| Hotline: 0983.970.780

Khu dân cư Chàng Riệc - Chưa trọn niềm vui!

Thứ Ba 04/06/2013 , 09:57 (GMT+7)

Được cấp đất sản xuất và đất ở, đó là mơ ước cả đời của bao người dân nghèo không mảnh đất cắm dùi. Nhưng, với những người dân may mắn được cấp xuất tái định cư ở khu dân cư biên giới Chàng Riệc (Tân Biên, Tây Ninh) thì chưa hẳn.

Được cấp đất sản xuất và đất ở, đó là mơ ước cả đời của bao người dân nghèo không mảnh đất cắm dùi. Nhưng, với những người dân may mắn được cấp xuất tái định cư ở khu dân cư biên giới Chàng Riệc (Tân Biên, Tây Ninh) thì chưa hẳn. Họ mừng chưa được bao lâu đã buồn lo ngay ngáy khi dọn đến nơi ở mới. Vì sao vậy? PV NNVN đã có những ngày thực tế ở đây để tìm câu trả lời.

CHƯA KỊP MỪNG ĐÃ LO

Khu dân cư biên giới (KDC) biên giới Chàng Riệc được qui hoạch thành 1 ấp mang tên Tân Khai, thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, sát biên giới Campuchia. Những căn nhà ở đây giống nhau như khuôn đúc. Giống nhau về diện tích, hình thức và cả về chất lượng công trình khi xây chưa bao lâu đã xuống cấp nghiêm trọng.

HẾT LO NHÀ SẬP LẠI SỢ BAY MÁI!

Từ cửa khẩu Xa Mát (huyện Tân Biên), chúng tôi rẽ vào tỉnh lộ 792, con đường trải nhựa phẳng lỳ, uốn lượn giữa 2 bên là những cánh rừng đặc dụng, rừng lịch sử. Đi khoảng hơn chục cây số, qua khỏi những cánh rừng, KDC Chàng Riệc hiện ra trong cái nắng nóng gay gắt vùng biên. Nhìn từ khoảng cách chừng 1 cây số, thấy những ngôi nhà ở KDC Chàng Riệc hiện ra nhỏ xíu, ngay hàng thẳng lối như tranh vẽ trong cảnh yên bình. “Đẹp quá còn gì!” Tôi thốt lên. “Đừng vội, muốn biết đẹp hay không phải đến nhìn tận mắt, sờ tận tay và nghe chủ nhân những ngôi nhà ấy nói đã”, anh bạn đồng nghiệp dẫn đường nói.




KDC Chàng Riệc chưa ra dáng là một KDC

Đúng như lời anh bạn, KDC Chàng Riệc còn rất hoang sơ. Cả vùng đất mênh mông nằm trên quả đồi thoai thoải, không có một bóng cây to, những căn nhà nhỏ (42 m2/căn) xếp hàng thẳng tắp, nằm im lìm hứng nắng gió. Những con đường nội bộ trong KDC vẫn là đường đất, do nằm trên đồi, lại chưa được trồng cây nên những trận mưa lớn đã tạo ra những mương nhỏ chằng chịt trên đường. Có vài cột điện không hiểu vì lý do gì bị gãy ngang thân, để lộ phần cốt thép khá “khiêm tốn” trong ruột.

Ghé vào những căn nhà ở KDC Chàng Riệc, chúng tôi thấy, điểm chung lớn nhất của những căn nhà này là nhà vệ sinh “lộ thiên”, không có mái che. Còn nhà thì hầu như căn nào cũng bị xuống cấp nghiêm trọng, tường nứt, nền lún, sụt. Nhiều căn, bước trên nền gạch nghe lộp cộp như bước trên thùng rỗng.


Hầu hết căn nhà nào tường cũng nứt ngang dọc

Ông Trịnh Đình Tắc, một trong những người lên KDC gần đây nhất (đợt 3), than: “Gia đình tôi mới lên đây hồi đầu năm, ban đầu mừng lắm. Nhưng mừng chưa được bao lâu đã chịu không thấu. Căn nhà nhỏ, thấp, mái tôn làm vừa đủ che kín tường nên trời nắng thì chẳng khác gì cái lò bát quái, còn trời mưa thì nước tạt lênh láng khắp nhà, chẳng hơn gì ngoài trời. Nền nhà bong tróc, bung bét hết. Những lúc mưa to, gió lớn, chỉ sợ nhà sập”.

Ông Đỗ Trọng Xứng, một trong những người lên KDC đợt đầu tiên, cho biết, gia đình ông đã phải bỏ ra hơn chục triệu để làm thêm một mái tôn che phần sân phía trước, vừa để tránh mưa tạt, vừa để vợ ông buôn bán lặt vặt và làm lại nhà vệ sinh. Dẫn chúng tôi vào nhà, ông Xứng nói: “Tường nứt rất nhiều, còn nền nhà, thay vì lún xuống thì nó lại kênh lên. Còn mưa thì khỏi nói, ở đây chưa có cây to chắn gió nên mỗi lần mưa là kèm gió lốc rất mạnh, muốn bứng cả mái tôn lên. Chú nhìn xem, mấy cây xà gồ nhỏ xíu đã đành, lại chỉ đặt xuống mấy khe tường rồi đặt tôn lên. Bên trên mái tôn không hề có gì đè giữ nên mỗi lần mưa, chưa kể dột, gió mạnh như muốn nhấc cả mấy cây xà gồ và mái tôn ra khỏi tường”.



Nền nhà bong tróc, loang lổ hoặc gạch phồng lên

Tại nhà bà Đỗ Thị Bế, ở lô F, tình trạng còn thê thảm hơn bởi những chiếc đinh trên nóc không đóng vào cây xà gồ phía dưới mà đóng ra ngoài. Trời mưa, nước theo những chiếc đinh chảy xuống nền nhà cộng với nước tạt tứ phía khiến căn nhà chẳng khác ngoài trời. “Trời mưa, gió mạnh. Nước tạt vào nhà nên tôi phải lấy đủ thứ từ áo mưa đến giẻ nhét vào khe cửa lớn, cửa sổ, nhưng cũng không ăn thua”, bà Bế cho biết.


Mái nhà phải dùng thép gia cố thêm, níu giữ cây xà gồ bám chắc vào tường, nếu không gió có thể bứng cả mái tôn đi

CÁI KHÓ BÓ CÁI KHÔN

Dự án KDC biên giới Chàng Riệc được khởi công xây dựng vào cuối năm 2010 với qui mô 500 căn để cấp cho 500 hộ dân thuộc diện hộ nghèo, không có nhà ở và đất sản xuất của 2 huyện biên giới Tân Biên và Tân Châu, kinh phí hơn 800 tỷ đồng. Ngoài 1 ha đất sản xuất, mỗi hộ còn được cấp 1 công (1.000 m2) đất ở cùng căn nhà nhỏ (trị giá 70 triệu đồng/căn). Tuy nhiên, xung quanh những căn nhà, hầu hết vẫn dành chỗ cho cây, cỏ dại mọc, thỉnh thoảng mới có một hộ làm vườn.

Với người dân nghèo, khát khao lớn nhất trong cuộc đời là có đất, có nhà. Nhưng vì sao đất lại bỏ hoang nhiều thế này? Trả lời những thắc mắc này, chị Đỗ Thị Bế, nói: “Gia đình tôi ở Vĩnh Long, lưu lạc nhiều năm lên xứ này, làm đủ thứ việc mà chưa bao giờ có được nơi ở cho đàng hoàng chứ đừng nói có đất cấy trồng. Cả đời tôi không dám mơ có được cơ ngơi thế này. Nên, được xuất định cư ở đây, tôi mừng chẳng khác gì đào được hũ vàng. Giờ có đất, tôi muốn sản xuất lắm chứ, nhưng, trong nhà không có một đồng bạc, hàng ngày phải đi mót khoai mì lấy tiền mua gạo ăn từng bữa thế này thì sao mà sản xuất?”.

Điểm chung của những hộ dân trong KDC Chàng Riệc là bên trong những căn nhà rỗng tuếch thường không có tài sản gì đáng giá ngoài những chiếc giường ọp ẹp, bộ nồi niêu móp méo, bộ bàn ghế cũ kỹ và chiếc tivi rẻ tiền.

“Bản thân họ và gia đình trước khi lên đây đã chỉ có 2 bàn tay trắng. Giờ đã có nhà, có đất rồi, nhưng muốn sản xuất thì ít nhất phải có cơm ăn no bụng trước, sau đó phải có ít vốn trong tay mới làm được chứ? Đó là lý do đất vẫn bỏ hoang nhiều”, anh bạn tôi phân tích.

Ông Trịnh Đình Tắc, một trong những người khát khao có đất sản xuất nhưng hiện cũng chưa đủ khả năng đầu tư cho mảnh đất gia đình mới được cấp vì “cái khó bó cái khôn”. Ông cho biết: Để đất trống ngày nào là xót ngày ấy, nhưng chưa biết sản xuất bằng cách nào khi trong tay không có một đồng! Theo ông Tắc, các gia đình ở KDC Chàng Riệc phần lớn là những hộ nghèo “rớt mùng tơi”, vì không có vốn sản xuất nên rất nhiều người đành bấm bụng cho thuê lại 1 ha đất sản xuất được cấp với giá 15 triệu đồng/năm. “Ở đây phần lớn là những gia đình khó khăn, lấy đâu tiền mà đầu tư. Nếu có muốn đầu tư vào sản xuất thì phải 1 năm sau mới được thu hoạch, hỏi chúng tôi lấy gì ăn trong một năm đó. Vì thế, cho thuê đất sản xuất để lấy tiền trang trải trước mắt là phương án tối ưu của bà con”, ông Tắc nói.

Một số hộ khác không có vốn sản xuất nhưng không chịu cho thuê đất nên đi vay hoặc mua thiếu cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… để sản xuất, đến khi thu hoạch, trừ chi phí, lãi vay xong, còn chẳng bao nhiêu, hoặc có khi lỗ vốn.

Xem thêm
Thủ tướng yêu cầu không để lặp lại tình trạng thiếu điện cục bộ như năm 2023

Bộ Công thương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo EVN đảm bảo dự án được đấu điện trước 30/6.

Hợp tác quảng bá nông sản Việt Nam tại Hàn Quốc

Sáng 15/4, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cùng với thành phố Goyang (Hàn Quốc) tổ chức Tọa đàm hợp tác đầu tư và xúc tiến thương mại trong nông nghiệp.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỳ bí rừng Nam Xuân Lạc: [Bài 2] Chuyến đi xuyên 18km đường rừng

Bắc Kạn Nam Xuân Lạc trù phú với những cây gỗ quý mấy người ôm không xuể, hệ động thực vật phong phú như vừa thúc giục vừa níu giữ bước chân lữ khách phương xa.

Bình luận mới nhất