| Hotline: 0983.970.780

Kiến thiết đồng ruộng, thân thiện môi trường

Thứ Tư 26/09/2012 , 10:29 (GMT+7)

PGS.TS Nguyễn Văn Huỳnh, Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, hơn ai hết, người nông dân cần phải thay đổi phương thức SX lúa để bảo vệ mùa màng và sức khỏe cho chính mình.

PGS.TS Nguyễn Văn Huỳnh
Những năm qua, do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nên đồng ruộng ở ĐBSCL nhiễm nhiều độc chất. Trao đổi với NNVN, PGS.TS Nguyễn Văn Huỳnh, Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, hơn ai hết, người nông dân cần phải thay đổi phương thức SX lúa để bảo vệ mùa màng và sức khỏe cho chính mình.

>> Thanh long sạch
>> Lợi kinh tế, sạch môi trường
>> Tôm- lúa bền vững
>> Không thể ''tự bơi''
>> Cánh đồng hữu cơ Đất Mũi
>> Khỏe người, nặng túi
>> Lợi ích lớn
>> Ruộng lúa, bờ hoa

Ông đánh giá thế nào về việc nông dân sử dụng phân bón, thuốc BVTV trên đồng ruộng hiện nay?

Nông dân đã dùng quá nhiều phân, thuốc, nhất là thuốc; do suy nghĩ giản đơn là cách tốt và dễ nhất để bảo vệ cây lúa. Kết quả, có rất nhiều DN lao vào kinh doanh lĩnh vực thuốc, vì nó “dễ ăn”, chỉ cần tận dụng điều kiện quảng cáo. Nhìn sâu xa vấn đề, tôi muốn nói việc cho đăng ký quá nhiều nhãn mác thuốc, trong khi chỉ có 1 hoạt chất chính, thêm vài chất “phụ độn”, rồi đặt tên thuốc này, thuốc khác là chúng ta có mấy ngàn thương hiệu thuốc BVTV của mấy trăm Cty buôn bán thuốc. Có thể nói, đã có sự dễ dãi cho việc thành lập Cty thuốc; thành thử Cty mọc lên như nấm và tất nhiên sản phẩm thuốc thì còn nhiều hơn nấm mọc sau mưa!

Mặt khác, đã kinh doanh ai cũng muốn bán được càng nhiều sản phẩm càng tốt. Họ không có lỗi khi bỏ tiền ra làm quảng cáo; vấn đề là quảng cáo có đúng nội dung hay không? Mặt khác, lại được tự do quảng cáo trên các đài truyền hình, dù là đài địa phương; nhưng vẫn là đài của “nhà nước”, nên lâu dần, cách làm thoải mái trong quảng cáo và cả liều lượng “hơi nhiều” trong các chương trình khuyến nông, trực tiếp với nhà nông (do các Cty tài trợ) đã gián tiếp khuyến khích nông dân dùng thuốc; bỏ qua những khuyến cáo của các nhà khoa học, cán bộ khuyến nông và cũng làm cho nông dân không biết sợ thuốc; đâu có nghĩ rằng nó rất độc và cũng không nghĩ nó còn để lại hậu quả tai hại lâu dài trong đất và môi trường.

Việc lạm dụng thuốc BVTV đã “lợi bất cập hại” ra sao, thưa ông?

Dùng thuốc tất nhiên là có lợi nếu quyết định đúng thời điểm và dùng đúng loại thuốc, liều lượng. Chẳng hạn, 3 con rầy trên một tép là cần phun xịt và chỉ phun xịt 1 lần là đủ. Nhưng đằng này, chưa đến mức cần phun xịt họ cũng phun, rồi không chỉ một lần, họ còn lạm dụng phun đi phun lại nhiều lần và cũng không ít lần họ kết hợp phun nhiều loại thuốc. Đáng nói là do thiếu hiểu biết và cả những “lời khuyên không đúng” mà họ dùng thuốc thiếu hiệu quả; còn giới kinh doanh thuốc thì thu được nhiều lợi nhuận, mà môi trường thì chẳng ai bận quan tâm! Đó là nói đến những hộ nông dân cá thể.

"Chương trình trực tiếp với nhà nông trên truyền hình đến nay đã phát hơn 300 buổi, đã nâng cao trình độ hiểu biết về SX nông nghiệp cho nông dân. Tuy nhiên chương trình do các DNSX thuốc BVTV, phân bón tài trợ nên nội dung nặng về quảng cáo. Nông dân hỏi các nhà khoa học thường hay hỏi thuốc BVTV gì? Một số nhà khoa học thì lại “thị thiền” (chỉ bảo và xui khiến) nông dân dùng thuốc. Thế là các Cty sẽ bán được thuốc. Nên chăng nhà đài cần chủ động giới hạn phần quảng cáo của Cty trong nội dung chương trình; còn chúng tôi (các nhà khoa học) cũng phải khách quan.

Để chương trình nặng quảng cáo thuốc BVTV, nhà đài tự đánh mất uy tín mình và cũng cần có quy định nghiêm ngặt hơn trong việc quảng cáo thuốc BVTV trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên truyền hình", PGS.TS Nguyễn Văn Huỳnh.

Còn gần đây, điểm đáng mừng là nông dân ĐBSCL bắt đầu biết "sợ" thuốc. Họ biết áp dụng IPM trên đồng ruộng mà dùng ít thuốc, chủ yếu là biết phát huy thiên địch để diệt rầy và biết gieo sạ đồng loạt né rầy để tránh dịch bệnh tấn công cây lúa. Họ biết áp dụng "3 giảm, 3 tăng" nên mật số rầy trên đồng thấp và chỉ sử dụng thuốc khi thật cần thiết. Chính Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cũng thấy được Việt Nam thành công khi nông dân tham gia làm tập thể, qua mô hình “công nghệ sinh thái” ở cấp cộng đồng, rồi phát huy thành cánh đồng mẫu lớn, cho kết quả quản lý được rầy nâu tốt hơn ở Thái Lan, Trung Quốc.

Mô hình tiêu biểu về nông nghiệp sinh thái trên cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL là gì, thưa ông?

Rõ ràng là cánh đồng mẫu lớn có lợi cho nông dân nhiều chuyện. Nhưng nói về cánh đồng sinh thái thì mô hình này sẽ góp phần bảo vệ tốt đồng ruộng. Nông dân thực hiện IPM, 3 giảm 3 tăng, gieo sạ có thời điểm để né rầy; khi dùng thuốc có sự bàn bạc và quyết định cân nhắc nên cánh đồng mẫu lớn tiêu thụ ít thuốc hơn nhiều cánh đồng nhỏ cộng lại. Mặt khác, họ hiểu được vai trò quan trọng của thiên địch nên trên những bờ vùng bờ thửa, biết kết hợp trồng hoa để dẫn dụ thiên địch như con nhện, con ong… về đồng, góp phần tham gia bảo vệ cây lúa.

Chúng tôi thấy mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” ở các tỉnh như Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ… rất hữu ích, hiện đang được nhân rộng ra ở các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL. Các loại hoa được trồng là cúc dại bông vàng, cúc “Xuyến Chi” ở miền Đông được đưa về. 2 loại này có ưu điểm là không tưới nhiều, nhưng ít bông. Do vậy, có thể trồng thêm “soi nhái” để có nhiều bông, nhưng cần phải tưới trong mùa nắng. Cũng có thể trồng mè, đậu bắp hoặc các loại hoa ngày Tết... Đó cũng là cách kiến thiết lại đồng ruộng, thân thiện với môi trường và vừa có thêm thu nhập. Có thể nói, nếu có thiên địch thì việc sử dụng thuốc sẽ giảm đi và đó cũng là điều kiện để tránh giết hại thiên địch, làm hại luôn cả chính mình và môi trường.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất