| Hotline: 0983.970.780

Không phải để lấy thành tích

Thứ Sáu 05/09/2014 , 08:27 (GMT+7)

Lúc đầu xuất hiện tư tưởng xây dựng NTM là cán bộ thích, là cách để cán bộ lấy thành tích nhưng thực tế bắt tay vào làm mới thấy vất vả, va chạm. 

Dù là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM nhưng khi trao đổi với Báo NNVN về vấn đề này, Giám đốc Sở NN - PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ (ảnh) vẫn bảo có nhiều chuyện cần phải làm trong thời gian tới.

Xây đã khó, giữ còn khó hơn

Nhiều người dân và lãnh đạo cơ sở lo ngại là sau khi địa phương mình được công nhận đạt chuẩn NTM, Nhà nước sẽ đầu tư ít hơn khiến họ khó giữ được các tiêu chí?

Đấy là tâm lý có thật! 19 tiêu chí NTM trong đó khó khăn nhất là cơ sở vật chất thì đã được đầu tư. Đường có rồi, trường học có rồi, trạm y tế có rồi, tất cả đã có rồi chỉ còn mỗi chuyện giữ thôi. Nếu sử dụng, duy tu, bảo quản tốt, cơ sở vật chất ấy phải được vài ba chục năm nữa. Kinh phí để duy tu, bảo dưỡng chúng lại không phải nhiều.

Nhiệm vụ chính bây giờ là SX để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân lên. Để phát triển SX, vừa qua Hà Nội đã tập trung cho công tác dồn điền đổi thửa. Hiện tại, các hộ chỉ có một đến hai thửa ruộng nên dễ dàng đưa những tiến bộ kỹ thuật mới như mạ khay, cấy máy vào áp dụng…

Thành phố đang tiếp tục có những chính sách khuyến khích phát triển SXNN như Nghị quyết 25 hỗ trợ cho các vùng chuyên canh tập trung, như các chương trình hoa, cây ăn quả, lúa hàng hóa, cải tạo phát triển chè…

Đời sống của một bộ phận dân vùng sâu, vùng xa của Hà Nội còn thấp, vậy theo ông giải pháp nào để cân bằng phát triển nông thôn vùng cận đô thị và những vùng sâu?

Trong xây dựng NTM, thành phố đã có chủ trương quan tâm, hỗ trợ cơ sở vật chất nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông cho các xã vùng sâu, vùng xa để các địa phương này có điều kiện thuận lợi cho phát triển SX.

 Ngành nông nghiệp cũng đang nghiên cứu những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa lý của từng huyện, từng xã để đưa vào chuyển đổi cơ cấu.

Tuyên truyền rất quan trọng

Định hướng trong việc xây dựng NTM sắp tới của Hà Nội là gì?

Hiện Hà Nội đã có 50 xã đạt chuẩn NTM, chúng tôi định hướng đến hết 2015 sẽ đạt 160 xã (dự tính năm 2014 sẽ đạt 62 xã, còn lại sẽ đạt trong năm 2015).

Việc xây dựng NTM có thuận lợi là được lãnh đạo thành phố rất quan tâm, điều hành, họp, giao ban, kiểm tra sát sao. Còn khó khăn nhất vẫn là vấn đề kinh phí. Các huyện gần như không có kinh phí, còn các xã thì chỉ trông vào nguồn đấu giá đất nhưng giờ đất rẻ, đấu giá khó khăn.

Một bộ phận nhân dân, cán bộ vẫn còn tư tưởng ỷ lại trong xây dựng NTM, “bệnh” đó do đâu?

Thực tế, từng là lãnh đạo một huyện, tôi hiểu tâm lý ấy. Dân trông chờ vào xã, xã trông chờ vào huyện, huyện trông chờ vào thành phố.


Ban đầu ai cũng nghĩ xây dựng NTM là được đầu tư tiền nhiều nhưng trong quá trình thực hiện Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần qua ngân sách thành phố, huyện, xã (Ảnh minh họa)

Sau khi Hà Nội quán triệt tinh thần xây dựng NTM là phải huy động cộng đồng tham gia, sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ tập trung vào phần khó khăn nhất là kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng. Hỗ trợ này được phân cấp rất rõ ràng, cấp nào quản lý, cấp nào đầu tư thì tâm lý ấy dần ít đi.

Thực ra, xây dựng NTM nhân dân đóng góp chủ yếu là ngày công lao động, nếu có đóng góp vật chất thường là hiến đất làm đường làng, ngõ xóm còn góp xây dựng con đường liên thôn, xây nhà văn hóa, xây trường học rất ít.

Ông đánh giá ra sao về vai trò của tuyên truyền trong xây dựng NTM?

Để biến người dân từ thụ động sang chủ động trong quá trình xây dựng NTM thì những loại phương tiện truyền thông như truyền hình, báo, đài các cấp rất quan trọng.

Ngoài ra, chúng tôi phải tổ chức hội thảo tuyên truyền về NTM từ đội SX đến thôn, xóm. Chúng tôi họp dân lại để nói cho họ hiểu được bản chất NTM là gì và xây dựng NTM bằng cách nào. Xây dựng NTM là cho chính người dân thụ hưởng chứ không phải là cho cán bộ.

Từ hiểu bản chất, dân sẽ góp công, góp của, đồng thuận mà làm.

Một số lãnh đạo cơ sở hiện nay không hào hứng với NTM, thậm chí nghĩ rằng làm NTM chẳng khác gì mua dây buộc mình nhất là trong công cuộc dồn điền đổi thửa?

Lúc đầu xuất hiện tư tưởng xây dựng NTM là cán bộ thích, là cách để cán bộ lấy thành tích nhưng thực tế bắt tay vào làm mới thấy vất vả, va chạm. Như dồn điền đổi thửa, gia đình cán bộ đang có ruộng gần, ruộng tốt, anh em họ hàng đang tự ý đào ao, thả cá rồi chuyển đổi lung tung nay dồn đổi lại sẽ thiệt thòi nên có chống đối.

Đó là chưa kể một số cán bộ khuất tất, vụ lợi, không công khai, dân chủ trong việc thực hiện, còn chỗ nào công khai, minh bạch thì dân ủng hộ ngay. Bản thân đội ngũ cán bộ từ thôn, xã trở lên những ai không tích cực trong việc xây dựng NTM ở địa bàn mình thì nên thay.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.