| Hotline: 0983.970.780

Kiến nghị từ Quỳnh Phố

Thứ Năm 20/09/2012 , 10:25 (GMT+7)

Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi đã tìm hiểu về tình hình đời sống của đồng bào bản Quỳnh Phố là dân TĐC của thủy điện Sơn La về tại xã Chiềng Đen.

Cuối năm 2007, xã Chiềng Đen - TP Sơn La (Sơn La) đón những đồng bào vùng bị ảnh hưởng bởi lòng hồ thủy điện về TĐC trên địa bàn. Mặc dù điều kiện kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn, nhất là đất đai sản xuất cũng không phải nhiều nhưng Chiềng Đen đã chấp hành nghiêm chỉ đạo của cấp trên để dành đất quy hoạch cho khu TĐC.

>> Ở nơi thí điểm tái định cư

Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi đã tìm hiểu về tình hình đời sống của đồng bào bản Quỳnh Phố là dân TĐC của thủy điện Sơn La về tại xã Chiềng Đen.

Cần lắm sự chia sẻ

Ông Lò Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Chiềng Đen hết sức cởi mở và thẳng thắn trao đổi với chúng tôi xung quanh những vấn đề khó khăn của đồng bào TĐC. Đề cập đến vấn đề này, ông khẳng định: “Khó khăn lớn nhất của đồng bào TĐC nơi đây là nước sinh hoạt. Riêng bản Quỳnh Phố thiếu nước ăn 6 tháng/năm. Nó được bắt đầu tháng 11 năm trước kéo dài cho đến tháng 5, tháng 6 năm sau. Cao điểm là các tháng 2 và 3, đồng bào rất khổ sở trong việc kiếm nước về dùng. UBND xã đang trình phương án để cấp trên cho xây dựng một bể chứa khoảng 100 m3 nước ngay giữa bản, song chưa có kinh phí”.

Anh Điêu Văn Hơn - Trưởng bản Quỳnh Phố cũng kể rằng: “Mùa mưa, dân bản dùng vòi dẫn nước từ trên suối vào bể nhưng cũng phải mất 3km. Mùa khô và mùa nắng nóng thì dân bản đều phải đi mua nước ở nơi xa lắm. Thuê xe chở về mỗi xe 2,5m3, họ lấy 150.000đ”.

Thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất sản xuất, thiếu nghề phụ là những bài toán được coi là nan giải nhất hiện nay đối với đồng bào TĐC nói chung và các điểm TĐC ở xã Chiềng Đen nói riêng. Bản Quỳnh Phố có 50 hộ với 239 nhân khẩu được chuyển từ xã Pác Ma của huyện Quỳnh Nhai về đây. Sau 5 năm, đã phát sinh thêm 4 hộ nữa nhưng diện tích tự nhiên của cả bản chỉ có 44,6ha. Bình quân mỗi hộ chưa được 1ha đất, trong khi đó nơi ở cũ có gia đình sở hữu hàng chục ha đất sản xuất. “UBND tỉnh hứa cho mỗi hộ 3-5ha đất nhưng cho đến nay vẫn chưa được thực hiện” - Chủ tịch UBND xã Chiềng Đen cho hay.


Đồng bào bản Quỳnh Phố dùng mọi cách để có nước sinh hoạt

Vấn đề thiếu đất sản xuất, trưởng bản Điêu Văn Hơn nói: “Đây là mối lo ngại lớn nhất của chúng tôi. Thiếu nước sinh hoạt đã là nỗi khổ rồi nhưng vẫn còn bỏ tiền ra mà mua được hoặc đi xa mà kiếm, cũng có thể là nhờ nước trời. Song thiếu đất sản xuất thì gay go lắm. Khi dân chuyển xuống đây, mỗi hộ chỉ được giao 400 m2 đất ở và 2.000 m2/khẩu là đất sản xuất. Khi có các hộ phát sinh thì không thể kiếm đâu ra đất ở. Điều này khác với nơi ở cũ là đất vườn của các gia đình rất rộng nên cha con có thể chia cho nhau mà dựng nhà. Thành thử vừa rồi có mấy gia đình tách hộ đành phải lấy ngay chính đất sản xuất để làm nhà”.

Không chỉ có ít đất mà đất được giao hiện vẫn chưa có bìa đỏ nên người dân vừa không yên tâm vừa không thể vay vốn phát triển kinh tế. Qua tìm hiểu ở Chiềng Đen còn được biết, khi thực hiện thu hồi đất của dân sở tại để giao cho dân TĐC, cán bộ BQL DA di dân TĐC của TP Sơn La đã tiến hành thu giữ bìa đỏ của người dân.

Trong thời gian dân kiến nghị đòi lại bìa đỏ thì bỗng dưng nhà làm việc của BQL DA bị cháy. Kết quả vụ cháy làm hư hỏng hết tài liệu và bìa đỏ. UBND xã đã nhiều lần kiến nghị cấp trên sớm hoàn tất thủ tục để cấp lại bìa đỏ cho dân nhưng cho đến nay vẫn chưa được đáp ứng.

Đề cập đến các công trình xây dựng trong khu TĐC, cả lãnh đạo xã, bản và nhân dân ở Chiềng Đen hết sức bức xúc. Họ cho rằng trường học và nhà văn hóa được xây dựng ở vị trí ngay tại dòng chảy nên mỗi khi có mưa là toàn bộ đất đá từ trên núi cứ thế tuôn xuống lấp hết cả mặt sân trường học và nhà văn hóa.


Đất đá vùi lấp cả khu vui chơi của các cháu học sinh

Liên quan đến nhà văn hóa của bản Quỳnh Phố, ông Lò Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã thẳng thắn chỉ rõ: “Nơi sinh hoạt cộng đồng của bản có trên 50 hộ dân với gần 300 nhân khẩu nhưng nhà văn hóa chỉ vỏn vẹn khoảng 40 m2. Vậy mà quyết toán nghe đâu lên đến hơn 800 triệu đồng. Nếu để cho một cá nhân hay địa phương làm chắc chỉ hết 200 triệu là cùng mà vẫn được một không gian rộng”.

Hôm chúng tôi đến, trận mưa đêm qua đã bồi đắp lên nền sân phủ dày một lớp bùn đỏ và các loại rác bẩn. Lớp đất đá còn vùi lấp cả đồ chơi của các cháu học sinh. Qua kiểm tra thì thấy lớp đất đá vùi lấp nền sân dày lên đến 30 cm, có chỗ gần nửa mét.

Quyết định bởi công tác dân vận

Nhân đề cập đến những khó khăn và bất cập khu TĐC ở Quỳnh Phố, chúng tôi xin ghi lại một vài việc mà chính quyền và nhân dân địa phương ở đây đã làm được rất tốt giúp đồng bào TĐC. Việc đầu tiên phải kể đến đó là sự chia sẻ của nhân dân sở tại khi biết đồng bào TĐC đã phải hy sinh nơi ở để dành đất cho công trình thủy điện quốc gia.

Không chỉ nhường đất, người dân bản địa còn giúp đồng bào TĐC sớm hòa nhập cuộc sống nơi ở mới, nhất là cách tiếp cận sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi đòi hỏi kỹ thuật thâm canh cao như trồng cà phê và nuôi lợn hướng nạc. Nhờ đó, ở bản Quỳnh Phố dù đang còn nhiều khó khăn nhưng cho đến thời điểm này chưa có ai bỏ khu TĐC trở về nơi ở cũ.


Do đất ở được cấp quá ít nên đồng bào làm nhà và chuồng trại chăn nuôi san sát nhau

Ông Lò Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã kể hai câu chuyện về phong tục và nhận thức của người dân TĐC, chúng tôi ghi lại để làm bài học kinh nghiệm trong công tác dân vận. Đó là chuyện áp Tết Nguyên đán 2009, ở bản địa có một người chết và gia chủ tiến hành mai táng tại nghĩa trang của xã. Song người dân TĐC đã phản ứng dữ dội vì cho rằng, tại sao lại chôn người chết ngay trước bản của họ. Lúc đó, mỗi người dân TĐC, ai nấy đều cầm một con dao và kéo nhau lên UBND xã. “Chúng tôi đã họp toàn dân lại và quyết định quy hoạch một khu nghĩa địa cho cả hai bản, đồng thời di dời ngôi mộ đó đến nơi nghĩa địa mới” - ông Thanh nói.

Ông Thanh bảo rằng, thời gian đầu, hễ có việc gì là mọi người trong bản kéo nhau lên xã để kiến nghị. Sau vài lần xã giải quyết mọi việc thấu đáo, chúng tôi đã vận động người dân có việc gì thì báo cáo với lãnh đạo bản hoặc cử đại diện lên xã chứ không nên cả bản lên xã như thế. Rất vui là người dân đã nghe lời.

Chuyện thứ hai là ông Chủ tịch xã mời trưởng bản về nhà mình uống rượu để làm dân vận. Anh Hà Văn Sung lúc mới về TĐC được bầu làm trưởng bản. Nhà anh Sung ở phía mặt đường gần một con dốc. Mỗi lần xe cộ đi qua, anh Sung đều cho rằng, những người này có ý rồ ga trêu chọc nên anh đã quát tháo họ rất vô cớ. Sau nhiều lần không thấy chuyển biến nên anh Sung quyết định lên UBND xã trình báo.

Ông Thanh - Chủ tịch xã đã vui vẻ mời anh Sung về nhà mình một buổi chiều chỉ ngồi uống rượu và chứng kiến cảnh xe máy đi qua nhà Chủ tịch xã. Ông Thanh bảo với anh Sung rằng: “Nhà tôi và anh ở ngay mặt đường, lại có con dốc nên mong anh hiểu rằng, để có đà cho xe lên dốc, người điều khiển đều phải về số và rú ga cho xe lên. Đó là điều rất bình thường. Tôi mời anh về nhà, trước là để anh uống rượu với tôi, sau nữa là để anh chứng kiến và hiểu, chứ chẳng ai có ý trêu ghẹo gì anh đâu”.

Nói rồi, ông Thanh còn dắt xe máy ra chở anh Sung ngồi đằng sau để làm thử động tác khi xe lên dốc. Anh Sung hiểu và cũng từ ngày đó, mọi người đi qua nhà anh Sung đều không nghe tiếng chửi vô cớ của vị trưởng bản khó tính nữa.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm