| Hotline: 0983.970.780

Kiên Giang: Nên ngừng sạ vùng lúa - tôm

Thứ Ba 19/10/2010 , 11:11 (GMT+7)

Hàng chục ngàn hộ nông dân ở Kiên Giang đang phải gánh chịu cảnh thiên tai kép: lúa gieo sạ bị chết khô vì nắng hạn vừa khắc phục lại thì gặp cảnh mưa liên tiếp gây ngập úng. Nhiều hộ gần như đã trắng tay sau mấy đợt mất mùa, đang rất cần sự hỗ trợ của nhà nước để khôi phục lại sản xuất.

Vùng U Minh Thượng của Kiên Giang bao gồm 4 huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận. Toàn vùng chỉ có một số ít diện tích sản xuất được lúa 2 vụ/năm, còn lại sản xuất theo mô hình lúa – tôm. Theo kế hoạch, năm nay toàn vùng sẽ gieo cấy gần 68.000ha. Đến nay, khung thời vụ đã hết nhưng nông dân mới chỉ xuống giống được khoảng 4.200ha. Tuy nhiên, hiện đã có hàng chục ngàn ha lúa bị thiệt hại phải gieo cấy lại. Rất nhiều nông dân đã phải gieo cấy lại nhưng lúa chết vẫn cứ chết.

Nguyên nhân do tình hình thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa đến trễ. Khi gieo sạ lại gặp cảnh nắng hạn liên tục, ruộng bị xì phèn lên mặt, lúa trong giai đoạn mạ nên cứ chết rụi dần. Một nguyên nhân khác là nhiều nơi nông dân sản xuất không tuân thủ theo lịch thời vụ khuyến cáo của ngành chuyên môn. Đúng ra vụ tôm phải thu hoạch dứt điểm trong tháng 7, chờ mưa xuống rửa mặn để gieo cấy lúa. Thế nhưng, nhiều nông dân đã thả nuôi xen nhiều lứa tôm, thu hoạch kéo dài đến tháng 8 và tháng 9. Đến khi gieo cấy lúa, độ mặn trong đất vẫn còn rất cao, lên đến 7-8%o nên lúa không thể sống nổi.

Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT các địa phương, diện tích lúa bị thiệt hại liên tục tăng cao trong thời gian gần đây. Trong đó, huyện An Minh bị thiệt hại gần 8.000ha, huyện An Biên và Vĩnh Thuận mỗi huyện gần 5.000ha, U Minh Thượng hơn 1.900ha.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó phòng NN-PTNT An Minh cho biết, kế hoạch năm nay toàn huyện xuống giống 32.080ha, nhưng do trong thời gian tháng 8-9 trời gần như không có mưa nên nông dân xuống giống rất chậm. Thậm chí có khoảng trên 2.000ha ở vùng ven biển năm nay đành phải bỏ, không thể xuống giống. Tính đến thời điểm này, toàn huyện mới chỉ gieo cấy được 12.372ha nhưng đã có trên phân nửa diện tích bị thiệt hại với mức độ 70-80%. Ngành đang nỗ lực tìm các giải pháp giúp bà con khắc phục thiệt hại.

Bước sang tháng 10, trời bắt đầu có mưa nhiều, nông dân rất phấn khởi vì đã có nước ngọt để rửa mặn, làm đất khắc phục diện tích lúa bị thiệt hại. Thế nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, không ít diện tích vừa được gieo cấy lại đã bị ngập chìm trong nước. Nguyên nhân do liên tiếp khoảng mươi ngày nay, trời mưa như trút nước khiến nhiều vùng bị ngập úng cục bộ.

Đội mưa, chống chiếc xuồng ba lá chở tôi ra đám ruộng mênh mông nước sau nhà, ông Trần Văn Tặng (xã Thuận Hòa, An Minh) lắc đầu ngao ngán: “Tháng trước thì lúa chết vì nắng hạn, xâm nhập mặn, nông dân mòn mỏi chờ mưa. Đến lúc có mưa thì lại như trút nước. Ruộng tôi vừa gieo sạ lại được mấy ngày, lúa chưa kịp xanh đất thì mưa chụp xuống, ngập sâu hơn cả mét nước thì làm sao mà còn. Nếu không ngập úng thì cua cá cũng ăn hết mộng. Đúng là họa vô đơn chí”.

+ Qua khảo sát mới đây của Sở NN-PTNT Kiên Giang, nhiều diện tích đất lúa tôm hiện vẫn còn độ mặn từ 3-7%o. Nguyên nhân do năm nay mùa khô kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, mùa mưa đến muộn, lượng mưa ít nên nông dân không có điều kiện để rửa mặn. Vì vậy, khi lúa ăn rễ sâu xuống sẽ gặp độ mặn trong đất dẫn đến thối rễ và chết.

+ Theo phản ánh của bà con nông dân, toàn bộ vốn liếng họ đã đầu tư vào ruộng đồng nên không còn khả năng tái đầu tư sản xuất. Vì vậy, họ rất cần nhận được sự hỗ trợ của nhà nước. Hiện các địa phương đã kiến nghị UBND tỉnh sớm công bố tình trạng thiên tai tại vùng U Minh Thượng và có chính sách hỗ trợ cho người dân khắc phục sản xuất, vượt qua khó khăn trước mắt.

Một số nông dân cho biết, lúc mới mưa họ còn chủ động rút nước ra cứu lúa, có người đã tốn đến 40-50 lít dầu nhưng rồi đành bất lực nhìn nước dâng cao nhấn chìm ruộng lúa. Cách đó không xa, ông Năm Bơ đang hì hục cùng với mấy người hàng xóm khiêng chiếc máy dầu ngập chìm trong nước lên bờ. “Tối qua tôi thấy trời mưa to quá nên tắt máy ngưng không bơm nước ra nữa. Đến sáng ra thăm thì chiếc máy chỉ còn nhô lên mỗi cái bình đựng dầu. Năm nay khó làm ăn quá, coi như lần này nữa là nông dân chúng tôi trắng tay. Không khéo là đói tới nơi rồi” - giọng ông Năm Bơ run rẩy vì lạnh.

Tại huyện An Biên, nhiều xã diện tích bị thiệt hại lên đến 70-80%. Cụ thể, xã Nam Thái A có 2.010 lúa bị chết trong tổng số 2.771ha đã gieo sạ, xã Nam Thái bị thiệt hại 1.524/2.300ha. Ông Võ Trường Giang, Trưởng ấp Năm Biển A, xã Nam Thái cho biết, toàn ấp xuống giống được 434ha nhưng đã bị thiệt hại 354ha. 80ha còn lại lúa còn non, giờ lại bị ngập chìm trong nước, không biết thế nào. Phải chờ nước rút mới đánh giá được mức độ thiệt hại.

Phó Chủ tịch xã Nam Thái Huỳnh Quang Quýt cho biết thêm, xã đã làm việc với Phòng NN- PTNT huyện, thống nhất khuyến cáo nông dân những vùng ven biển, nguy cơ nhiễm mặn cao không nên tiếp tục gieo sạ lúa nữa. Vì nếu có gieo lại được thì đến cuối vụ sẽ bị nhiễm mặn, không thể cho thu hoạch.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất