| Hotline: 0983.970.780

Không nên níu kéo

Thứ Sáu 14/10/2011 , 15:17 (GMT+7)

Cháu bảo cháu không hài lòng với cái kết này. Có ai hài lòng khi bị chia cắt đâu. Nhưng cô không khuyên cháu níu giữ. Rất nhiêu khê, nhiều chướng ngại, lắm áp lực.

Ảnh minh họa
Cháu kính chào cô!

Thưa cô, cháu và cô ấy quen nhau được hơn 5 năm. Cháu là con một trong gia đình theo đạo Phật. Cô ấy sinh ra trong một gia đình đông anh em và theo Chúa. Cháu nhỏ hơn cô ấy 1 tuổi. Chúng cháu thương nhau thật lòng và đã rất khó khăn để đến với nhau. Chúng cháu đã nói với nhau rất nhiều về đạo nghĩa, chúng cháu đã đồng ý với việc đạo ai người đó giữ hoặc làm theo cách của cô ấy là đợi thêm thời gian nữa để được đúng tuổi rồi tính tiếp mà không cần theo đạo.

Chúng cháu vẫn tiếp tục quen nhau cho đến giờ. Cô ấy luôn là người chủ động điện thoại, nhắn tin hỏi thăm quan tâm lo lắng cho cháu trước. Và ngược lại cháu cũng vậy. Có nhiều lúc cháu cũng thử lòng cô ấy về việc đó và cháu đã cảm thấy rất vui, cô à. 

Cách đây khoảng 2 tháng mẹ cố ấy qua đời (bệnh huyết áp, ba cô ấy thì mất khi cô ấy còn nhỏ ), cháu đã nghĩ rằng mình sẽ cố gắng chăm sóc và lo lắng cho cô ấy nhiều hơn nữa. Nhưng đôi lúc có những chuyện không như mình nghĩ phải không cô? Cô ấy cho rằng mẹ cô ấy mất là do lỗi của cô ấy (cô ấy và mẹ cô ấy có tranh luận về chuyện của chúng cháu, cô cũng biết chuyện gì rồi đó). Và thế là chúng cháu đã chia tay.

Thật sự mà nói cháu không hài lòng với kết thúc thế này đâu cô. Cháu thật không biết hỏi cô gì nữa. Nhưng cô hãy cho cháu ý kiến và lời khuyên của cô, cô nhé!

Nếu như người viết lá thư này là cô ấy thì cô sẽ cho cô ấy lời khuyên gì ạ? Cô có thể cho cháu biết ý kiến giả định ấy được không?

Cháu mong được giữ kín email.

Cháu thân mến!

Những lá thư xin tư vấn về sự khác biệt tôn giáo của hai bên cũng làm cô khó nghĩ. Rất khó nghĩ. Chuyện không thuần túy tình cảm, tính cách hay đẳng cấp. Tôn giáo là tinh thần, thậm chí còn là lý tưởng, là lẽ sống, không thể điều đình, thảo luận, bàn cãi.

Quan sát một đôi bạn của cô, cô thấy họ hạnh phúc nửa vời và họ rất biết thỏa hiệp suốt cả đời họ thì mới bền lâu như họ đang có. Chồng giáo viên đại học, vợ nội trợ, nhà chồng Thiên Chúa toàn tòng, cô dâu quyết giữ đạo Phật, đi chùa, thỉnh thoảng ăn chay, chăm chỉ thờ cúng ông bà, giỗ chạp.

Mẹ chồng không nhìn mặt con dâu, người con trai mang tiếng không ép buộc được vợ cải đạo. Những đứa con ra đời, thương mẹ bị nhà nội đối xử bất công, đứa nào cũng đi chùa, nghe kinh Phật. Họ ở trong thế chiến tranh (bề ngoài) như vậy và dĩ nhiên, đạo ai nấy giữ. Con cái phương trưởng, khi họ già thì nhà chồng có nới nang hơn, nàng dâu đi về thỉnh thoảng chăm nom mẹ chồng đau ốm.

Vậy đó.

Cô không hiểu khi cháu viết “Cô ấy bảo để thời gian nữa được đúng tuổi rồi tính tiếp” là sao? Chúng cháu yêu nhau đã 5 năm, vậy là lâu rồi, tuy cháu nhỏ hơn cô ấy 1 tuổi thì chúng cháu cũng chín chắn rồi. Thử thách đã nhiều, trở ngại vẫn nguyên đó, ấy là liệu nhà gái có chấp nhận cho đạo ai nấy giữ không? Nhưng cháu là con một, phải ôm bàn thờ, cháu cúng giỗ mà cô ấy đứng ngoài thì có ổn không?

Giờ xảy ra chuyện mẹ cô ấy mất, cô ấy ân hận vì trục trặc của chúng cháu mà mẹ sinh bệnh và qua đời, nỗi ám ảnh đó lớn bằng với trở ngại của hai tôn giáo, cô ấy đoạn tuyệt cũng không có gì lạ. Con người thật nhỏ bé trong cái phông gia tộc và giáo lý mà họ phụng thờ. Ai mạnh lắm thì mới vượt qua được, thông thường người ta xuôi tay bỏ cuộc hết.

Cháu bảo cháu không hài lòng với cái kết này. Có ai hài lòng khi bị chia cắt đâu. Nhưng cô không khuyên cháu níu giữ. Rất nhiêu khê, nhiều chướng ngại, lắm áp lực. Cháu lại trẻ người hơn, chờ nhau thì người nữ già, cháu lại không muốn phải chờ trong vô vọng. Không thời điểm nào là hợp lý khi một cuộc tình kết thúc bằng ngoại cảnh. Nó tức tưởi, luôn luôn, và nó ray rứt cả một đời người. Nhưng không có cách nào “bước qua lời nguyền” cả.

Nếu cô ấy xin tư vấn, cô cũng khuyên các cháu thôi đi, làm bạn, quý nhau, giữ trong nhau tình bạn tốt đẹp này.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất