| Hotline: 0983.970.780

Không thể cấm trồng sắn

Thứ Sáu 15/08/2014 , 13:20 (GMT+7)

Theo ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam (Vicaas) thì lợi nhuận chính là nguyên nhân khiến cây sắn phát triển “nóng” như hiện nay. 

Tại nhiều tỉnh, cả diện tích sắn lẫn nhà máy chế biến đều tăng đột biến, phá vỡ quy hoạch.

Tuy nhiên, ông Lạng cho rằng, ở tầm vĩ mô, các cơ quan quản lí cần nắm rõ nguyên nhân để quy hoạch chứ không nên cấm trồng loại cây có giá trị kinh tế cao này.

Cây siêu lợi nhuận

Ông Lạng cho rằng, cây sắn hiện nay tăng tưởng “nóng” là đúng bởi vì lợi nhuận và điều kiện, tiềm năng SX sắn ở miền núi rất lớn. Người nông dân thì cứ nhìn vào lợi nhuận để làm thôi.

Trong một thời gian ngắn, giá trị XK của cây sắn đã tăng lên 1,6 tỉ USD, từ chỗ 0,8 tỷ USD cách đây có mấy năm. Tốc độ tăng trưởng này là quá nóng, đưa sắn lọt vào “bảng vàng” những cây có kim ngạch XK vượt qua mốc 1 tỷ USD. Đây là con số không nhỏ, đẩy giá trị XK sắn chỉ đứng sau cà phê và gạo. Thậm chí xét về hiệu quả, giá trị gia tăng và lợi nhuận, cây sắn còn vượt mặt hai mặt hàng XK chủ lực này.

Chính vì lợi nhuận mà nông dân và các DN cùng lao vào trồng sắn. Như ở Tây Ninh, người dân chặt cả cây cao su để trồng sắn, đây cũng là tỉnh có số nhà máy sắn nhiều nhất nước, trên 70 nhà máy, thậm chí có xã có 2 nhà máy.

Còn ở Tây Nguyên, nhiều diện tích rừng cũng bị phá đi, thay vào đó là những nương sắn. Từ những năm 2000, khi ông Lạng còn là Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk đã có mấy nhà máy tinh bột sắn, giờ thì sắn lan sang cả Gia Lai, nhất là Kon Tum diện tích và số nhà máy tinh bột sắn tăng phi mã.

Theo ông Lạng, việc phát triển cây sắn thực sự là vấn đề lớn, cần được quan tâm. Bởi về nguyên lý, bản thân cây sắn không có tội gì. Cứ cây trồng nào có lợi nhuận cao là nông dân và DN nhao vào làm. Quả bóng lúc này được đá sang cơ quan quản lý, ở cấp Bộ là hai Bộ NN-PTNT và Công thương; còn cấp tỉnh là UBND tỉnh và các Sở chuyên ngành.

Khi xưa, sắn là cây lương thực, cây tự cung tự cấp nhưng thường trồng ở các vùng rừng núi. Nhưng giờ đây, sắn đã trở thành cây nguyên liệu cho công nghiệp. Các giống sắn cũ giờ người dân chỉ trồng một ít để ăn. Thay vào đó là các giống sắn KM94, KM98, các giống sắn mới của Thái Lan, tức là sắn công nghiệp không ăn được chỉ làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành chế biến tinh bột, etanol, may mặc, y tế...

Khi SX tinh bột, bản thân nó đã có giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần sắn lát. Theo tính toán của ông Lạng, tinh bột chiếm 25 - 30% lợi nhuận của các nhà máy chế biến sắn, thậm chí là 50%. Chính vì vậy các DN mới đổ xô vào làm. Thứ hai, có lúc giá sắn tươi trên thị trường lên 2.900đ/kg, giờ có hạ vẫn còn ở mức 1.500-2.000 đồng/kg nên người nông dân rất mê cây sắn.

"Hiện riêng tỉnh Tây Ninh có khoảng 70 nhà máy sắn, trong đó 52 nhà máy lớn, sản lượng một năm đạt trên 1 triệu tấn tinh bột, kim ngạch XK gần 500 triệu USD, chiếm gần 1/3 kim ngạch XK tinh bột sắn cả nước. Trồng sắn thế kém gì trồng cao su, hồ tiêu, điều... Thế nhưng có ai quan tâm cây sắn đâu, để dân muốn trồng giống gì thì trồng. Tất cả xuất phát từ quan niệm: Trồng sắn dễ ấy mà, dân tự lo được”, ông Nguyễn Văn Lạng.

Tại Tây Ninh, năng suất sắn thấp nhất là 27 tấn/ha, trung bình đạt 40 tấn, nơi “khủng” nhất đạt 100 tấn/ha. Trong khi năng suất sắn bình quân cả nước chỉ đạt gần 18 tấn/ha. Với giá sắn tươi là 2.000đ/kg, một ha người dân bán được 80 triệu đồng trong khi chi phí đầu tư chỉ khoảng 20 - 25 triệu.

Cây sắn rất dễ trồng. Người dân đã lợi dụng tự nhiên, đất còn tốt, thảm thực vật còn tốt, mùn còn nhiều, khai thác dăm ba năm vẫn đạt khoảng 20 tấn/ha. Nếu áp dụng các biện pháp thâm canh, xen canh, cây sắn còn đạt năng suất cao hơn. Quan niệm canh tác sắn không cần cải tạo, bồi bổ đất là một sai lầm.

Ông Lạng cho rằng, việc trồng sắn làm cho đất bạc màu, mất chất dinh dưỡng cây sắn hoàn toàn không có lỗi, lỗi là ở con người. Thấy trồng sắn ngon ăn quá, có bón phân, bồi bổ, cung cấp chất dinh dưỡng cho đất đâu mà nó chẳng bạc màu. Theo ông Lạng nếu trồng sắn theo kiểu thâm canh như các cây hồ tiêu, cao su, cà phê... thì với diện tích hiện nay, sản lượng sắn của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần.

Quy hoạch và kiểm soát quy hoạch

“Chúng ta đang coi thường cây sắn, giá trị XK 1,6 tỉ USD đâu phải là nhỏ. Từ cây xóa đói giảm nghèo, sắn dần trở thành cây hiện đại hóa nông thôn, miền núi và giờ đây là cây mũi nhọn. Hàng triệu nông dân miền núi làm sắn không đơn giản. Chuyện đưa các nhà máy chế biến sắn lên miền núi để công nghiệp hóa miền núi cũng là chủ trương lớn. Vấn đề là phải đưa ngay các giống sắn mới, năng suất chất lượng cao vào SX”, ông Lạng chia sẻ.

1165018466
Ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam

Nhiều tỉnh phát triển “nóng” cây sắn, phá vỡ quy hoạch, nguyên nhân tất cả là từ việc kiểm soát vùng nguyên liệu. Việc cần làm ngay lúc này phải quản lí được vùng nguyên liệu. Mà muốn khống chế được diện tích sắn trong quy hoạch cho phép thì phải kiểm soát số lượng và công suất các nhà máy sắn.

Chia sẻ với NNVN, ông Lạng cho rằng, việc phát triển “nóng” cây sắn như hiện nay, các Bộ phải tìm ra nguyên nhân và quản lí chứ không phải để cấm.

Vì theo như ông Lạng, bây giờ trồng sắn công nghiệp, đưa vào làm tinh bột, không ăn được, chỉ còn cách bán cho nhà máy. Nắm được nhà máy, sẽ quay trở lại nắm được vùng nguyên liệu. Nếu không, cứ với cách làm chạy đua như hiện nay mà không có ai “cầm cương” thì cuối cùng chỉ những DN lớn, có tích lũy nhiều năm mới tồn tại được, còn lại rất nhiều DN nhỏ, làm ăn chụp giựt sẽ “chết” hết. Làm giàu từ cây sắn là chuyện hoàn toàn làm được, nhưng quan trọng là phải làm giàu bền vững.

Vấn đề là chúng ta không quản lí được quy hoạch, việc này rất cần Bộ NN-PTNT ra tay, trước hết là Bộ đưa ra quy hoạch cứng những vùng trồng sắn để các tỉnh bám theo.

Còn tại các tỉnh, việc cho xây dựng quá nhiều nhà máy chế biến sắn, lỗi thuộc về UBND tỉnh. Việc xây dựng phải được các Sở NN- PTNT, Sở Công thương tham mưu cho UBND tỉnh. Bộ NN-PTNT hoặc Bộ Công thương nên có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản về việc này. Xây dựng nhà máy phải có vùng nguyên liệu, chứ bây giờ thiếu sắn lại dời các nhà máy ở Tây Ninh lên Đăk Lăk là không ổn, anh nọ đá chân anh kia.

Mấu chốt, về quản lí chúng ta cần nắm được tổng diện tích canh tác lớn nhất là bao nhiêu. Thứ hai là phải trồng giống nào để đạt năng suất cao. Từ đó tính ra được sản lượng nguyên liệu và quyết định số lượng, quy mô các nhà máy chế biến sắn trong cả nước. Trong đó, phải chú ý chất lượng giống và kĩ thuật thâm canh cây sắn.

Diện tích không cần tăng, công suất các nhà máy vẫn có thể tăng, tổng kim ngạch vẫn tăng, sản lượng XK vẫn tăng bởi vì năng suất giống sắn khi đó tăng 1,5 - 2 lần. Ông Lạng kể, ở Tây Ninh có một cựu chiến binh người Hà Tây cũ vào trồng sắn, có 15 ha đất mà thâm canh sắn lời 1,5 tỷ đồng/năm. Ông này trồng sắn có nghề, bón phân, tưới nước, làm cỏ nên sắn đạt năng suất trên 100 tấn củ/ha.

Ngoài thâm canh, tăng năng suất thì việc lựa chọn công nghệ chế biến sắn tươi là vấn đề yếu nhất của các nhà máy. Có thể nói công nghệ chiến biến sắn của đa số các DN hiện nay rất lạc hậu, dẫn đến tỷ lệ thu hồi tinh bột thấp, làm thất thoát khoảng 8-10% lượng tinh bột. Như vậy với sản lượng trên 1 triệu tấn tinh bột sắn/năm, chúng ta đánh mất trên dưới 100.000 tấn tinh bột, trị giá cả trăm triệu USD.

Thu hồi thấp, tinh bột tràn ra môi trường còn gây ô nhiễm nghiêm trọng. Vì vậy, nhất thiết phải thay đổi những dây chuyên cũ kỹ, lạc hậu này bằng công nghệ tiên tiến của phương Tây.

Hiện việc xử lí môi trường tại các nhà máy chế biến sắn khá bức xúc. Ông Lạng thông tin, cuối năm nay Hiệp hội sẽ phối hợp với Bộ KH-CN ban hành tiêu chuẩn tinh bột sắn VN và chậm nhất đến tháng 6/2015, Vicaas sẽ phối hợp cùng Bộ TN-MT ban hành tiêu chuẩn xả thải cho các nhà máy tinh bột sắn. Nếu các nhà máy không tuân thủ tiêu chuẩn này có thể bị đóng cửa. Đó cũng là cách kiểm soát các nhà máy sắn không mọc lên ồ ạt.

Thời gian qua, Vicaas đã phối hợp với các chuyên gia xây dựng thí điểm hệ thống xử lí môi trường cho các nhà máy sắn. Chất thải chuyển thành khí gas, sau đó dùng khí gas sấy bã sắn và bột, bã sau khi sấy khô bán cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Nước thải sau khi được xử lí tương đối sạch có thể xả thẳng ra môi trường.

Chi phí để xây dựng một hệ thống xử lí chất thải khép kín khoảng 10 tỉ đồng. Bước đầu, các hệ thống xử lí chất thải này hoạt động khá hiệu quả, giảm thiểu phát sinh ô nhiễm môi trường.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Dồn lực tiêm vacxin phòng bệnh dại trên chó, mèo

Trước diễn biến bệnh dại trên người có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra văn bản chỉ đạo đảm bảo tỷ lệ tiêm vacxin đạt trên 80% tổng đàn chó, mèo.

Sapoche Mexico chịu được mặn 5 - 6‰, hiệu quả gấp 3 lần giống bản địa

TIỀN GIANG Ông Trần Văn Khả (ấp Đông Hòa, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là nông dân tiên phong ở địa phương trồng giống sapoche Mexico cho hiệu quả kinh tế cao.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất