| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông VN - 20 năm một chặng đường

Thứ Ba 26/02/2013 , 10:14 (GMT+7)

Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, hệ thống tổ chức khuyến nông đã và đang từng bước được hoàn thiện, phát triển đồng bộ...

Sự phát triển hệ thống Khuyến nông Việt Nam

Được thành lập từ năm 1993, đến nay trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, hệ thống tổ chức khuyến nông (KN) từng bước được hoàn thiện, phát triển đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, thôn bản. Ở Trung ương, sau khi Bộ NN- PTNT mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai Bộ: Bộ NN-PTNT và Bộ Thủy sản, theo Nghị định số 02/2010/NĐ-CP về Khuyến nông của Chính phủ, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia hợp nhất thành Trung tâm KNQG.

Ở địa phương cũng được phát triển, hoàn thiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Hiện nay, tất cả các tỉnh (63/63) đều có Trung tâm KN (hoặc Trung tâm KN-KN) thuộc Sở NN-PTNT. Có 596 trạm KN cấp huyện (hoặc trạm KN-KN) ở hầu hết các huyện, thành, thị có SXNN. Mỗi xã có 01 - 02 khuyến nông viên cơ sở (KNVCS) chuyên trách. Hình thành gần 700 câu lạc bộ khuyến nông (CLBKN) với gần 2.000 người tham gia. Mỗi xóm, thôn, bản có 01 cộng tác viên khuyến nông (CTVKN).

Cùng với phát triển về tổ chức thì lực lượng cán bộ KN cũng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, hệ thống KN chuyên trách có gần 17.200 người, trong đó: Trung tâm KNQG có 90 người. Cấp tỉnh khoảng 1.900 người. Cấp huyện: xấp xỉ 4.000 người. Cấp xã, lực lượng KNVCS xấp xỉ 11.200 người. CTVKN cấp thôn, bản xấp xỉ 18.000 người.

Đổi mới nội dung hoạt động khuyến nông

Sau 20 năm liên tục phát triển và hoàn thiện, công sức của hàng ngàn cán bộ KN đã được đền đáp bằng những kết quả ấn tượng, góp phần nâng cao GDP trong nước, người nông dân có thể yên tâm ổn định SX trên chính mảnh đất quê hương, thể hiện trong kết quả một số chương trình dự án KN trọng điểm:

Hoạt động thông tin tuyên truyền đã từng bước phát triển, các hình thức tuyên truyền được đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và chú trọng về chiều sâu. Trong những năm qua, cơ quan KN Trung ương đã:

- Tổ chức được gần 60 hội thi nhằm bình tuyển và tôn vinh những gương nông dân SXKD giỏi, cán bộ KN năng động, sáng tạo và các sản phẩm cây trồng, vật nuôi, tiến bộ để khuyến khích nông dân phát triển SX.

- Tổ chức thành công gần 50 Hội chợ với gần 7.000 gian hàng nông nghiệp trưng bày, giới thiệu thành tựu ứng dụng KHKT vào SX nông nghiệp; thu hút gần 1 triệu lượt người tham quan, mua sắm và trao đổi kinh nghiệm SX.

- Tổ chức trên 120 diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với nhiều chuyên đề theo các lĩnh vực và nhu cầu thực tế SX. Thu hút trên 30.000 người tham dự, trung bình khoảng 260 đại biểu/diễn đàn, trong đó trên 70% là người SX.

- Phối hợp với hàng chục cơ quan báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình trung ương và khu vực để thông tin tuyên truyền tiến bộ kỹ thuật. Có gần 29.000 tin, bài, chuyên mục với chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của nông dân…


Thu hoạch lúa ĐX ở ĐBSCL

Công tác đào tạo, huấn luyện

Trong hai thập kỷ qua, cơ quan KN Trung ương đã biên soạn 40 bộ tài liệu và 30 bộ công cụ tập huấn KN; tổ chức được khoảng 6.000 lớp tập huấn với hơn 210.000 lượt người tham gia. Đồng thời tổ chức hàng chục đoàn tham quan học tập trong nước và quốc tế với gần 900 lượt người tham gia, tạo điều kiện nâng cao năng lực về nghiệp vụ, trình độ chuyên môn theo từng chuyên ngành cho đội ngũ cán bộ; nông dân.

Năm 2011 và 2012, hệ thống KN đã tích cực tham gia chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Với lực lượng cán bộ KN các cấp được đào tạo cấp chứng chỉ sư phạm dạy nghề, đến nay cả nước đã có gần 2.500 cán bộ KN các cấp được đào tạo. Tổ chức hàng trăm lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ “Kỹ năng sư phạm dạy nghề”.

Các chương trình khuyến nông trồng trọt luôn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu nội dung KN. Các chương trình rất đa dạng và gắn với chủ trương ưu tiên phát triển các sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh ở từng giai đoạn, từng vùng, miền cụ thể.

Trước năm 1993, diện tích gieo cấy lúa lai của VN chưa đáng kể, thông qua chương trình KN phát triển lúa lai. Đến nay diện tích gieo cấy lúa lai trong cả nước đạt khoảng 650 - 700 ngàn ha/năm, năng suất lúa trung bình tăng cao hơn lúa thuần khoảng 15 tạ/ha, làm tăng sản lượng trên 1,2 triệu tấn thóc/năm...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, KN tập trung ứng dụng các TBKT về cải tạo giống, áp dụng các giống vật nuôi đạt năng suất, chất lượng cao. Chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi phân tán, quảng canh sang chăn nuôi trang trại, gia trại thâm canh với quy mô phù hợp. Ứng dụng các TBKT về dinh dưỡng thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo các yêu cầu chất lượng và ATVSTP, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Các chương trình được thực hiện đồng bộ trên nhiều loại vật nuôi trọng điểm khác nhau như chương trình cải tạo đàn bò vàng, chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi lợn hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường, chăn nuôi gia cầm, thủy cầm an toàn sinh học, chăn nuôi dê, cừu; phát triển các giống vật nuôi bản địa chất lượng cao như trâu Yên Bái, bò HMông, gà HMông, lợn Móng Cái..

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, các mô hình khuyến lâm đã thực hiện trồng mới được khoảng 86 ngàn ha rừng trình diễn trên địa bàn 40 tỉnh, chủ yếu là các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên với 58.350 hộ nông dân tham gia. Thông qua các chương trình khuyến lâm đã góp phần thay đổi được nhận thức của người nông dân từ SX lâm nghiệp tự nhiên, quảng canh, dựa vào khai thác rừng tự nhiên sang phát triển vốn rừng theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, tăng độ che phủ rừng từ 35% trong thập kỷ 90 lên đến 48% vào năm 2011, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng ở các vùng biên giới, hải đảo.

Hoạt động khuyến ngư cũng không ngừng được đẩy mạnh, góp phần rất quan trọng thúc đẩy ngành thủy sản phát triển vượt bậc trong 2 thập niên gần đây. Trong giai đoạn từ năm 1993 đến 2007 công tác khuyến ngư đã xây dựng được hơn 9.000 mô hình trình diễn, nhập và chuyển giao hơn 70 công nghệ, tổ chức gần 28.000 lớp tập huấn cho khoảng 1,3 triệu người, 128 lớp tập huấn xoá đói giảm nghèo cho 2.700 lượt người tham dự.

Tạo nguồn thu XK ngoại tệ đáng kể cho đất nước: Năm 2008 đạt 4,5 tỷ USD và đến năm 2010 đạt trên 5 tỷ USD.

Các chương trình khuyến nông về cơ giới hoá, bảo quản và chế biến nông lâm sản cũng được triển khai và đạt kết quả tích cực nhằm giúp nông dân tăng năng suất lao động, giảm lao động nặng nhọc, giảm tổn thất trong khâu thu hoạch và sau thu hoạch. Thông qua chương trình dự án đã góp phần đưa nhanh cơ giới hóa trong SX nông nghiệp đặc biệt là các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch, vận chuyển. Hiện nay trong SX lúa ở các vùng đồng bằng tập trung, tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất, vận chuyển đạt trên 85%, trong khâu tưới tiêu trên 90%, khâu thu hoạch trên 60%, tạo điều kiện giải phóng lao động nặng nhọc và nâng cao năng suất lao động; giảm chi phí lao động...

Nông nghiệp công nghệ cao và khuyến nông đô thị: Nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, ATVSTP và nâng cao hiệu quả SX, đặc biệt đối với các loại nông sản có giá trị kinh tế cao như rau, hoa quả cao cấp, hệ thống KN đã triển khai những mô hình mang tính tự động hóa quá trình trồng trọt, thu hoạch các loại cây trồng trong nhà lưới, nhà kính như giá thể, công nghệ thủy canh, tưới nước tiết kiệm, SX theo VietGAP… Những địa phương đi đầu trong chương trình này là TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc và Cần Thơ…

Định hướng phát triển

Với xu thế phát triển ngày càng mạnh của nền kinh tế hàng hoá trong nông nghiệp diễn ra trong điều kiện cạnh tranh gay gắt hướng về bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, ATVSTP, tăng giá trị nông sản. Trong bối cảnh hiện nay cần xây dựng và phát triển hệ thống KN VN ngày càng năng động, vững mạnh để đáp ứng được nhu cầu SX và phát triển nông nghiệp, nông thôn, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu. Trong những năm tiếp theo, Trung tâm KNQG sẽ tiếp tục:

- Tăng cường mối liên kết giữa hệ thống KN nhà nước và các tổ chức KN ngoài nhà nước nhằm huy động và sử dụng tổng hợp các nguồn lực đầu tư cho KN theo phương châm xã hội hoá, thiết thực và hiệu quả.

- Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao KH-CN và các dịch vụ kỹ thuật khác nhằm tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong phát triển SX nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.

- Xây dựng kế hoạch chiến lược và giải pháp cụ thể trong công tác KN phục vụ đa mục tiêu với các đối tượng hưởng lợi, các vùng miền khác, đặc biệt đối với chương trình “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, "CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn" và "Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và giảm nghèo", "Chương trình phát triển NTM".

- Tăng cường hợp tác trao đổi và học tập kinh nghiệm, phương pháp và chiến lược phát triển hệ thống KN với các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước.

Với cách làm, hướng đi nhiều sáng tạo, đổi mới, nắm bắt xu hướng phát triển của ngành, tự hoàn thiện và nâng cao nghiệp vụ, đáp ứng tốt những yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thực tế SX, phù hợp trong thời kỳ hội nhập quốc tế, KN VN đã vinh dự được Nhà nước ghi nhận, được tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen, Cờ thi đua của Chính phủ và nhiều Bằng khen của BộNN-PTNT, UBND các tỉnh thành trong cả nước - xứng đáng với danh hiệu "Khuyến nông Việt Nam là người bạn đồng hành, là chỗ dựa tin cậy của nông dân trong quá trình phát triển SX nông nghiệp và xây dựng NTM”.

(*): Tác giả hiện là Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất