| Hotline: 0983.970.780

Kiên trì một hướng đi

Thứ Sáu 25/05/2012 , 11:53 (GMT+7)

Năm nay, sản phẩm phân bón Đầu Trâu đã có mặt tại thị trường các tỉnh miền Bắc tròn 10 năm.

Năm nay, sản phẩm phân bón Đầu Trâu đã có mặt tại thị trường các tỉnh miền Bắc tròn 10 năm. Bắt đầu bằng các sản phẩm phân bón lá cao cấp, nhưng được phân phối một cách thủ công, lượng tiêu thụ rất khiêm tốn.

Đến năm 2002, gặp nhà phân phối Thái Sơn (Cty TNHH Thương mại-dịch vụ Thái Sơn) thì cơ hội phát triển thương hiệu Đầu Trâu được mở ra.

Tăng trưởng khả quan

Theo đề nghị của ông Lê Xuân Phương (GĐ Cty Thái Sơn), các sản phẩm phân bón Đầu Trâu chuyên dùng 997,998,999 đã được chuyển từ Long An ra. Thật vất vả, mỗi chuyến chỉ chuyên chở được vài trăm tấn. Vả lại, người dân các tỉnh phía Bắc vốn có tập quán SX lâu đời là dùng phân đơn, họ ngoảnh mặt, làm ngơ trước sự xuất hiện của NPK- mà gọi là phân bón "cứt chuột".

Làm sao đây? Phải mở các điểm SX trình diễn. Phải cam kết với nông dân sẽ bồi hoàn toàn bộ nếu bà con sử dụng phân bón Đầu Trâu mà thất mùa. Sự tận tâm, chân thật của Bình Điền và bạn hàng phân phối Thái Sơn đã được đền đáp.

Người dân tham gia mô hình tin vì họ được hưởng lợi ích thiết thực từ chương trình. Nhưng làm sao “phủ” kín được các tỉnh thành khi lực lượng của Bình Điền chỉ có hạn. Sau nhiều lần xắn quần lội ruộng giữa cái rét căm căm của vụ lúa ĐX, TGĐ Lê Quốc Phong và GĐ Lê Xuân Phương đã quyết định phải mở rộng SX trình diễn kết hợp với đặt các đại lý phân phối. Tập huấn cho đại lý về kỹ năng bán hàng và bán các sản phẩm NPK Đầu Trâu, giúp đại lý trở thành người đại diện của Bình Điền tại địa phương.

Nhiều chủ đại lý cảm mến ông Phong "đầu trâu" mà sẵn sàng ôm hàng, bán lai rai, chịu lỗ thời gian đầu. Kết quả từ thực tế đã giúp bà con nông dân dần dần tin dùng phân bón Đầu Trâu. Từ chỗ chỉ có một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ, đến nay phân bón Đầu Trâu đã có mặt tại 28/29 tỉnh thành phía Bắc với gần 100 đại lý cấp 1, hàng ngàn đại lý cấp 2,3. Sản lượng tiêu thụ cũng tăng dần, từ vài trăm tấn (2003), đến hơn chục ngàn tấn (2006), 43 ngàn tấn (2010), 60 ngàn tấn (2011). Năm 2012 này dự kiến tiêu thụ 80 ngàn tấn phân bón Đầu Trâu các loại, doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng.

Kiên trì một hướng đi

Gần đây, các nhà phân phối đề nghị Cty SX sản phẩm Đầu Trâu bón lót cho lúa và hoa màu. Nếu tung ra các dòng sản phẩm này (chỉ cần hàm lượng thấp), nhất là vào đầu vụ ĐX, sản lượng tiêu thụ của Đầu Trâu sẽ tăng vọt, lợi nhuận vì vậy cũng được cộng thêm rất nhiều. Các dòng sản phẩm đang có của Đầu Trâu chủ yếu có hàm lượng cao, lượng sử dụng rất ít trên một đơn vị diện tích, trong khi tập quán SX của người nông dân miền Bắc là sử dụng nhiều phân bón. Vãi phân cho lúa phải “sướng tay”.

Cũng đúng thôi, vì ruộng đất ít quá, người dân sợ thất mùa, là đói, phải đầu tư mạnh, cho “chắc ăn”, “lấy công làm lời”, chứ có mấy ai tính tới cái tác hại, cả trước mắt và lâu dài của việc sử dụng quá nhiều, quá thừa phân khoáng.

+ Kiên trì đưa ra các sản phẩm Đầu Trâu với hàm lượng dinh dưỡng hữu hiệu rất cao cho từng loại, từng giai đoạn phát triển của cây trồng, giúp nông dân giảm lượng bón, giảm công vận chuyển, giảm khối lượng lưu kho, giảm công bón, tiết kiệm chi phí, lại giảm chi phí thuốc BVTV do cây trồng khỏe, chống chịu tốt với sâu bệnh, góp phần bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước nhà- đó là chiến lược nhất quán của phân bón Đầu Trâu.

+ Về giá cả, theo ông Phong tới đây, khi Bình Điền xây dựng nhà máy SX tại Ninh Bình, sử dụng ure lỏng của nhà máy đạm Ninh Bình thì phân bón Đầu Trâu tại các tỉnh phía Bắc sẽ có giá cạnh tranh cao, có lợi nhiều hơn cho nông dân.

Làm thế nào thay đổi được tập quán SX lâu đời này của bà con là trăn trở và cũng là quyết tâm rất lớn của Bình Điền. Không chạy theo số lượng. Không sốt ruột trước tỷ lệ tăng trưởng hằng năm. Không chiều nịnh một tập quán SX đã không còn phù hợp nữa.

TGĐ Cty Lê Quốc Phong, nói: “Cái gì cũng phải từ từ. Thay đổi tập quán SX không phải chuyện dễ, phải có thời gian. Phải làm cho bà con chuyển từ thói quen sử dụng phân bón cấp thấp, sang sử dụng phân bón có hàm lượng cao. Thay vì cầm một nắm to phân để rải, thì chỉ cần một nửa, thậm chí một nhúm là đủ. Nếu bón 1 bao thay cho 3 bao phân khác thì người dân được lợi nhiều thứ lắm. Những bài học mà Bình Điền đã thành công trong việc góp phần giúp nông dân Nam bộ SX theo hướng Viet GAP, SX ra sản phẩm có chất lượng và chứng chỉ đàng hoàng để xuất khẩu.

Cùng với đạm hạt vàng 46A+, tới đây phân bón Đầu Trâu 46P+ sẽ ra. Sử dụng ĐT 46P+ sẽ giảm gần một nửa so với DAP, giảm từ 5-6 lần so với sử dụng supe Lân. Bà con nông dân đâu biết bón lân vào đất cây trồng chỉ “ăn” được tối đa là 30%. Số 70% lân còn lại bị các chất có trong đất như sắt, nhôm… “trói chặt”, cây không thể “hút” được. Sản phẩm ĐT 46P+ có chất AVAIL bao quanh hạt lân, làm cho lân luôn ở dạng tự do nên cây trồng sử dụng được. Đây là phát minh của các nhà khoa học Mỹ, Úc, Niw zilan mà Bình Điền được chuyển giao”.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất