| Hotline: 0983.970.780

Không thấy cuộc sống người lao động đâu cả

Thứ Tư 21/05/2014 , 16:53 (GMT+7)

"Không chỉ riêng nông thôn, phim ảnh VN bây giờ không thấy cuộc sống của người lao động đâu cả." - đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ với NNVN.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh dành cho Báo NNVN cuộc trò chuyện về  tình hình điện ảnh nước nhà, về sự xuống cấp, lai căng, học đòi của đa số phim ảnh VN bây giờ.

Những quan điểm của ông có thể gây tranh luận nhưng rõ ràng đó là ý kiến tâm huyết của một người gắn bó cả đời với điện ảnh và đã giành được những thành tựu không thể phủ nhận.

Bắt chước

Điện ảnh VN dường như đang ở thời thịnh của những thể loại phim lai căng bắt chước phim nước ngoài... Đời sống nông thôn, nơi vẫn chiếm đa số người dân Việt gần như biến mất. Vì sao thế, thưa ông?

Không chỉ riêng nông thôn, phim ảnh VN bây giờ không thấy cuộc sống của người lao động đâu cả.

“Thượng đế” của điện ảnh VN là ai?

Trước hết nhà báo hãy đến một số rạp ở Hà Nội để nhìn những “thượng đế” của điện ảnh bây giờ. Khán giả của điện ảnh VN bây giờ là ai? Đó là một bộ phận thanh thiếu niên con nhà giàu ở thành thị thích học đòi theo lối sống ngoại quốc. Chính tầng lớp đó đang là thượng đế của điện ảnh VN ngày nay vì họ có tiền. Các nhà làm phim đang chạy theo tầng lớp thượng đế đó vì họ cần tiền.

Đối với những nhà sản xuất phim hiện nay làm phim là để kinh doanh. Đã là kinh doanh thì ắt phải tìm hiểu thị hiếu của khách hàng, xem các thượng đế thích chuyện gì. Đó là những chuyện trong giới showbiz, giới đại gia, chân dài, ở nhà biệt thự, đi xe hơi “khủng”... Tóm lại là cuộc sống hưởng thụ của giới nhà giàu.

Giả sử có nhà sản xuất nào nảy ý ra định mời các đạo diễn đang làm phim phục vụ cho thượng đế đó, thực hiện một tác phẩm về đề tài nông thôn thì họ cũng giơ tay xin hàng. Tại vì làm nghệ thuật là phản ánh thực tế mà mình đang sống.

 Môi trường sống của đội ngũ đạo diễn đang làm mưa làm gió trong điện ảnh bây giờ là thế giới showbiz, là các ca sĩ, các đại gia... Họ chẳng có gắn bó gì với nông thôn để mà phản ánh trên phim. Môi trường sống mà họ trải nghiệm là như vậy nên họ phản ảnh trên phim cuộc sống như vậy là điều dễ hiểu.

Có người nói tuy phim họ nhảm nhí nhưng họ có tay nghề. Nhiều người ngộ nhận điều đó, còn tôi, với con mắt của người trong nghề thì thấy họ chẳng có tay nghề gì hết. Họ chỉ học được một vài thủ pháp, kỹ xảo của nước ngoài (nhiều kỹ xảo bây giờ có thể download từ trên mạng xuống dễ dàng). Nếu gọi đó là nghề thì đó là nghề bắt chước.

Bói không ra bản sắc dân tộc

Thưa ông, điện ảnh là phản ánh cuộc sống, nhưng điện ảnh cũng là môn nghệ thuật định hướng cuộc sống. Chúng ta đã có Nghị quyết 5 của TƯ vì một nền văn hóa hội nhập, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đó thôi?

Nghị quyết 5 của Đảng đề ra mục tiêu phấn đấu cho văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng là tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập với thế giới. Nhưng nếu nhìn diện mạo điện ảnh VN bây giờ, thậm chí kể các bộ phim đoạt giải thưởng Bông Sen vàng, Cánh Diều vàng... cũng không bói đâu ra bản sắc dân tộc, bói cũng không ra tiên tiến ở đâu.

Đã bắt chước thì làm sao gọi là tiên tiến, làm sao gọi là đậm đà bản sắc được? Còn chuyện hội nhập thì từ khi điện ảnh chúng ta lao theo con đường lấy lợi nhuận làm mục đích thì thế giới quên điện ảnh VN rồi.

Thế giới không quan tâm đến những bộ phim mà báo chí tung hô trong vòng 10 ngày thu hơn 50 tỷ đồng. Tôi giật mình nhận ra rằng, trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, các LHP trên thế giới quay lưng với điện ảnh VN. Ngay cả LHP Fukuoka, một LHP rất thân thiết với điện ảnh VN lâu nay không mời một phim VN nào nữa.

Tóm lại, những tiêu chí mà điện ảnh VN phấn đấu như: tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hội nhập với thế giới chỉ là những lời nói suông.

Chúng ta cũng có Luật Điện ảnh và ai là những người phải chịu trách nhiệm khi điện ảnh xuống cấp, thưa ông?

Đúng là trong lĩnh vực nghệ thuật chỉ điện ảnh là có luật - Luật Điện ảnh. Nhưng như tôi đã từng nói với một vị quan chức trong nghành điện ảnh rằng, nó không khác gì một sự mở đường, làm bệ phóng cho bức tranh hỗn loạn của điện ảnh mà chúng ta đang nhìn thấy ngày hôm nay.

Bộ luật đó đã đánh đồng tất cả các phim giáo dục truyền thống, phim nghệ thuật, phim thị trường, phim hài, phim ma, phim kinh dị... đều chịu thuế doanh thu 5% như nhau. Không có sự khuyến khích ưu tiên cho một loại phim nào, không có sự phân biệt để hạn chế bớt loại phim nào.

Ngoài ra còn có một quy định cực kỳ nguy hiểm: Bất cứ ai có rạp trong tay đều có quyền nhập phim nước ngoài về. Đó là một kẽ hở rất lớn làm cho thị trường điện ảnh nhiễu loạn như hiện nay.

Tôi không hiểu những người có trách nhiệm nghĩ gì khi đặt bút ký cho phép phim nước ngoài tràn vào VN không giới hạn về số lượng, không có hàng rào thuế quan. Mỗi quốc gia đều có một cơ chế để bảo vệ nền điện ảnh của dân tộc mình, bảo vệ thuần phong mĩ tục, bảo vệ văn hóa của mình.

Trung Quốc với 1,3 tỷ dân chỉ có 2 cơ quan Nhà nước được nhập phim, mỗi năm nhập chỉ 20 phim. Trong khi VN hằng năm nhập trên 140 phim. Những kẽ hở đó trong Luật Điện ảnh đã làm điêu đứng nền điện ảnh nước nhà.

“Điện ảnh Việt Nam hiện nay đang bị một số đại gia, các nhà sản xuất phim đứng đằng sau chi phối. Họ là một thế lực mà các nhà quản lý cũng e dè, nếu không muốn nói là bắt tay với họ. Cũng có những người trẻ, có lương tâm, âm thầm làm những phim nghệ thuật tử tế. Nhưng họ là số ít và cô độc.
Tôi tin rằng, nếu kiên trì theo đuổi cái đích mình đã chọn, các bạn trẻ đó sẽ có ngày làm nên những giá trị mới cho điện ảnh VN. Bản thân tôi, đạt được chút gì trong điện ảnh ngày hôm nay là kết quả của sự kiên trì theo đuổi cái đích mà mình cho là đúng, không bị lung lạc bởi thời cuộc. Những cái gì mà mình không rung động thì không làm, dù có ai đưa một đống tiền đến tận tay”, đạo diễn Đặng Nhật Minh tâm sự.

Cũng nhờ bộ luật đó bật đèn xanh nên việc nhập phim ngoại trở thành một lĩnh vực kinh doanh béo bở vô cùng. Một bản phim chỉ cần bỏ ra mua từ 3.000 đến 5.000 đô la thôi, đem về VN khai thác thu hàng trăm nghìn đô, có khi cả triệu đô là chuyện thường.

Năm 2013, doanh thu phát hành phim (chủ yếu là phát hành phim ngoại nhập) là 57 triệu đô la Mỹ. Dự kiến đến năm 2020 con số đó có thể là 100 triệu đô la mà Nhà nước không được hưởng lợi gì với mức 5% thuế doanh thu như hiện nay. Những nhà phát hành phim nước ngoài đưa tiền lời ra khỏi Việt Nam thoải mái, chẳng có quy định nào ràng buộc.

Ở đâu đồng tiền ngự trị thì ở đó tan nát

Nói như ông thì điện ảnh Việt Nam đang ở thời đại kim tiền. Đó liệu có phải là nguyên nhân khiến chúng ta không thể có được những tác phẩm như "Bao giờ cho đến tháng Mười”, một bộ phim của ông từng gây tiếng vang trên thế giới?

Nhân kỷ niệm 60 năm Điện ảnh VN, có một nhà báo hỏi tôi nên chia điện ảnh VN ra mấy thời kỳ, và mỗi thời kỳ có những đặc điểm gì? Tôi đã trả lời ngay: Điện ảnh VN chỉ có hai thời kỳ: Thời kỳ làm phim không vì tiền và thời kỳ làm phim vì tiền. Làm nghệ thuật với tâm thức vì tiền thì bao giờ mới có được “Bao giờ cho đến tháng Mười”?

Những tác phẩm như “Bao giờ cho đến tháng Mười” là kết quả của sự rung động sâu xa, gắn bó máu thịt với cuộc sống, với xã hội, với đất nước này, với dân tộc này... Còn bây giờ người ta gắn bó máu thịt với tiền là chính.

Và đương nhiên, khi đồng tiền chi phối thì kết quả chắc chắn sẽ cho ra những sản phẩm không làm ai rung động, quan tâm. Thực trạng này sẽ còn kéo dài. Bởi vì nó không phải là bột phát mà là hệ quả của cả quá trình và có hành lang pháp lý làm chỗ dựa. 

Những bộ phim quay lưng với hiện thực, xa lánh đời sống, lai căng bắt chước… nghĩ cho cùng không phạm Luật Điện ảnh. Và những gì luật pháp không cấm thì người ta có quyền làm.

Cuộc sống vẫn không thiếu những chất liệu, những số phận như Duyên trong "Bao giờ cho đến tháng Mười”, như Nhâm, Ngữ... trong “Thương nhớ đồng quê”… nhưng dường như đây là thời kỳ mà người ta khó chia sẻ với những số phận như thế?


Cảnh trong phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" của Đặng Nhật Minh, một bộ phim gây tiếng vang trên thế giới

Muốn có phim nghệ thuật cũng giống như việc gieo hạt giống. Khí hậu phải phù hợp, đừng quá nóng, đừng quá lạnh, đủ độ ẩm thì hạt giống mới có thể nảy mầm. Khí hậu bây giờ đang không phải là lúc mưa thuận gió hòa. Con người đang vô cảm với cuộc sống xung quanh.

Xã hội không có nhu cầu chia sẻ, cảm thông với những số phận của những con người như trong các phim ngày xưa nữa. Nhu cầu điện ảnh ngày nay được hình thành bởi một lớp khán giả có tiền, và phim ảnh chạy theo phục vụ, thỏa mãn thị hiếu của lớp người có tiền đó là chính.

Nhìn ra xung quanh cũng vậy thôi, ở đâu đồng tiền ngự trị thì ở đó tan nát. Một xã hội mà văn hóa đạo đức xuống cấp ắt sẽ sinh ra một nền điện ảnh xuống cấp.

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

HLV Hoàng Anh Tuấn: 'U23 Việt Nam gặp vấn đề về tâm lý'

HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ trong phòng họp báo sau trận, ông chỉ hài lòng về mặt kết quả, còn tinh thần toàn đội căng cứng nên đá không đúng ý đồ.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.