| Hotline: 0983.970.780

Không nhất thiết phải đi tìm bố đẻ

Thứ Ba 19/03/2013 , 08:50 (GMT+7)

Cô biết tình cảm tìm bố nó mãnh liệt, day dứt ở những người có học. Nhưng sao nhất thiết phải là lúc này? Như lý trí cháu mách bảo, sẽ có đến mấy hậu quả cho việc này.

Ảnh minh họa
Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu là một người phụ nữ bình thường, có công việc ổn định, có một người chồng tốt, một cậu con trai đáng yêu, kinh tế gia đình không phải lo lắng. Nói chung, với một người mới 28 tuổi, mọi thứ vậy là quá tuyệt vời.

Nhưng sâu trong tâm hồn cháu có một điều bất an, khó nói. Không thể nói cháu có tuổi thơ bất hạnh, nhưng nó cô đơn và buồn; đó là cháu không có bố. Nói đúng hơn cháu là một đứa con ngoài giá thú. Giấy khai sinh của cháu luôn để trống phần khai về người cha. Vì vậy các bạn hay trêu, cháu đâm ra tự ti, ít giao tiếp. Cũng từ đây cháu luôn có tâm lý cố gắng trong mọi chuyện học hành, và đến giờ này cháu luôn là niềm tự hào của mẹ; nhưng sự cố gắng vượt qua tự ti mặc cảm cũng dẫn đến những ám ảnh.

Cô ơi, lúc nào cháu cũng mong có bố, lúc nào cháu cũng khát khao gọi một tiếng bố, một tiếng bố dành cho người sinh ra cháu. Cháu thường hay tâm sự với bố qua những bức thư, tất cả mọi vui buồn những khúc mắc của cuộc sống cháu đều viết vào nhật ký để cho một người mà cháu gọi là bố, (mặc dù ông biết rất rõ sự tồn tại của cháu nhưng chưa một lần nhận cháu) theo như lời mẹ cháu kể.

Cuộc sống của cháu sang trang, khi cháu học năm thứ 3 đại học. Mẹ cháu xây dựng gia đình với một người. Bố dượng là cấp dưới của ông ngoại cháu, năm nay đã gần 80 (mẹ cháu mới 55 thôi). Ông không có con đẻ, chỉ có một anh con nuôi năm nay đã bốn mươi. Ông đã viết giấy cam kết với pháp luật rằng cháu là con đẻ của ông, giấy khai sinh cháu đã có phần người cha, điều này giúp cháu rất nhiều trong con đường công chức cô ạ.

Điều quan trọng hơn là ông giúp mẹ nuôi cháu học xong đại học, rồi lên cao học; ông đã dạy cháu rất nhiều điều từ lời ăn tiếng nói của một người con gái, và vẫn yêu thương lo lắng cho cháu đến tận giờ phút này. Quả thật cuộc đời mẹ con cháu đã gặp may khi có một người cha dượng yêu thương con đến vậy. Gia đình nhà chồng cháu đã gặng  hỏi nhiều lần rằng bố là bố đẻ hay là bố dượng. Ngay cả chồng cháu cũng không còn nghi ngờ đó là cha dượng nữa, vì theo anh: “Chẳng có cha dượng nào mà lại tốt như vậy, đích thị là bố đẻ của vợ mình rồi”. Có phải cuộc đời cháu đã gặp may không cô? Cháu luôn coi ông là bố, luôn tự bảo mình phải có trách nhiệm là một người con gái hiếu thảo với ông.

Lại có một từ nhưng ở đây cô ạ. Nhưng trong lòng cháu vẫn luôn muốn biết được bố đẻ cháu là ai. Cháu không biết gì ngoài tên của bố, quê thì láng máng là tỉnh Hà Nam Ninh cũ và địa chỉ của một người bạn của bố. Lúc trước người bạn này có đến tìm mẹ con cháu và bảo bố muốn gặp cháu nhưng mẹ cháu không cho (lúc đó cháu đang học cấp 3 và mẹ thì không muốn cháu nhận bố). Cháu vẫn có niềm tin với chừng đó thông tin thì không quá khó để tìm lại quê gốc của mình, từ đó hỏi người làng xem bố cháu ở đâu, còn sống hay đã chết.

Cô biết  không, cháu ước muốn một lần nhìn thấy bố, một lần được xem bố và những người có chung dòng máu của mình đang sống thế nào, có thể cháu cũng không dám nhận lại người đó đâu. Cháu đã một lần hỏi lại mẹ về bố sau khi mẹ xây dựng gia đình. Mẹ chỉ nói “Xin con đừng làm mẹ đau đầu và khổ về vấn đề này thêm một lần nào, mẹ đã quá khổ rồi”. Thật sự cháu không biết giữa bố đẻ và mẹ có gì đó mà mẹ lại hận người đó đến vậy.

Lý trí của cháu luôn nhắc nhở cháu rằng, có thể cháu tìm lại được bố đẻ của mình nhưng nó ảnh hưởng nhiều thứ: Trái tim đau khổ của người mẹ; có thể làm khổ người bố dượng đã yêu thương cháu như con ruột đang vui hưởng tuổi già yên ấm; cách nhìn của gia đình chồng cháu về bố mẹ cháu hiện nay; và cả con đường sự nghiệp nữa ít nhiều cũng ảnh hưởng... Lý trí của cháu còn nhận ra, nếu cứ bới tung việc này lên còn có thể gia đình đang yên ấm của bố đẻ  sẽ gặp sóng gió. Lý trí nhận thức được cô ạ...

Cô cho cháu một một lời khuyên, có nên tìm lại người cha đẻ (dù cháu đứng xa để nhìn cuộc sống của ông) không cô? Nếu bây giờ cháu không tìm lại bố, cả đời cháu vẫn cứ loay hoay với một từ bố này, liệu cháu có thanh thản được không cô? Mười và hai mươi năm nữa đến lúc bố đẻ cháu không còn, cháu có day dứt như bây giờ không?

Cô giữ kín email cho cháu

Cháu thân mến!

Càng ngày cô càng biết nhiều phụ nữ sinh con không cần bố. Nói chính xác, vì trăm ngàn lý do, họ là phụ nữ quyết liệt đơn thân nên mục khai bố trong khai sinh con mới để trống. Một cô bạn nhà văn của cô cũng ở dạng này. Đứa bé con mới 4 tuổi của cô ấy cũng bắt đầu quan tâm đến bố và khi mẹ trả lời “bố con phải sống ở nhà khác” thì nó bảo: ”Được rồi, lớn lên con sẽ tự đi tìm bố!” Vậy đó.

Tình cảm ấy vừa bản năng vừa có nhu cầu của tinh thần. Khi đứa bé lớn lên một chút, nó quan sát những đứa bé chung quanh có đủ mẹ và bố, nó bắt đầu nhìn vào bản thân nó. Và khi bạn bè làm tổn thương thì nó thực sự đau khổ. Lạ thay, những đứa trẻ ấy thường khôn trước tuổi, nếu nó ngoan thì nó cực kỳ bản lĩnh, ý chí, hơn người.

Mẹ cháu có thể không ở dạng phụ nữ muộn màng nên phải nhắm mắt “yêu” gã nào đó một đôi lần để xin giống. Mẹ cháu sinh cháu lúc mẹ 27 tuổi, chắc mẹ và bố có một trục trặc cơ bản, ví như bố đang có gia đình riêng chẳng hạn. Mẹ khổ, mẹ đau và mẹ từng phải lựa chọn bước ra ánh sáng với cái giá dư luận hay là sống trong bóng tối, vì vậy mà mẹ bảo mẹ đau đầu nhiều rồi, đừng xới lên nữa. Mẹ rất nết na nên mới nuôi con một mình cho đến lúc con gái vào đại học.

Mấy chục năm trời chứ ít đâu. Cũng nhờ mẹ có đức nên mẹ đã gặp một người chồng hợp tình hợp cảnh (người đó lớn hơn mẹ cháu khoảng 20 tuổi), khoảng cách ấy không sao cả. May là ông ấy không có con đẻ nên cháu đã được thương yêu trọn vẹn. Có hậu vận nào tốt hơn nữa chứ.

Cô biết tình cảm tìm bố nó mãnh liệt, day dứt ở những người có học. Nhưng sao nhất thiết phải là lúc này? Như lý trí cháu mách bảo, sẽ có đến mấy hậu quả cho việc này. Vả lại, hãy dám nghĩ rằng, các ông bố thường rất kém trách nhiệm, nhìn vào giống đực ở muôn loài thì biết. Bố đẻ cũng đâu có tha thiết tìm cháu, ấy là chưa nói đến góp để nuôi cháu. Đừng quá tẩn mẩn máu chảy ruột mềm, hãy “tây” hơn trong quan niệm này.

Rồi sẽ đau buồn hơn khi bố hạnh phúc hoặc bất hạnh, sẽ luôn muốn thế này thế kia. Hãy an lòng, để khi bố dượng khuất núi đã. Hãy nghe mẹ, nếu mẹ nhất quyết không muốn cho biết thì nên tôn trọng điều thiêng liêng đó. Hãy nâng niu không khí tuyệt vời giữa hai nhà, bên mình và bên chồng, không ích gì chuyện cứ xới tung lên. Nếu sau này cháu tìm ra và bố đã yên mồ thì cũng là cái phần của ông ấy, ông ấy phải có giá trong chuyện gieo một đứa con mà vô tích sự và vô trách nhiệm như thế chứ.

Viết nhật ký là một chuyện, làm cho mẹ đau khổ thêm là một việc mà cháu cần phải cẩn trọng đấy nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất