| Hotline: 0983.970.780

Không gì là không thể

Thứ Ba 11/03/2014 , 10:53 (GMT+7)

Nhờ lồng ghép các chương trình, dự án và vận động nguồn lực trong dân nên đến nay Bình Định đã đạt được những kết quả đáng khích lệ khi xây dựng NTM.

Triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tuy nhiên, nhờ lồng ghép các chương trình, dự án và vận động nguồn lực trong dân nên đến nay Bình Định đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Trong quá trình xây dựng NTM, ở Bình Định, các tiêu chí gặp nhiều khó khăn nhất liên quan đến cơ sở hạ tầng như: Giao thông, thủy lợi, cơ sở văn hóa, trạm y tế, chợ… Để thực hiện các tiêu chí trên trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình còn hạn chế, trong những năm qua Bình Định đã liên tục ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện cho các địa phương đẩy mạnh công cuộc xây dựng NTM.

Ông Phan Thành Giản, Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Bình Định, cho biết: Trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn, các địa phương đã thấy “dễ thở” hơn trong xây dựng NTM với các điều kiện thuận lợi được UBND tỉnh tạo ra như: Các xã hoàn thành xây dựng NTM trong giai đoạn 2011-2015 được để lại 100% tiền đấu giá quyền sử dụng đất để phục vụ xây dựng NTM; ban hành chính sách bê tông hóa giao thông giai đoạn 2012-2015 và chính sách kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2013-2015. Nhờ đó, các địa phương xây dựng NTM đã từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn.

Cũng theo ông Giản, chỉ tính riêng trong năm 2013, toàn tỉnh Bình Định đã bê tông được 320 km đường GTNT, nâng số km đường GTNT trên địa bàn được bê tông hóa lên đến 2.870 km. Về thủy lợi, trong năm 2013, Bình Định tập trung kiên cố và xây dựng theo hướng kiên cố được 128,8 km kênh mương các loại.

Về hạ tầng điện, trong năm 2013, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Tái thiết Đức, vốn khấu hao của ngành điện, vốn đối ứng của địa phương…, Bình Định đã hoàn thành một số công trình, đưa vào sử dụng. Riêng lưới điện trung áp và trạm biến áp tại các xã đã được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Đến nay đã có 101/122 xã đạt tiêu chí về điện. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương vùng sâu, vùng xa mới chỉ đầu tư đến trung tâm xã.

Có lẽ điều đáng ghi nhận nhất trong thực hiện xây dựng NTM ở Bình Định là công tác chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân. Riêng trong năm 2013, dù hết hạn hán đến bão lũ, nhưng giá trị tổng sản phẩm của ngành nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh tăng 2,9%.

Để đạt được, trong năm qua các địa phương đã tập trung xây dựng phương án hỗ trợ SX; trong đó tập trung vào nhân rộng các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo; nhân rộng CĐML làm tăng năng suất cây trồng, giảm cho phí SX, nâng cao chất lượng nông sản; hỗ trợ khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

"Tính đến năm 2013, trên địa bàn Bình Định có 5 xã đạt từ 15-16 tiêu chí; 48 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 62 xã đạt từ 5-9 tiêu chí; 7 xã đạt từ 1-4 tiêu chí. Ngoài ra, trong năm vừa qua các Sở NN-PTNT, Sở Xây dựng, Sở TN-MT của Bình Định đã phối hợp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đi đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trong quá trình lập đồ án quy hoạch và đề án xây dựng NTM. Nhờ đó đến nay 100% xã xây dựng NTM trên địa bàn đã hoàn thành phê duyệt đồ án quy hoạch và đề án xây dựng NTM”, ông Phan Thành Giản cho biết.

“Năm nay chúng tôi sẽ triển khai thực hiện thí điểm đề án dồn điền đổi thửa tại thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc (TX. An Nhơn), từ đó nhân rộng ra các địa phương để tạo điều kiện cho nông dân có nhu cầu hình thành những vùng SX tập trung theo hướng hàng hóa”, ông Phan Trọng Hổ.

Mục tiêu của Bình Định trong năm 2014 là hoàn thành xây dựng NTM ở 4 xã gồm: Nhơn Lộc (TX. An Nhơn), Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), Bình Nghi (Tây Sơn) và Phước An (Tuy Phước). Đối với 21 xã sẽ hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2015, phấn đấu có 15 xã đạt từ 17 tiêu chí trở lên và 6 xã đạt từ 15-16 tiêu chí.

Riêng về GTNT, năm 2014 sẽ có 43 số xã đạt tiêu chí này và có gần 50 xã đạt tiêu chí thủy lợi. Về nông nghiệp, năm nay cũng là năm Bình Định tập trung đẩy mạnh SX theo hướng hàng hóa; tiếp tục thực hiện công tác chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng; xây dựng CĐML; đặc biệt mở rộng diện tích trồng ngô, lạc và phát triển vùng nguyên liệu mía, sắn, rừng nguyên liệu phục vụ chế biến...

Bình Định phấn đấu trong năm nay sẽ làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xuống còn 8,2%; riêng các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn hằng năm giảm từ 4-5%.

Khi được hỏi, với những mục tiêu kể trên, Bình Định sẽ thực hiện như thế nào để đạt được? Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay: “Về cấp tỉnh, tổ công tác thực hiện Chương trình xây dựng NTM của các sở, ngành sẽ được củng cố, kiện toàn. Chúng tôi sẽ có mối liên hệ mật thiết trong quá trình thực hiện. Ở cấp huyện sẽ thành lập bộ phận điều phối được bố trí từ 2-3 cán bộ chuyên trách. Cấp xã sẽ thành lập Ban chỉ đạo do Bí thư Đảng ủy làm trưởng ban, những địa phương cần thiết có thể hợp đồng một cán bộ chuyên trách.

Bên cạnh đó chúng tôi sẽ thành lập ban vận động kêu gọi tài trợ đối với các DN, nhân sĩ, trí thức là con em đất Bình Định đang sinh sống trên mọi miền đất nước đóng góp công sức và trí tuệ vào công cuộc xây dựng NTM trên quê hương. Khi toàn hệ thống chính trị vào cuộc thì không có gì mà thực hiện không được”.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất