| Hotline: 0983.970.780

Không thể coi nhẹ nghề nông

Thứ Ba 30/08/2011 , 09:45 (GMT+7)

Tại Hội nghị giao ban toàn quốc sơ kết thực hiện Đề án 1956 diễn ra chiều qua, các đại biểu đã mổ xẻ và làm rõ những khúc mắc quanh chuyện đào tạo nghề cho LĐNT.

Phó Thủ tướng, Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Sau hai năm triển khai thí điểm Chương trình Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo QĐ 1956 của Thủ tướng Chính phủ, hiệu quả thiết thực mà mô hình đem lại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tại Hội nghị giao ban toàn quốc sơ kết thực hiện Đề án 1956 diễn ra chiều qua, các đại biểu đã mổ xẻ và làm rõ những khúc mắc này.

Gấp rút kiện toàn bộ máy

Năm 2011 là năm thứ 2 thực hiện QĐ 1956 với mục tiêu dạy nghề cho 500.000 LĐNT với ít nhất 70% có việc làm sau đào tạo. Tiếp tục triển khai mô hình điểm ở cấp tỉnh, huyện, xã và các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp. Nâng cao tỷ lệ đào tạo, bồi dưỡng cho 7 chức danh chuyên môn ở xã. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ - TB - XH, Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, qua hai năm triển khai, có thêm 10 tỉnh thành ban hành chỉ thị về tăng cường lãnh đạo của Đảng trong thực hiện đề án, nâng tổng số thành ủy đã ban hành chỉ thị lên con số 50. Thêm 17 tỉnh thành phê duyệt đề án cấp tỉnh, nâng tổng số tỉnh thành lên con số 52 và 53 UBND các tỉnh thành đã phê duyệt kế hoạch đề án năm 2011.

Về việc kiện toàn bộ máy, tại TƯ đã bổ sung lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ KH - ĐT tham gia thành viên BCĐ. Tại địa phương, tất cả các tỉnh đã thành đã thành lập BCĐ thực hiện đề án do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Thêm 12% số huyện và 35% số xã thành lập BCĐ hoặc tổ công tác thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm 2011, cả nước đã tổ chức dạy nghề cho trên 267.000 người, đạt 53% kế hoạch. Trong đó, có 86% tỉnh thành học viên có việc làm sau đào tạo. Hoàn thành 115 lớp dạy nghề và cấp thẻ học nghề.

Tuy nhiên, qua hai năm triển khai,  Đề án cho thấy một số mặt hạn chế cần được khắc phục sớm. Cụ thể, nhiều tỉnh thành tỷ lệ LĐNT học nghề gắn với việc làm chưa đạt mục tiêu đề ra. Mô hình thí điểm ở cấp huyện vẫn chung chung, nhiều nơi chất lượng cán bộ giáo viên giảng dạy chưa đảm bảo, người dân không mặn mà với việc học nghề.

Nguyên nhân trên được lý giải do cấp ủy, chính quyền chưa tập trung chỉ đạo đến nơi đến chốn, không huy động được khối chính trị đoàn thể tham gia. Các cơ quan chuyên môn phối hợp trong việc thực hiện đề án yếu và lỏng lẻo. Đặc biệt, công tác tư vấn học nghề, chọn nghề và tổ chức dạy nghề còn nặng về số lượng mà không xuất phát từ nhu cầu học và nhu cầu sử dụng lao động của DN. Bên cạnh đó, bản thân LĐNT chưa hiểu đầy đủ sự cần thiết và lợi ích của việc học nghề. Người lao động học nghề phi nông nghiệp rất khó tiếp cận vốn để mở xưởng SX hoặc sản phẩm làm ra mà không có nơi tiêu thụ.

Nghề nông bị xem nhẹ

Qua hai năm triển khai đề án 1956 cho thấy một thực tế, đa phần các địa phương quá chú trọng việc dạy nghề phi nông nghiệp như: may mặc, mây tren đan hay các nghề thủ công mỹ nghệ mà xem nhẹ dạy nghề nông nghiệp. Trong khi đó, nông nghiệp là một lĩnh vực rộng lớn, là thế mạnh của người nông dân, nếu được đầu tư đào tạo bài bản, khoa học chắc chắn người dân sẽ có công ăn việc làm ổn định lâu dài ngay từ chính nghề thế mạnh của họ.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Đăng Khoa nhấn mạnh, đặc thù việc dạy nghề nông nghiệp phải gắn với quy hoạch phát triển nông nghiệp của vùng và các dự án đầu tư nông nghiệp. Mặt khác, dạy nghề nông nghiệp cần lấy thực hành là chính, với phương châm cầm tay chỉ việc, cố gắng giúp đỡ người học tiếp cận làm quen với mô hình SX chất lượng cao. Điều đó đặt ra cho đội ngũ giáo viên dạy nghề nông nghiệp phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Khi cần, phải sẵn sàng xắn quần lội ruộng với người dân thì mới có hiệu quả. Và không ai hiểu lĩnh vực nông nghiệp bằng giáo viên, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của của Bộ NN-PTNT.

Học viên LĐNT phải biết bốn thứ sau: “Thứ nhất, người lao động phải biết địa chỉ mình làm việc sau khi hoàn thành khóa học nghề; có nghĩa nên suy nghĩ làm gì trước khi đi học chứ không phải học xong để đi tìm việc. Thứ hai, người học phải biết cơ sở dạy nghề gắn với việc làm tốt, dễ tìm kiếm đầu ra. Thứ ba, học viên phải biết chính sách mình được tiếp cận và hỗ trợ như về vốn hay kỹ thuật. Cuối cùng, người đi học phải biết địa chỉ các cơ sở dạy nghề trên địa bàn của mình” - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.

Thứ trưởng Nguyễn Đăng Khoa cho biết, Bộ NN-PTNT với hệ thống 39 trường đại học, cao đẳng và trung học dạy nghề, hệ thống khuyến nông từ TƯ đến cơ sở trên 33.000 người, trong đó có 17.000 cán bộ ĐH và trên ĐH; hàng năm triển khai hơn 7.000 buổi trình diễn mô hình khuyến nông. Với những điều kiện trên, Bộ NN-PTNT đang tích cực tham gia và đảm đương tốt vai trò dạy nghề cho hơn 300.000 lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ NN-PTNT đã chọn hai tỉnh Thanh Hóa và Bến Tre để triển khai thí điểm mô hình cấp phát thẻ dạy nghề và kết quả đạt được là rất khả quan khi người dân có quyền tự chọn trường và chọn nghề để học, các trường có sự cạnh tranh với nhau nên chất lượng đầu ra đạt chất lượng rất cao. Tại tỉnh Bến Tre, tổ chức được 95 lớp học cho 2.375 người học các nghề về nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi. Tại tỉnh Thanh Hóa, tổ chức được 55 lớp với hơn 1.900 lao động học các nghề cấp nước sạch vệ sinh môi trường, đào tạo thuyền máy trưởng, khai thác thủy sản đánh bắt xa bờ. Do đó, Bộ NN-PTNT đề nghị, Chính phủ cần giao nhiệm vụ cụ thể nghề nông nghiệp cho Bộ NN-PTNT. Chương trình đào tạo công chức xã cần gắn với khung đào tạo xây dựng nông thôn mới (NTM) vì 19 tiêu chí xây dựng NTM đã bao trùm toàn bộ đề án dạy nghề.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng BCĐ Đề án 1956 yêu cầu các tỉnh, thành chưa có sự chỉ đạo của cấp ủy, UBND cần nhanh chóng hoàn chỉnh bộ máy vì gần hai năm triển khai rồi mà chưa hoàn thành việc này là lỗi của lãnh đạo địa phương. Phó Thủ tướng khẳng định, việc dạy nghề cho LĐNT không chỉ của riêng Bộ LĐ-TB-XH, Bộ GD- ĐT hay Bộ NN-PTNT mà quan trọng hơn cả là chính quyền các địa phương phải bắt tay vào làm thì mới có thể thành công.

Xem thêm
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Apple xác định Việt Nam là một cứ điểm trên toàn cầu

Đây là lần đầu tiên ông Tim Cook tới Việt Nam. Trước đó, vào tháng 5/2022 tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Giám đốc điều hành Apple.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.