| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 06/09/2017 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 06/09/2017

Khủng khiếp vấn nạn họp - hãy bớt đi để còn... hành!

Trong buổi họp với chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong mới đây, Giám đốc Sở KH-ĐT Sử Ngọc Anh đã than thở với người đứng đầu chính quyền thành phố về cái “nạn” họp hành liên miên.

Hình mang tính minh họa

Ban giám đốc Sở KH-ĐT gồm 4 người, 1 giám đốc và 3 phó giám đốc, nhưng trong 7 tháng đầu năm 2017, đã phải tham dự tổng cộng trên 2.000 cuộc họp. Còn giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cũng phàn nàn, ông và 3 cấp phó của mình, tuy số cuộc họp phải tham dự ít hơn Sở KH-ĐT một tý, nhưng cũng hơn 1.500 cuộc.

Những lời phàn nàn trên, khiến dư luận nhớ tới lời tâm sự với báo chí của một vị Cục trưởng của Bộ NN-PTNT mấy năm trước, rằng một năm, ông nhận được tới 4.000 cái giấy mời họp.

Thật là khủng khiếp! Thật là ngoài sức tưởng tượng! Có lẽ không ở đâu mà số cuộc họp lại nhiều như ở Việt Nam. Con số về những cuộc họp mà một lãnh đạo từ cấp xã đến cấp trung ương hàng năm phải tham dự, xứng đáng được ghi vào sách kỷ lục Guiness thế giới. Một giám đốc và 3 phó giám đốc, trong có 7 tháng mà phải dự đến 2.000 cuộc họp. Bình quân mỗi người trong 7 tháng dự 500 cuộc, mỗi tháng 71 cuộc. Nếu số ngày làm việc trong tháng là 22 ngày, thì trong cả tháng đó, mỗi ngày 1 người phải dự bình quân trên 3 cuộc họp.

Họp nhiều như thế, thì còn thời gian đâu mà điều hành, mà giải quyết công việc. Thế nên mới có chuyện người dân mang đơn đến công đường, việc xét duyệt lẽ ra chỉ đáng 5 phút, mà có khi phải chờ đến mấy tuần, vì lãnh đạo liên miên đi họp.

Vì sao lại có chuyện lãnh đạo họp hành liên miên như vậy?

Nguyên nhân số 1 chính là ở cái cách làm việc theo kiểu “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Đã là lãnh đạo tập thể, thì việc bằng cái tăm cũng phải do tập thể quyết. Mà muốn tập thể quyết là phải họp. Bao nhiêu công việc cần giải quyết là bấy nhiêu cuộc họp. Kiểu làm việc này đã sinh ra nỗi sợ trách nhiệm. Vì sợ trách nhiệm nên phải đùn đẩy trách nhiệm cho tập thể, để nhỡ “có làm sao” thì đã có tập thể chịu. Thứ hai, nội dung các cuộc họp thường lặp lại quá nhiều. Họp thường vụ, họp ban chấp hành, họp ủy ban, họp phòng, ban chuyên môn... Nhiều khi chỉ cùng bàn về một nội dung. Lại có trường hợp chỉ có một nội dung mà phải cần tới năm, sáu cuộc họp. Đầu tiên là họp định hướng, tiếp theo là họp góp ý, họp dự thảo, họp thông qua, họp kết luận, và cuối cùng là họp triển khai thực hiện. Rồi nếu thực hiện không được, có vướng mắc thì lại họp tiếp, bàn việc điều chỉnh hoặc tháo gỡ...

Nói không ngoa, tình trạng họp đã trở thành một cái nạn, đã tiêu tốn của xã hội không biết bao nhiêu cả tiền bạc lẫn công sức, lãng phí vô cùng, và hậu quả cuối cùng là một nền hành chính trì trệ, vì lãnh đạo suốt ngày chúi đầu vào họp.

Không thể chần chừ được nữa. Đã đến lúc Chính phủ phải ra tay dẹp cái nạn này. Hãy bớt họp đi, để dành thời gian mà hành!

Bình luận mới nhất