| Hotline: 0983.970.780

Không ở đâu, người dân cứ 'thích' là mở trại nuôi lợn như ở Việt Nam

Thứ Tư 26/04/2017 , 08:30 (GMT+7)

 GĐ Cty Cổ phần Thức ăn chăn nuôi Thái Dương (Hưng Yên) nhấn mạnh: Không ở đâu, người dân hễ có đất, có tiền là mở trại nuôi lợn như ở nước ta.

* 3 giải pháp “giải cứu” chăn nuôi lợn

“Bắt bệnh” về tình trạng thịt lợn Việt Nam… rẻ nhất thế giới suốt nhiều tháng qua, ông Lê Quang Thành, GĐ Cty Cổ phần Thức ăn chăn nuôi Thái Dương (Hưng Yên) nhấn mạnh: Không ở đâu, người dân hễ có đất, có tiền là mở trại nuôi lợn như ở nước ta.

17-03-56_z300-nguoi-chn-nuoi-60
Ông Lê Quang Thành, GĐ Cty Cổ phần Thức ăn chăn nuôi Thái Dương (Hưng Yên)

Theo ông Thành, hệ lụy của sự tự do thái quá này đang đẩy ngành chăn nuôi lợn vào tình trạng hỗn loạn, thừa thịt lợn nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh chúng ta chưa thể mở cửa để XK.

Ông Thành cho rằng, một trong những giải pháp cấp bách mà chính quyền các cấp cũng như ngành chăn nuôi cần phải ra tay chấn chỉnh ngay để cứu chăn nuôi lợn, đó là phải kiên quyết dẹp bỏ các trại lợn nhỏ lẻ, tự phát, không được cấp phép.
 

Gà lỗ thì nuôi lợn, lợn lỗ lại sang gà!

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, năm 2016, chưa kể các trang trại nhỏ, riêng trang trại vừa và lớn đã tăng tới 23%, đưa tổng sản lượng lợn hơi cả nước lên con số trên 6 triệu tấn. Con số này một phần cho thấy, chỉ sau vài năm trước đó lợn có giá, đã có tình trạng người dân ồ ạt đổ xô vào nuôi lợn. Ít thấy ở đâu, người chăn nuôi lại “linh hoạt” như tại Việt Nam. Nghĩa là cùng một chuồng trại, lúc lợn rẻ thì chuyển sang nuôi gà, lúc gà rẻ lại chuyển sang nuôi lợn.

Thực tế qua nắm bắt trong năm 2016, đã có hàng loạt trang trại trước đây vốn là nuôi gà, tuy nhiên khi thấy lợn có giá đã cải tạo chuồng, chuyển sang nuôi lợn. Đó là chưa kể hàng loạt trại nuôi lợn mới đã được mở ra.

Ở các nước có chăn nuôi lớn, trong đó có chăn nuôi lợn phát triển, mọi hoạt động của các trang trại đều phải có giấy phép. Ngoài giấy phép kinh doanh, đảm bảo điều kiện môi trường, còn phải được đăng ký và giám sát về số lượng tổng đàn. Các trang trại cũng đều là thành viên của hiệp hội.

Hiệp hội có vai trò điều tiết chung về thị trường và sản lượng đầu vào, khi giá hạ, họ có thể chọn giải pháp cấp đông để chờ giá lên, đồng thời giao chỉ tiêu cho các thành viên một lộ trình cắt giảm số lượng. Khi giá lên, họ có thể điều tiết cụ thể là sẽ tăng thêm đàn nuôi bao nhiêu…

Trong khi đó, chăn nuôi lợn ở Việt Nam tuy quy mô tổng đàn rất lớn, nhưng lại không có hiệp hội đúng nghĩa, còn số lượng các “hội viên” thì khó mà có thể biết được bao nhiêu, bởi họ tham gia vào chăn nuôi lợn lúc nào không ai biết, mà rút lui lúc nào cũng chẳng ai hay!

Có một nghịch lí, mặc dù hiện nay chúng ta cũng đã có nhiều quy định về điều kiện chăn nuôi, ví dụ trang trại phải cách xa khu dân cư bao nhiêu, đảm bảo vệ sinh thú y thế nào, đảm bảo điều kiện môi trường ra sao… Tuy nhiên nhìn chung, hệ thống luật pháp để giám sát, quản lí chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng chỉ dừng lại ở DN mà thôi.

Trong khi các DN chăn nuôi hiện nay khi triển khai xây trang trại, tính sơ sơ phải có khoảng vài chục cái giấy phép thì người dân muốn chăn nuôi, thậm chí quy mô hàng nghìn con lợn lại chẳng phải cần giấy phép gì. Nghĩa là khi lợn có giá, ai có tiền, có đất thì xây chuồng nuôi lợn.

17-03-56_cn21
Đã tới lúc chăn nuôi lợn phải được kiểm soát có điều kiện

Điều này không những khiến cơ quan quản lí nhà nước về chăn nuôi không thể nắm được chính xác về tổng đàn cũng như biến động số lượng trong từng thời kỳ, mà nguy hại nữa là khiến nguy cơ về dịch bệnh, môi trường ngày càng nguy hiểm.

Chúng ta đang dính vào một vòng loay hoay: Điều kiện nuôi dễ quá nên số lượng trang trại bung ra. Trang trại bung ra thì dịch bệnh lại càng khó kiểm soát. Mà không kiểm soát được dịch bệnh thì không đàm phán được các hiệp định thú y để XK được, khiến sản phẩm chăn nuôi lại càng rẻ.
 

Cấp đông 4 triệu con, sẽ “giải cứu” được giá lợn?

Trên thị trường quốc tế thời gian qua, trong khi giá lợn hơi tại châu Âu vẫn ổn định ở mức 153 euro/con 100kg (tương đương khoảng 36-37 nghìn đồng/kg) thì giá lợn hơi Việt Nam nhiều tháng qua đã xuống dưới 20 nghìn đồng/kg, chủ yếu do cung vượt cầu quá lớn.

Năm 2016, với tổng đàn lợn thịt thường xuyên có mặt khoảng 26-27 triệu con, lượng lợn thịt xuất ra thị trường vào khoảng hơn 52 triệu con/năm. Nếu nhân với trọng lượng xuất chuồng bình quân khoảng 100 kg/con, cả nước đã có trên 4 triệu tấn thịt lợn xẻ. Nếu chia cho tổng quy mô dân số cả nước khoảng 94 triệu người, thì bình quân sản lượng thịt xẻ/người đã lên tới hơn 41 kg/người/năm!

Trong khi đó, mức tiêu thụ bình quân thịt lợn/người của thế giới hiện nay của các nước tiêu thụ nhiều thịt lợn chỉ khoảng 35 kg/người/năm, của Việt Nam chỉ ước vào khoảng 25 kg/người/năm. Như vậy hiện cả nước đang thừa ít nhất khoảng 30%, thậm chí 40% tổng sản lượng thịt lợn, khiến giá rớt thê thảm, đặc biệt là trong khi các nguồn cung thực phẩm khác như thủy sản, thịt gia cầm… cũng đang tăng rất mạnh, khiến tiêu thụ thịt lợn trong nước càng thêm áp lực.

17-03-56_cn22
Tính toán theo lý thuyết, mỗi tháng cả nước thừa ra khoảng 1,2 triệu con lợn cần giết thịt để cấp đông. 

Trong bối cảnh chúng ta chưa thể XK, thời gian tới, nhà nước cần phải triển khai ngay một số giải pháp để nâng giá trở lại cũng như đưa chăn nuôi lợn vào guồng máy hoạt động bền vững, trong đó, giải pháp cấp đông thịt lợn là khả thi nhất. Hiện nay, chỉ cần huy động 1-2 DN lớn nhất trong ngành chăn nuôi, hỗ trợ họ cơ chế giết mổ để cấp đông thịt lợn là sẽ cứu được tình hình.

Đây là giải pháp mà các quốc gia chăn nuôi và XK thịt lợn lớn trên thế giới như Mỹ, EU đều áp dụng như là phương án tạm trữ. Với quy mô lợn xuất ra thị trường hiện nay khoảng 52 triệu con/năm, đem chia cho 12 tháng thì mỗi tháng có 4,3 triệu con xuất chuồng. Với cách tính lấy tỉ lệ thịt lợn dư thừa khoảng 30% tổng sản lượng thị trường, nghĩa là mỗi tháng cả nước thừa ra khoảng 1,2 triệu con lợn cần giết thịt để cấp đông.

Nếu chúng ta hỗ trợ DN thu mua để cấp đông mỗi tháng 1,2 triệu con này trong 3 tháng liên tục (tương đương 4 triệu con), tính ra sẽ tương đương với khoảng 312 nghìn tấn thịt xẻ. Đây là con số mà các DN lớn hiện có thể đảm đương được và có thể giúp giá lợn trên thị trường cân bằng trở lại sau 3 tháng.

Đi đôi với cấp đông, giải pháp thứ hai, đó là phải song song “lập lại trật tự” chăn nuôi lợn ngay lập tức. Theo đó, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương phải quyết liệt ra quân, kiên quyết dẹp bằng được các trang trại chăn nuôi lợn tự phát, trước hết là nằm trong khu dân cư, không có xử lí chất thải, chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép đầy đủ về điều kiện chăn nuôi theo quy định. Nếu làm được điều này, ước tính ít nhất cũng giảm được 1/3 tổng đàn lợn so với hiện nay, đồng thời giải quyết được các hệ lụy khác.

Cuối cùng, để hạ quy mô tổng đàn cả nước, phải rút bớt đàn nái. Theo đó, cơ sở SX giống không có chứng nhận thì kiên quyết dẹp bỏ. Lợn đực giống đi nhảy trực tiếp cũng thế, không đủ tiêu chuẩn thì phải dẹp hết. Đây vừa là mũi tên để giảm nguồn cung lợn con trong thời gian tới, cũng đồng thời để tái cơ cấu cho ngành.

“Nếu không thể tìm đường XK được thịt lợn mà chỉ tiêu thụ trong nước, cứ cho trung bình tiêu dùng thịt lợn/người tới đây là 30 kg/người/năm, nhân với 94 triệu người, sẽ chỉ cần 2,8 triệu tấn thịt xẻ, tương đương khoảng 18 triệu con lợn thịt thường xuyên có mặt là đủ cho nhu cầu trong nước. Nghĩa là muốn giữ giá, phải giảm 8-10 triệu con lợn thịt so với quy mô tổng đàn hiện nay.

Với quy mô 18 triệu lợn thịt có mặt, chỉ cần đẩy năng suất sinh sản của nái lên 30 con/năm/nái, chúng ta chỉ cần khoảng 1,2 triệu con lợn nái là cùng, chứ không cần tới 4,2 triệu nái, lãng phí mỗi năm 3.000 – 5.000 tỉ đồng/năm như hiện nay”. - Ông Lê Quang Thành nói.

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.