| Hotline: 0983.970.780

Không thể thấy hoa quả lâu hỏng là “nghi có chất độc”!

Thứ Năm 25/09/2014 , 10:15 (GMT+7)

Thời gian qua, dư luận lại nổi sóng khi nhiều tờ báo, thông tin mạng phản ánh lê, táo... NK để nửa năm, thậm chí 9 tháng vẫn không hỏng, đồng thời nghi rằng, chỉ có chất độc bảo quản mới giúp cho hoa quả tươi lâu như thế!

Vậy có phải hoa quả tươi lâu thì nhất định phải có thuốc bảo quản độc hại hay không? NNVN đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng (ảnh), Cục trưởng Cục BVTV xung quanh những thắc mắc này.

Nhiều bài báo vừa qua phản ánh có trường hợp táo để 9 tháng không hỏng, lê 6 tháng vẫn tươi nguyên...! Liệu hoa quả không có chất bảo quản có thể tươi lâu như thế được không, thưa ông?

Trước hết, chúng tôi không trực tiếp làm thí nghiệm đó, nên không thể khẳng định có thật là quả táo ấy đã để 9 tháng hay là bao lâu, quả táo ấy được lưu giữ trong điều kiện nào, trạng thái xanh hay chín... Về lí mà nói thì thời gian trái cây mau hỏng hay lâu hỏng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đó là loại hoa quả gì, thu hoạch tươi hay xanh, sử dụng các biện pháp bảo quản nào...

Nói ngay như ở Việt Nam, ai cũng biết quả bưởi để trong điều kiện bình thường nơi khô ráo thoáng mát như dưới gầm giường, không cần xử lí chất bảo quản gì, sau 5-6 tháng vẫn có thể ăn ngon lành, chỉ hơi héo một chút nhưng không hỏng, thậm chí còn ăn ngon hơn lúc mới hái.

Táo và lê cũng vậy, đó là những loại hoa quả vốn có vỏ dày, ngay trong điều kiện bình thường cũng có thời gian giữ tươi rất lâu, nếu áp dụng các biện pháp bảo quản thì còn lâu hơn nữa. Hiện thế giới có tới 7.500 giống táo và 6.000 giống lê.

Các giống lê chín sớm thường có thời gian bảo quản ngắn (15-30 ngày); giống chín trung bình có thời gian bảo quản 3-5 tháng.

Thậm chí các giống táo, lê chín muộn có thể lưu giữ tươi được từ 6-12 tháng (thường dùng để XK). Như vậy, việc táo, lê nếu được xử lí chất bảo quản đúng cách, bảo quản ở điều kiện thích hợp thì có thể tươi đến 9 tháng, thậm chí 1 năm là chuyện rất bình thường, có gì lạ đâu.

Nhưng dư luận vẫn cứ cho rằng, phải có chất bảo quản gì đó rất độc hại mới giúp hoa quả tươi lâu như vậy?

Không thể cứ thấy hoa quả để lâu không hỏng là kết luận nó có chất độc được!

Để bảo quản trái cây, kể cả các nước phát triển như EU, Mỹ, Nhật... hiện nay đều đang cho phép sử dụng các chất chống oxy hóa (hay còn gọi các chất ức chế Etylen) để làm chậm quá trình chín của trái cây. Các chất thường được sử dụng là Diphenyl amin (DPA); Ethoxiquyn và 1-MCP (1-metylcyclopropene)...

Đây đều là những chất bảo quản không gây độc hại cho sức khỏe. Nghiên cứu mới đây tại Việt Nam cho thấy sử dụng 1-MCP để xử lí và bảo quản quả vải ở nhiệt độ thấp có thể giữ nguyên chất lượng và mẫu mã, hương vị của quả vải lên tới hơn 1 tháng.

Đối với táo, nếu kết hợp xử lí 1-MCP và bảo quản ở nơi thoáng mát bình thường, có thể giúp táo tươi nguyên sau 8 tháng, thậm chí lâu hơn mà vẫn giữ nguyên chất lượng, hương vị, màu sắc như mới thu hoạch... Hiện nay, Việt Nam đang thử nghiệm công nghệ CAS (Cell alived system) do Nhật Bản chuyển giao có thể giúp kéo dài thời gian bảo quản hoa quả trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, đặc biệt là vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang).

Cần phải hiểu rằng, muốn bảo quản hoa quả thì phải dùng những chất bảo quản chuyên dụng, các chất bảo quản được phép sử dụng hiện nay đều không hề độc hại gì cho sức khỏe, các nước tiên tiến nhất cũng cho phép sử dụng.

Nếu đưa chất độc để bảo quản hoa quả, sẽ chẳng giúp ích gì, mà còn làm mất mùi vị, màu sắc, thậm chí nhanh hỏng hơn nữa là khác... Hoa quả có thể bị nhiễm thuốc BVTV độc hại trong quá trình canh tác, chứ không ai lấy chất độc đi bảo quản cả.

Tóm lại, không thể suy diễn rằng hoa quả lâu hỏng là phải có chất độc bảo quản!

Có ý kiến lo ngại rằng, hiện có hàng nghìn loại hóa chất BVTV độc hại, nhưng chúng ta mới chỉ phân tích, nhận biết được một số chất. Vì thế biết đâu trong hoa quả NK có chất bảo quản độc hại thật, nhưng chẳng qua chúng ta chưa phát hiện được mà thôi?

Phải hiểu rằng với hoa quả NK vào Việt Nam, việc kiểm soát ATTP đối với các hóa chất BVTV độc hại chúng ta giám sát với phương châm phòng ngừa, ngăn chặn từ xa là chính. Theo đó, đối với hoa quả trước khi XK vào Việt Nam, cơ quan BVTV Việt Nam đã phải nghiên cứu rất kỹ thông tin về các loại dịch hại cũng như các hóa chất BVTV nào thường được sử dụng trên từng loại cây trồng ngay tại nước XK.

17-35-55_to
Không thể quy chụp rằng, trái cây lâu hỏng là do thuốc bảo quản độc hại

Tại hồ sơ đăng ký NK vào Việt Nam, chúng ta đã phân tích rất kỹ mặt hàng hoa quả gì, của nước nào có nguy cơ nhiễm những hóa chất gì? Thậm chí khi có nguy cơ cao, chúng ta phải sang tận nơi SX hoa quả ấy của nước XK để kiểm tra quy trình SX của họ.

Vì vậy khi kiểm tra, giám sát tồn dư các hóa chất BVTV trên hoa quả NK, chúng ta chỉ có thể kiểm tra giám sát đối với một nhóm hóa chất BVTV nhất định có nguy cơ cao mà thôi, chứ không ai có thể phân tích một lúc hàng nghìn hóa chất cả.

Ví dụ: kiểm tra ATTP của táo hay lê NK, thì chỉ cần phân tích các loại hóa chất BVTV thường được sử dụng ở giai đoạn cận thu hoạch, và không cần thiết phải phân tích các hóa chất thuốc trừ cỏ, thuốc trừ chuột, thuốc trừ ốc... làm gì.

Các chất BVTV sinh học an toàn hoặc chất bảo quản trái cây rất ít độc hại, đã được cả thế giới công nhận cho phép sử dụng chúng ta cũng không cần phải phân tích, mà chỉ cần phân tích một nhóm các hóa chất có nguy cơ mà thôi. Vì vậy, nói rằng chúng ta bỏ lọt các chất độc hại trên hoa quả NK là chưa đúng.

Vậy thời gian qua, Cục BVTV đã kiểm tra thấy chất có BVTV độc hại nào trên hoa quả NK hay không?

Năm 2013, Cục BVTV kiểm tra phân tích phát hiện 17 lô vi phạm, nhưng từ đầu năm 2014 đến nay mới chỉ phát hiện duy nhất 1 lô hoa quả NK vi phạm, tuy nhiên mức độ không nghiêm trọng.

Hiện các phòng phân tích dư lượng thuốc BVTV của Cục BVTV được sự tài trợ của Chương trình hợp tác Việt Nam – JICA (Nhật Bản) đã có trang thiết bị, nhân lực đủ sức kiểm tra hiệu quả hầu hết các loại hóa chất BVTV đang được sử dụng tại Việt Nam cũng như của các nước XK hoa quả vào Việt Nam.

Qua công tác giám sát, chúng tôi cũng đã phát hiện thấy khoảng 60 hóa chất thuốc BVTV có mặt trên hoa quả NK vào Việt Nam (tuy nhiên dư lượng dưới mức cho phép). Nếu nói chúng ta bỏ lọt hóa chất độc hại, làm sao lại có thể phát hiện ra chừng ấy hóa chất được.

Có ý kiến lo rằng, hiện nay chúng ta chỉ kiểm tra hoa quả NK với xác suất chỉ 10%, còn lại 90% tuồn vào mà không được kiểm tra dư lượng hóa chất, chưa nói hoa quả nhập lậu?

Xin nói lại rằng, việc kiểm soát dư lượng thuốc BVTV chỉ có thể phòng ngừa, ngăn chặn từ xa là chính, chứ không ai có thể kiểm tra 100% các lô hàng, mỗi lô hàng lại đi kiểm tra 100% tới từng quả táo, từng quả lê một được.

Đây cũng là quy định trong XNK quốc tế, cũng như thông lệ quốc tế rồi. Hàng nông sản chúng ta XK sang EU, Mỹ, Nhật Bản..., họ cũng đều kiểm tra theo xác suất như vậy cả, chứ đâu chỉ riêng Việt Nam.

Còn về chuyện nhập lậu, xin khẳng định hiện mỗi năm chúng ta NK khoảng 400 nghìn tấn hoa quả của hơn 20 quốc gia, theo đó trên 90% hoa quả NK vào Việt Nam hiện nay là chính ngạch, phải được đăng ký NK, có kiểm tra giám sát mới về được. Có chăng nhập lậu thì chỉ là một số nhỏ ở các khu vực ven biên giới mà thôi, chứ làm gì có hàng sâu trong nội địa.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024

Ngày 20/4, Công ty CP Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức 'Lễ hội Kem Thủy Tạ 2024' tại Nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.