| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông - Khuyến ngư 2010: Sang trang mới

Chủ Nhật 03/01/2010 , 08:15 (GMT+7)

Thật đúng và thật vui khi nghe rằng sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam hai chục năm qua có sự đóng góp to lớn của công tác khuyến nông - khuyến ngư.

LẬT LẠI NHỮNGTRANG GHI CHÉP CŨ

Thật vinh dự tôi là một trong những nhà báo được “bám càng khuyến nông” từ năm 1992, năm mà công tác khuyến nông đang còn phôi thai và Nghị định 13/CP về công tác khuyến nông - khuyến ngư đang được chuẩn bị. Một lần tôi theo ông Hai Thuận (nguyên Phó cục trưởng) đi công tác Cần Thơ – Vĩnh Long, trên đường về chúng tôi ăn sáng tại thị xã Vĩnh Long nhưng mãi đến hơn 10 giờ khuya chúng tôi mới về đến TP HCM. Tính ra chúng tôi phải mất 15 giờ cho quãng đường 150 km. Xe không hỏng, đường rộng rinh nhưng từ thị xã Vĩnh Long chúng tôi phải tạt ngang Cao Lãnh (Đồng Tháp), từ Cao Lãnh về Mỹ Tho (Tiền Giang), rồi lại ghé vào thị xã Tân An (Long An) mà mục đích chỉ là để ông Hai gặp gỡ các bí thư tỉnh ủy để tranh thủ sự đồng thuận của các quan chức này về sự ra đời của một công tác mới, hệ thống mới.

Rồi bao nhiêu chuyến “bám càng” khác, lúc thì vào Đồng Tháp Mười gặp linh mục Nguyễn Trí Hướng, Tân Lập , Tân Thạnh (Long An) cùng cha đạo làm mô hình cải tạo đất phèn làm lúa 2 vụ; lúc thì lên Tây Ninh thăm những nông dân Biển Hồ Campuchia dạt về xem họ nuôi lươn, nuôi cá, về núi Bà Đen xem nông dân làm “mãng cầu bay”; đi Sóc Bom Bo (Bình Phước) xem mô hình trồng lúa nương; đi Chợ Gạo (Tiền Giang) xem mô hình “trồng dưa hấu lạc hậu”; ra Ninh Thuận thăm mô hình nho xanh; xuống Sóc Trăng xem lúa thơm Khaodakmali; đi Bạc Liêu xem Artemia, về Long An xem làm giống lúa lai TN15, xuống Cần Thơ làm hội thi khuyến nông giỏi theo sáng kiến của công ty phân bón Bình Điền rồi đi cả nước tổ chức “Nhà nông đua tài” … Cứ vậy, xe của nhà còn cơm rượu là của dân, hàng chục cuốn sổ tay ghi chép đầy ắp sự kiện và mô hình khuyến nông.

Làm khuyến nông tuy cực nhưng vui - Đấy là kết luận rút ra không phải chỉ của một số mà là tuyệt đại đa số những người làm công tác khuyến nông. Không thể cân đong, đo đếm về sự đóng góp của công tác này vào sự phát triển thần kỳ của ngành nông nghiệp, sự phát triển nông thôn VN, vào công cuộc xóa đói giảm nghèo nhưng điều chắc chắn là rất được lòng dân, được dân chào đón nồng nhiệt thân tình và cả tin yêu nữa.

SẴN SÀNG SANG TRANG MỚI

Thật đúng và thật vui khi nghe rằng sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam hai chục năm qua có sự đóng góp to lớn của công tác khuyến nông - khuyến ngư. Thật hãnh diện khi VN được FAO xếp VN là số 1 trong 4 nước hàng đầu đã giải quyết tốt an ninh lương thực với sự tham gia có hiệu quả của công tác khuyến nông … Thế nhưng nếu ai đó cắc cớ đặt câu hỏi – 18 năm qua đâu là bài học thất bại của công tác này thì câu trả lời sẽ như thế nào?

Năm 2005, tôi trở lại điểm sáng Sóc Bom Bo, con đường nhựa nóng hơn chục cây số từ quốc lộ 14 đã thay cho con đường lầm bụi đỏ dẫn tôi về cảnh cũ người xưa. Sóc bây giờ đã ra mặt đường cách nơi cũ khoảng dăm trăm mét. Tiếng chày khua rộn rã của Xuân Hồng trong kháng chiến vốn đã thưa thớt vào năm triển khai mô hình (1996) thì nay đã im bặt. Tại ngã 3, cạnh quán cầy tơ 7 món có 2 chiếc xe tải chất đầy gạo có biển số ĐBSCL đang bán lẻ cho đồng bào, giống lúa cạn ngắn ngày của Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam cứ tưởng sẽ thay thế 100% giống lúa nương bản địa nhưng không còn thấy trên nương, cũng không còn nghe tiếng be be của mấy con dê mà mô hình tặng.

Nào điều ghép của Bình Dương, nào cây thuốc cá ở Sóc Trăng, nào rau sạch ở TP HCM, nào nho sạch Ninh Thuận, nào con tôm ôm cây lúa ở các tỉnh duyên hải, nào chất ngậm nước chống hạn ở Đồng Nai, nào măng tre, nào bồn bồn, nào gà thả vườn … Hiện chưa có một thống kê nào về những mô hình hoặc không nhân rộng ra được hoặc mô hình có tuổi thọ ngắn ngủi như Sóc Bom Bo nhưng chắc chắn rằng con số đấy không ít. Có ý kiến cho rằng các nhà khuyến nông cần khảo sát thêm yếu tố xã hội khi triển khai mô hình.

Lại nữa. Có người nói, khuyến nông đã góp phần đưa Việt Nam lên cường quốc số 1 về hồ tiêu, số 1 về cà phê Robuta, số 2 về gạo nhưng tại sao người tiêu dùng thế giới lại hầu như không biết đến các sản phẩm ấy là của Việt Nam và bao giờ cũng phải bán với giá thấp hơn so với các nước khác?

Cũng không thể quá tham vọng để đòi hỏi công tác khuyến nông - khuyến ngư phải làm được những ước vọng trên bởi đấy là công việc to tát và dài lâu, đòi hỏi phải có sự đầu tư và phấn đấu của nhiều ngành, của toàn xã hội nhưng xã hội có quyền đòi hỏi tại sao khuyến nông - khuyến ngư không tìm cách xâu nối tất cả các nguồn lực để tạo nên sức mạnh đột phá?

Lần đầu tiên trên giấy trắng mực đen, trong phương hướng hoạt động năm 2010, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia xác định “ Hoạt động khuyến nông - khuyến ngư phải tập trung vào các sản phẩm chủ lực, mũi nhọn của ngành, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phục vụ chế biến và xuất khẩu”. Vùng sản xuất hàng hóa tập trung không bị chia cắt bởi địa giới hành chính, bởi vậy nhiệm vụ trên chắc chắn vượt khỏi tầm của các trung tâm khuyến nông - khuyến ngư địa phương. Hy vọng vào việc phân cấp mới, cán bộ khuyến nông - khuyến ngư trung ương sẽ không còn vướng bận bởi công tác kiểm tra, giám sát hàng nghìn, hàng vạn mô hình rải đều khắp đất nước để tập trung vào những chương trình, dự án mà các địa phương không thể làm nổi.

Nhiều đại biểu về dự hội nghị tổng kết công tác Khuyến nông - Khuyến ngư năm 2009 tại Nha Trang vừa qua cứ ngỡ rằng sẽ được phổ biến Nghị định mới của Chính phủ mà hai năm qua đã rậm rịch, thế nhưng Nghị định mới đã được chuẩn bị vẫn còn nằm trên bàn Thủ tướng. Chưa có lời giải thích nào về sự chậm ban hành nhưng việc phân chia “cây” khuyến nông chẳng thể chờ đợi, trong đó Khuyến nông - Khuyến ngư trung ương - “thân chính” sẽ vút cao lên cùng với mức độ tăng trưởng của những nông sản chính mà nền kinh tế hàng hóa thị trường đang chi phối mạnh mẽ, 63 trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư của địa phương sẽ là 63 cành lá sẽ hợp thành tán cây che bóng mát cho 24,6 triệu ha đất nông nghiệp của cả nước (bao gồm 9,43 triệu ha đất trồng trọt, 14,5 triệu ha đất lâm nghiệp, 0,7 triệu ha đất nuôi trồng thủy sản), hướng dẫn cung cách làm ăn cho 10,47 triệu hộ nông dân (có 113.669 trang trại). Cây có cao, bóng mới cả là vậy và công tác khuyến nông - khuyến ngư đã sẵn sàng sang trang mới, hoạt động sâu hơn, rộng hơn, thiết thực và hiệu quả hơn.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.