| Hotline: 0983.970.780

Không sản xuất, giữ đất làm gì?

Thứ Năm 23/08/2012 , 10:13 (GMT+7)

Khảo sát của PV NNVN tại tỉnh Thái Nguyên, thấy thực trạng quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông lâm trường quốc doanh cũng không hề khả quan hơn.

Khảo sát của PV NNVN tại tỉnh Thái Nguyên, thấy thực trạng quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông lâm trường quốc doanh cũng không hề khả quan hơn.

>> Tranh chấp quyết liệt
>> Giao dịch tiền tỷ bằng… giấy viết tay
>> Mua đất nông trường dễ như mua rau!

Đất quốc doanh thành... nhà hàng

Thông qua Trung tâm giao dịch bất động sản (BĐS) nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TP Thái Nguyên, tôi gặp Thao, một thanh niên khá sành sỏi trong lĩnh vực môi giới BĐS. “Anh mua đất mục đích để làm gì?”. Thao hỏi ngay khi tôi vừa ngỏ ý tìm mua đất. “Trang trại!”, tôi đáp.

 Ngay lập tức Thao phác họa cho tôi cơ bản những loại hình đất trang trại ở Thái Nguyên. Muốn lập trang trại tựa như dinh thự nhỏ, vừa để ở lại có vườn cây, ao cá, xung quanh có khu dân cư thì nên mua đất ở Phúc Xuân, Phúc Trìu, Phúc Thuận. Khu vực này có thể mua diện tích trên dưới 1 ha với giá xấp xỉ 1 tỉ.

Còn muốn trang trại có quy mô lớn hơn, rộng tới vài ha phải tìm ở các huyện. Tuyến Phổ Yên gần Hà Nội hơn, tuyến Đồng Hỷ lại gần TP Thái Nguyên, tùy theo nhu cầu để chọn lựa. “Nhưng làm trang trại phải gần nguồn nước. Hiện tại em đang có một trang trại rộng 5 ha ở ven bờ suối, thuộc Nông trường Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ có đường bê tông vào đàng hoàng”, Thao nói.

Có vẻ như nghề nghiệp đã giúp Thao đón biết được sở thích của từng khách hàng nên chỉ vài ba câu chuyện là cậu ta đã “đưa” chúng tôi vào đúng quỹ đạo. Chúng tôi vượt qua cầu Gia Bảy, thị trấn Nông trường Sông Cầu (nay là thị trấn Sông Cầu) nằm cách trung tâm TP Thái Nguyên chừng 15 km. Mảnh đất mà Thao giới thiệu là một khoảng đồi rừng rộng bát ngát, một bên là khe suối lượn vòng trông khá thơ mộng.

Ở diện tích tiếp giáp với mặt đường, khu đất đã quy hoạch một khoảng rộng chừng hơn ngàn m2 với tường rào bao quanh để làm nơi chăn thả lợn rừng. Phần đồi phía trong xấp xỉ khoảng 5 ha cũng đã được che phủ bằng rừng keo 4 năm tuổi. Theo lời của Thao thì nguồn gốc đất này vốn là đồi chè nhận giao khoán theo NĐ01 với Cty Chè Sông Cầu nhưng do chè đã cằn cỗi nên Cty cho phép chuyển đổi để trồng rừng.

Mảnh đất được Thao phát giá 2 tỉ đồng nhưng giấy tờ pháp lý chỉ là bản Hợp đồng giao khoán. Thấy tôi ngập ngừng lo ngại, Thao lập tức trấn an: “Anh yên tâm đi, người ta mua bán như thế này nhiều lắm rồi. Khi giao dịch còn phải xin chứng nhận của Cty Chè, rồi thông qua UBND thị trấn nên không phải ngại. Còn muốn chuyển đổi mục đích hay xây dựng thì cứ thoải mái. Ở đây không giống như Hà Nội, chỉ lo anh không có tiền xây thôi”.


Nhà hàng tọa lạc trên đất nông trường chè Sông Cầu

Nói rồi Thao lại lôi chúng tôi đến trước một khu “Vui chơi tổng hợp” nằm ngay đầu đường dẫn vào thị trấn để chứng minh rằng đất ở nông trường có thể xây dựng mà không vấp phải trở ngại gì. Nơi này nhìn xa có vẻ giống như một dinh thự của một đại gia nào đấy với hệ thống các công trình nhà cửa kiên cố, sân vườn, bể bơi… nhưng ở cổng chào lại cắm biển hiệu Cty TNHH Thiên Minh: Nhà hàng đặc sản đồng quê, bể bơi, thể dục thẩm mĩ và kiêm luôn cả photo, vi tính, chụp ảnh thẻ, ép plastic.

Đi thêm một đoạn nữa, tới trước cổng Cty Chè Sông Cầu nhà hai tầng, ba tầng mọc lên san sát, Thao vung tay chỉ: “Cả dãy này toàn là nhà cán bộ của Cty chè. Họ xây được thì mình cũng xây được, có sao đâu”.

Tại UBND thị trấn Sông Cầu, nơi có thể kiểm soát, nắm bắt toàn bộ những giao dịch BĐS hay chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên địa bàn. ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch thị trấn Sông Cầu thừa nhận vẫn có những hoạt động chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích sử dụng đất diễn ra tại địa phương nhưng cho tới nay gần như toàn bộ thị trấn Sông Cầu vẫn đang nằm trên đất của Cty Chè Sông Cầu nên hầu hết các hoạt động liên quan đến lĩnh vực đất đai tại địa phương đều do Cty Chè Sông Cầu quyết định.

Trên thực tế, đất sản xuất của Cty đều đã giao khoán cho các hộ và trong những năm gần đây để tạo điều kiện cho nhân dân làm ăn phát triển kinh tế chính sách của Cty đối với việc sử dụng đất cũng tương đối “mở”. Ví như người nhận khoán có thể phá bỏ chè trung du chuyển sang trồng chè cành, thậm chí dân đăng kí chuyển đổi trồng rừng cũng được, miễn sao là đạt hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, cũng theo ông Khôi thì người dân ở thị trấn Sông Cầu vẫn chưa đủ điều kiện để dốc toàn bộ tâm huyết vào đầu tư làm ăn bởi dù gì họ vẫn đang canh tác trên đất “mượn” của Cty Chè.

Nếu nay có một DN vào xin đất, mai lại có một DN khác vào xin đất thì bao nhiêu công sức của dân sẽ đổ xuống sông, xuống biển. Như việc trại lợn Bắc Sông Cầu đầu tư về đây chẳng hạn, người dân địa phương đâu muốn mất đi phần diện tích chè mà họ đã dày công chăm sóc? Nhưng quyết định thu hồi đất có rồi thì không thể cưỡng lại được. Ít nữa chỉ cần có thêm DN tư nhân nào đó mà xin được chủ trương của Tổng Cty Chè, đơn vị trả đất về cho tỉnh, rồi tỉnh ra quyết định giao đất cho DN thì lúc ấy dân lại khổ.

Cho nên cách tốt đất vẫn là trả lại đất về cho dân. Có sổ đỏ rồi, khi ấy DN tư nhân nào muốn vào đương nhiên sẽ phải đền bù cho dân theo giá thỏa thuận. Cứ theo cách lý giải của ông Khôi và liên hệ với hình ảnh Cty TNHH Thiên Minh đang tọa lạc trên vị trí đắc địa nhất của thị trấn, tôi hiểu rằng Thao nói đúng. Ở đây, trên mảnh đất “quốc doanh” này, điều gì cũng có thể xảy ra.

