| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 08/06/2011 , 10:03 (GMT+7)

10:03 - 08/06/2011

Kiếm 1, tiêu 3

Có lẽ thời điểm này, Bộ Công thương và Bộ Tài chính đang rất đau đầu nghĩ cách hạn chế nhập siêu, bởi mới chỉ hết 5 tháng đầu năm, con số này đã “đạt” gần 8 tỷ đồng, bằng 70% tổng nhập siêu cả năm 2010.

Thực ra, với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nơi cần nhiều nguyên liệu, công nghệ, máy móc… làm đòn bẩy, thì việc nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, bài toán khiến các nhà quản lý chưa, hay không tìm ra lời giải, là việc nhập siêu lại nghiêng về các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ.

Nhìn lại bức tranh tổng thể về nhập siêu năm ngoái, với 12 tỷ USD kim ngạch, đã có tới gần 10 tỷ USD dùng vào việc nhập ô tô, mỹ phẩm, bia rượu, điện thoại di động... Cứ thi thoảng, dân tình lại “nháo nhác” trước thông tin vài đại gia sắm xe siêu sang, cỡ như Rolls-Royce trị giá cả triệu đô, hoặc phi cơ, du thuyền cả gần chục triệu đô.

Chuyện rằng, chủ sở hữu thương hiệu bia Heineken đã tỏ ra hết sức ngạc nhiên về tốc độ tiêu thụ nhãn hiệu bia này tại Việt Nam. Năm 2010 người Việt Nam đã uống hơn 200 triệu lít, chỉ sau Mỹ và Pháp trong danh sách 170 thị trường trên thế giới mà dòng bia này có mặt. Ông này tin chắc đến năm 2012, Việt Nam sẽ chiếm vị trí thứ hai của Pháp và với tốc độ tiêu thụ bia như hiện nay thì chỉ đến năm 2015 là cùng, Việt Nam sẽ chiếm vị trí thứ nhất của Mỹ.

Một chuyên gia kinh tế tính toán rằng, đã từ lâu, người Việt Nam không còn, hoặc còn rất ít, thói quen tích lũy. Chúng ta làm ra 1 thì tiêu đến 3. Tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước công bố mức cung cho các tổ chức tín dụng 132 nghìn tỷ đồng, phần lớn số tiền này chạy vào tiêu dùng trong dịp Tết Tân Mão. Hoặc số liệu của một tổ chức quốc tế cũng khiến ta giật mình, người Việt Nam chi tiêu cho ăn chơi dẫn đầu châu Á, thậm chí hơn cả Hàn Quốc, Hồng Kông, hay nhiều quốc gia phát triển khác. Sẽ không ngoa khi nói ta đang tự mình làm nghèo đất nước bởi xe sang, điện thoại xịn, mỹ phẩm hiệu, rượu bia ngon…

Nhưng, không phải tất cả người Việt Nam đều đặt lên bàn cân mà tính toán rằng, với khoảng 10 tỷ USD nhập hàng tiêu dùng xa xỉ mỗi năm, nông dân của nước ta cần 4 năm nai lưng làm ra lượng gạo để xuất khẩu mới đạt được số tiền đó. Hoặc như năm ngoái, hơn 2 triệu công nhân dệt may cả nước làm 3 ca liên tục mới có được 11 tỷ USD hàng xuất khẩu.

Tất nhiên, so sánh thì bao giờ cũng khập khiễng!

Bình luận mới nhất