| Hotline: 0983.970.780

Không thấy rừng đâu, chỉ thấy sắn

Thứ Tư 01/06/2011 , 10:49 (GMT+7)

Sau khi người dân Lộc Nam (Bảo Lâm, Lâm Đồng) chấp hành việc giao đất cho BQL RPH La Ngà, đơn vị này lại đi cho người khác thuê để trồng mì.

Điều tra của NNVN cho thấy, sau khi người dân Lộc Nam (Bảo Lâm, Lâm Đồng) chấp hành việc giao đất cho BQL RPH La Ngà, thay vì đơn vị này phải trồng rừng theo đúng chủ trương của tỉnh Bình Thuận thì ngược lại người ta lại đi cho người khác thuê để trồng mì. Có lẽ, rừng trồng ở đây chỉ là “khẩu hiệu” và trồng cho có. 

>> Thu hồi đất rừng để… cho thuê trồng sắn?

Lấy của người này, cho người khác thuê?

Chúng tôi tìm đến phần đất của 47 hộ dân bị thu hồi bàn giao cho BQLR La Ngà để xác minh vụ việc mà người dân tố cáo. Tại khu vực đất của anh Nguyễn Văn Hiền, Trần Công Lý…chúng tôi thấy có nhiều người đang lúi húi trồng sắn thay vì phải được trồng rừng theo đúng quy định của UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo.

Ông Trần Công Lý cho biết: “Phát hiện việc BQLR La Ngà cho người khác thuê trồng sắn trên đất vừa thu hồi của chúng tôi, tôi và anh Hiền liền lập tức làm đơn đại diện cho 47 hộ dân khiếu nại lên UBND tỉnh Bình Thuận, Sở NN-PTNT và UBND tỉnh Lâm Đồng nhờ can thiệp. Thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy các cơ quan này có động thái gì. Người dân chúng tôi bức xúc, thu hồi đất người này sau đó cho người khác thuê lại là dấu hiệu làm trái rõ ràng của BQLR La Ngà”. 

Nhiều người lạ đang vô tư trồng sắn trên đất trồng rừng

Thấy chúng tôi chụp ảnh những người đang trồng sắn trên đất của anh Trần Công Lý, một người đàn ông (sau này mới biết tên là Hoàng), và một phụ nữ từ đất của anh Lý bước tới nhìn bằng ánh mắt hằn học. Thấy vậy chúng tôi hỏi: “Đất đây của anh hay sao mà trồng sắn vậy?” – Không, đất này tôi thuê lại. Hoàng đáp. – “Anh thuê bao nhiêu hécta, thuê bao lâu và nhiêu tiền?” – Hoàng nói: Mấy ông kia đứng ra thuê, tôi đâu có biết giá cả thế nào, nhưng nghe nói là thuê 3 năm. – “Mấy ông là ông nào?” Tôi hỏi - Ông Thu điện tử ở xã Lộc Nam và mấy ông nữa không nhớ. Mấy anh em hùn nhau làm, tôi chỉ biết đi trồng sắn thế thôi. – “Anh có biết ông Thu thuê đất có hợp đồng không?” - Chắc có ông mới kêu tôi xuống làm chứ không thì sao mà dám làm. Ông muốn hỏi thuê hay gì thì hỏi trực tiếp mấy người đi nhổ sắn của dân đó. Tôi không biết, chỉ biết đi trồng sắn thôi. – “Anh không có giấy tờ gì mà đến đất của người khác trồng sắn mà không thấy phi lý à?" – Tôi hỏi. Người đàn ông này liền nói: Tôi biết đất này trước đây là của ông Lý canh tác, nhưng thấy ông Thu bảo tôi đi trồng sắn thì tôi làm thôi.

Người dân bị kẻ lạ mặt công khai vào đất của họ (đã giao cho BQLR La Ngà nhưng không trồng rừng) để trồng mì nên nhiều lần đề nghị những người này đi ra nhưng họ vẫn liều lĩnh và sẵn sàng “ăn thua” nếu người dân nhất quyết phản đối. “Họ vào đất của tôi trồng sắn nhưng tôi không dám đuổi ra vì sợ bị trả thù. Mình nông dân, thân cô thế cô không dám đụng đến họ”- một nông dân nói. 

Mang tiếng thu hồi đất của dân để trồng rừng nhưng “rừng trồng” chỉ lèo tèo vài cây keo đã chết héo

Sau khi trao đổi với Hoàng, chúng tôi được nhiều người dân dẫn đi chỉ hàng loạt phần đất thu hồi để trồng rừng. Rừng đâu chẳng thấy, chỉ thấy người người đi trồng sắn. Giá cả cho thuê như thế nào thì người dân không rõ, nhưng họ chỉ biết thời hạn cho thuê hầu hết là 3 năm. Do đó, việc lấy đất của người này cho người khác thuê đang khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt đại diện cho nhiều hộ dân nói trong tiếng khóc nghẹn: “Chúng tôi không hiểu biết pháp luật nên khi BQLR La Ngà kêu trả lại đất thì chúng tôi trả dù không được hỗ trợ một đồng xu cắc bạc nào và công sức bỏ ra rất lớn. Ngỡ rằng họ thu hồi để trồng rừng nào ngờ họ lại cho người khác thuê lại trồng mì trên chính đất của mình thử hỏi ai không buồn, không xót?”

Chậm chạp giải quyết khiếu nại

Tài liệu điều tra của NNVN cho thấy, ngày 29/4/2009 ông Nguyễn Trọng Kiều, Trưởng BQL rừng phòng hộ La Ngà có công văn số 8 thông báo trồng rừng trên diện tích nương rẫy đã thu hồi tại xã Bắc Ruộng, Tánh Linh, Bình Thuận. Theo công văn này, BQLR cho biết trồng 50ha keo lai giâm hom trên diện tích được UBND Lâm Đồng bàn giao cho tỉnh Bình Thuận. 

Khu vực trồng rừng, số cây đếm được trên đầu ngón tay

Tuy nhiên, quả đúng như người dân tố cáo, ghi nhận của NNVN tại khu vực “trồng rừng” cho thấy dường như việc trồng rừng nơi đây chỉ là hình thức, hoặc trồng cho có. Vì thực tế, trên phần đất này chỉ lèo tèo vài ba cây keo cao chừng 40cm, trong đó có rất nhiều cây bị chết khô còn lại đang được trồng… sắn. Trước tình trạng trên, người dân đã đồng loạt làm đơn gửi Sở NN-PTNT Bình Thuận và UBND tỉnh Bình Thuận tố cáo.

Ngày 12/7/2010 ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận đã có công văn số 1345 cho biết đã chỉ đạo Trưởng BQLR La Ngà kiểm tra lại việc giải quyết đơn khiếu nại của 47 người dân và thực hiện trước ngày 30/7/2010 để Sở theo dõi và báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời, ngày 1/4/2011 vừa qua ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng có buổi làm việc với đại diện 47 hộ dân tại Lộc Nam. Theo đó ông Nguyễn Văn Dũng cho biết giữa tháng 4/2011 UBND tỉnh Bình Thuận sẽ chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan để xem xét giải quyết trên tinh thần đúng pháp luật và quan tâm đến quyền lợi của người dân.

 Lạ thay, đến nay đã gần hết tháng 5/2011 nhưng người dân vẫn chưa thấy được động thái nào của UBND tỉnh Bình Thuận (?). Ông Nguyễn Văn Hiền, đại diện cho các hộ dân có đất bị thu hồi bức bối: “Chúng tôi đã quá mỏi mệt để đi khiếu kiện nhiều năm qua, nhưng dường như người ta đang “vô cảm” trước nỗi đau của người dân. Chúng tôi là nông dân chỉ biết chăm chỉ làm ăn, bây giờ đất của mình bị họ thu hồi rồi thi nhau “xà xẻo” cho người khác thuê, còn chúng tôi không có đất để làm. Chúng tôi chỉ mong UBND tỉnh Bình Thuận và cơ quan hữu trách sớm giải quyết nhanh chóng vụ việc để chúng tôi yên tâm sản xuất và ổn định tình hình xã hội”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.