Doanh nghiệp để hoang, dân phủ kín

Tạm chia tay với “chuyên gia” cung ứng đất trang trại, chúng tôi tiếp tục tìm vào Cty Ván dăm Thái Nguyên, đơn vị đang nắm quyền quản lý tới 13.065 ha đất nguyên là rừng sản xuất của Lâm trường Đồng Hỷ và Lâm trường Phú Bình, tỉnh Bắc Thái cũ.

Theo ông Trần Văn Tùng – Phó GĐ Cty, nhiều năm qua Cty vẫn phải phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để giải quyết những mâu thuẫn tranh chấp đất đai đặc biệt đối với những loại đất có yếu tố “lịch sử” để lại. Trong một số trường hợp chính quyền xã cũng không giải quyết được vì việc tranh chấp không xảy ra trên đất xã quản lý nên lại chuyển về Cty, bất đắc dĩ cán bộ Cty lại phải làm công tác “hòa giải” của phường, xã.

 Nhưng có lúc, chính Cty cũng vấp phải trở ngại với chính quyền địa phương trong quản lý sử dụng đất. Do ranh giới đất không rõ ràng nên việc xác định quyền sở hữu tài sản trên đất thường gặp khó khăn gây thiệt hại cho Cty cũng như thiệt hại cho người được giao khoán. Việc này một phần nguyên nhân do “lịch sử” chia tách, sáp nhập nhiều lần, công tác chuyển giao, tiếp nhận có nhiều thiếu sót nên hệ quả là những tranh chấp đất đai diễn ra triền miên.

Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao lại để hàng chục, hàng trăm nghìn ha đất vẫn thuộc quyền quản lý của các công ty (nông lâm trường trước đây) trong khi chính các đơn vị này không thể khai thác sử dụng hết?

Như ở xã Liên Minh, huyện Võ Nhai chẳng hạn. Trong hai năm 2009-2010, xã Liên Minh liên tục cấp phép cho ông Trần Văn Ngự, một công dân trên địa bàn, khai thác gỗ tại lô 2, khoảnh 3, tiểu khu 409b. Cty Ván dăm TN thì khẳng định khu vực này thuộc rừng nguyên liệu của Cty nhưng theo xã Liên Minh đây là diện tích thuộc quyền quản lý của xã. Bởi vậy, mới dẫn đến tình trạng Cty phản đối thì cứ việc phản đối còn xã vẫn cứ tiếp tục cấp phép cho ông Ngự khai thác gỗ rừng trồng.

Không chỉ nhập nhằng ở ranh giới đất mà địa phương còn cấp sổ đỏ chồng lên hẳn diện tích đất Cty được giao quản lý. Ông Tùng cho biết, trong thời gian qua UBND huyện Đồng Hỷ đã cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho 317 hộ ở hai xã Khe Mo và Văn Hán làm mất đi gần 500 ha đất sản xuất của Cty. Cũng tại hai xã này, huyện Đồng Hỷ còn ra QĐ 857 giao đất rừng cho 227 hộ, tiếp tục lấy thêm 353 ha. Huyện giao đất chưa hết, lại còn xã cũng giao đất giao rừng bằng sổ lâm bạ nên Cty bị mất 367 ha nữa. Như vậy, chỉ riêng trên địa bàn 2 xã Văn Hán và Khe Mo, Cty đã bị lấn mất trên 1.000 ha rừng.

Việc mâu thuẫn, tranh chấp đất giữa Cty Ván dăm Thái Nguyên với người dân hay chính quyền cơ sở chỉ là hiện tượng giúp ta thấy rõ một quy luật đó là ở bất cứ nơi đâu người nông dân cũng không bao giờ để đất hoang phí. Tiếng là đất lâm trường nhưng thấy để hoang hóa thì họ vào trồng rừng, sau đó chính quyền hợp thúc hóa cho. Nói chung, nhu cầu sử dụng đất của nhân dân rất lớn trong khi các DN được giao quản lí đất lại để lãng phí nhiều ngàn ha, có bị dân "lấn" cũng đáng.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất