| Hotline: 0983.970.780

Kiện tướng GAP trên đỉnh Langbiang

Thứ Ba 19/02/2013 , 10:19 (GMT+7)

Ông Nguyễn Đình An, địa chỉ số 17, đường Phạm Hồng Thái, phường 10, TP Đà Lạt, đã trở thành “kiện tướng” SX nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Ông Nguyễn Duy Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết: Thổ nhưỡng và khí hậu của huyện Lạc Dương nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung, được thiên nhiên ưu đãi, quanh năm mát mẻ, rất phù hợp cho việc nuôi cá nước lạnh và trồng các loại rau củ quả, các loại hoa…

Nhiều tổ chức, cá nhân đã hùn vốn đầu tư vào SX hiệu quả, trong đó có DN Ngọc Mai Trang của ông Nguyễn Đình An, địa chỉ số 17, đường Phạm Hồng Thái, phường 10, TP Đà Lạt, đã trở thành “kiện tướng” SX nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Ông Nguyễn Đình An cho biết, quê ông ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội). Năm 1976 ông lên đường đi bộ đội rồi đi học sĩ quan hậu cần. Trong thời gian công tác và làm việc, chàng sĩ quan trẻ phải lòng và lọt vào mắt xanh một nàng trung sĩ. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, ông tơ bà nguyệt đã xe duyên cặp uyên ương nên vợ nên chồng. Năm 1983 hai người tổ chức đám cưới, ngày thành hôn ai cũng khen cặp trời sinh, trai tài gái sắc.


Khu trồng hoa công nghệ cao của ông An

Vừa rời tay súng đã chắc tay cày, công việc đồng áng anh chị làm rất giỏi. Mới làm ruộng được 3 - 4 năm, cộng thêm ít vốn của hồi môn trong ngày cưới, vợ chồng ông đã mở được xưởng SX đồ mộc lớn nhất, nhì huyện Thạch Thất lúc bấy giờ. Gia đình rất phấn khởi, vừa làm ăn được một thời gian ngắn đã bị một người lừa một vố mất trắng tay. Hai vợ chồng, hai đứa con nhỏ, không có nguồn gì thu nhập ngoài 2 sào lúa, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

Ông An kể tiếp, năm 1993 ông vào thăm một người bạn ở khu kinh tế mới huyện Đạ Oai, tỉnh Lâm Đồng. Nói là vào thăm cho hoành tráng chứ thực ra là đi kiếm việc làm, công việc đầu tiên là đi chăn bò cho ông chủ ở nhà hàng Suối Tiên. Trong thời gian này, ông nghiệm ra một điều, nghề chăn bò ở đây cũng có thể làm giàu được, bởi vì đất đai rộng, đồng cỏ mênh mông, không cần phải mua thức ăn, khí hậu mát mẻ, bò sinh sản rất nhanh.

Năm 1996 tình cờ ông đi theo đoàn du lịch từ Suối Tiên lên Đà Lạt để tham quan, sau khi đi khảo sát một vòng, ông thấy khí hậu ở đây lại mát mẻ hơn ở Đạ Oai, đất đai tốt hơn, có rất nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp. Thế là ông quyết định chọn Đà Lạt để xây dựng quê hương mới và cấp tốc về quê đón vợ con vào để sum họp gia đình, cùng nhau xây dựng kinh tế.

Lúc đầu chưa có nhà ông phải đi mướn nhà để ở, được cái hai vợ chồng rất tâm đầu ý hợp, mặc dù cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, hai vợ chồng luôn động viên nhau. Vợ thì hay lam hay làm, trồng rau cũng được trồng hoa cũng tốt, chồng thì nhiều tài vặt, nào là chăm sóc cây cảnh cho công ty du lịch thác Prenn, chụp hình dạo tại khu du lịch, lúc đó ông chỉ suy nghĩ miễn làm việc gì chính đáng, ai thuê cũng làm, để lấy tiền nuôi con.

Năm 1997 ông An thuê cả 2 ha đất để bắt đầu trồng hoa, chuyên bỏ mối cho các thương lái vận chuyển ra Hà Nội bán. Nhờ chịu khó cần cù, hoa được chăm sóc tốt, bông đẹp bán được giá, mấy năm đó cũng gom góp được một chút lưng vốn, tưởng làm ăn đã thành công, không ngờ lại bị một thương lái mua hoa lừa không trả tiền, lần này ông theo ra tận Hà Nội và cũng lấy lại được một ít, gọi là gỡ gạc tiền vốn. Sau lần đó ông cũng chán nản, tính bỏ nghề trông hoa, vợ lại năn nỉ động viên, thua keo này bày keo khác.

Năm 2000, ông lên xã Xuân Trường, TP Đà Lạt thuê đất vừa nuôi bò vừa trồng hoa, lúc cao điểm nhất đàn bò của ông lên tới 300 - 400 con, vừa bò sinh sản và bò thịt. Hồi đó ở đây còn hoang hóa lắm, cỏ rất nhiều, cả quả đồi toàn cỏ là cỏ, bây giờ thì không còn, đụng vào là tiền không. Ở đây khí hậu mát mẻ quanh năm, bò ăn cỏ lớn nhanh như thổi.

Cũng trong năm đó ông bán bò mua được 7 ha đất. Có đất ông lại đầu tư trồng hoa, cứ thế bò đẻ ra đất, đất đẻ ra hoa, ông đã mua được nhà ở ngay trung tâm TP Đà Lạt. Tuy nhiên, cuộc sống thị thành không níu kéo nổi bước chân ông, năm 2004 ông quyết định chuyển lên thôn Đạs Tro, xã Đạs Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng (cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 45 km) mua 60 ha đất để xây dựng nông trại.

Tiếp tục chăn nuôi bò, trồng hoa và ông chính thức thành lập công ty, lấy tên là Cty TNHH Ngọc Mai Trang, do ông làm giám đốc, chuyên trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, xuất nhập khẩu nông sản. Tính đến nay ông đã có trong tay khoảng 100 ha đất. Trong đó, trồng 20 ha hoa các loại, có 10 ha làm nhà kính, nhà lưới, áp dụng KHKT, hệ thống tưới nước, bón phân hoàn toàn tự động; 20 ha trồng khoai lang theo hướng nông nghiệp sạch; 5 ha trồng ớt xuất khẩu; 5 ha xây hồ để nuôi cá hồi và cá tầm. Chỉ tính riêng cá nước lạnh, một năm cũng thu hoạch được 60 - 70 tấn cá thương phẩm.

ĐƯA NÔNG SẢN XUẤT NGOẠI

Ông An tâm sự, lúc đầu cũng SX theo phương thức truyền thống, cho nên năng suất và hiệu quả kinh tế chưa cao lắm. Năm 2008 bắt đầu chuyển dần sang SX theo tiêu chuẩn VietGAP. Làm theo phương pháp này chất lượng sản phẩm được tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, hàng hóa cũng chỉ tiêu thụ thị trường nội địa, muốn hàng hóa xuất khẩu đi nước ngoài, yêu cầu quy trình SX, chất lượng sản phẩm phải cao hơn.

Chính vì vậy công ty đã chuyển dần sang SX theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Xây dựng được 1 phòng nuôi cấy mô, 6 kho lạnh chủ yếu để bảo quản củ giống và hoa xuất khẩu. 5 xe tải, vừa xe lạnh vừa xe vận chuyển hoa để bỏ mối cho các đại lý. Hiện nay thị trường tiêu thụ hoa của Cty Ngọc Mai Trang trải dài từ Lâm Đồng, TP.HCM, Tiền Giang, Cần Thơ, Đà Nẵng, TT-Huế ra Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang…

Thật đáng khâm phục, từ một người lính trở về với hai bàn tay trắng, đến nay ông Nguyễn Đình An đã thành lập được DN nông nghiệp công nghệ cao tầm cỡ, thu hút trên 100 lao động với mức lương từ 3,5 - 5 triệu đ/người/tháng. Hỗ trợ giống, vốn, tư vấn kỹ thuật cho 40 điểm vệ tinh trồng hoa. Sở hữu 100 ha đất canh tác theo hướng NNCNC.

Doanh thu của Cty đạt 70 - 80 tỷ đ/năm. Ngoài ra Cty còn nhận khoán quản lý bảo vệ 287 ha rừng tại tiểu khu 97 thuộc BQL Rừng phòng hộ Đa Nhim. Tới đây ông tiếp tục sang Nga, tiếp cận công nghệ cho cá tầm đẻ trứng để áp dụng cho nông trại, chủ động công nghệ nuôi cá tầm thương phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Ước tính có khoảng 200 đại lý tiêu thụ hoa cho công ty trong cả nước. Ngoài công việc trồng các loại hoa, khoai lang, ớt, ông An còn SX cây giống sạch bệnh, hàng tháng SX hàng triệu cây giống cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh Tây Nguyên.

Ông An cho biết, ông từng đi nhiều nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Hà Lan, Nga, Singapore, Malaysia, Thái Lan… để tham quan, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng KHKT tiên tiến về lĩnh vực trồng hoa, nuôi trồng thủy sản, nhập khẩu các loại giống hoa mới, trứng cá tầm, trứng cá hồi về để ương, nhân giống cung cấp cho nông dân. Mỗi năm ông nhập khoảng 50 container (loại 40 feet/công) giống hoa các loại. Xuất khẩu hoa, các mặt hàng nông sản đi Nga, Singapore, Nhật, Malaysia… từ 70 - 80 container/năm.

Song song với việc SX nông sản như trồng hoa, trồng khoai lang, nuôi bò, nuôi cá hồi, cá tầm theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, ông Nguyễn Đình An còn chú trọng đào tạo nhân lực. Bởi theo ông, đây là con đường ngắn và nhanh nhất để tiếp thu các tiến bộ KHKT mới. Cứ 2 năm một lần, ông cử cán bộ sang các nước có nền nông nghiệp tiên tiến để học hỏi và nắm bắt công nghệ mới về áp dụng cho nông trại. Hiện nay nhân lực của công ty có trên 100 công nhân, trong đó có 6 kỹ sư chuyên ngành trồng trọt, công nghệ sinh học, thủy sản, makerting…

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.