| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 13/10/2015 , 07:15 (GMT+7)

07:15 - 13/10/2015

Không thể thực thi

Mấy hôm nay, dư luận lại một phen xôn xao trước quy định của các nhà làm luật trong dự thảo Luật dân số đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. 

Đó là quy định cấm phá thai từ 12 tuần tuổi. Thai nhi đến tuổi đó, nếu muốn phá, thì người mang thai phải chứng minh rằng cái thai đó là kết quả của một vụ hiếp dâm hay một vụ quan hệ loạn luân.

Lý do của các nhà làm luật đưa ra khi đưa quy định này vào luật, là đến 12 tuần tuổi, thai nhi đã được xác định về giới tính. Vì vậy, phải cấm để tránh tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi, gây mất cân bằng dân số trong xã hội, hiện đã ở mức cao (120 nam/100 nữ).

Mục đích đưa ra là tốt. Nhưng để thực hiện thì rất khó, nếu không nói là không khả thi, bởi lẽ một vụ hiếp dâm là một vụ án hình sự. Để chứng minh mình bị hiếp dâm, người mang thai phải có đơn tố cáo. Cơ quan điều tra phải vào cuộc, phải khởi tố, điều tra, rồi VKSND phải truy tố và Tòa án phải xét xử.

Sơ thẩm xong, người bị kết án còn được quyền chống án. Chỉ khi bản án có hiệu lực pháp luật, thì người mang thai mới được coi là bị hiếp dâm. Thời gian tố tụng kéo dài, cái thai đã lớn, nếu phá thì sẽ vô cùng nguy hiểm đến tính mạng hay sức khỏe cho người mẹ.

Đó là chưa kể ngay cả khi vụ án hiếp dâm đã kết thúc rồi, thì cái thai đó cũng chưa chắc đã là kết quả của kẻ hiếp dâm, vì người bị hiếp dâm có thể đã quan hệ tự nguyện với người khác trước hoặc sau khi bị hiếp dâm vài ba ngày.

Nhiều vụ án phức tạp, phải chờ đứa bé được sinh ra để lấy mẫu giám định ADN. Chỉ sau khi kết quả giám định cho biết có sự trùng hợp, thì kẻ hiếp dâm mới nhận tội. Còn thai nhi là hậu quả của một vụ quan hệ loạn luân, thì chẳng người mang thai nào lại dại dột mà đi “chứng minh” cả.

Đa số những người phản đối điều này là thuộc giới luật sư. Có người như luật sư Nguyễn Thành Công, Giám đốc Cty Đông Phương Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) còn nói thẳng, rằng đưa quy định trên vào luật là ấu trĩ, giáo điều, thiếu khoa học, và trên hết là thiếu hiểu biết cả về xã hội lẫn pháp luật, và không thể thực thi. Còn luật sư Trần Công Li Tao (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) thì kịch liệt phản đối, vì đưa quy định trên vào luật là xâm phạm nghiêm trọng đến bí mật đời tư của người mang thai, đã được pháp luật bảo vệ.

Được hỏi về vấn đề này, bà Chung Lê, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) cho rằng đưa quy định người mang thai từ 12 tuần tuổi, muốn phải chứng minh mình bị hiếp dâm hay quan hệ loạn luân là thiếu nhân văn.

Điều đó gây tổn thương cho người mang thai. Bởi phải có những lý do nhất định họ mới quyết định là phá thai. Đó đã là một nỗi đau đối với họ rồi. Việc bắt họ phải chứng minh là thêm một lần nữa khiến họ phải đau đớn. Đó là chưa nói đến những thủ tục lằng nhằng về mặt pháp lý.

Để ngăn chặn việc lựa chọn giới tính thai nhi, Nhà nước đã ban hành quy định cấm các cơ sở siêu âm tiết lộ giới tính thai nhi với thai phụ. Nhưng đến nay, theo phản ánh của báo chí, thì rất nhiều cơ sở siêu âm, nhất là các cơ sở tư nhân, vẫn rất vô tư trong việc tiết lộ giới tính thai nhi, mà chưa có cơ sở nào bị áp dụng chế tài cả. Chỉ cần thực hiện nghiêm quy định này là đủ.