| Hotline: 0983.970.780

Không thể vì lợi ích một nhóm người

Thứ Sáu 30/09/2011 , 10:43 (GMT+7)

Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, TS Phạm Sỹ Liêm, vẫn cho rằng, chính quy hoạch không đồng nhất khiến sân gôn mất đi ưu thế của nó, chỉ còn lại nhiều mặt trái.

Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, TS Phạm Sỹ Liêm

Khẳng định về vai trò không thể thiếu của sân gôn trong quá trình phát triển kinh tế, song Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, TS Phạm Sỹ Liêm, vẫn cho rằng, chính quy hoạch không đồng nhất khiến sân gôn mất đi ưu thế của nó, chỉ còn lại nhiều mặt trái.

>> Vẫn “ăn” đất lúa
>> Thích đâu, đặt đấy
>> Ít sân gôn, sao thành… cường quốc
>> Trò chơi tốn đất
>> Sân gôn ''tôn”… biệt thự
>> Sân gôn - Được ít, mất nhiều

Khó giữ đất lúa

Thưa ông, chỉ với 90 sân gôn mà đã “ăn” tới gần 6,4 nghìn ha đất nông nghiệp. Thế mà Bộ KH-ĐT mới đây lại tiếp tục trình Chính phủ tăng số lượng sân gôn lên 115. Như vậy, sắp tới sẽ có thêm diện tích lớn đất lúa bị thu hồi?

Thực ra, công bằng mà nói rằng, trong tờ trình Thủ tướng về quy hoạch sân gôn, Bộ KH-ĐT đã khẳng định là sẽ không lấy đất lúa làm sân gôn. Tuy nhiên, tôi nghi ngờ điều này, bởi lẽ, trước đây, chính Bộ này cũng đã khẳng định sẽ bằng mọi cách để quy hoạch sân gôn không vào đất nông nghiệp, nhưng vẫn có tới 41% diện tích đất loại này bị các dự án sân gôn “ăn” mất.

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng trên 5 nghìn người chơi gôn, trong đó có khoảng 2 nghìn người chơi thường xuyên. Bên cạnh đó, khách du lịch, đặc biệt là các doanh nhân đến Việt Nam có sở thích chơi gôn ngày càng nhiều. Vì nhu cầu ấy, hệ thống sân gôn của nước ta không chỉ nằm vùng đồi núi mà đang tiến sát, thậm chí đã xây dựng ở giữa trung tâm các đồng bằng. Nhiều địa phương đã làm sân gôn trên những mảnh đất nông nghiệp màu mỡ. Đây là mặt trái của việc quy hoạch sân gôn.

Như ông nói thì khó có thể “dẹp” được “nạn” lấy đất nông nghiệp làm sân gôn như khẳng định của Bộ KH-ĐT?

Tôi cho rằng nếu Bộ KH-ĐT khẳng định như thế, thì hãy làm cho đúng với khẳng định của mình. Bởi lẽ, đất đai của chúng ta có hạn nên quy hoạch gì thì nguyên tắc đầu tiên phải tính đến là tiết kiệm đất đai. Do vậy, việc lấy đất lúa để làm sân gôn nếu còn tiếp diễn tới đây sẽ là điều không thể chấp nhận được. Chưa kể, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo phải hạn chế tối đa việc chuyển đất trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích sân gôn; chỉ quy hoạch các dự án sân gôn ở các khu vực trung du, miền núi.

Chỉ đạo thì kiên quyết, nhưng thực tế thì nhiều địa phương không tuân thủ sự chỉ đạo này. Đất lúa thì vẫn bị mất bởi không những sân gôn, mà còn các khu công nghiệp, khu đô thị. Cứ mỗi dự án ra đời, hàng trăm hộ dân lại mất đất sản xuất, kéo theo đó là hàng loạt những hệ lụy về an sinh xã hội cho nông dân.

Bộ KH-ĐT cũng khẳng định, việc tăng số sân gôn theo quy hoạch mới đã được dự báo và tính đến khả năng phát triển kinh tế ở mỗi địa phương. Ông nghĩ thế nào về điều này?

- Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang mở cửa hội nhập với thế giới thì việc phát triển sân gôn để phục vụ các nhu cầu về thể thao, du lịch và thương mại, đầu tư là rất cần thiết. Tuy nhiên, quan trọng là chúng ta quy hoạch sân gôn có hiệu quả không, có đem lại lợi ích cho đất nước không? Các nước phát triển như Đức, Italia, hoặc Hoa Kỳ… cũng chỉ có rất ít sân gôn mà vẫn hiệu quả. Vậy thì đối với Việt Nam, chúng ta càng không nên lãng phí đất đai, tiền của vào những quy hoạch, đầu tư không hiệu quả. Để rồi cuối cùng chúng lại bị biến tướng thành những đầu tư khác, chỉ có lợi cho một vài nhóm lợi ích mà thôi.

Có những “bất thường” về phân bổ quy hoạch sân gôn

Trở lại với con số 115 sân gôn theo kiến nghị bổ sung quy hoạch đến 2020 của Bộ KH-ĐT. Theo ông, với một đất nước chưa cần nhiều nhu cầu hưởng thụ như Việt Nam hiện nay, con số trên có quá nhiều?

 Ngay khi biết Chính phủ phê duyệt 90 sân gôn thì không chỉ bản thân tôi mà còn rất nhiều đồng nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước ngỡ ngàng về việc Việt Nam xây quá nhiều sân gôn. Sân gôn Việt Nam có nhiều đặc thù riêng tạo dư luận không đồng thuận như làm không đúng tiến độ dự án, thiếu hoặc sai các hạng mục, sân gôn gắn với kinh doanh bất động sản, mật độ sân giữa các tỉnh không hợp lý, các vấn đề về môi trường... Với diện tích bình quân đất trên đầu người nước ta hiện nay rất thấp thì quy hoạch trên 40.000ha làm sân gôn là quá nhiều. Chính vì vậy, con số 115 sân gôn chỉ gây thêm bức xúc.

Kinh doanh sân gôn gắn với bán hoặc cho thuê bất động sản có phải là lý do chính khiến các địa phương muốn “ôm” nhiều sân gôn, thưa ông?

Theo quy hoạch thì mật độ phân bổ sân gôn rất không đồng đều, có tỉnh có tới những 7-8 sân. Riêng trong 2006 - 2008, các nhà đầu tư đề xuất quy hoạch lên tới 166 sân gôn. Rõ ràng là có điều gì đó bất thường trong phân bổ sân gôn tại một số tỉnh, thành. Đã có sự liên hệ chặt chẽ giữa chủ đầu tư dự án và chính quyền địa phương vì họ làm việc với nhau rất “thuận tiện”. Lạm dụng sân gôn để kinh doanh bất động sản là hình thức “lách” luật của nhà đầu tư nhằm kiếm lời sau khi có hậu thuẫn chặt chẽ của chính quyền.

Việc cấp phép phải thông qua “cửa ải” cuối cùng là Bộ KH-ĐT, nhưng hầu hết các dự án đều vượt qua dễ dàng. Phải chăng có sự nhập nhằng giữa quản lý cấp TƯ và địa phương?

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: “Các sân gôn đang giữ đất dùng dần”

Với đất làm sân gôn, hiện nay chỉ có 24 sân gôn hoạt động trên 90 sân gôn được cấp phép, còn lại là đang xây dựng, đang được cấp phép đầu tư. Nhìn dưới góc độ sử dụng đất, chỉ có 13 chủ đầu tư sử dụng đất đúng mục đích, đúng tiến độ và quy hoạch, 46 chủ đầu tư xây dựng các hạng mục công trình chậm tiến độ, sai quy hoạch và 9 chủ đầu tư chưa báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hầu hết các sân gôn đều có hạng mục xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng, nhưng chưa triển khai. Như vậy, rõ ràng các nhà đầu tư đang giữ đất các sân gôn, resort để lợi dụng sử dụng dần.

- Tôi được biết là sau khi Chính phủ cho rà soát dự án 90 sân theo quy hoạch thì phát hiện có 27 sân gôn nằm ngoài quy hoạch được cấp phép và 13 sân đang triển khai xây dựng. Dự án bạc tỷ mà “gạo đã thành cơm” rồi thì cũng đành chứ còn cách nào khác? Khiển trách hay phê bình là chuyện sau hẵng bàn, còn khi sân đã sắp xây xong rồi thì các cấp lãnh đạo cũng đành bó tay! Rõ ràng với công tác kiểm tra lỏng lẻo, một số địa phương đã vượt quá quyền hạn của mình. Các sân gôn ra đời một cách “vô tội vạ” là vì thế!

Vậy theo ông, có nên bổ sung thêm sân gôn từ 90 lên 115 sân?

 Vấn đề sân gôn xưa nay vốn đã khiến dư luận bức xúc. Gôn là môn chỉ dành cho người nhiều tiền, còn thu nhập trung bình và khá thì không ai nghĩ đến việc chơi gôn vì kèm theo đó là quần áo, dụng cụ, tiền thuê sân, có ôtô... gắn với cuộc sống xa hoa của một bộ phận tầng lớp giàu có. Kinh doanh sân gôn không đáp ứng cho đại đa số, không phải là điều gì đấy mà nếu Việt Nam không có nó thì không phát triển được! Vì vậy theo tôi với đề án bổ sung 115 sân gôn, có thể nên bổ sung ở những vị trí cụ thể, phù hợp với điều kiện quy hoạch, thêm sân nào thì phải có luận giải và công khai thông tin cụ thể. Việc bổ sung phải hết sức dè dặt, số thêm vào là quá nhiều so với rà soát mặt bằng đã phê duyệt. Bởi cứ thêm một sân gôn là thêm bức xúc cho người dân!

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.