| Hotline: 0983.970.780

Từ đồng vốn ngân hàng

Khuất phục đất hoang

Thứ Hai 31/03/2014 , 10:26 (GMT+7)

Nhắc đến những người nuôi trồng thủy sản ở vùng phá Tam Giang, bà Lê Thị Hòa – Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Quảng Điền vẫn nhớ như in những thất bại, thành quả mà cả người dân và ngành ngân hàng từng nếm trải.

Nhắc đến những người nuôi trồng thủy sản ở vùng phá Tam Giang (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế), bà Lê Thị Hòa – Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp- PTNT Chi nhánh huyện Quảng Điền vẫn nhớ như in những thất bại, thành quả mà cả người dân và ngành ngân hàng từng nếm trải.

Còn ông Phạm Hóa, cựu Chủ tịch Hội nghề cá xã Quảng Công, huyện Quảng Điền thì cho rằng, nếu không có sự đồng hành của ngân hàng sẽ còn nhiều gia đình đổ bể vì nợ nần.

Ngân hàng làm khách hàng

Ông Hóa nhớ lại: Năm 1989, ông cùng mấy người em trai đã tiên phong nuôi tôm nước lợ ở vùng phá Tam Giang. Việc đầu tư hồ nuôi tốn kém, vất vả vì thiếu vốn, thiếu công nghệ. Tuy nhiên, ngày đó tôm được giá, thức ăn rẻ và xuất khẩu thuận lợi. Đến năm 1995, dường như cả vùng nhà nào cũng đầu tư nuôi tôm. Đỉnh điểm năm 2000, phong trào nuôi tôm của cả tỉnh phát triển mạnh mẽ.

“Cũng từ đó, người nuôi tôm rơi vào thế bí, giống sản xuất ít, giá thức ăn tăng vùn vụt, tôm sản xuất ra nhiều mà bán chẳng được mấy. Đặc biệt, kỹ thuật nuôi không đảm bảo nên tôm chết, dẫn đến nợ nần trong dân chồng chất” – ông Hóa kể.

Nhiều gia đình bỏ làng vào Nam làm ăn kiếm tiền trả nợ. Số ít ở lại tiếp tục bám trụ khắc phục mọi khó khăn để vượt qua đói nghèo. Ông Hóa cho rằng, chính trong khó khăn đó, người nuôi tôm đã không bị đơn độc vì được sự chia sẻ của ngân hàng. Sự quan tâm đã giúp nhiều gia đình thêm động lực để tiếp tục đầu tư.

“Chúng tôi buộc phải thay đổi tư duy làm ăn, tiến hành nuôi kết hợp. Thời gian đầu không nuôi tôm mà chuyển sang nuôi cá, nuôi cua. Việc cải tạo ao hồ được thực hiện bằng máy nên tôm, cá, cua ít gặp bệnh. Số hộ nuôi cũng không nhiều nên những người nuôi trồng thủy sản vùng đất này bây giờ gia đình nào cũng khá. Cả xã hiện chỉ còn 200ha nuôi trồng thủy sản. Có không ít gia đình từ chỗ là những con nợ của ngân hàng thì nay họ đang là chủ nợ khi gửi vào ngân hàng hàng trăm triệu đồng” – ông Hóa chia sẻ.

Cũng theo ông Hóa, vẫn còn nhiều gia đình đang nợ ngân hàng 20 đến 40 triệu đồng song khoản vay đó hoàn toàn họ làm chủ được khi mà tổng tài sản ao hồ của họ từ ba đến bốn trăm triệu đồng. Ông cho rằng, nuôi kết hợp, cộng với nuôi gối vụ 4 mùa liên tục trong năm thì có mất loại giống này còn có giống khác. Riêng gia đình ông, mỗi năm bán các loại cá và cua, trừ chi phí còn lãi ròng hơn 400 triệu đồng.

Rất tiếc hôm chúng tôi về Quảng Công, anh Phạm Việt Dũng (em trai ông Hóa) không có nhà nhưng theo ông Hóa thì anh Dũng là một điển hình vượt qua những ngày hàn vi. “Có lúc chú ấy đi vay ngân hàng 100 triệu đồng mà tài sản thế chấp không được nhiều. May mắn được ngân hàng tin tưởng nên em tôi đã mạnh dạn đầu tư. Giờ tài sản xấp xỉ 4 tỷ đồng rồi; đã gửi ngân hàng ba trăm triệu” – ông Hóa cho biết.

Gần 70 tuổi đời, điều mà ông Hóa thấy sung sướng nhất ở cái làng chài này không chỉ người dân biết sử dụng tốt đồng vốn vay để phát triển kinh tế mà chính là họ biết đầu tư cho con cái ăn học.

Ông bảo: “Tôi có 9 người con cả trai và gái. Nay có 5 đứa sống ở TP.HCM nhưng chúng đều trở thành những ông chủ, bà chủ. Ở làng tôi, năm nào cũng có 4 – 5 cháu học sinh trúng tuyển vào các trường ĐH. Nhớ lại cách đây khoảng 15 năm, con em trong làng một chữ bẻ đôi không có. Nay thấy cuộc sống đang lên, dân trí lên, chúng tôi vui lắm”.

Thu tiền tỷ từ trồng rừng

Chia tay Quảng Điền, chúng tôi đến huyện Nam Đông, một trong 2 huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tại đây, chúng tôi được tiếp xúc với những người nông dân đã biến đồi hoang thành rừng cây có giá trị kinh tế lớn. Chẳng hạn như anh Hồ Văn Nha - ở thôn 2, xã Thương Quảng và anh Đoàn Trọng Phúc ở thôn 3, xã Hương Lộc. Họ là những đồng bào dân tộc ít người và luôn có khát khao làm giàu cháy bỏng.

18-30-54_ong-doan-trong-phuc-ben-phai-dang-kiem-tra-rung-keo-cua-gia-dinh
Anh Đoàn Trọng Phúc (bên phải) đang kiểm tra rừng keo của gia đình

Anh Nha kể: Từng sản xuất 4 sào lúa nhưng chẳng mấy khi đủ gạo ăn nên đói nghèo cứ triền miên. Từ năm 1996, được Nhà nước tạo điều kiện, gia đình mạnh dạn nhận đất đồi để trồng cao su. Vốn liếng ban đầu nhờ vào ngân hàng nông nghiệp. Ba ha cao su mọc lên trên đồi hoang trong niềm vui khó tả. Năm 2003, cao su bắt đầu cho khai thác, từng bước giúp gia đình vượt qua cảnh thiếu gạo ăn và tích lũy được tiền để trả nợ ngân hàng.

Năm 2006 gặp bão lớn, hơn 1.500 gốc cao su đã cho thu hoạch 4 năm của gia đình anh Nha chỉ còn sót lại 365 cây. Số cao su bị đổ gãy đều phải chặt bỏ. Tưởng sẽ bỏ cuộc nhưng được phía ngân hàng chia sẻ, lãnh đạo địa phương động viên nên anh Nha tiếp tục vun vén, chăm sóc số cây còn lại. “Đó là niềm tin lớn nhất mà tôi có được để càng yêu đất rừng hơn. Đến năm 2012, tôi tiếp tục trồng cao su trên diện tích đã bị bão tàn phá” – anh Nha tâm sự.

Điều anh Nha mong muốn nhất hiện nay là được trang bị thêm kiến thức về trồng, chăm sóc, khai thác mủ cao su và cần thêm 50 triệu đồng tiền vốn để nhận thêm đất rừng trồng keo.

Không chỉ trồng cao su, năm 2010, anh Nha còn nhận thêm 2ha đất để trồng keo. Cuối năm ngoái, số keo trên cho thu hoạch và anh đã bán được 84 triệu đồng. Anh Nha bảo, làm lúa chân lấm tay bùn, quần quật mãi mà chẳng khá được. Nay trồng rừng thấy thu nhập khá nên vui sướng lắm. Con cái học hành tiến bộ. Đứa con lớn hiện đang học đại học.

Khác với anh Nha, anh Đoàn Trọng Phúc từ năm 1996 bắt tay vào trồng 7ha keo thì không phải vay vốn của ngân hàng. Sau 4 năm cho thu hoạch lứa keo đầu tiên, anh Phúc thấy được giá trị rất lớn của việc trồng rừng nên dồn toàn bộ số tiền thu được trong 7ha keo đó, cộng với khoản vay 30 triệu đồng của ngân hàng nông nghiệp để mở rộng diện tích rừng trồng. Đến năm 2003, anh Phúc đã có 50ha rừng keo.

Anh Phúc chia sẻ: “Trước lúc vay vốn ngân hàng, tôi đã làm thử phép tính để đầu tư. Phải tính được giá trị và lợi nhuận của việc trồng rừng đến đâu tôi mới dám làm hồ sơ vay vốn. Cầm đồng vốn vay của ngân hàng gieo vào đồi hoang nếu không tính toán kỹ mà thất bại thì đổ bể hết bởi có thời điểm tôi vay gần 300 triệu đồng”.

Có lẽ với suy tính đó mà cứ 5 năm, anh Phúc thu hoạch một lứa keo, nó gối vụ nên năm nào anh cũng có keo để bán. Anh bảo, cứ 10ha thì cho thu hoạch được 400 triệu đồng, trừ chi phí vẫn còn lãi ròng 300 triệu. Cùng với keo, anh Phúc có 4ha cao su đã cho khai thác 3 năm nay. Ngoài ra, anh còn trồng được 2 ngàn cây dó trầm. Riêng năm nay anh Phúc sẽ trồng 500 cây kiền kiền trong kế hoạch trồng 2 ngàn cây đến năm 2016.

“Trồng keo để lấy tiền tiêu, trồng cao su để tích lũy còn trồng kiền kiền mới là giàu sang. Tôi nhận thấy mình đang đầu tư đúng hướng” – anh Phúc nói. Theo anh Phúc, hiện giá kiền kiền rất cao. Ở Nam Đông một m3 kiền kiền bán được 20 triệu đồng nhưng xuống đồng bằng sẽ là 40 triệu, còn bán tại Hà Nội là 70 triệu đồng.

Biết tính toán, biết làm ăn nên rừng cây của anh Phúc cứ thế sinh ra lợi nhuận. Cuối năm ngoái, anh đã mua được chiếc xe ô tô trị giá 1 tỷ đồng. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi cứ trầm trồ về chiếc xe mà anh Phúc đang sở hữu. Bởi thực tế số người dân tộc Cơ Tu ở miền núi Nam Đông có xe ô tô 7 chỗ để đi lại thật là hiếm.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Phúc còn giải quyết việc làm cho 20 lao động trong xã với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Trong số đó có 10 người làm việc quanh năm còn 10 người làm theo thời vụ.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất