| Hotline: 0983.970.780

Kiên Giang: Hàng trăm ha lúa bị thiệt hại do nhiễm mặn

Thứ Hai 09/03/2015 , 06:11 (GMT+7)

Rất nhiều hộ nông dân ở 2 xã Lình Huỳnh và Thổ Sơn (Hòn Đất, Kiên Giang) đang lâm cảnh điêu đứng khi toàn bộ diện tích lúa đông xuân của họ gieo sạ đến giai đoạn trỗ, chín thì bị chết rụi do nguồn nước bị nhiễm mặn.

Ngày 6/3, chúng tôi tháp tùng cùng đoàn công tác do Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm dẫn đầu đi kiểm tra thực địa để xác định nguyên nhân làm hơn 191 ha lúa ở ấp Lình Huỳnh, xã Lình Huỳnh bị chết rụi khi vừa trổ bông. 

Tại hiện trường, có ruộng lúa chết rụi hoàn toàn, có ruộng cây lúa chưa chết hẳn, trơ ra những bông lúa loe hoe vài hạt nhưng không có gạo. Nghe có đoàn đi kiểm tra, nhiều nông dân có ruộng bị thiệt hại đến vây quanh, trình báo nguyên nhân lúa chết.

Vẻ mặt buồn so, ông Danh Chiến, có 1,5 ha làm giống lúa OM 2517 cho biết: “Từ lúc gieo sạ cho đến lúc cây lúa ôm đòng đều phát triển rất tốt, không có gì bất thường. Cận Tết, tôi kêu máy bơm nước vào đợt cuối với hy vọng ra giêng sẽ có vụ mùa bội thu. Ai ngờ chỉ 3-4 ngày sau cây lúa cháy vàng, không còn cách nào cứu chữa. Thế là cả nhà không còn tâm trí đâu nữa mà ăn Tết. Vì tất cả vốn liếng đều đổ hết ra ruộng rồi, đó là chưa kể khoản nợ cả chục triệu đồng tiền mua thiếu vật tư. Lúa chết là trắng tay, đói là cái chắc chứ nói gì trả nợ”.

Theo ông Chiến, lúc bơm nước vào ruộng người dân đã phát hiện nguồn nước bị nhiễm mặn, khi nếm thử thấy lờ lợ. Nhưng khổ nỗi cả khu vực chỉ có một đường kênh lấy nước, không bơm vào thì lúa cũng chết khô. Cứ nghĩ nước hơi mặn thì không sao, không ngờ gặp nắng nước bốc hơi, mặn xuống thế là lúa chết rất nhanh.

Tương tự, hộ ông Danh Sên, ở cùng ấp cũng bị thiệt hại gần 3 ha lúa. Ông Sên buồn rầu than: “Hàng chục năm qua ở đây làm lúa chưa bao giờ bị mất mùa. Vậy mà vụ này đành chịu cảnh trắng tay. Tiền mua lúa giống, công lao động là của nhà còn đỡ lo, nhưng tiền mua thiếu chịu phân bón, thuốc BVTV trông chờ vào cuối vụ bán lúa để trả, giờ thất trắng biết lấy gì trả. Rồi vụ tới kiếm đâu ra tiền mà đầu tư tiếp”.

Ông Sên nhẩm tính, mỗi công tiền đầu tư phân, thuốc đến thời điểm này đã trên 2 triệu đồng, đó là chưa kể chi phí làm đất, lúa giống, công chăm sóc. Món nợ 40 triệu đồng ghi sổ đại lý chỉ có nước làm cam kết trả dần chứ biết đào đâu ra số tiền lớn như vậy, trong khi mọi thứ của gia đình đều trông chờ vào hạt lúa.

Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT và UBND huyện Hòn Đất, diện tích lúa bị thiệt hại tại ấp Lình Huỳnh là 191,1 ha của 106 hộ dân, trong đó diện tích bị thiệt hại dưới 30% là 37,8 ha, từ 30-70% là 111,9 ha, trên 70% là 41,4 ha. Còn tại ấp Hòn Quéo (xã Thổ Sơn) có 222,9 ha của 118 hộ dân bị thiệt hại, mức độ từ 30-70% là 120,6 ha, còn lại là trên 70%. Nguyên nhân lúa chết do bị nhiễm mặn từ nguồn nước bơm vào.

15-52-33_2-nhung-cy-lu-con-song-sot-cung-chi-loe-hoe-vi-ht-tren-bong-nhung-khong-co-go
Những cây lúa còn sống sót trơ ra những bông lúa loe hoe vài hạt nhưng không có gạo

Theo phản ánh của các hộ dân bị thiệt hại, khu vực ấp Lình Huỳnh và Hòn Quéo nhiều năm nay đã được cải tạo để làm lúa 2 vụ cho năng suất cao và không có hiện tượng nhiễm mặn, đặc biệt là từ khi có hệ thống cống ngăn mặn được đầu tư thì làm 2 vụ lúa/năm đều ăn chắc. Người dân cho rằng, nguyên nhân nguồn nước bị nhiễm mặn do đơn vị thi công hạng mục nạo vét cửa biển Lình Huỳnh thổi bùn và nước biển vào để lấp đoạn kênh từ cống Lình Huỳnh đến kênh 11 (giáp chợ Lình Huỳnh) đã làm nước mặn thẩm thấu ra kênh 200 (cặp sau kênh Lình Huỳnh) và kênh 11.

Từ đó, nước mặn chảy thông từ Lình Huỳnh về Tà Lức và Hòn Quéo. Nguyên nhân của việc thẩm thấu là khi thổi bùn vào đoạn kênh nói trên, phía trong không có bờ bao, nhiều đoạn thấp nước tràn xuống kênh 200. Đồng thời có khoảng 6 hộ dân tự ý đào đường mương để lấy bùn vào đất nhà mình nên nước mặn tràn xuống kênh.

Theo tìm hiểu, công trình nạo vét cửa biển Lình Huỳnh có tổng vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, Ban Quản lý các dự án công trình xây dựng nông nghiệp thuộc Sở NN-PTNT Kiên Giang làm chủ đầu tư và nhà thầu thi công là Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng).

Trước đó, trong quá trình nạo vét luồng vào khu tránh trú bão cảng cá Lình Huỳnh (từ ngày 15/1-15/2) đơn vị thi công đã cho thổi khoảng 15.000 m3 bùn và hơn 30.000 m3 nước biển để lấp đoạn kênh nói trên. Qua xác minh, đo đạc của Chi cục Thủy lợi Kiên Giang, nồng độ mặn có nồng độ cao từ khu bơm bùn giảm dần xuống cống Tà Lức.

Thế nhưng, khi đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN-PTNT về làm việc để xác định nguyên nhân gây chết lúa, đại diện Tổng Công ty 319 đã phủ nhận việc bơm bùn và nước biển vào làm ảnh hưởng tới ruộng lúa. Theo đơn vị này, trong quá trình thi công đã thực hiện theo đúng thiết kế là bơm lấp ao và kênh tiêu có bờ bao đảm bảo có cống thoát nước ra kênh Lình Huỳnh và đã ngưng bơm bùn từ ngày 3/1.

Thiệt hại lên đến cả chục tỷ đồng

Theo tính toán của các hộ dân, trung bình mức đầu tư cho 1 ha lúa ở khu vực này là khoảng 20 triệu đồng. Với 414 ha lúa của 2 ấp Lình Huỳnh và Hòn Quéo bị chết do nhiễm mặn thì số tiền bị thiệt hại trên 8 tỷ đồng. 

Còn nếu tính tới thời điểm thu hoạch, năng suất lúa bình quân 7 tấn/ha, bán với giá thấp nhất hiện nay là 5.000 đ/kg (lúa khô) thì số tiền thiệt hại lên đến 14,5 tỷ đồng. 

Trong khi đó, đa phần những hộ dân bị thiệt hại là đồng bào dân tộc Khmer, đời sống rất khó khăn, nếu không được bồi thường hoặc hỗ trợ của nhà nước thì họ không có khả năng để tái đầu tư cho vụ lúa tiếp theo. 

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Kiên Giang cho rằng, nhà nước chỉ hỗ trợ khi nông dân sản xuất gặp thiên tai, còn nếu lúa chết do lỗi của con người thì ai sai người đó phải chịu trách nhiệm bồi thường.

 

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm