| Hotline: 0983.970.780

Kinh doanh tiền đa cấp qua mạng: Nước mắt nông dân

Thứ Hai 12/11/2007 , 10:07 (GMT+7)

Hàng ngàn người dân ở Đồng Tháp bị sập bẫy trong việc kinh doanh tiền đa cấp qua mạng. Nạn nhân hầu hết là những người nông dân chân lấm, tay bùn, nghèo khó. Làm sao họ lao vào được vòng xoáy “kinh doanh hiện đại” này?

Ngày 9/11/2007, cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam và khám xét nơi ở của các đối tượng lừa đảo kinh doanh tiền qua mạng. 3 đối tượng bị bắt là vợ chồng BS Nguyễn Trung Quân – Nguyễn Thị Mộng Thu và Nguyễn Thị Mộng Huyền theo tội danh “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Theo thống kê ban đầu của cơ quan điều tra, Quân – Thu và đồng bọn đã lừa đảo, chiếm đoạt trên nửa triệu đô la Mỹ. Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, hàng ngàn người dân đã bị lừa, trong đó không ít hộ thuộc diện xóa đói giảm nghèo. Người bị lừa ít nhất là 100 đô la, nhiều nhất lên tới hàng ngàn đô la.

Bán vé số , nuôi bò cũng tham gia kinh doanh đa cấp

Sau khi hay tin vợ chồng bác sĩ Nguyễn Trung Quân – Lê Thị Mộng Thu (thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh – Đồng Tháp) điều hành đường dây kinh doanh tiền đa cấp qua mạng bị bắt, nhiều người mới té ngửa. 8 giờ sáng qua (11/11), hàng chục người dân là nạn nhân của vụ kinh doanh tiền đa cấp qua mạng đã kéo đến nhà BS Quân với vẻ mặt vẫn còn  chưa hết bàng hoàng. Bà Lê Thị Rớt ở xã An Bình, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) kể: Hồi cha sanh mẹ đẻ đến giờ  tui  đâu có hay biết chuyện này. Tiền gởi ngân hàng cũng không có nói chi đầu tư tiền qua mạng. Chuyện xảy ra từ hôm bà Nguyễn Thị Liễu (em vợ BS Quân) đến nhà  tui  khoe: “Bây giờ kinh doanh tiền qua mạng lời lắm”. Nghe bà Liễu thuyết phục tôi rủ các con vay mượn gởi vào đó 1.200 đô la Mỹ. Đến nay chưa nhận được đồng xu lãi nào cả, chỉ nhận được những lời hứa hẹn .

Bà Ba Anh  (thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh) đứng tần ngần bên ngoài hàng rào nhà BS Quân kể: "Tôi đi bán vé số dạo tối ngày gặp  mấy người quen hay mua vé số  khuyên tôi bỏ nghề này đi, họ sẽ chỉ cho cách   làm giàu. Chẳng biết mô tê gì, tôi đánh liều gom góp tiền và đi vay mượn bên ngoài với lãi suất 6%/ngày gởi vào được 8.800.000 đồng theo hướng dẫn của người ta. Đến nay tôi chưa nhận được đồng tiền lãi nào cả”. Khổ hơn là anh Thành (xã Tấn Mỹ, huyện Lấp Vò) 4 năm nay nuôi bò dành dụm được trên 10 triệu đồng, mới đây bán thêm một đôi bò nữa gom lại “đầu tư kinh doanh tiền qua mạng” chưa nhận được đồng bạc nào thì nghe tin BS Quân  bị bắt. 

Người giàu cũng khóc

Tại ấp Đông Định, xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh có đến phân nửa số hộ dân nghèo trong ấp rủ nhau kinh doanh tiền qua mạng. Trong đó, cũng có không ít những hộ giàu tham gia nhưng khi bể chuyện xấu hổ không dám lên tiếng. Qua tìm hiểu của chúng tôi, làn sóng kinh doanh tiền đa cấp qua mạng mới chỉ tràn về đây độ hơn một tháng nay. Có hộ phải cầm sổ đỏ vay quỹ tín dụng nhân dân để đầu tư.

Được biết, đa số nhà đầu tư đều không có kiến thức về kinh doanh mạng đa cấp nên rất dễ bị lừa. Ông Trần Văn H. ở xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) cho biết: “Nghe bạn bè rủ rê, hám lợi mình tưởng làm ăn “kiểu mới” thế này  mau giàu ai ngờ chúng lại lừa đảo. Trước khi tham gia tôi cũng tính kỹ lắm, chỉ cần hơn 30 ngày sau là lấy vốn, sau đó là lời rồi. Hơn nữa, mình nghĩ ông Nguyễn Trung Quân là bác sĩ chẳng lẽ gạt mình, người nhà ổng nói ổng làm việc gì chắc ăn mới làm nên mình tin. Khi tham gia, ở đó còn phát cho mình bài báo phô tô để tạo niềm tin. Mình nghĩ chuyện này nhà nước, công an đều biết thì chắc chắn là có thật. Ai biết nó lừa bao giờ”!

Ông H. còn cho biết, trước khi ông Quân bị bắt khoảng ba ngày, nhiều nhà đầu tư còn bị lừa thêm “cú chót”. Lúc ngưng giao dịch tại đây, bà con đến liên hệ thì nhân viên của ông Quân nói là bà con nên về mở tài khoản để được nước ngoài trả tiền, vì công ty Conolyinvest (Mỹ) đã mở văn phòng giao dịch ở Hồng Kông, nơi đó gần hơn nên chuyển tiền nhanh hơn.

Trường hợp ông H. là một trong những điển hình cho suy nghĩ của hàng ngàn nạn nhân bị lừa tiền qua mạng ở Đồng Tháp. Ngoài tỉnh Đồng Tháp còn có một số tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng rộ lên tình trạng bị chiêu dụ đầu tư kinh doanh qua mạng.

Theo ông Lê Văn Bè,Chủ tịch HĐQT quỹ tín dụng nhân xã Tân Thuận Đông – TP Cao Lãnh: "Cả chục hộ vay vốn để kinh doanh qua mạng, tụi tui cản quyết liệt đâu có cho vay, như ông út Bảo cầm sổ đỏ 30 triệu đồng tham gia cuộc chơi, nhưng nhờ phát hiện sớm nên không cho ổng vay, giờ ổng mừng hết biết. Những nông dân bị lừa toàn là dân thuộc diện xoá đói giảm nghèo hoặc cận nghèo. Họ đi vay mượn với lãi suất cao để kinh doanh qua mạng".

Ông Đỗ Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh bổ sung: Xã tui có nhiều người chơi dữ lắm, tụi tui cản gần chết mà có ai nghe đâu. May mà mạng lưới lừa đảo này sập sớm nếu không thì bà con còn khổ nữa. Gác cửa chắc như vậy mà còn lọt sổ, như ông ba Đáo bán vé số mới vay vốn xoá đói giảm ngheo mua đôi bò vỗ béo được chừng một tháng, rốt cục cũng bán bò tham gia kinh doanh tiền, bò mất, mà vốn vay không biết chừng nào mới đòi lại được, coi như ban xoá đói giảm nghèo của xã còn mệt dài dài”.

Đàn em của Quân chạy lo xin bãi nại

Sáng ngày 11/11, ngôi nhà của Quân đã đóng cửa, chỉ còn cánh đàn em ở phía sau căn nhà lụp sụp. Cùng vào với những nạn nhân là khách hàng của Quân, tôi nghe được cánh đàn em của Quân nài nỉ: “Bà con cứ về làm đơn bãi nại cho BS Quân ra trại, bác sĩ sẽ trả hết tiền cho bà con. Bà con đừng có nghe báo đài đưa tin”. Nhưng những lời nài nỉ ngon ngọt ấy đều bị bà con gạt phăng. Có người gắt lên “đã bị bắt rồi còn ngoan cố”. Có người thì chát chúa nói: “Đây là lần thứ 3 ông bác sĩ này lừa đảo. Lần đầu, ông ấy bán thuốc rượu cây nhàu nói là của Mỹ trị bá bệnh với giá 700.000 đồng/ chai. Lần thứ hai, ông ấy bán đồng hồ nói là có hình Tổng thống Mỹ. Và lần này thì ổng đã bị bắt”.

Nhóm PV ĐBSCL

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.