| Hotline: 0983.970.780

Kinh doanh "địa ốc âm phần" ở Thanh Tước

Thứ Tư 04/02/2015 , 10:02 (GMT+7)

Việc kinh doanh “địa ốc âm phần” để xây dựng hơn 400 ngôi mộ đã giúp quan xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh (Hà Nội) thu về nhiều tỷ đồng./ 400 ngôi mộ vô chủ bên rìa nghĩa trang Thanh Tước?

“Mộ vô chủ” vô cùng... khang trang

Theo phản ánh của nhân dân thôn Phú Hữu, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, hơn 400 ngôi mộ chôn trái phép sát địa phận nghĩa trang Thanh Tước, tồn tại trong nhiều năm mà chưa được xử lý.

Số mộ này chiếm diện tích khoảng 1.200 m2 đất đồi Thanh Tước đã bị cơ quan chính quyền xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh đưa vào kinh doanh cho các hộ gia đình ở nội thành Hà Nội để lập khu mộ gia đình, khu mộ dòng họ.

Đồi Thanh Tước rộng trên 30ha, được chia làm 3 khu vực, do 3 đơn vị quản lý. Thứ nhất là Nghĩa trang Thanh Tước đang hoạt động, quy mô 7,7ha, do Ban phục vụ Lễ tang Hà Nội (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) quản lý. Thứ hai, khu vực quân sự do một đơn vị bộ đội chủ lực thuộc Bộ Quốc phòng đóng quân và trường bắn thuộc BCH Quân sự huyện Mê Linh. Phần đất còn lại do UBND xã Thanh Lâm quản lý.

Từ Quốc lộ 23B vào sâu đến khu vực trường bắn của BCH quân sự huyện Mê Linh, lên gần trên đồi Thanh Tước, trước mắt chúng tôi là hàng trăm ngôi mộ được xây dựng khang trang cẩn thận. Có nhiều ngôi mộ chờ đang nấp trong các bụi cỏ. Đồng thời, nhiều ngôi mộ đã bị san, phá.

Được biết, sau khi có đơn thư tố giác của nhân dân thôn Phú Hữu, chính quyền huyện Mê Linh đã cho kiểm tra và tiến hành giải tỏa khu mộ trái phép này. Giữa khu mộ, còn tấm biển lớn bằng tôn đề “Khu vực xây dựng mộ trái phép. Đề nghị các gia đình có mộ tự di dời vào nghĩa trang theo quy định”.

Con đường lên đồi Thanh Tước trước đây xe có thể lên được, nay cũng đã bị đào để ngăn chặn việc vận chuyển nguyên vật liệu lên xây dựng mộ.

Hơn 400 ngôi mộ xây dựng trái phép này là hành vi vi phạm trật tự xây dựng và quản lý đất đai cho nên năm 2013-2014, UBND huyện Mê Linh đã chỉ đạo UBND xã Thanh Lâm và các ngành tập trung xử lý. Đến nay, nhiều ngôi mộ xây dựng trái phép không có hài cốt đã bị giải tỏa. Dấu vết của chúng là những khối bê tông và gạch vỡ ngổn ngang.

Những ngôi mộ xây trái phép được ông Hà Huy Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh gọi là “mộ vô chủ”. Chính vì vậy, UBND huyện Mê Linh đã có thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để các gia đình có mộ nắm bắt được và đến di chuyển.

Đài truyền thanh xã Thanh Lâm đã phát các bản tin với nội dung yêu cầu thân nhân các gia đình có mộ xây dựng trái phép đến để chuyển vào khu vực nghĩa trang theo quy định. Tuy nhiên, cho đến nay hầu như vẫn không có người đến nhận.

Ông Hà Huy Quang thừa nhận sự thiếu sót trong quản lý đất đai của chính quyền huyện Mê Linh khi giao Phòng Văn hóa- Thông tin thuê một cá nhân trồng cây và bảo vệ khu vực này. Từ đó, người này đã lợi dụng nhu cầu tâm linh truyền thống “mồ yên mả đẹp” để thực hiện việc kinh doanh mồ mả. Trong nhiều năm, đã diễn ra việc xây dựng mộ trái phép với diện tích lớn, thiết kế kiến trúc công phu, số lượng nhiều.

PV: Vì sao biết có khu vực này?

H: Ngày xưa tôi là người xây thuê nên tôi biết. Cái này thì tôi biết là xã đứng ra ký nhưng tôi không xem là ai trực tiếp ký. Đấy là mình thờ ơ, mình không để ý.

PV: Tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng lên để xây mộ, khi UBND huyện Mê Linh kiểm tra, có được mời xuống không?

B: Xã cũng đã mời tôi xuống làm việc một lần rồi. Trưởng công an Tùng mời tôi xuống, tôi đã nói rồi, tôi làm thuê cho mấy ông làm trên đấy.

PV: Người thuê xây mộ trên đấy người ta có giấy tờ không?

B: Có giấy tờ do phó chủ tịch xã ký.

Việc để xảy ra hơn 400 ngôi mộ trái phép, UBND huyện Mê Linh đã có chỉ đạo kết luận thanh tra, xem xét kỷ luật đối với cá nhân và tập thể vi phạm. Tuy nhiên, ông Hà Huy Quang không cho biết nội dung cụ thể đã xử lý đối với các cá nhân và tập thể vi phạm ra sao.

Một điều rất vô lý là mộ vô chủ lại được thiết kế kiến trúc cầu kỳ, ốp đá rất đẹp, trên bia có ảnh và ghi rất cụ thể thông tin của người nằm dưới mộ, về ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm mất (cả dương lịch và âm lịch), thậm chí cả địa chỉ gia đình nơi thân nhân đang thờ cúng.

Quan xã bán đất âm phần

Trái ngược với những thông tin mà UBND huyện Mê Linh công bố, trong quá trình xác minh, PV Báo NNVN đã tiếp cận được những người tham gia vào việc vận chuyển nguyên vật liệu và xây dựng mộ trái phép trên đồi Thanh Tước.

Họ cho biết, mỗi ngôi mộ ở đây được bán với giá hàng chục triệu đồng và có giấy tờ của UBND xã Thanh Lâm cấp cho. Người ký giấy bán đất là một vị Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm.

H, một người tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng cho biết, một số gia đình ở nội thành Hà Nội đã mua những khu đất hàng trăm mét vuông rồi xây dựng khu mộ gia đình, khu mộ dòng họ.

Chỉ riêng tiền công thuê vận chuyển nguyên vật liệu là từ vài trăm nghìn đến 1,5 triệu/ngôi. Còn với tiền mua đất để đặt mộ “cách đây 5-6 năm người chủ mua là 23 triệu/ngôi rồi.

Diện tích thì vào khoảng 1m2 hoặc nhỉnh hơn vì có cả cái vỉa ra để mình lên thắp hương”, H cho biết.

Theo tay H chỉ, chúng tôi nhìn thấy những ngôi mộ như tằm ăn rỗi đã lấn dần đồi thông được trồng theo Dự án PAM về phủ xanh đất trống đồi núi trọc ở Mê Linh từ 20 năm trước.

 Để tính diện tích khu mộ chôn trái phép này, chúng tôi đã dùng thước đo ví dụ 1 ngôi mộ: Chiều dọc 1,3m; chiều ngang 2,1m, diện tích là 2,6m2.

Như vậy, tính cả vỉa đường đi lối lại và vùng đệm, diện tích khu vực 400 ngôi mộ này vào khoảng 1.200m2. Và, với giá cũ từ 5-6 năm trước là hơn 20 triệu đồng/ngôi mộ, thì những người bán đất đã thu ít nhất 8-9 tỷ đồng.


Giải tỏa làm phép “mộ vô chủ” trên đồi Thanh Tước

Dẫn chúng tôi lần theo những mốc giới đã được phân định, nhà nhiều nhà ít, những ngôi mộ được xây để chờ sẵn, cạnh đó là một số ngôi mộ đã bị máy xúc san ủi theo quyết định giải tỏa của UBND huyện Mê Linh, H nói: “Chỗ này là cho máy xúc lên để phá làm phép. Còn nhiều ngôi mộ chưa có cốt đâu, người ta chỉ xây sẵn như vậy thôi”.

“Lúc bấy giờ khoảng 10h đêm, có 2 công an xã Thanh Lâm ra nhà tôi uống nước. Tôi mới hỏi rằng, thế hôm nay công an đi đâu lại lạc đường đến đây thì họ bảo là xã cử chúng tôi đi lên để canh mồ mả chôn ban đêm ở đằng sau” (bà Nguyễn Thị Tuân, 69 tuổi, tổ 3 khu đường 23).

Khi chúng tôi hỏi, việc vận chuyển và xây dựng có phải làm lén lút ban đêm không, B – một người tham gia trả lời: “Xây công khai giữa ban ngày. Xã đã xác nhận cho rồi thì làm sao mà phải lén lút. Công khai thì người ta mới mang mộ, mang cốt lên người ta nhập.

Có gia đình người ta mua hàng dãy luôn, mua mộ chờ, chưa có cốt trong đấy. Đấy là xã cấp, có giấy tờ chứ không phải là lên đấy làm trộm được”.

Chỉ vào ranh giới giữa khu vực bên trong nghĩa trang Thanh Tước (do Ban phục vụ Lễ tang Hà Nội quản lý) và khu mộ chôn bên ngoài thuộc địa phận xã Thanh Lâm quản lý, H nói: “Ở trong ấy giá là 30-40 triệu/ngôi. Ngoài này thì hơn 20 triệu. Ở trong ấy thì có thẻ số mộ bao nhiêu, khu A, khu B hay khu C. Còn ở ngoài này mua 10 mộ hay 20 mộ là người ta xây vòng quanh đây rồi. Ngoài này không có thẻ thiếc gì đâu, mà chỉ có giấy của xã đã ký”.

“Lỡ đâu có những người xây trộm thì sao?”, chúng tôi hỏi. H bĩu môi: “Đất có thổ công sông có hà bá, không qua thổ công đố ai làm được. Hơn 400 ngôi mộ chứ ít đâu, mà lại làm khang trang thế này”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.