| Hotline: 0983.970.780

Khu du lịch “cấm cửa” dân trồng rừng

Thứ Sáu 21/09/2012 , 09:59 (GMT+7)

Khu du lịch sinh thái Vedana Lagoon xây dựng ở khu vực tây bắc đèo Mũi Né đi vào hoạt động từ nhiều năm nay đã “bít” lối đi của hàng chục hộ dân lên trồng, chăm sóc và thu hoạch rừng.

Khu du lịch bít lối đi của dân trồng rừng

Đã nhiều năm nay, Khu du lịch sinh thái Vedana Lagoon (thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế) của Cty TNHH Du lịch và Thương mại Á Đông (Cty Á Đông) xây dựng ở khu vực tây bắc đèo Mũi Né đi vào hoạt động đã “bít” lối đi của hàng chục hộ dân lên trồng, chăm sóc và thu hoạch rừng.

Tiệt đường lên rừng

Những cánh rừng keo, bạch đàn được người dân ở các khu vực 1, 2, 3, 5 của thị trấn Phú Lộc trồng từ những năm 1980, từng mang lại giá trị kinh tế cao cho cư dân ven vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Qua nhiều năm thu hoạch, trồng mới lại rừng, đến nay, còn 11ha rừng keo của 17 hộ dân bị “mắc kẹt” lại trên đèo Mũi Né khi Cty Á Đông tiến hành xây dựng khu du lịch sinh thái.

Theo đó, năm 2008, UBND tỉnh TT- Huế đã giao đất 27ha (gồm 23ha ở đèo Mũi Né và 4ha mặt nước) cho Cty Á Đông xây dựng dự án du lịch Vedana Lagoon. Ông Nguyễn Ngọc Lợi, một hộ dân có rừng trồng trong khu vực này, cho biết: "Khi dự án được triển khai, người dân nằm trong khu vực rất phấn khởi bởi họ tin sẽ được giải quyết việc làm, kinh doanh buôn bán nên sẵn sàng giao đất. Thế nhưng, từ khi khu du lịch được xây dựng lên, tuyến đường quen thuộc dẫn lên đèo để chúng tôi trồng, chăm sóc và thu hoạch rừng lại bị “bít lối”. Nay rừng đã đến tuổi khai thác mà chỉ biết ngồi nhìn thôi, không có cách gì thu hoạch được".

Ông Lợi còn khoảng hơn 1ha rừng keo đã hơn 6 năm tuổi đang bị “mắc kẹt” lại trên đèo. Để trồng được diện tích rừng trên, ông phải vay ngân hàng 10 triệu đồng mua giống và bỏ công chăm sóc trong nhiều năm liền. Theo người dân trồng rừng ở gần khu du lịch cho biết, tuyến đường để người dân lên chăm sóc, khai thác rừng là tuyến "độc đạo", vì phía bên kia đèo Mũi Né là lâm trường Phú Lộc, không thể mở thêm đường được.

Ông Huỳnh Xuân Diệu, một hộ dân có 3ha rừng nằm trong khu vực này, cho hay: “Điều khiến người dân chúng tôi bức xúc là khi phía Cty tiến hành mua lại rừng thì phải mua hết từ bờ phá lên chân núi chứ, ai dè họ chỉ lấy phần dưới. Nhưng khi lấy xong lại rào chắn lại, bít lối đi của người dân trồng rừng. Trong khi đó, những diện tích đất mà bà con trồng rừng, sử dụng bấy lâu nay đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hẳn hoi".

Không chỉ bị “cấm cửa” rừng, phần diện tích mặt nước được giao của khu du lịch Vedana Lagoon ban đêm không có phao sáng để xác định ranh giới trên đầm phá gây khó khăn, nguy hiểm cho việc đi lại, đánh bắt của ngư dân trên đầm phá.

Cty sợ dân "quấy nhiễu"

Khu du lịch sinh thái Vedana Lagoon nằm ở phía tây bắc đèo Mũi Né, rộng 27ha, được bao quanh bởi vùng đồi núi và mặt nước đầm phá. Dự án với tổng mức đầu tư 6 triệu USD, bao gồm 55 phòng ngủ cao cấp, khu nhà hàng, khu thể thao và bể bơi, khu Spa, khu thủ công mỹ nghệ và các công trình khác. Khu du lịch được hoàn thành và đi vào hoạt động vào tháng 11/2010.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Ngọc Thảo, Phó chủ tịch UBND thị trấn Phú Lộc, thừa nhận: “Việc bị “bít” lối đi, không thể lên đèo chăm sóc, khai thác rừng đã gây bức xúc cho người dân trong nhiều năm qua. Trong khi các cuộc họp HĐND chúng tôi đều kiến nghị cấp trên có phương án giải quyết dứt điểm cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng".

Trước kiến nghị của người dân, lãnh đạo UBND thị trấn Phú Lộc đã hai lần mời đại diện phía Cty đến làm việc với hai phương án được đưa ra: Đề nghị phía Cty tạo điều kiện mở đường cho người dân vào chăm sóc, thu hoạch vì cây rừng đã đến tuổi khai thác; hoặc phía Cty có thể mua lại phần diện tích đất rừng còn lại của các hộ dân.

“Tuy nhiên, cả hai phương án trên đưa ra đều bị phía Cty từ chối bởi họ đưa ra lý do mua lại diện tích rừng thì phía Cty không có nhu cầu, còn mở đường cho dân lên khai thác thì không thể bởi đây là đơn vị kinh doanh độc lập, là khu lịch không thể để người dân vào... quấy nhiễu”, ông Thảo cho biết thêm.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất