| Hotline: 0983.970.780

Khu vực tìm kiếm MH370 không phải là nơi máy bay rơi

Thứ Năm 29/05/2014 , 16:36 (GMT+7)

Kết luận này được Trung tâm Điều phối công tác tìm kiếm ở Nam Ấn Độ Dương (JAAC) đưa ra sau khi quá trình tìm kiếm kể từ khi phát hiện ra tín hiệu ping hồi tháng Tư đến nay đã hoàn tất.

Hoạt động tìm kiếm MH370 ngoài khơi Australia (Nguồn: AFP)

Các quan chức Australia ngày 29/5 cho biết, khu vực rộng 850 km2 nằm ngoài khơi bờ biển phía Tây nước này, khoanh vùng dựa trên tín hiệu ping được cho là phát ra từ hộp đen của chiếc máy bay mang số hiệu MH370 thuộc Malaysia Airlines, không phải là "nơi an nghỉ cuối cùng" của chiếc máy bay bị mất tích.

Kết luận này được Trung tâm Điều phối công tác tìm kiếm ở Nam Ấn Độ Dương (JAAC) đưa ra sau khi quá trình tìm kiếm kể từ khi phát hiện ra tín hiệu ping hồi tháng Tư đến nay đã hoàn tất.

"JACC thể thông báo rằng không mảnh vỡ máy bay nào được tàu ngầm tự hành tìm thấy kể từ khi nó tham gia hoạt động tìm kiếm" - JACC thông báo.

Trung tâm cho biết Cơ quan an toàn giao thông vận tải Australia (ATSB) nhận định "khu vực tìm kiếm giờ không thể được coi là nơi an nghỉ cuối cùng của MH370".

Kết luận này sẽ kéo dài sự đau khổ của thân nhân các hành khách, những người đang tuyệt vọng chờ đợi một sự kiện giúp khép lại thảm kịch.

Chiếc máy bay mang số hiệu MH370 đã mất tích từ ngày 8/3 với 239 người trên khoang. 

Australia đã sử dụng tàu Ocean Shield, mang theo thiết bị lặn tự hành Bluefin-21 thực hiện việc tìm kiếm dưới đáy đại dương, song đã không đem lại bất cứ kết quả khả quan nào.

Quá trình tìm kiếm dưới nước kết thúc khi phó giám đốc cơ quan kỹ thuật hải dương thuộc Hải quân Mỹ, Michael Dean nói với CNN rằng tín hiệu ping không phải là từ hộp đen của máy bay mất tích.

Ông nói rằng nếu chúng phát ra từ hộp đen máy bay, tới giờ người ta đã tìm thấy chúng rồi.

"Giả thuyết của chúng tôi ở thời điểm này là các tín hiệu ping dường như chỉ là một dạng âm thanh nào đó do tàu biển tạo ra... Cũng có thể nó hình thành từ các thiết bị điện tử trên máy phát hiện tin hiệu ping" - Dean nói - "Giống như bất cứ khi nào anh mang một thiết bị điện xuống thả xuống nước, anh đều lo ngại nước sẽ rò vào trong và gây chập thứ gì đó. Nếu tình huống đó xảy ra, thiết bị của anh có thể bắt đầu tạo ra tiếng động".

Dean vẫn chưa bác bỏ hoàn toàn khả năng các tín hiệu ping tới từ hộp đen máy bay. Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng nào cho thấy chúng đã phát ra từ một hộp đen.

Một phát ngôn viên Hải quân Mỹ sau đó cho biết các bình luận của Dean là "còn quá sớm và mang tính phỏng đoán". JACC đã không bình luận gì về các tuyên bố của Dean.

Kiểm tra lại dữ liệu

Thiết bị định vị tín hiệu ping của Hải quân Mỹ, cũng được tàu Ocean Shield kéo đi, đã được dùng để tìm kiếm dấu vết hộp đen MH370 tại một khu vực biển nằm ở phía Nam Ấn Độ Dương. Dữ liệu vệ tinh cũng cho thấy máy bay có thể đã rơi xuống khu vực này.

Sau khi thiết bị thu được hàng loạt tín hiệu ping, Thủ tướng Australia Tony Abbott đã tuyên bố ông "rất tin tưởng" chúng phát ra từ hộp đen. Nó đã khiến người ta triển khai tàu Bluefin-21 trong ngày 14/4.

JACC cho biết hoạt động tìm kiếm giờ sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo, sử dụng các thiết bị phức tạp hơn để quét các vùng đáy biển chưa được kiểm tra. Khu vực tìm kiếm mới, được tạo lập dựa trên các thông tin và phân tích có được tới nay, nhiều khả năng sẽ mở rộng đến 60.000 km2.

Một tàu khảo sát của Trung Quốc là Zhu Kezhen hiện đang vẽ bản đồ nhiều vùng đáy biển khác nhau để chuẩn bị cho các hoạt động tìm kiếm đáy biển trong tương lai, dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng 8 tới đây và kéo dài 12 tháng.

Scott Hamilton, giám đốc quản lý công ty tư vấn Leeham của Mỹ nói rằng các dữ liệu thu được từ hoạt động điều tra MH370 sẽ được xem xét lại từ đầu tới cuối. Tuy nhiên ông không tin cuộc tìm kiếm sẽ sớm dừng lại.

"Nếu câu hỏi là liệu người ta có ngừng hoàn toàn việc tìm kiếm MH370 và coi như nó mất tích vĩnh viên thì câu trả lời là chưa đâu. Họ cần phải dùng hết các phân tích" - ông nói - "Tôi nghĩ sẽ còn phải mất một thời gian nữa, có thể là vài năm, trước khi người ta hoàn toàn bỏ cuộc".

Thân nhân phẫn nộ

Nhiều thân nhân của các hành khách, phần lớn là người Trung Quốc và Malaysia, đã thể hiện sự phẫn nộ trước việc hoạt động tìm kiếm không thu kết quả. Họ cáo buộc Kuala Lumpur đã giữ lại các dữ liệu vệ tinh quan trọng và không công bố đầy đủ.

Cáo buộc được đưa ra sau khi hôm 27/5, Malaysia đã công bố một bản báo cáo dài 47 trang, ghi lại các liên lạc giữa máy bay và vệ tinh được công ty điều hành vệ tinh Inmarsat của Anh ghi lại. Lâu nay người ta đã đòi công bố các thông tin này.

"Thời gian tổi qua đã quá lâu và chưa có gì được tìm thấy nên chúng tôi nghi ngờ sự chính xác trong hoạt động tính toán vị trí máy bay" - Steve Wang, thành viên nhóm ủng hộ gia đình của 153 hành khách Trung Quốc, cho biết.

Malaysia nói rằng nước này đã làm hết sức trong một thảm kịch chưa có tiền lệ.

Dựa vào dữ liệu của Inmarsat, người ta tin rằng MH370 đã đi chệch lộ trình trước khi lao xuống biển, có thể do cạn nhiên liệu.

 

(VIETNAM+)

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.