| Hotline: 0983.970.780

Không xóa được đói thì đừng nghĩ đến NTM

Thứ Hai 05/05/2014 , 09:36 (GMT+7)

Đó là khẳng định của ông Mai Văn Ninh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa trong câu chuyện với PV NNVN.

Ngoài ra, cũng theo lời ông Ninh: “Chủ trương xây dựng NTM là đúng đắn, tạo nên phong trào sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân. Kết quả bước đầu đạt được đã mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân”.

18-32-48_img_3192/Ông Ninh kiểm tra xây dựng NTM tại xã Quý Lộc, Yên Định

Kinh tế thị trường kích thích ghê lắm

Thưa ông, đâu là lực cản trong xây dựng NTM hiện nay?

Thực tiễn cách mạng cho thấy có những phát sinh dẫn đến những mâu thuẫn rất căn cơ. Chúng ta thấy quá rõ hiện nay là sức SX trong nông nghiệp đã phát triển mạnh nhưng lại dựa chủ yếu vào kinh tế hộ gia đình.

Trong khi đó, nông dân thiếu hụt đi sự hỗ trợ, sự định hướng đã làm cho kinh tế thị trường nó lấn át, tác động đến nông dân rất lớn. Bằng chứng là nông dân SX ra nhiều sản phẩm nhưng tiêu thụ khó khăn nên thực tế thu nhập của nông dân vẫn quá thấp.

Vấn đề thứ 2 liên quan đến đất đai. Bây giờ muốn làm ăn được thì đất đai phải rộng lớn, tạo thành vùng để đầu tư thâm canh. Điều đó ai cũng biết nhưng chưa có cách nào để rút lao động trong nông nghiệp ra làm công nhân công nghiệp.

Vì thế nông dân vẫn cứ bám lấy ruộng. Nhưng tích tụ thì phải giải quyết được việc làm cho nông dân. Bài toán này rất khó, nan giải lắm, nhất là ở miền Bắc và miền Trung.

Một điều dễ thấy là các nhà đầu tư nước ngoài đua nhau đến Việt Nam để SX và cung ứng dịch vụ đầu vào SXNN. Song lại ít nhà đầu tư quan tâm đến vấn đề chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đặc biệt là sự quản lý chưa tốt của các cơ quan chức năng dẫn đến DN nước ngoài độc quyền và kinh doanh trên lưng nông dân một cách quá đáng.

Trong khi người dân cứ thế tự phát, cứ mua giống ngoại để SX và chăn nuôi. Cứ như thế, lúa SX ra bạt ngàn, chăn nuôi tràn lan nhưng đến khi tiêu thụ thì nông dân tự bơi, tự chịu.

Nhưng chúng ta đã hội nhập thì cuộc chơi phải sòng phẳng chứ, thưa ông?

Đúng là đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng, kinh tế thị trường lại thông suốt nhưng tư duy SX của nông dân chúng ta với thị trường đang là một khoảng cách khá xa.

Thực tế cho thấy, kinh tế thị trường nó kích thích ghê lắm nên người dân dễ đổ xô ra làm. Làm ra nhiều quá thì dư thừa, khó tiêu thụ, bị ép giá, bị thua lỗ. Thế rồi lại chặt bỏ đến khi thiếu hụt, giá tăng lại không có mà bán.

Để rút ngắn khoảng cách giữa tư duy SX của người nông dân với kinh tế thị trường, theo ông nên bắt đầu thế nào?

Nhà nước cần có chính sách, cơ chế tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học; đầu tư mạnh cho KHCN trong SXNN. Đặc biệt là công tác giống cần chú trọng đến nghiên cứu và chuyển giao phải theo cơ chế thị trường. Cần chuyển tư duy SX số lượng sang SX giá trị.

Gắn kết chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương để có được những dự báo, định hướng đúng. Việc này không ai khác phải là Nhà nước, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đứng ra giúp nông dân. Đội ngũ này đã nghiên cứu hết Tây, ta rồi thì cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo chứ nông dân như hiện nay thì số đông không thể dự báo được. Không có định hướng tốt thì nông dân vẫn phải tự bơi mà thôi.

Tiếp theo đó nữa là gì thưa ông?

Xây dựng NTM là tổng hòa của các quan hệ về kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh trật tự xã hội. Nói ra điều này nghĩ rằng nó rất lý thuyết nhưng vẫn phải nói, đó là đòi hỏi vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cần vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thực sự tâm huyết, trăn trở, có trách nhiệm với công việc, với nhân dân.

Cần xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp cơ sở phải thực sự vững mạnh, có uy tín thì dân mới tin. Dân tin thì mới dựa vào dân được. Dân tin thì mới đưa tiền, hiến đất cho mình làm NTM.

moi172326123
Nhờ quy hoạch bài bản nên việc đưa cơ giới hóa vào SX ở Thanh Hóa được đánh giá là rất hiệu quả

Không thể chạy theo thành tích

Nhưng đâu là cái gốc của xây dựng NTM, thưa ông?

Đó là phát triển SX nhưng phải đi đồng thời được cả 3 chân. Một là phát triển nông nghiệp hàng hóa. Muốn vậy phải giải quyết được vấn đề đất đai, tích tụ để có cánh đồng lớn mà giảm chi phí SX. Cái này hiện chúng ta còn vướng nhiều mặt, trong đó quan trọng là thể chế.

Song để đẩy mạnh SX thì phải ứng dụng tốt KHCN. Bởi đây là yếu tố có tính chất quyết định trong SXNN hàng hóa hiện nay.

Từng bước xây dựng nhiều mối quan hệ: DN, chủ trang trại gắn với SX, chế biến và tiêu thụ thành một chuỗi liên kết không tách rời để đưa nông dân từ thế SX tự phát, manh mún tiếp cận với SX hàng hóa quy mô lớn cạnh tranh được với thị trường.

Trong SXNN hàng hóa thì từng vùng, từng tỉnh, thậm chí cả từng huyện phải có sự khác biệt về sản phẩm chủ lực, kể cả những sản phẩm cùng loại cũng nên có sự khác biệt để tăng tính cạnh tranh.

Vấn đề thứ hai là tùy theo tình hình của từng địa phương để đưa công nghiệp vào nông thôn. Gắn công nghiệp và nông nghiệp ngay tại chỗ để hỗ trợ và liên kết với nhau cùng phát triển.

Công nghiệp nhưng phải có lựa chọn, chẳng hạn ở Thanh Hóa có rất nhiều nhà máy may mặc, dày da được xây dựng ngay tại địa bàn nông thôn. Nhờ đó đã giải quyết được việc làm cho lực lượng lao động nông thôn với mức lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng, rất ổn định.

Dân trí ngày càng cao rồi, các kênh tiếp xúc thông tin cũng phong phú, dân họ biết và có quyền chọn lọc. Mình mà không thuyết phục, không làm cho họ nhất trí thì đồng thuận xã hội khó lắm. Phải bằng những chính sách đúng để yên lòng dân. Điều cốt lõi cần phải đảm bảo xuyên suốt trong công tác này là phải nghe dân. Không nghe dân, không quan tâm đến ý dân thì sẽ suy yếu”, đề cập đến công tác dân vận, ông Mai Văn Ninh tâm tư.

Số lao động này đã thực sự ly nông nhưng vẫn gắn bó với quê hương nên hạn chế đến mức thấp nhất các tệ nạn ngoại lai xâm nhập. Đó cũng là một giải pháp vừa tăng thu nhập cho người lao động nhưng đồng thời có điều kiện cho việc tích tụ đất đai.

Vấn đề thứ ba là phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp và dịch vụ thương mại trong nông thôn để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Mặt bằng chung là vậy nhưng hiện trạng ở nhiều vùng như Thanh Hóa có 7 huyện thuộc Chương trình 30a vẫn còn rất khó khăn, thiếu thốn ngay cả cái ăn, cái mặc. Giải pháp đồng thời “đi 3 chân” như trên e rằng khó khả thi đối với những địa bàn như thế?

Đối với những xã còn khó khăn như anh nói thì quan điểm của chúng tôi trước hết là phải lo cho bằng được cái ăn, cái mặc của đồng bào rồi mới tính đến SX hàng hóa. Nếu không xóa được đói thì đừng nghĩ đến NTM. Làm NTM không thể chạy theo thành tích được đâu.

Nhưng, Thanh Hóa đang là một trong những tỉnh dẫn đầu số xã đạt chuẩn NTM, thưa ông?

Hiện chúng tôi đã có 19 xã đạt chuẩn NTM nhưng đó là những xã đã từng có một nền tảng vững mạnh ngay khi chưa bước vào xây dựng NTM. Thành quả có được là kết quả cộng dồn của mấy chục năm qua chứ không phải mới làm từ 3 năm nay. Phần lớn số xã này trước đây là những xã có phong trào và ít nhiều cũng đã được Nhà nước đầu tư nên bây giờ bắt tay làm NTM họ có nhiều thuận lợi. Sự đầu tư của 3 năm qua là cú hích cho họ vượt trội. Thành quả đó là có thật, hoàn toàn không phải chạy theo thành tích. Nhưng từ thực tế đó tôi khẳng định, những xã còn lại đang làm NTM sẽ cực kỳ khó khăn chứ không dễ gì đạt chuẩn NTM một sớm một chiều.

Thưa ông, điều lo ngại nhất là giữ được tiêu chí NTM, nhất là vấn đề thu nhập của người nông dân. Chẳng may một trận lũ lụt, hạn hán hay dịch bệnh xảy ra là họ có thể tái nghèo?

Câu chuyện thu nhập của người nông dân đúng là rất bấp bênh. Đến ngay cả lúc được mùa, nhà có mấy tấn thóc mà vẫn thấp thỏm. Một khoản đóng học cho con ở trên TP hay một lần vào viện là mất toi cả tấn thóc, đàn lợn. Đây là điều mà chúng tôi rất trăn trở.

Tôi vẫn cho rằng, Nhà nước cần dành các nguồn vốn để đầu tư cho nông dân. Cụ thể, hệ thống hạ tầng, nhất là mạng lưới giao thông, điện, đường, trường, trạm thì Nhà nước vẫn phải đầu tư chủ lực, còn người dân chỉ góp ngày công và hiến đất thôi. Mặt khác, vốn tín dụng cần nới lỏng các điều kiện vay và nên ưu tiên cho DN, chủ trang trại và người dân được tiếp cận đồng vốn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm