| Hotline: 0983.970.780

Khuất phục đồi hoang

Thứ Năm 19/08/2010 , 10:05 (GMT+7)

"Tôi thấy lạ là không hiểu sao người trồng mía lại phải mua đường từ chính nơi mình bán nguyên liệu với giá cao; trong khi đó, Thanh Hoá là tỉnh có 3 nhà máy đường với sản lượng nguyên liệu mía và trữ lượng đường lớn nhất cả nước?"- tỷ phú Trịnh Huy Khuê trăn trở.

Tỷ phú Trịnh Huy Khuê (áo trắng, bên trái)
"Tôi thấy lạ là không hiểu sao người trồng mía lại phải mua đường từ chính nơi mình bán nguyên liệu với giá cao; trong khi đó, Thanh Hoá là tỉnh có 3 nhà máy đường với sản lượng nguyên liệu mía và trữ lượng đường lớn nhất cả nước?"- tỷ phú Trịnh Huy Khuê trăn trở.

Biến sỏi đá thành... cơm

Biết tin Trịnh Huy Khuê (xóm 11, xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) được chọn báo cáo điển hình tại Đại hội thi đua yêu nước ngành nông nghiệp lần 3 tại Thủ đô Hà Nội, tôi đã tìm gặp anh. Trên đường về Thọ Bình, tình cờ chúng tôi gặp ông Vũ Ngọc Nhật, nguyên Bí thư Chi bộ 11. Tôi theo bước chân ông Nhật tham quan những đồi mía bạt ngàn và rừng cây xanh thẳm mà ông Nhật bảo đó là thành quả, công sức của Khuê.

Ông Nhật kể chuyện: "Cách đây không lâu, nơi đây là những quả đồi hoang vắng với những lùm cây dại mọc um tùm. Cuộc sống của đồng bào khó khăn trăm bề, nợ nần chồng chất, con cái ít được học hành. Nhìn bức tranh xám xịt ấy của làng quê nhưng cấp uỷ, chính quyền vẫn không tìm thấy lối ra, nhất là lực lượng lao động trẻ ở nông thôn không biết làm cái gì để sống. Thế rồi khi Khuê xuất ngũ, mọi chuyện đã thay đổi trên quê hương Thọ Bình".

Học hết cấp 3, Trịnh Huy Khuê (SN 1965) tình nguyện lên đường nhập ngũ, sau ngày ra quân, anh quyết tâm lập nghiệp ngay trên chính mảnh đất của gia đình.

Ra quân, Khuê về ở với bố mẹ. Cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Như lời Khuê nói thì khó khăn lúc đó hơn nhiều so với những ngày cuốc bộ 18km để đến trường học chữ. Nhưng với những gì học được trong môi trường quân ngũ, anh quyết không để đôi chân mình chùn bước trước cảnh đói nghèo triền miên. Ước nguyện làm giàu từ mảnh đất của gia đình được bố mẹ Khuê ủng hộ. Khuê bàn tính với vợ bán đi chỉ vàng lấy làm vốn.

Sau đó, cả hai vợ chồng Khuê đã khăn gói đến Nhà máy đường Lam Sơn xin được giúp đỡ về kỹ thuật trồng mía. Nhà máy đường Lam Sơn lúc bấy giờ mới đi vào hoạt động, vùng nguyên liệu còn ít nên khi thấy anh lính trẻ có sức khoẻ và ý chí làm giàu, lãnh đạo nhà máy đã nhiệt tình giúp đỡ.

Tháng 2/1990, Nhà máy đường Lam Sơn đưa phương tiện đến giải phóng mặt bằng, tạo ra một khu đất đẹp, thuận lợi cho gia đình Khuê trồng mía. Từ vùng đất hoang sơ chỉ có cây cỏ hoang dại, dần dần hiện hữu 2 ha mía xanh ngút mắt. Đất mới, lại có kỹ thuật chăm sóc và sự cần mẫn một nắng hai sương của hai vợ chồng Khuê nên cây mía sinh trưởng và phát triển tốt. Vụ mía đầu tiên, Khuê trả hết tiền đầu tư của nhà máy và có điều kiện để tái sản xuất cũng như giải quyết được phần nào kinh tế gia đình.

Theo ông Nhật thì sau vụ mía năm thứ 3 của Khuê, đã có nhiều gia đình trong xóm đến tìm hiểu cách làm ăn và nhờ Khuê giúp đỡ. Nhìn những mái nhà tranh tre, nứa lá xuyềnh xoàng và nhiều hoàn cảnh éo le, túng bấn mọi đường của làng quê nghèo, Khuê đã không cầm được lòng mình. Khuê mạnh dạn đứng ra ký hợp đồng bảo lãnh cho các hộ dân với Nhà máy đường Lam Sơn trong việc phát quang đồi hoang để trồng mía. Nhờ đó, chỉ sau 10 năm, vùng đất Thọ Bình đã mở rộng được gần 200 ha trồng mía với 250 hộ gia đình tham gia. Đến nay số diện tích mía do Khuê đứng ra làm chủ hợp đồng lên đến 300ha với 500 hộ dân, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn người. Riêng Khuê đã mạnh dạn nhận khoán 30ha đất đồi để trồng thêm bạch đàn, keo, luồng nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc và tăng thu nhập cho gia đình. Từ ước mơ mong có cơm ăn đủ bữa thì nay doanh thu mỗi năm của gia đình Khuê đạt xấp xỉ 13 tỷ đồng. Và hàng năm anh Khuê đã giải quyết được việc làm thường xuyên cho 25 lao động và 150 lao động thời vụ, với mức thu nhập từ 2- 4 triệu đồng/người/tháng.

Từ chỗ canh tác bằng sức người là chính thì nay anh Khuê đã mua được 9 đầu xe tải vận chuyển mía và vật liệu, hai xe ủi, hai máy xúc và nhiều phương tiện làm đất khác với tổng mức đầu tư trên chục tỷ đồng. Tâm sự với chúng tôi, anh Khuê nói: "Đói nghèo và thực tiễn đã dạy cho tôi và con em Thọ Bình cách làm ăn. Tôi không nhận mình là người thầy, người đỡ đầu nhưng tôi cảm thấy vui và hạnh phúc khi thấy hàng chục thanh niên học được nghề lái xe từ chính sự huấn luyện của mình. Nhiều em đã có việc làm ổn định ở Cty, phân xưởng từ chính sự rèn luyện ngay tại trường lái quê nhà".

Dắt dìu dân nghèo

Trong quân ngũ, Khuê được học lái xe và trực tiếp lái xe cho đơn vị nên anh đã có những chuyến hành quân xa. Điều làm anh Khuê nhớ mãi đó là hình ảnh người nông dân Thái Bình cẫn mẫn trên các cánh đồng lúa. Anh học được ở người nông dân Thái Bình sự cần cù, chịu khó. Nhưng theo anh, để có được những ruộng mía năng suất hiệu quả như ngày hôm nay là nhờ những tháng ngày anh sống trên đất Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc và Phú Thọ). Anh đã học được rất nhiều kỹ thuật trồng mía của nông dân Vĩnh Phú. Có lẽ thế mà sau ngày xuất ngũ, nhìn những đồi đất hoang ở Thọ Bình khiến anh đã nghĩ ra cách làm cho đất trở nên màu mỡ bằng cách cải tạo thành những đồi mía xanh tốt.

Có biết bao gia đình hoàn cảnh nghèo đói, nợ nần chồng chất, nhà cửa rách nát thì giờ đây họ đã thoát nghèo, đã xây được nhà mới khang trang, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, không còn nợ nần mà còn có của ăn của để, đầu tư cho con cái học hành. Nhiều thanh niên trai làng học được nghề lái máy, lái xe từ chính sự huấn luyện của anh Khuê. Sau nhiều lần thành thạo, anh Khuê lại tạo điều kiện cho số thanh niên này được học tập trung ở trường lái trong tỉnh để có bằng cấp. Đã có không ít thanh niên bây giờ việc làm ổn định, thu nhập khá ở các Cty, nhà máy nhờ sự giúp đỡ của vợ chồng Khuê. Nói theo cách của nguyên Bí thư chi bộ 11 Vũ Ngọc Nhật thì: "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo cách của anh Khuê là hiệu quả và thiết thực nhất, nên được nhân rộng ra".

Ghi nhận những đóng góp của tấm gương làm kinh tế giỏi, nhiệt huyết và tận tình giúp đỡ người dân nghèo, Trịnh Huy Khuê vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi; được Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá tặng Bằng khen về thành tích trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhiều năm liền, anh Khuê được Chủ tịch UBND tỉnh và các ngành tặng Bằng khen, giấy khen về thành tích nông dân sản xuất giỏi, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

Chia tay tôi, anh Khuê luôn đau đáu  một điều là làm thế nào để vùng mía Lam Sơn ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng lên, tương xứng với bao mồ hôi và cả nước mắt mà người dân đã hy sinh cho những vụ mía. Anh Khuê bày tỏ: “Tôi thấy lạ là không hiểu sao người trồng mía phải cay đắng mua đường từ chính nơi mình bán nguyên liệu với giá cao; trong khi đó, Thanh Hoá là tỉnh có 3 nhà máy đường với sản lượng nguyên liệu mía và trữ lượng đường lớn nhất cả nước?”.

Ngẫm nghĩ một lúc, anh Khuê như muốn giãi bày thêm trước lúc tôi nổ máy xe ra về: Để có cây mía ngọt, người dân phải thấm đẫm bao giọt mồ hôi mặn chát xuống đất. Có lẽ không mấy ai hiểu được cuộc đời của mía. Thân như cây nứa cây vầu, chắt chiu từ đất luyện lâu nên đường. Người trồng mía dãi dầu, nắng gió ngàn sương cùng với cây mía để có ngọt bùi từ lòng đất.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất