| Hotline: 0983.970.780

Không khả thi!

Thứ Tư 05/06/2013 , 10:10 (GMT+7)

Nhiều bệnh nhân vẫn chấp nhận vượt tuyến nằm ghép vì Bệnh viện Trung ương khám tốt hơn.

Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, trong đó sẽ hạn chế tình trạng quá tải bệnh viện bằng cách “đánh mạnh” vào túi tiền bệnh nhân vượt tuyến: Giảm 10% mức hỗ trợ chi trả bảo hiểm y tế (BHYT). 

Dự thảo luật đưa ra với hai phương án chi trả dành cho bệnh nhân vượt tuyến. Phương án 1: Nếu điều trị nội trú, người bệnh sẽ được chi trả các mức 60%, 40% và 20% tùy theo xếp hạng BV. Nếu khám ngoại trú thì người bệnh chỉ được chi trả ở các mức 30%, 20% và 10%.

Phương án 2: Quỹ BHYT chỉ thanh toán một phần đối với trường hợp điều trị nội trú, tỉ lệ tương ứng như phương án 1. Còn khám chữa bệnh ngoại trú trái tuyến sẽ không chi trả. Ðáng chú ý, tại dự thảo này, Bộ Y tế đề xuất mức đóng hằng tháng của đối tượng tham gia BHYT tối đa bằng 6% mức lương cơ bản, thay vì 4,5% như hiện nay…

Liệu điều này có giúp giảm tải các bệnh viện tuyến trên không? 

Cực chẳng đã, phải vượt tuyến

Có mặt tại Khoa Xương khớp (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) những ngày này mới thấy rõ sự khắc nghiệt của thời tiết nóng bức ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người bệnh. Tay không ngừng quạt nhưng trên mặt bệnh nhân Trần Hoài Trang (Hòa Bình) vẫn lấm tấm mồ hôi bởi gian phòng quá chật chội (10 người/phòng cỡ 10 mét vuông), trong khi chỉ có cái quạt trần nhỏ chạy kiểu “lững lờ” đặt giữa phòng.

Chị Trang cho biết, chị bị chứng sốt, đau nhức xương cách đây đã hơn chục năm. Khi đi khám BV tuyến tỉnh thì được chẩn đoán bị suy kiệt sức khỏe, dịch ngoài màng tim. Sau một thời gian dài điều trị ở tỉnh không thuyên giảm, gia đình phải đi vay nóng 30 triệu đồng để đưa chị lên BV Bạch Mai thì được chẩn đoán bị loãng xương giai đoạn 1, kết hợp xơ cứng bì.


Nhiều bệnh nhân vẫn chấp nhận vượt tuyến nằm ghép vì Bệnh viện Trung ương khám tốt hơn

Sau ba tuần điều trị ở đây, bệnh của chị đã thuyên giảm. Y tá Khoa xương khớp, Phùng Minh Anh bổ sung thêm, rất may bệnh nhân Trang đã nhập viện sớm, bởi bệnh về xương này nếu không được điều trị đúng bệnh, nhanh chóng thì rất dễ có biến chứng như hoại tử chi, khớp cứng không vận động được, người bệnh có thể bị viêm dạ dày, suy thận, biến chứng xơ phổi...

“Cực chẳng đã mới vượt tuyến. Dù Bảo hiểm y tế thanh toán ít tiền viện phí thì tôi vẫn phải chấp nhận vì còn người còn của”- bệnh nhân Trang nói sau khi nghe qua điểm đổi mới của Luật BHYT.

Hay như bệnh nhân Thạch Hoài Văn (Bắc Giang) đang phải chạy thận tại BV Bạch Mai 3 lần/tuần, chấp nhận vượt tuyến vì ở đây mới có máy chạy thận. Để có tiền chạy thận, ông Văn sắm bộ đồ đánh giày, bà vợ thì đi giúp việc theo giờ...

Cũng theo y tá Minh Anh, dù biết BV Bạch Mai luôn đông bệnh nhân, phải nằm ghép nhiều người/giường,  nhưng nhiều bệnh nhân vẫn phải chấp nhận, bởi không ít bệnh nhân đều đã từng điều trị tại bệnh viện huyện, tỉnh nhiều ngày không đỡ, cực chẳng đã họ mới phải vượt tuyến. Không chỉ Bệnh viện Bạch Mai, mà hầu hết các bệnh viện khác ở Trung ương đều có tình trạng tương tự như trên. 

Phải lấy lại niềm tin

Ai cũng biết, các bệnh nhân vượt tuyến là tốn tiền, là chật chội, ăn chực nằm chờ nhưng họ vẫn quyết lên bệnh viện TW, bởi mục tiêu của họ là điều trị đúng bệnh và khỏi nhanh, chứ không phải tiết kiệm tiền. Thêm vào đó là họ chưa tin tưởng vào năng lực khám chữa bệnh ở tuyến dưới. 

Quan trọng nhất đối với các bệnh viện tuyến dưới muốn giữ chân bệnh nhân thì phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao trình độ của y, bác sĩ tuyến này.

Theo số liệu của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thì rất nhiều trạm y tế xã thiếu các thiết bị thiết yếu theo quy định chuẩn của Bộ Y tế. Ngoài ra, có đến 50% cán bộ y tế không chẩn đoán được thế nào là tăng huyếp áp, 90% cán bộ y tế xã không biết cách sơ cấp cứu dị vật đường thở. Đây là những bệnh đơn giản, huống chi những bệnh phức tạp, đòi hỏi chuyên khoa sâu thì chắc chắn là “bó tay”.

Dưới góc độ là cơ quan chi trả tiền bảo hiểm y tế, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cũng cho rằng, để hạn chế bệnh nhân vượt tuyến thì nên hạ mức hỗ trợ chi trả BHYT xuống chứ không nên xóa bỏ hoàn toàn, vì đó là quyền lợi của họ.

Còn với ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thì nhận định: Nếu chỉ giảm 10% thì không có tác dụng giảm tải. Bởi vì người bệnh vượt tuyến là do chưa tin vào chất lượng điều trị ở tuyến dưới.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất