| Hotline: 0983.970.780

Kiện toàn hệ thống ngành nông nghiệp

Thứ Hai 27/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Sau khi nghe Hội nghị báo cáo về những nội dung cơ bản của Thông tư số 14, đa phần lãnh đạo các Sở NN-PTNT đều thống nhất việc quy định, hợp nhất, đổi tên 7 Chi cục trực thuộc Sở NN-PTNT.

* Sở NN-PTNT có không quá 3 phó giám đốc

* Sẽ giảm được trên 300 Chi cục và Phòng đầu mối

Ngày 24/4, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai Thông tư Liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV ngày 25/3/2015 do Bộ NN-PTNT và Bộ Nội vụ ban hành hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về Nông nghiệp và PTNT thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Tối đa 7 chi cục

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, việc kiện toàn hệ thống bộ máy, tổ chức ngành nông nghiệp từ TƯ tới địa phương là dấu mốc quan trọng của ngành, góp phần thống nhất đầu mối quản lí, điều hành, phục vụ đắc lực, hiệu quả cho chương trình tái cơ cấu mà Đảng và Chính phủ giao phó.

Theo Bộ trưởng, trước đây hệ thống các Sở, đặc biệt là các Chi cục dưới Sở tại các tỉnh, thành phố mỗi nơi một phách, nơi có nơi không, nơi tên thế này nơi đặt thế khác.

Một số đơn vị trên Bộ có, chiếm vai trò, vị trí vô cùng quan trọng như Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy lợi, song tại một số địa phương lại không có tổ chức chân rết nên dẫn đến khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Chính vì vậy, việc lãnh đạo ngành nông nghiệp 63 tỉnh, thành tới tham dự đông đủ góp ý tại Hội nghị triển khai Thông tư Liên tịch 14 được Bộ trưởng Cao Đức Phát ví như một "Hội nghị Diên Hồng” của ngành nông nghiệp.

Thông tư Liên tịch số 14 (có hiệu lực từ ngày 11/5/2015) quy định, Sở NN-PTNT là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ có chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh, thành phố quản lí nhà nước về: nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy sản; thủy lợi; PTNT; phòng chống thiên tai; chất lượng ATTP với nông, lâm, thủy sản và muối; các dịch vụ công thuộc ngành NN-PTNT. Sở NN-PTNT có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

Về cơ cấu tổ chức, mỗi Sở NN-PTNT có Giám đốc và Phó Giám đốc, song số lượng Phó Giám đốc không quá 3 người. Việc bổ nhiệm Giám đốc và Phó Giám đốc do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quy định theo chức danh của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành và theo quy định của pháp luật.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN-PTNT), ông Nguyễn Minh Nhạn cho biết thêm, Thông tư 14 đã quy định lại số lượng các Chi cục chuyên ngành khá tinh gọn, gồm không quá 7 Chi cục.

Đó là: Chi cục Trồng trọt và BVTV; Chi cục Chăn nuôi và Thú y; Chi cục Kiểm lâm; Chi cục Thủy sản; Chi cục Thủy lợi; Chi cục PTNT; Chi cục Quản lí chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản.

Bộ máy của các Chi cục trực thuộc Sở NN-PTNT gồm Chi cục trưởng và không quá 2 Chi cục phó.

Riêng tại cấp huyện, Phòng NN-PTNT hoặc Phòng Kinh tế là đầu mối giúp lãnh đạo huyện quản lí về lĩnh vực nông nghiệp, tổ chức bộ máy tại cấp huyện gồm 1 Trưởng phòng và không quá 3 Phó phòng.

Ngoài ra, căn cứ vào đặc điểm và khối lượng công việc thực tế ở địa phương, UBND tỉnh, thành phố có thể quyết định thành lập (hoặc không thành lập) tổ chức sự nghiệp công lập trực thuộc Sở NN-PTNT như: Trung tâm Khuyến nông; Trung tâm Nước sạch và VSMTNT; Trung tâm Giống (cây trồng, vật nuôi, thủy sản…); Ban Quản lí cảng, cá, bến cá; Ban Quản lí rừng đặc dụng, rừng phòng hộ…

Riêng Tổ chức Khuyến nông địa phương thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 02/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến nông.

Trăn trở số phó!

Sau khi nghe Hội nghị báo cáo về những nội dung cơ bản của Thông tư số 14, đa phần lãnh đạo các Sở NN-PTNT đều thống nhất việc quy định, hợp nhất, đổi tên 7 Chi cục trực thuộc Sở NN-PTNT.

16-51-38_nh-3
Thông tư Liên tịch 14 ra đời là bước đột phá sống còn của ngành nông nghiệp

Bởi thực tế có rất nhiều địa phương đã xin ý kiến lãnh đạo tỉnh thực hiện thí điểm việc sáp nhập này từ vài năm về trước. Tuy nhiên, có khá nhiều đại biểu tham dự Hội nghị trăn trở về số lượng 3 Phó Giám đốc Sở.

Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định Phan Trọng Hổ chia sẻ, quy định mỗi Sở chỉ 3 PGĐ thì không đủ người để đi họp! Ông Hổ kêu rằng, hiện nay lịch họp hành quá nhiều, tỉnh họp cũng yêu cầu lãnh đạo Sở tham dự, rồi Bộ họp có Thứ trưởng chủ trì cũng yêu cầu thành phần tham dự là lãnh đạo các Sở.

 Chính vì lẽ đó, ông Hổ đề nghị, nếu quy định mỗi Sở chỉ có 3 PGĐ thì những cuộc họp sau này liên quan tới lĩnh vực nào thì trực tiếp cử lãnh đạo các Chi cục đó tới dự.

Còn Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Nhĩ kiến nghị, thay vì quy định cứng mỗi Sở 3 PGĐ thì nên có thời gian chuyển tiếp đến hết nhiệm kỳ.

Hơn nữa, việc quy định các PGĐ không được kiêm nhiệm Chi cục trưởng theo ông Nhĩ gây thiệt thòi cho những cán bộ hiện nay. Ông Nhĩ lấy ví dụ ngay chính bản thân mình hiện là Chi cục trưởng Kiểm lâm hệ số phụ cấp ngành lên tới 0,8, trong khi nếu giữ chức PGĐ Sở NN-PTNT chỉ còn hệ số 0,7.

Cũng kiến nghị về số lượng cấp phó, Giám đốc Sở NN-PTNT Hòa Bình Trần Văn Tiệp cho rằng, nếu ngành NN-PTNT cào bằng 3 phó như ngành khác thì không ổn vì ngành nông nghiệp rất đặc thù, khối lượng công việc lớn nên ông Tiệp kiến nghị cần có hướng mở quy định tối thiểu là 3, tối đa là 5 phó.

Về số lượng cấp phó tại mỗi Sở, ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam lấy số liệu so sánh rằng, hiện Chính phủ quy định Bộ NN-PTNT tối đa 5 Thứ trưởng, cấp huyện 3 phó nên cấp Sở thuộc tỉnh nới lên 4 phó là hợp lí.

Đặc biệt, ông Đức đề nghị cần thể chế hóa yêu cầu đi họp không nhất thiết phải lãnh đạo, chứ hiện nay lãnh đạo các Sở phải đi họp nhiều quá.

Cũng tại Hội nghị triển khai Thông tư 14, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các Cục trực thuộc Bộ và địa phương nhanh chóng rà soát, chấn chỉnh việc cán bộ quản lí nhà nước đi bán vật tư nông nghiệp.
Theo đó, từ trước tới nay hệ thống quản lí ngành nông nghiệp ở cấp dưới thường hơi lệch về hướng dịch vụ là đi bán thuốc BVTV, thuốc thú y, phân bón, giống má… trong khi vai trò, nhiệm vụ chính là xây dựng, quy hoạch chiến lược, cơ chế, chính sách, thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo pháp luật được thực thi, chứ không phải làm thay việc của doanh nghiệp và người dân là đi buôn bán như thời gian qua.

Ví hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa như một đất nước thu nhỏ, với đầy đủ đồng bằng, miền núi, trung du, ven biển, lãnh đạo Sở NN-PTNT Nghệ An chia sẻ, cần có cơ chế đặc thù với những địa phương như tỉnh mình bởi khối lượng công việc ngành nông nghiệp họ phải gánh vác bằng mấy tỉnh khác cộng lại.

Vị lãnh đạo này trăn trở, băn khoăn tại Hội nghị rằng, hiện Sở mình có tới 7 PGĐ, sắp tới phải cắt giảm 4 thì không biết xử lí như thế nào?

Trước kiến nghị, góp ý của các địa phương, Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ, mặc dù biết lãnh đạo ngành nông nghiệp rất trăn trở trước số lượng quy định cấp phó, nhưng theo Bộ trưởng, Nghị định phía trên Thông tư 14 quy định rất rõ rồi, không thể làm khác được.

Bộ trưởng tâm sự, việc cấp phó không phải là yếu tố quyết định tới chất lượng công việc, thay vào đó cần có một bộ máy thông suốt từ trên xuống dưới, hoạt động hiệu quả và có hiệu lực. Thông tư 14 ra đời đã giải quyết được vấn đề này, giờ cần một bộ máy vận hành đạt hiệu quả cao.

Để bộ máy vận hành đạt hiệu quả cao, cuối cùng lại chính là yếu tố con người. Qua đó, người đứng đầu và các cán bộ cấp dưới phải có thái độ đúng, nhận thức đúng và kỹ năng đúng thì mọi việc cuối cùng đều được giải quyết.

“Sau khi nghiên cứu trong và ngoài nước, cũng như trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, việc ban hành Thông tư 14 là bước đột phá ngành nông nghiệp. Tất nhiên là trong Thông tư còn nhiều chỗ chưa được như ý muốn, song pháp luật cho phép đến đâu chúng ta làm đến đó.

Cuộc sống luôn luôn phát triển, thậm chí phát triển rất nhanh nên chúng ta không thể ngồi đợi cho toàn vẹn tất cả các tiêu chí mới ban hành chính sách được. Thông tư 14 được thực hiện, cả nước giảm được trên 300 Chi cục và Phòng đầu mối.

Vì vậy, rất mong các đồng chí vì lợi ích chung của ngành mà ủng hộ, triển khai quyết liệt trong thời gian tới, cố gắng hoàn thành trong năm 2015”, Bộ trưởng nói.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm