| Hotline: 0983.970.780

Không thể tiến lên nếu không thay đổi

Thứ Hai 09/09/2013 , 09:18 (GMT+7)

Đánh giá cao việc tỉnh Phú Thọ đã đặt ra từng chương trình định hướng rõ ràng cho phát triển sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng các địa phương chỉ có thể thành công khi tìm ra con đường đi đúng và tập trung cao độ cho hướng đi đã lựa chọn.

Ngày 7/9, Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đi kiểm tra thực tế sản xuất tại tỉnh Phú Thọ. Trong những năm qua, cùng với sự nỗ lực cố gắng của tỉnh Phú Thọ, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phát triển tương đối toàn diện, hạ tầng nông nghiệp nông thôn được đầu tư xây dựng, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn cần được quan tâm hỗ trợ.

Định sẵn hướng đi

Theo UBND tỉnh Phú Thọ, mặc dù gặp nhiều khó khăn do Nhà nước cắt giảm đầu tư công song công tác thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn vẫn đạt kết quả cao.

Trong năm 2012, ngành nông nghiệp đã thực hiện trên 60 công trình dự án với tổng số vốn bố trí 1.597 tỉ đồng, trong đó hoàn thành đưa vào sử dụng 14,7 km đường ô tô đến xã khó khăn; 2 dự án hạ tầng nuôi trồng thủy sản; tu bổ 56 km đê; 5 công trình hồ đập thủy lợi cấp nước tưới cho 894 ha; 5 công trình hạ tầng tái định cư cho 267 hộ dân, 3 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, 1 công trình cấp nước cho các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn 7 xã NTM nâng tỉ lệ số dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 83,87%...


Bộ trưởng Cao Đức Phát thăm mô hình cánh đồng mẫu lớn 
tại xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao

Cùng với các công trình đầu tư hạ tầng nông thôn, hoạt động xây dựng NTM cũng thu hút được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, trở thành phong trào rộng khắp. Đã có 14. 283 hộ hiến 204 ha đất và tài sản, tương đương 137 tỉ đồng.

Hết năm 2012, tỉnh Phú Thọ đã có 6/247 xã đạt trên 15 tiêu chí, 35 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 64 xã đạt 7 - 9 tiêu chí và 142 xã dưới 7 tiêu chí. Đặt trọng tâm vào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh cũng thực hiện nhiều chính sách khuyến khích chuyển giao tiến bộ kĩ thuật góp phần thúc đẩy năng suất, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp như hỗ trợ áp dụng biện pháp kĩ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) 10,6 ngàn ha; khuyến khích tăng tỉ lệ lúa lai lên 55%; hỗ trợ cải tạo chè giống mới đạt 60%; tỉ lệ thủy sản giống mới đạt trên 30,5%; tỉ lệ các giống bò lai, lợn lai cũng đạt từ 60 - 95%.

Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, cho biết: “Phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện đang tập trung vào 4 chương trình trọng điểm gồm: Sản xuất lương thực; phát triển cây chè; phát triển rừng sản xuất và phát triển thủy sản. Định hướng từ nay đến 2015 sẽ phải đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, từng bước phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn rất có hiệu quả ra toàn tỉnh, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, gắn sản xuất với bảo quản chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm tăng nhanh giá trị. Cơ cấu lại ngành chăn nuôi, khuyến khích chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại theo hình thức công nghiệp gắn với an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Tổ chức dịch vụ chăn nuôi đồng bộ từ giống, thức ăn, thú y đến giết mổ, tiêu thụ. Chú trọng đầu tư nâng cấp hồ, đầm tự nhiên, chuyển đổi diện tích ruộng úng sang thâm canh thủy sản. Khuyến khích mở rộng diện tích canh tác cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh doanh rừng trồng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến giấy, chế biến ván ép MDF, HDF…

Cần một cú hích

Định hướng và đặt mục tiêu phát triển sản xuất rất rõ ràng, tuy nhiên do xuất phát điểm hạ tầng cơ sở còn thấp nên trên từng bước đi cụ thể tỉnh Phú Thọ mắc phải khá nhiều khó khăn cần đến sự hỗ trợ của Chính phủ.

Theo ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, cũng như nhiều địa phương khác, hạn chế của tỉnh Phú Thọ vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; mô hình sản xuất có nhiều nhưng không nhân rộng được vì cứ nhân rộng thì sản phẩm lại mất giá và mặc dù tỉnh có nhiều tiềm năng về sản xuất lâm nghiệp nhưng kinh tế rừng chưa hấp dẫn vì chưa có đủ lực để đầu tư chế biến sâu.

Tương tự, tiềm năng thủy sản đã được quy hoạch 17.000 ha nhưng muốn khai thác được tiềm năng này vẫn cần phải đầu tư hệ thống đê điều, thủy lợi nếu không mỗi mùa mưa lũ về dân lại mất trắng. 4 chương trình trọng tâm phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đặt ra đã gia tăng đầu tư cho nông nghiệp, khắc phục một phần những tồn tại hạn chế nhưng để đi tới thành công không còn con đường nào khác ngoài việc tăng cường ứng dụng KHCN. Vì vậy, tỉnh Phú Thọ đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ, chỉ đạo tỉnh phát triển ứng dụng công nghệ cao, đưa tỉnh Phú Thọ vào vùng trọng điểm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời ưu tiên giới thiệu các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào phát triển nông, lâm nghiệp - thủy sản và chế biến nông sản tại Phú Thọ.

Đánh giá cao việc tỉnh Phú Thọ đã đặt ra từng chương trình định hướng rõ ràng cho phát triển sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng các địa phương chỉ có thể thành công khi tìm ra con đường đi đúng và tập trung cao độ cho hướng đi đã lựa chọn. Bộ trưởng bày tỏ quan điểm: “Chúng ta không thể tiến lên nếu không thay đổi. Không thể để người nông dân sản xuất mà không có định hướng vì khi người nông dân nghe được tín hiệu thị trường và bắt tay vào chuyển đổi thì giá sản phẩm đã xuống”.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát thì việc tỉnh Phú Thọ xác định tăng cường áp dụng tiến bộ kĩ thuật, đầu tư chế biến sâu… để giữ sản xuất nông nghiệp được ổn định là hướng đi đúng, chỉ cần lưu ý cơ chế phân phối lợi nhuận để phần giá trị gia tăng được chia đều cho các bên doanh nghiệp - nông dân.

Về các nội dung tỉnh Phú Thọ kiến nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát ghi nhận và hỗ trợ tùy theo từng lĩnh vực cụ thể. Nội dung nào thuộc thẩm quyền, Bộ sẽ giao cho các ngành xem xét hỗ trợ, đối với nội dung khác Bộ sẽ trình xin ý kiến Chính phủ.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất