| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát nợ công đến 2015 không quá 65% GDP

Thứ Tư 28/11/2012 , 16:05 (GMT+7)

“Nhìn chung, các chỉ số nợ công của Việt Nam hiện nay vẫn đang ở dưới ngưỡng an toàn, tuy nhiên trong thời gian tới các chỉ số nợ có xu hướng gia tăng, điều này đặt ra thách thức lớn cho cơ quan quản lý,” ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) trả lời báo chí.

“Nhìn chung, các chỉ số nợ công của Việt Nam hiện nay vẫn đang ở dưới ngưỡng an toàn, tuy nhiên trong thời gian tới các chỉ số nợ có xu hướng gia tăng, điều này đặt ra thách thức lớn cho cơ quan quản lý,” ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) nói về vấn đề nợ công đang được dư luận quan tâm.


Ảnh minh họa

- Số liệu của Bộ Tài chính đưa ra cho thấy, ước tính đến cuối 2012, nợ công bằng 55,4% GDP nhưng theo chuyên gia ở nước ngoài thì con số này cao hơn rất nhiều (khoảng 129 tỷ USD, bằng 106% GDP năm 2011). Theo ông, tại sao lại có sự chênh lệch này?

Ông Nguyễn Thành Đô:
 Theo quy định của Luật quản lý nợ công, phạm vi tính nợ công của Việt Nam bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Trên cơ sở rà soát các nguồn vốn giải ngân từ đầu năm, dự kiến các khoản sẽ giải ngân từ nay cho tới hết năm và kế hoạch trả nợ của cả năm 2012, Bộ Tài chính ước tính đến 31/12/2012 nợ công so với GDP sẽ ở mức 55,4%. Chỉ số này của năm 2011 là 54,9%.

Một số chuyên gia, tổ chức nước ngoài đưa ra chỉ số nợ công của Việt Nam có sự khác biệt với con số của Bộ Tài chính công bố. Nguyên nhân chính có thể là do phạm vi tính nợ công của họ khác với Việt Nam, hoặc cũng có thể do sự khác biệt trong việc dự báo tốc độ tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, ngay cả với IMF hay WB thì trong báo cáo đánh giá vào tháng 6/2012, họ cũng ước tính nợ công của Việt nam ở mức 48,3%GDP vào cuối 2012 và ở mức 48,2%GDP vào cuối năm 2013.

Cho tới nay Bộ Tài chính cũng không được biết tổ chức nào công bố về tình hình nợ công và dư nợ công ở Việt Nam năm 2011 cao tới mức 106% GDP cũng như căn cứ tính toán của họ.
 
- Những ý kiến này cũng cho rằng, nợ theo định nghĩa quốc tế, bao gồm cả nợ của doanh nghiệp Nhà nước mới phù hợp với Việt Nam vì Nhà nước làm chủ sở hữu của doanh nghiệp này nên không thể để mặc chủ nợ đòi bán tài sản thu nợ theo đúng luật phá sản. Ông đánh giá sao về vấn đề này?

Ông Nguyễn Thành Đô: 
Theo tôi, những ý kiến nêu trên mang nặng quán tính bảo thủ, với định kiến về các doanh nghiệp nhà nước trước đây trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Trên thực tế, thể chế quản lý kinh tế ở Việt Nam đã thay đổi về cơ bản. 

Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Nhà nước nói riêng hiện nay đều hoạt động dưới sự điều chỉnh của Luật doanh nghiệp. Nhà nước tuy là chủ sở hữu nhưng các doanh nghiệp này có quyền tự chủ. Nhà nước chỉ có quyền và nghĩa vụ trong doanh nghiệp tương ứng với phần vốn có tại doanh nghiệp đó. 

Việc quy định chế độ tự chủ của doanh nghiệp Nhà nước nhằm nâng cao quyền hạn và trách nhiệm của các doanh nghiệp này trong quá trình ra quyết định vay và trả nợ. Doanh nghiệp là người trực tiếp chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ phát sinh của mình. Chính phủ chỉ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ nợ trong trường hợp các doanh nghiệp được chính phủ bảo lãnh vay đang gặp khó khăn và tạm thời không có khả năng trả nợ.

Vì vậy, theo Luật quản lý nợ công, các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước hiện nay không được tính vào nợ công ngoại trừ các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh. Nguyên tắc này thể hiện quan điểm các doanh nghiệp đều được đối xử bình đẳng trong các hoạt động vay và trả nợ. 

Trong trường hợp doanh nghiệp tư nhân hoặc nhà nước mất khả năng thanh toán, phải phá sản thì việc thực hiện các nghĩa vụ nợ của mọi doanh nghiệp đều phải tuân thủ theo các quy định của Luật Phá sản. Tuy nhiên, cũng giống như Chính phủ các nước khác, trong những tình huống đặc biệt, Chính phủ Việt Nam cũng có thể có những hỗ trợ cần thiết để doanh nghiệp thoát khỏi phá sản, nhằm duy trì sự ổn định chung và an ninh tài chính quốc gia.

- Thực tế là nợ nước ngoài của nước ta vẫn đang gia tăng trong khi nghĩa vụ trả nợ vẫn luôn phải thực hiện. Việc thực hiện nghĩa vụ này của Việt Nam đang được triển khai ra sao, đặc biệt trong điều kiện nguồn thu ngân sách sẽ tiếp tục eo hẹp mà chi tiêu ngân sách lại không giảm?

Ông Nguyễn Thành Đô: 
Trước hết cần khẳng định rằng, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội hiện vẫn rất lớn, trong khi nguồn tích lũy trong nước có hạn nên việc huy động nguồn vốn nước ngoài thông qua vay nợ phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển là cần thiết. 

Theo nguyên tắc, đã đi vay thì sẽ phải trả nợ. Thực tế cho thấy từ trước đến nay Chính phủ Việt Nam rất nghiêm túc trong việc thực hiện các nghĩa vụ nợ với nước ngoài, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, gây mất uy tín, ảnh hưởng đến khả năng vay nợ trong tương lai. Mặt khác, do phần lớn các khoản vay nước ngoài của Chính phủ là từ nguồn ODA nên chi phí vay vốn thấp và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài hiện vẫn nằm trong phạm vi giới hạn an toàn.

Nhằm chủ động quản lý nợ công một cách an toàn đồng thời đáp ứng được nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030. 

Trong quá trình quản lý, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm soát vay nợ chặt chẽ thông qua các chương trình và kế hoạch đã được phê duyệt; giám sát hạn ngạch bảo lãnh, hạn ngạch vay thương mại nước ngoài trên cơ sở các chỉ tiêu an toàn nợ và các lĩnh vực được ưu tiên. Bên cạnh đó, cũng tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay có hiệu quả để đảm bảo khả năng trả nợ.  

- Theo ông, những thách thức với nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam hiện nay là gì?

Ông Nguyễn Thành Đô: Nhìn chung, các chỉ số nợ công của Việt Nam hiện nay vẫn đang ở dưới ngưỡng an toàn, tuy nhiên trong thời gian tới các chỉ số nợ có xu hướng gia tăng. Điều này đặt ra thách thức lớn cho cơ quan quản lý, một mặt phải đảm bảo an toàn nợ, an ninh tài chính quốc gia một mặt phải đáp ứng vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển đất nước.

Việc gia tăng nguồn vốn vay để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong các năm tiếp theo là rất lớn. Ngoài việc tăng vay của Chính phủ, sức ép gia tăng các khoản bảo lãnh Chính phủ cũng rất lớn, làm tăng chi trả nợ trực tiếp cũng như nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước. 

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng nợ trên thế giới thời gian vừa qua, kinh tế trong nước và quốc tế đều gặp khó khăn, điều này ảnh hướng lớn tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Một số doanh nghiệp vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ hoặc được Chính phủ bảo lãnh vay vốn gặp khó khăn đã không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ, Bộ Tài chính phải thực hiện ứng trả thay để đảm bảo các cam kết quốc tế hoặc thực hiện tái cơ cấu tài chính. 

Thị trường vốn trong nước còn chưa phát triển nên các khoản huy động vốn trong nước thông thường có thời hạn ngắn, ví dụ như trái phiếu chính phủ thì phần lớn với thời hạn 3- 5 năm. Mặc dù tỷ trọng vay trong nước trên tổng số nợ công có xu hướng tăng nhưng số lượng vốn huy động được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Với những thách thức nói trên, Quốc hội và Chính phủ đã định hướng kiểm soát mức nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2015 không quá 65% GDP.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Bên cạnh đó, đảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ dự trữ ngoại hối nhà nước so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm trên 200%.

- Vậy cơ quan quản lý sẽ có những biện pháp gì để đối mặt những thách thức trên, thưa ông?

Ông Nguyễn Thành Đô: Về cơ chế, chính sách quản lý nợ sẽ tiếp tục từng bước đổi mới theo thông lệ tốt, đảm bảo hiệu quả, tránh tình trạng quản lý nợ công vẫn còn sự phân tán ở các Bộ, ngành khác nhau. Chính phủ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc cấp bảo lãnh. 

Việc sử dụng nguồn vốn cho vay lại phải có chọn lọc, tập trung cho các công trình, dự án ưu tiên cao, tiếp tục chú trọng vào tiêu chí hiệu quả khi lựa chọn dự án cụ thể. Ngoài ra, cần tăng cường trách nhiệm trong thẩm đinh, phê duyệt dự án đầu tư, đảm bảo sử dụng vốn vay một cách hiệu quả.

Mặt khác, tăng cường cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa ngân sách trung ương và chính quyền địa phương đối với các khoản vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại. Chính phủ cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất