| Hotline: 0983.970.780

Không lo ít ruộng

Thứ Ba 08/10/2013 , 10:57 (GMT+7)

“Kẻ chủ đạo” tại Gò Công Tây, một huyện ở phía đông của tỉnh Tiền Giang lại chính là lúa nước với 2 - 3 vụ chuyên canh trong năm cho sản lượng khá cao.

Nhắc đến Tiền Giang, người ta nghĩ ngay đến miền đất của cây trái với xoài, bưởi, mãng cầu xiêm… nổi tiếng thơm ngon. Thế nhưng “kẻ chủ đạo” tại Gò Công Tây, một huyện ở phía đông của tỉnh lại chính là lúa nước với 2 - 3 vụ chuyên canh trong năm cho sản lượng khá cao.

Nhiễm mặn - ít đất

Nằm giữa hệ thống sông rạch chằng chịt, giao thông bằng đường thủy khá thuận tiện nhưng do ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều mạnh, lại là vùng duyên hải với cấu trúc trầm tích của địa chất nên phần lớn đất đai nơi đây bị nhiễm phèn, mặn nặng.

Quá trình rửa mặn và xây dựng hệ thống cống, đập ngăn mặn trong nhiều năm qua theo định hướng đúng đắn của ngành nông nghiệp địa phương đã giúp ngọt hóa đất đai, SX lúa đã tăng lên 2 rồi 3 vụ trong năm.

Để thích nghi với điều kiện khó khăn trong SX, người dân đã hình thành nên một “lịch sử” là từ xa xưa không ai phát triển rộng ruộng lúa mà chỉ duy trì một khoảnh ruộng vừa phải với diện tích ước chừng vài ngàn mét vuông rồi kiếm thêm thu nhập từ các nguồn kinh tế khác.

Anh Huỳnh Văn Khởi, ấp Bình Hoà Long, xã Bình Nhì cũng vậy. Diện tích nhỉnh hơn mức trung bình chút đỉnh nhưng cũng chỉ vẻn vẹn 0,8 ha kế thừa từ đời ông bà để lại. Chỉ một vụ lúa trong năm của những ngày trước đây thực sự khiến gia đình anh khó có thể đầu tư tái SX cho vụ sau, khi lúc nào cũng thường trực một câu hỏi canh cánh trong lòng: Có cách nào để “nâng cấp” đời sống trên khoảnh ruộng nho nhỏ này?

Làm sao tăng thu nhập?

Điều đó có vẻ khó vì không những bị hạn chế về đất đai, anh còn không biết làm sao để đối phó dứt điểm với sâu bệnh vốn là nỗi lo thường trực của nhà nông. Vẫn nhớ như in vụ ĐX năm 2011 lũ rầy nâu đã làm cháy cả ruộng khiến cho con số thu được đạt kỷ lục… thấp.

“1 tấn/ha” đã trở thành giai thoại trong các câu chuyện vui của cả ấp. Đang buồn vì rầy nâu, bực vì bản thân mình không biết cách làm sao để cứu ruộng thì may quá, có người bà con rủ đi hội thảo nông dược, thế là anh tham gia rồi cứ lần mò áp dụng những điều được hướng dẫn bởi các cán bộ kỹ thuật.


Nông dân Huỳnh Văn Khởi – niềm say mê bên cây lúa

Càng áp dụng càng thấy vỡ lẽ ra nhiều điều. Đơn giản như trước đây pha thuốc phun mấy con sâu, con rầy thì cứ ước chừng bằng mắt, nhưng bây giờ thì đo bằng cống đong mới là chính xác, vừa đảm bảo được đúng liều lượng để thuốc phát huy hiệu quả tối đa, vừa tránh lãng phí thuốc do “quá tay”, tiết kiệm tiền mà lại còn tránh được dư lượng thuốc trên đồng, bảo vệ sức khỏe cho chính mình nữa. Sau này mới biết, đó là một trong các nguyên tắc “4 đúng” mà các nhà khoa học thường xuyên nhắc nhở.

Cho rằng các cuộc gặp gỡ và trao đổi với các chuyên gia nông học như một cứu cánh nên khi có một lớp “thực hành” đồng ruộng ở Long An vào đầu năm 2012, anh chẳng ngại vượt quãng đường xa, sách bút đầy đủ đến tham gia và ghi chép cẩn thận lại một số “bảo bối” như cách làm đất, xử lý giống, phun thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, bón phân cân đối; nhất là bón phân đón đòng lúc 1mm, các giai đoạn rút nước, cách đếm số chồi, đo chiều cao của lá, chiều dài của rễ, đếm sâu, rầy, chỉ số bệnh, ước đoán năng suất… rồi hào hứng áp dụng ngay trên ruộng nhà mình.

Anh tâm sự: “Nhờ có tham gia khóa học này mà tôi được biết cách bón phân đón đòng 1mm kết hợp phun Amistar Top đúng lúc cho đòng to, đều, trổ đồng loạt, màu hạt sáng, chắc tới cậy mà chẳng có bệnh hại nào “hỏi thăm”.

Trước đây, cứ tính số ngày kể từ khi gieo sạ rồi bón phân, vậy nên lúc bón có khi đòng đã lớn đến 2-3 cm. Nay mới biết rằng bón khi đòng 1mm thì mới kích thích được sự tạo bông, tạo hạt, khiến lúa trổ rộ, đều và cho nhiều hạt hơn”.

Có kiến thức vào, mọi chuyện cứ chạy băng băng, năng suất tăng dần và ổn định ở mức 8 tấn/ha vụ ĐX năm 2012 khiến cho câu chuyện của chòm xóm giờ chuyển từ cười chê “ông 1 tấn” sang ngạc nhiên “ông 8 tấn”.

Tâm đắc với những lớp phổ biến kiến thức này nên khi Cty Syngenta Việt Nam ngỏ ý muốn dùng ruộng nhà anh làm lớp tập huấn “nông học cây lúa” cho bà con trong ấp thì cả hai vợ chồng anh Út Khởi đã gật đầu cái rụp. Thế là trên mảnh ruộng nhỏ đã diễn ra 9 buổi tập huấn trong suốt vụ HT về kiến thức nông học, cách sử dụng thuốc BVTV an toàn và giải pháp tích hợp trên cây lúa cho bà con trong ấp.

Vào một ngày cuối tháng 8, ngay khi những tiếng gà gáy chào bình minh cất lên đầu tiên, bà con trong xóm đã rục rịch kéo ra ruộng nhà anh để bắt đầu thu hoạch. Lúa về đến sân nhà, không khí náo nức như một ngày hội thực sự. Bà con chia nhau mỗi nhóm một công đoạn, nhóm thì đếm số bông, nhóm thì đếm số hạt, nhóm đạp lúa, nhóm khác lại hì hụi cân thóc trong tiếng cười nói rộn ràng. Dù đã tận mắt nhìn thấy những bông lúa trĩu hạt trong nhiều lần thăm đồng nhưng ai nấy vẫn ngỡ ngàng.

Nét mặt rạng rỡ, anh Út Khởi cho chúng tôi hay: “Có kiến thức, tôi đã “chèo lái” năng suất được như mong muốn. Kể từ khi áp dụng các giải pháp này, vụ nào tôi cũng thu về cao hơn 4 triệu đ/ha so với bà con xung quanh, đó chính là nhờ giảm được chi phí mua phân, thuốc và giống”.

Cùng tham gia tập huấn, chị Sử Thị Tuyết Phương trong ấp cho biết, kỳ này cũng sẽ ứng dụng hết những giải pháp học được vào 0,5 ha lúa của gia đình, vì: “Lớp học bài bản quá khiến bà con ai cũng thấy dễ hiểu. Năng suất tốt, chất lượng cao, lại giảm giống, phân, thuốc, ngày công lao động, thử hỏi ai mà không mong”.

 

Anh Hồ Minh Tâm, cán bộ phụ trách khu vực Tiền Giang, Cty Syngenta Việt Nam cho biết, đây là lớp tập huấn nông học thứ 4 trong năm 2013 Cty tổ chức cho tổng số 140 nông dân ở Tiền Giang tham gia. Trên nền tảng kiến thức về quản lý dịch hại tổng hợp, 3 giảm 3 tăng… Syngenta đã linh động vận dụng với kiến thức nông học trên cây lúa, cụ thể hóa rồi tiếp cận với bà con qua chương trình tập huấn “Giải pháp tích hợp trong canh tác lúa”.

Qua đó cung cấp thêm nhiều thông tin kỹ thuật quan trọng và hướng dẫn họ cách xử lý tức thời những trường hợp bộc phát dịch hại, đảm bảo năng suất chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế cho vụ mùa.

 

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất