| Hotline: 0983.970.780

Không thể thực sự làm sạch hệ thống mà không gây tổn hại đến hệ thống!

Thứ Tư 15/02/2017 , 09:20 (GMT+7)

“Đánh hổ” và “đập ruồi” có thể là những từ ngữ hấp dẫn trên mặt báo. Nhưng chính thể ở Trung Quốc được “yêu thích” bởi tạo ra cơ hội làm giàu của cả “hổ” và “ruồi”. Nói ngắn gọn, theo tiến sỹ Lee, ông Tập Cận Bình không thể thực sự làm sạch hệ thống mà không gây tổn hại đến hệ thống, “đánh chuột có thể làm vỡ bình”.

Trong một thể chế mà chức vụ chính trị hoặc các mối quan hệ có tính quyết định hơn so với các yếu tố khác xét về mặt lợi ích vật chất, tham nhũng là một phần, là yếu tố quyết định mọi thứ được vận hành trong một nền kinh tế chính trị mà đất đai, tiền vốn và thậm chí là nhân lực vẫn chịu sự kiểm soát hoặc giám sát của các cơ chế chính trị và vì các mục đích chính trị, theo nhận định của chuyên gia John Lee từ Đại học Tổng hợp quốc gia Australia.
 

Vụ bê bối vắc-xin

Nói như thế có nghĩa là tham nhũng là một phần tất yếu phát sinh từ thể chế. Hãy xem xét một vụ tham nhũng mới được phát hiện gần đây để làm rõ hơn về nhận định này.

16-02-58_xxchin-vccine-web1-mster768
Nhân viên cơ quan Thực phẩm và Thuốc chữa bệnh kiểm tra vắc-xin tại một cơ sở y tế ở Quảng Tây hồi tháng 3/2016
 

Tờ Economist tường thuật: Vương Sinh Sinh, một luật sư ở Quảng Châu, phía nam Trung Quốc, là mẹ một bé sơ sinh. Cô kể rằng các quan chức y tế ở tỉnh Quảng Đông đã khuyên cô cho con tiêm vắc-xin không chỉ phòng lao phổi và viêm gan B (bắt buộc) mà còn phòng viêm gan A, thủy đậu, viêm màng não và các bệnh khác (không bắt buộc).

Cô đã làm theo và còn tiêm phòng viêm gan A cho chính mình. Vài ngày sau đó, vụ lùm xùm y tế mới nhất tại Trung Quốc nổ ra. Hóa ra trên toàn cõi Trung Quốc đã sử dụng hàng triệu liều vắc-xin hoặc hết hạn, hoặc được lưu trữ không đảm bảo cho những bệnh không được chương trình tiêm chủng bắt buộc chi trả.

Cô Vương không để câu chuyện “chìm xuồng”. Bị sốc vì thiếu thông tin từ nhà chức trách về chuyện vắc-xin kém chất lượng và lo rằng cô đã vô tình làm hại con mình, Vương cùng 12 luật sư khác viết một thư ngỏ tới chính phủ yêu cầu mở một cuộc điều tra toàn quốc và công khai tối đa vụ việc, nhanh chóng trở thành scandal y tế lớn nhất Trung Quốc kể từ năm 2008.

Năm 2008, cơ quan quản lý Thực phẩm và thuốc chữa bệnh Hoa Kỳ phát hiện ra rằng một công ty dược liệu Trung Quốc đã làm giả heparin, một loại thuốc chống đông máu. Cũng trong năm đó, đã nổ ra cơn phẫn nộ lớn trong xã hội Trung Quốc khi người ta tiết lộ rằng hơn 300.000 trẻ em đã bị ốm và 6 trẻ đã chết khi uống phải sữa bẩn.

Bê bối vắc-xin kém chất lượng lần đầu được khui ra vào năm 2015 khi cảnh sát ở tỉnh Sơn Đông bắt một dược sỹ và con gái bà này. Theo cảnh sát, họ đã mua vắc-xin hết hạn sử dụng hoặc gần tới hạn và bán cho các bệnh viện và cơ sở y tế khắp đất nước. “Khi chúng tôi tới nơi cất trữ thuốc của công ty, trông nó rất lộn xộn. Không có các thiết bị cấp đông cần thiết để cất trữ”.

Lúc đầu, phản ứng của chính phủ rất chậm chạp. Câu chuyện không được biết rộng rãi cho tới tháng 3/2016, khi một tờ báo mạng bắt đầu điều tra sâu về vụ việc, và cuối cùng cảnh sát đã công bố những gì xảy ra.

Nhiều người dùng mạng xã hội lên án chính quyền về vụ bê bối và những phản ứng chậm chạp. Tờ Trung Quốc Nhật báo nói trách nhiệm hoàn toàn thuộc vệ các quan chức quản lý ngành y tế. Bức thư ngỏ của các luật sư ở Quảng Châu yêu cầu chính phủ kiểm tra lại mọi sổ sách và để mọi người biết mình có bị tiêm vắc-xin kém chất lượng hay không. Thư cũng đặt ra vấn đề ai sẽ phải chi trả những chi phí tiêm lại vắc-xin và phải làm gì cho những người bị ảnh hưởng sức khỏe sau khi bị tiêm thuốc kém chất lượng.

Tính chung, khoảng 2 triệu liệu vắc-xin kém chất lượng được cho là đã bán ra với giá 90 triệu USD (gần 2.000 tỷ đồng). Bê bối có liên quan đến 29 công ty dược phẩm và 16 sở y tế. Cảnh sát đã khởi tố 69 vụ việc liên quan đến bê bối. Ngày 28/3/2016, cuối cùng Chính phủ Trung Quốc cũng mở cuộc điều tra do Cơ quan Thực phẩm và thuốc chữa bệnh Trung Quốc thực hiện. Thủ tướng Lý Khắc Cường nói vụ việc đã “phơi bày nhiều lỗ hổng quản lý”.

Trung Quốc có hệ thống tiêm chủng chia làm hai bậc. Chương trình tiêm chủng bắt buộc, ví dụ như tiêm phòng viêm gan B, do các cơ quan kiểm soát dịch bệnh cấp tỉnh thực hiện miễn phí đối với người dân. Các cơ quan này chịu trách nhiệm sản xuất và phân phối vắc-xin. Chương trình tiêm chủng không bắt buộc, ví dụ tiêm phòng thủy đậu, người dân phải chi trả.
 

Quyền sinh, quyền sát

Với ý đồ giảm giá và cải thiện tính hiệu quả, các công ty tư nhân đã được chính quyền cho phép cạnh tranh trong việc sản xuất vắc-xin, bán sỉ và bán lẻ. Và nhiều vấn đề nảy sinh. Các cơ quan quản lý y tế địa phương nhận được ít kinh phí, các trung tâm y tế dự phòng đã biến chương trình vắc-xin thành cơ hội kiếm tiền.

16-02-58_xxchin-vccine-web2-mster315
Một em bé đang được tiêm vắc-xin ở tỉnh Hà Bắc. Vụ bê bối vắc-xin đã làm niềm tin của công chúng vào thuốc và thực phẩm Trung Quốc vốn ở mức thấp nay càng thấp hơn

 

Một quan chức y tế cộng đồng (giấu tên) ở Sơn Đông gần đây tiết lộ với phóng viên Tạp chí Tài Tân về việc bộ máy này hoạt động ra sao. Các trung tâm dịch tễ địa phương lạm dụng quyền quản lý của họ để kiểm soát giá cả và doanh thu từ vắc-xin. Họ thiết lập một mức tiền tăng thêm cố định cộng vào giá vốn vắc-xin khi rời nhà máy, từ 10-25%. Họ tự phân bổ vắc-xin cho từng bệnh viện hay trạm xá với mức giá cũng do họ ấn định. Chuyện đấu thầu vắc-xin hiếm khi xảy ra.

“Các trung tâm y tế dự phòng có thể sử dụng quyền sinh quyền sát của họ trong hoạt động sản xuất phân phối vắc-xin để kiếm lời rất lớn”, vị quan chức y tế nọ cho biết.

Những chuyện như thế diễn ra trong thời gian rất dài. Năm 2006, Giám đốc Trung tâm Miễn dịch học thuộc Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Sơn Đông đã bị kết án chung thân do nhận hối lộ từ các nhà sản xuất vắc-xin.

Mặc dù giới chức nói nguy cơ từ vắc-xin kém chất lượng là không cao nhưng vụ bê bối vẫn để lại nhiều hậu quả to lớn. Các ông bố, bà mẹ giờ đây rất miễn cưỡng cho trẻ đi tiêm phòng. Nhiều người cho con qua Hong Kong, Macao tiêm, hy vọng có vắc-xin tốt ở đó.

Nhiều cơ sở y tế ở Trung Quốc trước đây luôn chật ních người thì nay vắng hoe. Một bác sỹ nói với trang web chuyên về sức khỏe Sohu Health: “Cơn giận của công chúng có thể qua đi, nhưng vấn đề chính của vụ việc là nạn tham nhũng thì còn lâu mới biến mất”.

Khi hệ thống chính trị còn giữ cho mình quyền phân phát, ban ơn, “xin-cho” thì tham nhũng rất khó bị đẩy lùi.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất