| Hotline: 0983.970.780

“Không nên thấy tắc đường mà chán nản”

Thứ Hai 29/11/2010 , 15:07 (GMT+7)

"Theo tôi, không nên thấy tắc đường mà chán nản”, Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội Thạch Như Sỹ trao đổi.

Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội Thạch Như Sỹ

“Căn bệnh kinh niên của tất cả các đô thị hiện đại là ùn tắc. Chưa có một đô thị phát triển hiện đại nào mà không xảy ra ùn tắc. Theo tôi, không nên thấy tắc đường mà chán nản”, Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội Thạch Như Sỹ trao đổi với PV.

- Thời gian qua, mặc dù Sở Giao thông vận tải đã có nhiều giải pháp để hạn chế tắc đường nhưng hiện nay, nhiều tuyến đường của Hà Nội vẫn liên tục tắc nghẽn. Nguyên nhân do đâu thưa ông?

Nguyên nhân gây tắc đường ở Hà Nội thì có rất nhiều. Theo tôi, có 3 vấn đề gây nên tình trạng tắc đường ở thủ đô là: cơ sở hạ tầng, phương tiện và ý thức của người tham gia giao thông.

Không phải nói ai cũng biết cơ sở hạ tầng của Hà Nội hiện nay còn rất nhiều thiếu thốn, trong khi đó, phương tiện tham gia giao thông tăng quá nhanh. Trung bình mỗi tháng, Hà Nội tăng hơn 20.000 phương tiện ô tô, xe máy mới. Trong khi cơ sở vật chất, đường xá chật chội thì ý thức chấp hành luật giao thông cũng còn nhiều vấn đề phải bàn.

Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố liên quan: việc quản lý, yếu tố pháp luật và sự phối hợp giữa các ngành cũng là nguyên nhân gây ra tắc đường ở Hà Nội.

- Hơn một năm nay, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tiến hành phân luồng một số ngã tư và đã hạn chế tình trạng ùn tắc ở một số khu vực. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tuyến đường nhỏ, hẹp vẫn đang ùn tắc hằng ngày nhưng không thấy Sở có biện pháp gì. Ông nói sao về điều này?

Thực ra ở một số tuyến đường nhỏ, hẹp chúng tôi cũng đã tiến hành phân làn. Đường Thái Hà chúng tôi đã cho bịt lại một nút giao thông ở phường Thịnh Liệt. Đầu ngã tư Thái Hà – Láng Hạ, chúng tôi cũng đã can thiệp, nhưng cũng có những tuyến chúng tôi chưa can thiệp được ngay.

Ví dụ ngã tư Ô Chợ Dừa – Hào Nam, chỗ này cũng tắc nhưng con đường ở đây đang làm dở cho nên chưa thể dùng giải pháp này. Cũng có những tuyến chúng tôi áp dụng giải pháp khác, có thể lúc này thì cần người tổ chức giao thông, tăng thêm biển báo… tất cả những việc này đều phải làm thường xuyên.

- Ông có thể nói rõ hơn, trước thực trạng nhiều tuyến đường của Hà Nội vẫn đang ùn tắc, thời gian tới, Sở có giải pháp gì để hạn chế tình trạng trên?

Về giải pháp để chống ùn tắc giao thông thì có rất nhiều giải pháp. Có những giải pháp ngắn hạn và lâu dài. Về lâu dài, chúng tôi đã có những quy hoạch chung về giao thông thành phố, hiện đang trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt.

Còn các giải pháp trước mắt thì Sở đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến vành đai ba, mở rộng vành đai bốn, làm các trục hướng tâm hoặc các nút giao thông lập thể hạn chế các nút giao cắt.

Sở cũng đưa ra rất nhiều những dự án để phát triển vận chuyển hành khách công công như: vận chuyển hành khách khối lượng nhanh, tốc độ lớn và có đường dành riêng cho xe bus hoặc là đường xe điện trên cao hay xe điện ngầm. Song song với đó, Sở cũng đề nghị tăng cường các giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân...

Còn với ý thức người tham gia giao thông, chúng tôi liên tục có nhứng tháng cao điểm an toàn giao thông của thành phố. Trong tháng an toàn giao thông, chúng tôi liên tục tuyên truyền, hướng dẫn, xử phạt … để người tham gia giao thông chấp hành tốt luật lệ an toàn giao thông.

Ngoài ra, còn những giải pháp khác: tăng cường trang thiết bị cho lực lượng thanh tra, lực lượng cảnh sát để nâng cao hiệu quả năng lực cho hai lực lượng này để tăng cường xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật….

- Mới đây để hạn chế ùn tắc giao thông, TPHCM đã triển khai hình thức thu phí phương tiện lưu thông vào một số tuyến phố trong giờ cao điểm. Theo ông, Hà Nội có lên áp dụng giải pháp này?

Việc triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như: cơ sở hạ tầng, phương tiện, biện pháp hành chính và biện pháp kinh tế. Giải pháp của Tp. Hồ Chí Minh đang thực hiện cũng được thế giới áp dụng nhiều nên cần có những giải pháp ngoài giải pháp hành chính.

Đối với cơ sở hạ tầng và mức độ tăng phương tiện như hiện nay thì giải pháp đánh vào kinh tế tôi cho rằng hết sức quan trọng và có hiệu quả. Còn áp dụng như thế nào đó thì do chính sách, do thời điểm của từng khu vực và từng vùng.

- Nhiều người khi chứng kiến cảnh tắc đường hằng ngày ở Hà Nội thì lo ngại tình trạng trên sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống dân sinh. Ông nói sao về điều này?

Từ tháng 4/2009, với cách phân luồng giao thông bằng giải pháp bịt ngã tư, Sở Giao thông Hà Nội đã khống chế được hơn 60 điểm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, giải pháp bịt ngã tư chỉ được áp dụng ở các tuyến đường có lòng đường rộng, giải phân cách cứng lớn... còn những tuyến đường nhỏ hẹp thì giải pháp này không có hiệu quả. Do không có "biện pháp" căn thiệp nên hiện nay hàng chục tuyến đường nhỏ hẹp của Hà Nội vẫn tiếp tục ùn tắc hằng ngày mà không thấy một cơ quan chức năng nào đứng ra phân luồng, tổ chức lại giao thông.

Về vấn đề này, tôi cho rằng khi đánh giá cần có quan điểm tĩnh và động. Phải thấy một điều là khi người và phương tiện liên tục phát triển thì thành phố cũng liên tục mở rộng, nhiều tuyến đường mới mọc ra. Còn đã là đô thị, càng phát triển bao nhiêu thì căn bệnh kinh niên của tất cả các đô thị hiện đại là ùn tắc. Chưa có một đô thị phát triển hiện đại nào mà không xảy ra ùn tắc.

Theo tôi việc ùn tắc cũng có hai mặt. Mặt thứ nhất, đó là đô thị đó có sức sống mãnh liệt, thu nhập và đời sống của nhân dân đang được cải thiện và nâng cao. Mặt thứ hai, khi đời sống được nâng cao thì nhu cầu đi lại cũng tăng, tất yếu sẽ dẫn tới tắc đường.

Bao giờ cũng vậy, khi đô thị phát triển hiện đại thì việc phát triển các phương tiện công cộng cũng nhanh hơn sự phát triển của cơ sở hạ tầng. Đó là hậu quả tất yếu gây ra tắc đường nên không có vấn đề gì cả.

Theo tôi, không nên thấy ùn tắc mà chán nản. Về mặt nào đó, tôi cho rằng việc ùn tắc là thể hiện sự tiến bộ còn cơ bản là chúng ta giải quyết vấn đề đó ra sao thì đó mới là vấn đề cần bàn.

(Theo VnMedia)

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.