| Hotline: 0983.970.780

Không hề có chuyện "nhiều lỗi trong đề thi ĐH môn tiếng Anh"

Thứ Ba 27/07/2010 , 16:15 (GMT+7)

Tôi hoàn toàn không đồng tình với tất cả các ý phê phán của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn hiện đang công tác tại Trường Y thuộc Đại học New South Wales, Úc đối với đề thi năm 2010 này.

Để khỏi bị Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn chê là “mù mờ”, tôi xin nói rõ tôi là ai, ở đâu, làm gì. Tôi là Nguyễn Phú Đạt, 82 tuổi, Đại tá - cán bộ Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng đã nghỉ hưu, hiện ở căn hộ 108 - Nhà A7 - Ngõ 1A - Phố Tôn Thất Tùng - Quận Đống Đa - Hà Nội. Điện thoại: 04.38524235.

Là một quân nhân đương nhiên tôi là dân “ngoại đạo” đối với những người chuyên làm công tác về Tiếng Anh, nhưng tôi cũng có biết đôi chút về ngôn ngữ này. Xin bạo dạn nêu một số ý kiến. Tôi có đọc bài báo “NHIỀU LỖI TRONG ĐỀ THI ĐẠI HỌC MÔN TIẾNG ANH” của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn hiện đang công tác tại Trường Y thuộc Đại học New South Wales, Úc. Bài này được đăng trong số báo THANH NIÊN trang 8, số ra ngày 20/7/2010.

Tôi hoàn toàn không đồng tình với tất cả các ý phê phán của Giáo sư Tuấn đối với đề thi năm 2010 này. Giáo sư chỉ chê nào là “không chuẩn” mà không chỉ ra được là “không chuẩn” ở chỗ nào, nếu là “chuẩn” thì phải viết thế nào và nào là “mù mờ”. Vậy nếu muốn rõ thì phải diễn tả thế nào cho “không mù mờ”, hay nào là “rất… ư là VN”, nhưng ông lại không chỉ bảo viết thế nào mới là “rất…ư là Anh” v…v…

Vì thế, tôi thấy tư duy của Giáo sư Tuấn không khoa học, lối nhận xét của ông là “võ đoán”, nôm na gọi là “áp đặt” mà nói một cách bình dân là “chụp mũ”. Ý kiến của tôi là:

Thứ nhất: Chính nhận xét của ông mới là “không chuẩn”. Ông cho là Tiếng Anh của đề này “thiếu chuẩn mực” vì cách hành văn “rườm rà”. Có câu văn “phức tạp một cách không cần thiết”. Rồi ông trích một câu (chắc phải là câu điển hình) trong bài đọc hiểu về “CARTOONS” (hoạt hình):

“TODAY, HOWEVER, CHINESE CARTOONS HAVE AN ADDED PART TO PLAY IN SPREADING KNOWLEDGE.”

Tôi xin dịch: “Tuy nhiên, ngày nay hoạt hình Trung Hoa giữ thêm một vai trò/một chức năng là truyền bá kiến thức”.

Các bạn thấy: Đây là một câu đơn (simple sentence) không phải là một câu phức (complex sentence), thậm chí không phải là câu ghép (compound sentence). Câu đơn là câu chỉ có một mệnh đề, tức là một cụm chủ - vị chỉ có một ý. Ý của nó “rất…ư là rõ ràng”, không “mù mờ” tí nào; cách hành văn “rất…ư là giản dị”, không “rườm rà” và lại còn “rất…ư là Anh” nữa. Thế thì làm sao Giáo sư lại dám bảo nó “phức tạp một cách không cần thiết”. Có phải ông là người “đa ngôn” (lắm lời, lắm điều), là người “lộng ngôn” (ăn nói bừa bãi) không?

Ông Tuấn phán là “không chuẩn” nhưng ông lại không đưa ra được tiêu chí của một ngôn ngữ chuẩn là gì. Thế chính ông mới là “không chuẩn”, là “mù mờ”. Theo tôi, một ngôn ngữ chuẩn phải có 2 tiêu chí:

1. Ngữ pháp (tức là luật viết, luật nói) phải đúng.

2. Từ và thành ngữ dùng cũng phải đúng

Các bạn thấy câu trên chẳng có chỗ nào vi phạm hai tiêu chí trên.

Thứ hai: Ông còn cho là “To play in spreading knowledge” là một “cụm từ” (phrase) “tuy không sai về văn phạm nhưng cách nói không chuẩn Tiếng Anh mà rất…ư là Việt Nam”. Thưa ông, một lần nữa Ông lại “bé cái lầm”. Đó không phải là một “cụm từ”. “to play” thuộc về thành ngữ: TO PLAY A PART IN STH hoặc IN DOING STH (giữ một vai trò/một chức năng trong việc gì) chứ nó không phải thuộc về cụm từ này của Giáo sư Tuấn. Chính ông đã mắc sai lầm về ngữ pháp vì tất cả 8 cuốn từ điển Anh – Anh hoặc Anh – Việt mà tôi có không có thành ngữ “to play in doing sth”. Tự các bạn đọc cũng có thể kiểm tra thành ngữ này có hay không trong các từ điển.

Tại sao Giáo sư Tuấn lại “không chuẩn” ở chỗ này? (tức là tách “to play” ra khỏi thành ngữ trên: “To play a part in doing sth”? Vì ông hoàn toàn không biết trong ngữ pháp tiếng Anh có khái niệm “chủ ngữ phức” (complex subject), “tân ngữ phức” (complex object) và “bổ ngữ phức” (complex complement). Những khái niệm này xin Giáo sư “học” lại chuyên đề ngữ pháp phần “ĐỘNG TỪ NGUYÊN THỂ” hoặc “ĐỘNG TỪ NGUYÊN MẪU” (Infinitive verbs). Nó như thế này:

CHỦ NGỮ ĐƠN + TO V = CHỦ NGỮ PHỨC

Ví dụ: - water + to drink is scarce

TÂN NGỮ ĐƠN + TO V = TÂN NGỮ PHỨC

Ví dụ: - I have many things + to do

BỔ NGỮ ĐƠN + TO V = BỔ NGỮ PHỨC

Ví dụ: Gagarin was the first man + to fly in/into space

Vậy Bài thi môn Tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo viết “Today, however, Chinese cartoons have an added part + to play in spreading knowledge” là “rất…ư là Anh” chứ không phải “rất…ư là Việt Nam” như Giáo sư Tuấn đã mỉa mai. Vì người Việt ta không nói “có thêm một vai trò để đóng” nhưng người Anh lại nói thế. Bài thi dùng mẫu TÂN NGỮ PHỨC nhưng Giáo sư không hiểu. Và cái mà Giáo sư cho là một cụm từ “to play in speading knowledge” là ông đã sai và mù mờ về ngữ pháp.

Thứ ba: Tôi cũng muốn bàn thêm về ý “rất…ư là VN” của Giáo sư Tuấn. Trong giao lưu giữa cộng đồng các dân tộc trên thế giới có hiện tượng vay mượn “từ” và “thành ngữ” của nhau, thậm chí có những lối nói của dân tộc này xâm nhập hẳn vào lối nói của dân tộc kia. Trong Tiếng Anh có quá nhiều từ và thành ngữ của Tiếng Pháp: “Rolling stones gather no moss” (Anh) = “Pierres qui roule n’amasse pas mousse” (Pháp). Câu tục ngữ này có nghĩa là “Đứng núi này trông núi nọ”.

Trong tiếng Việt ta cũng thế. Đồng bào Thổ, Nùng vùng Cao Bằng, Lạng Sơn có dung một số từ ngữ của người Tàu ở vùng biên giới Quảng Đông. Đồng bào Thái ở Lai Châu có dùng một số từ của người Lào ở biên giới Việt - Lào. Tiếng Việt cũng có nhiều từ, thành ngữ vay mượn của tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc trước kia và ngày nay của Tiếng Anh nữa. Các bạn đã chẳng từng nói: “Ngày mai mình sẽ bay đi thành phố Hồ Chí Minh” đấy sao? hoặc “Hãy nói Không với ma tuý” (Say “No to drugs”). Đó có phải “rất ư là Anh” sao? Nhưng bây giờ ta quen rồi nghĩa là nó lại “rất ư là Việt Nam” vì lâu ngày nó đã bị “Việt hoá” rồi.

Thứ tư: Giáo sư Tuấn lại chê “however” là “vô duyên” mà chẳng chứng minh nó “vô duyên” ở chỗ nào. Ông nói nó “không có ý nghĩa chuyển tiếp (transition)”. Giáo sư nói thế cao xa quá nên khó hiểu . Tôi xin diễn đạt ý Giáo sư một cách nôm na như thế này: “nó vô duyên vì nó không nối liền ý nào ở trên với ý ở dưới”.

Ý chê này của Giáo sư cũng lại là “chê sai” nốt. Xin nhắc Giáo sư:

Đoạn 3 của bài “CARTOONS” đã viết “In the past, many Chinese cartoons have attempted to educate people... Conficius, Mencius and Laozi have all appeared in very interesting stories in the form of cartoons”. Xin dịch: “Trong quá khứ hoạt hình Trung Hoa đã cố gắng giáo dục nhân dân bằng trích dẫn những lời giáo huấn của Khổng Tử, Mạnh Tử và Lão tử và các bậc hiền triết khác”...

Vậy thì: “Today, however, Chinese cartoons have an added part to play in spreading knowledge” thì “however” lại quá ư là “có duyên” chứ. Vì nó làm đúng chức năng của nó là một liên từ (Conjunction). Nó nối ý trên (chỉ dùng để diễn đạt lời dạy của Khổng Tử, Mạnh Tử và Lão Tử...và ý “Ngày nay, tuy nhiên, nó còn dùng để truyền bá các kiến thức nữa”.

Thứ năm: Giáo sư Tuấn còn chê cách dùng mạo từ (article) là sai nữa. Ông viêt: “có 2 vấn đề trong câu: “THE IMPORTANT FEATURE OF ALL THESE CARTOONS is THE JOKE and THE ELEMENT OF SURPRISE WHICH IS CONTAINED”. Và ông vặn vẹo: “THE FEATURE ở đây là FEATURE nào, THE ELEMENT ở đây là ELEMENT gì vì “chưa có yếu tố nào được đề cập trước đó”.

Ở đây tôi thấy chính ông Tuấn mới có 2 vấn đề:

a/ Chắc ông còn trẻ hơn tôi nghĩa là ông chưa già mà sao ông lại nhanh quên thế? Câu ông chất vấn thì câu trả lời nằm trong câu ông trích dẫn rồi còn gì – đó là THE FEATURE OF ALL CARTOONS, và THE ELEMENT OF SURPRISE của ALL THESE CARTOONS – rõ quá rồi còn gì.

b/ Giáo sư – Tôi xin phép nói thật dù là phật ý ông – chưa am hiểu về cách dùng mạo từ trong tiếng Anh. Tiến bộ hơn các phê phán trên, lần này ông có đưa ra lý do :“ VÌ CHƯA CÓ YẾU TỐ NÀO ĐƯỢC ĐỀ CẬP TRƯỚC ĐÓ.” Và ông nhận xét: “nói tóm lại câu này có vấn đề về mạo từ, không cung cấp thêm thông tin nào cả và ý nghĩa thì thiếu liên tục”.

Giáo sư lại tiếp tục “chê sai” rồi.

Ý: “vì chưa có một yếu tố nào được đề cập trước đó” của ông nó chỉ đúng ở một khía cạnh rất hẹp. Nó nằm trong quy tắc dùng mạo từ: một danh từ lần đầu tiên nhắc đến còn chung chung, chưa cụ thể thì dùng “a”/ “an”. Nếu nhắc lại danh từ đó lần thứ 2 thì đã được cụ thể được xác định rồi, nên chuyển sang dùng “the”.

Ví dụ:

I want to buy a duck

Which duck?

The black one (duck).

Nhưng giáo sư lại quên rằng, theo các nhà ngôn ngữ học trên thế giới, tiếng Anh có hai nhược điểm và ở đây một nhược điểm là nó có nhiều ngoại lệ (exceptions). Ngoại lệ của quy tắc nêu trên là: “Không nhất thiết một danh từ phải dùng tới lần thứ hai mới dùng “the”. Trong rất nhiều trường hợp, danh từ lần đầu tiên nhắc tới đã được xác định rồi thì dùng mạo từ “the” ngay được.

Ví dụ

Open the door, please.

Where is your mother? - She has gone to the bank.

Where is your father? - He is working in the garden.

Tôi đố Giáo sư dịch câu sau đây sang tiếng Anh mà không dùng mạo từ “the” ngay từ lần đầu mặc dù “không yếu tố nào được đề cập trước đó”: “Ngày nay người ta đã nhận ra sự nguy hại của việc tầng O-Zôn bị phá hủy”

Vậy thì ĐỀ THI ANH VĂN dùng “THE” IMPORTANT FEATURE OF ALL THESE CARTOONS” và THE ELEMENT OF SURPRISE” có gì là sai? Vả lại “FEATURE” và “ ELEMENT” đã được xác định rồi. Thế mà ông lại dám chê là không biết là dùng mạo từ

Còn việc ông cho là “không cung cấp thêm thông tin nào cả và ý nghĩa thì thiếu liên tục”. Xin ông làm ơn đọc lại và bất cứ ai biết tiếng Anh dịch câu này thì sẽ thấy THÔNG TIN và TÍNH LIÊN TỤC quá rõ. Không ngờ ở thời đại này lại có một vụ “oan Thị Kính” cho tác giả bài “CARTOONS” như thế.

Thứ sáu: Điều giáo sư Tuấn chê cuối cùng lại “chê sai” nốt. Ông chê tính không nghiêm túc (mà giáo sư ngoặc đơn là FORMALITY) của đề thi tiếng Anh. Tôi e rằng giáo sư dịch sai từ FORMALITY chăng? Để khỏi chủ quan, tôi mở lại cuốn từ điển OXFORD Anh- Anh và cuốn từ điển Anh - Việt của VIÊN NGÔN NGỮ HỌC xuất bản tại thành phố HCM thì không hề thấy nghĩa “nghiêm túc” đâu cả. Tôi chỉ thấy 3 nghĩa: NGHI THỨC – THỦ TỤC và HÌNH THỨC. Nếu giáo sư định dịch “tính nghiêm túc” thì – xin lỗi, xin múa rìu qua mắt thợ – ông nên dùng từ “SERIOUSNESS” thì “ chuẩn” hơn đấy.

Để chê tính thiếu nghiêm túc của đề thi tiếng Anh, ông phán rằng “người sao chép hình như không phân biệt được văn viết và văn nói”. Ôi! Thật chủ quan và miệt thị biết bao! Nhưng ở điểm này ông lại “hơi bị sai” nốt. Dẫn chứng của ông: “chẳng hạn như “at last” thì đổi thành eventually”; “dull” thành “rusted up” “when I passed an exam” (văn nói) “hay như kiểu viết tắt như “you’ll” lại không thay đổi (mà điều này lại là điều cấm kị trong cách hành văn viết trong thi cử)” (nguyên si lời của giáo sư Tuấn).

Tôi nói ngay điểm này cho sát ý này của ông. Ông lại “quá sai” trong kiến thức của ông về tiếng Anh. Ông coi “you’ll” là “kiểu viết tắt (abbreviation: chữ của tôi) khiến cho tôi phải đặt một dấu hỏi nghi ngờ về trình độ tiếng Anh của ông. Trong tiếng Anh những “kiểu viết tắt” (abbreviation) là như thế này: “Dec” là viết tắt của “December”, “Sept” của “September”, BBC của “British Broadcasting Corporation” còn AIDS, LASER, RADAR là acronyms - không phải viết tắt v...v... Còn “you’ll” của ông nó là hình thức viết rút gọn (contracted form) thường gặp trong tiếng Anh nói (spoken English).

Việc ông phê “you’ll” lại không thay đổi khi đưa vào bài thi là “điều cấm kỵ” trong cách hành văn trong thi cử.” Tôi e rằng ông lại hơi bị sai rồi. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo dùng một bài tiếng Anh nào đó có câu trực tiếp (direct speech) dùng hình thức rút gọn “you’ll” chẳng hạn thì phải giữ nguyên si câu nói trực tiếp (direct speech) đó không được đổi. Vì đổi là sửa văn của người ta và như thế mới gọi là điều CẤM KỴ. Còn cái gọi là (the so-called) CẤM KỴ của giáo sư tôi e rằng ông lại “bịa” ra thôi vì ông chẳng dẫn chứng “luật ra bài thi” nào cả. Làm gì có luật ra đề thi mà CẤM KỴ.

Còn giáo sư nhận xét “at last” thì đổi thành “eventually” là không phân biệt văn viết và văn nói thì xin “người” hãy mở các từ điển Anh – Anh như OXFORD, CAMBRIDGE của Anh WEBSTER của Mỹ thì chúng là những từ đồng nghĩa và các từ điển đó không hề nói từ nào dùng cho văn nói (spoken English) từ nào dùng cho văn viết (written English).

Còn việc bà Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh (ĐH quốc gia thành phố HCM) đặt vấn đề: “Đạo văn” khi phê phán về đề thi rõ ràng là “đao to búa lớn” quá đấy. Xin các bạn đọc lại bài báo của bà Tiến sĩ Anh (cũng trong số báo Thanh niên số ngày 20/7/2010), bà viết: “Tôi nghĩ các ý kiến của giáo sư Tuấn nhìn chung là chính xác và có căn cứ”. Nghe giọng điệu này tôi e rằng đây chẳng qua là một sự “phụ hoạ”, một kiểu “té nước theo mưa” của bà TIẾN SĨ với ông GIÁO SƯ thôi.

Tôi nói thế cũng không phải “không chuẩn” đâu vì bà có hiểu “ĐẠO VĂN” là gì đâu. Một nhà văn “ĐẠO VĂN” của một nhà văn khác, lấy văn của người thành văn của mình thì nhà văn đó phải ĐỀ TÊN MÌNH chứ. Với ĐẠO NHẠC cũng thế. Việc đạo văn, đạo nhạc, đạo giáo trình là nhằm đem lại danh lợi cho bản thân tác giả. Các bài thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra là đúng đắn vì có ai ghi người soạn đề thi là "ông nào”, “bà nào” đâu mà “ĐẠO VĂN” để đem lại danh lợi cho mình. Còn việc người soạn đề thi sơ xuất không đề rõ nguồn gốc thì tôi cho đó là một lỗi làm việc “không chính quy” lâu nay của ta thôi. Tôi còn nhớ khi còn đi học khi trích dẫn dù chỉ một câu của một tác giả nào đó thôi người soạn sách cũng ghi (trích của La Rochefoucauld) hoặc (trích của Alfred de Musset), của “Voltaire”.v.v...

Tôi định viết một bài thứ hai về bài báo của bà Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Nhưng sau khi đọc bài báo của bà Tiến sĩ, tôi thấy ông Giáo sư và bà Tiến sĩ thì như thi sĩ Tản Đà viết: “Mình với ta tuy hai mà một/Ta với mình như một mà hai” (trích: Nói chuyện với ảnh tức là bức ảnh chụp Tản Đà), nói ngắn gọn là “như rứa”. Tuy bà có đôi chỗ phân tích, dẫn chứng nhưng tôi không viết nữa. Viết nữa là nhàm. Coi như phản biện của tôi đối với ông Giáo sư cũng mong được bà Tiến sĩ suy ngẫm

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.