| Hotline: 0983.970.780

Kiếm ăn trên sự hâm mộ của xã hội

Thứ Sáu 06/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Thay vì cho chữ, đến hẹn lại lên, nhiều ông đồ cắp tráp ra ngồi chình ình ở Văn Miếu để kinh doanh. Kiếm ăn dựa trên sự hâm mộ của xã hội về một phong tục truyền thống là xin chữ đầu năm, đã thành... nghề!/ Khi 89% “ông đồ” viết sai chữ!

Không có Tâm thì Đăng khoa cái nỗi gì?

Câu chuyện được nhà thư pháp Vô Công tức TS Phạm Văn Ánh (Viện Văn học) tiết lộ với báo chí rằng cuộc sát hạch ông đồ năm 2015 do Trung tâm Hoạt động văn hóa Văn Miếu Quốc Tử Giám và Trung tâm UNESCO thư pháp tổ chức, có tới 70% các ông đồ đã không vượt nổi vũ môn trong kỳ thi đầu tiên để được quyền cho chữ tại Văn Miếu vào xuân Ất Mùi.

Ở kỳ thi thứ hai khoảng 50% thí sinh đã trượt. Theo thể lệ, mỗi đề thi gồm 8 chữ, 4 chữ Hán và 4 chữ Nôm. Ông nào không viết được chữ Hán thì có thể chuyển sang chữ Nôm.

Về nội dung đề thi, TS Phạm Văn Ánh nói: “Tuyền chữ dễ thôi. Thế mà sai tóe loe. Nếu chấm chặt có khi chỉ 10% thi đỗ”.

Thông tin này với những người quan tâm hẳn sẽ không ngạc nhiên. Ông đồ văn hay chữ tốt, y phục xứng kỳ đức nay vãn quá. Thay vào đó là những ông đồ... bịp!

Có năm ra Văn Miếu, tôi theo chân nhà báo Nguyễn Như Phong, Tổng Biên tập Báo Năng lượng mới (Petrotimes) được chứng kiến cảnh tượng hy hữu. Một cậu học trò lớp 12 đến gian của ông đồ già xin chữ. “Ông cho cháu xin chữ Đăng khoa ạ”, cậu học trò lễ phép.

Ông đồ chấm bút vào mực, đoạn tô chữ lên trang giấy hồng điều. Thoáng nhìn thấy “Một vành trăng khuyết, ba sao giữa trời” (chữ Tâm), tay lại đưa “trái cựa”, tôi đưa mắt nhìn sang nhà báo Nguyễn Như Phong, thấy ông cũng đang cười tủm tỉm đầy vẻ hàm tiếu.

“Cháu xin chữ Đăng khoa kia mà, sao ông lại viết chữ Tâm”. Thì ra, cậu học trò này cũng biết mặt vài chữ Hán quen thuộc. “Mày không có Tâm thì Đăng khoa cái nỗi gì?”, ông đồ già vặc lại.

“Văn Miếu nhà thái học chật cứng sĩ tử cũng như chúng tín xin chữ cầu may. Việc này, dẫn đến các cụ ngoài Hồ Văn viết được rất ít (treo niêu). Ai cũng biết, các cụ thi trượt, được vớt vào cho đủ chiếu thì ai dám nhờ các cụ, dù rằng, nhiều cụ râu tóc bạc cả. Nhưng khi niềm tin đã cạn, thì chả tin vào chữ các cụ nữa”. (Nhà thư pháp Thiền Phong - Phạm Văn Tuấn chia sẻ).

“Đưa tiền đây”, miệng nói, tay ấn tờ giấy có chữ Tâm đen còn ướt mực vào tay cậu bé, ông đồ già lộ diện một kẻ dốt đặc cán mai. Ném lại tờ 100.000 đồng, cậu học trò tay không rảo bước qua khỏi phố ông đồ.

Chớ để hình thức bề ngoài lừa bịp

Tôi có thú hay la cà, vui đâu chầu đấy. Cứ đến ngày Ông Táo là lại la cà ra vỉa hè Văn Miếu để thù tạc với những ông đồ 8x và các thư hữu đồng đạo của họ, vui đón chúa Xuân. Anh hùng các miền tao ngộ, thi phú ứng đối và “võ công” thư pháp cũng thi triển để có dịp nỡm các ông đồ dốt đặc cán mai.

Về sự kính lão thì cánh ông đồ trẻ cũng rất tôn kính. Nhưng nhìn mãi những việc bịp bợm của các vị thì cũng phải lên tiếng, chẳng lẽ để chữ nghĩa thánh hiền mới được chút hồi sinh đã rơi ngay vào mạt pháp?

Có nhà thư pháp từng cảm thán bằng câu trào phúng: “Thời nay chữ nghĩa hết thiêng/ Mua xong, giữ lại, ra giêng nhóm lò”. Chỉ quanh hồ Văn Miếu, cũng là đủ thứ khúc khích liệt truyện về chữ nghĩa.

Một ông đồ 8x, đưa bút tả lên giấy hồng điều 5 chữ để tặng ông đồ già: “Kỳ diện nhược nguyệt luân”. Nhận được 5 chữ theo lối Khải thư đó, ông đồ chắc cũng loay hoay đánh vật vã mồ hôi trán mà không hiểu ý người tặng viết gì.

18-21-19_img_0021
Ông đồ trẻ cho chữ tại Văn Miếu

Ông đồ này đành phải hỏi một vị cao niên tại Viện Hán Nôm. Vị này cũng chưa hiểu được ý người viết, liền cho hỏi học trò. Cánh ông đồ 8x được dịp phá lên cười.

“Thưa thầy, chữ Nguyệt và chữ Luân ghép lại thành chữ....”. Nghe đến đây, vị kia cười khà lắc đầu chịu thua đám đồ đệ tinh quái đã ví khuôn mặt ông đồ già dốt chữ với vị trí nằm ở trung tâm ngã ba sung sướng của phái đẹp!

Tinh nghịch là vậy nhưng các ông đồ trẻ lại rất kính trọng và lễ phép với các cụ đồ thực học. Bởi vậy, những cuộc giao đãi giữa hai thế hệ cách xa về tuổi tác vẫn rất vồn vã. Bên cạnh những ông đồ 8x như Chuyết Chuyết - Trần Trọng Dương, Thiền Phong - Phạm Văn Tuấn, Tiểu Hạng - Nguyễn Trung Hoàng Long, Ái Châu - Lê Quốc Việt, Tiếu Chi - Nguyễn Hữu Sử... là các cụ đồ Nguyễn Như Phách, cụ đồ Nguyễn Văn Lục...

Cụ đồ Nguyễn Như Phách thư thả dừng bút cảm thán. “Hậu sinh khả úy quả không sai. Các ông đồ trẻ bây giờ được học hành bài bản, lại thêm sự cần cù, vươn lên, hơn hẳn lớp chúng tôi”.

Một người bạn tôi từng viết trên facebooks một câu, đại ý: “Có những người ngu dốt ngày nay lại hay để râu để tóc bạc phơ bên ngoài nhằm che đậy cái tư cách hèn hạ và mớ kiến thức lõm bõm cóp nhặt ở trong”, tôi lại nghĩ ngay đến những ông đồ rởm, ông đồ bịp ngoài Văn Miếu. Vậy nên, người có con mắt xanh thì chớ để hình thức bề ngoài lừa bịp.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.