biết đứng nhìn lúa và hoa màu chìm trong biển nước mà không làm được gì. Nguyên nhân chính cũng do người dân không chịu đóng tiền rút úng, điện lực không đóng điện.

 

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.