| Hotline: 0983.970.780

Kinh hoàng sập đất thuỷ điện Nậm Tộc

Thứ Hai 25/01/2010 , 09:29 (GMT+7)

Trận mưa đêm 22/1 chỉ đủ thấm đất, nhưng đã làm sập đổ hàng ngàn khối đất đá từ bãi thải của công trình thuỷ điện Nậm Tộc (Nghĩa Sơn, Văn Chấn, Yên Bái), kịp chôn vùi 4 ngôi nhà...

Trận mưa đêm 22/1 chỉ đủ thấm đất, nhưng đã làm sập đổ hàng ngàn khối đất đá từ bãi thải của công trình thuỷ điện Nậm Tộc (Nghĩa Sơn, Văn Chấn, Yên Bái), kịp chôn vùi 4 ngôi nhà sàn của người dân. Đây là “nhân tai” do chính con người gây ra từ việc xây dựng thuỷ điện.

Khoảng hơn 9 giờ sáng thứ bảy ngày cuối tuần 23/1 ông Đinh Đăng Luận- PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái điện cho tôi: Huyện Văn Chấn vừa điện cho biết, sập đất công trình thuỷ điện Nậm Tộc làm 4 ngôi nhà của dân bị chôn vùi, anh đi ngay nhé… 

Hiện trường vụ sập đất

Thuỷ điện Nậm Tộc nằm trên đất xã Nghĩa Sơn do Cty TNHH Thanh Bình đầu tư. Khi chúng tôi tới, một không khí hoảng loạn vẫn bao trùm khắp nơi, chị Lò Thị Tiêu mất đứa con gái 3 tuổi tên là Lò Thị Hiệp vừa gào khóc vừa ôm lấy chiếc quan tài đặt trong chiếc lán dựng tạm bên ngôi nhà giữ trẻ của bản: Ún lả ơi (Con của mẹ ơi), sao con lại chết thảm thế này…Mọi người kể, chồng chị là Lò Văn Sơn đi làm tận Quảng Ninh, ở nhà chỉ có 3 mẹ con, nghe tiếng đất sập chị chỉ bế được thằng con trai Lò Văn Hồng chạy ra, ngôi nhà đổ ụp xuống, đứa con gái của chị bị kẹt lại trong nhà không chạy ra được, chị còn nghe tiếng nó kêu khóc: Mẹ ơi cứu con với…Chỉ loáng sau đất đá tràn qua nuốt chìm tiếng gọi mẹ của nó. 

Chị Lò Thị Tiêu quằn quoại bên chiếc quan tài đứa con gái

Bà Đồng Thị Đùn nước mắt lưng tròng kể: Lúc ấy trời sắp sáng rồi, khoảng 5 giờ tôi vừa trở dậy nhóm lửa thì nghe một tiếng nổ to lắm phía trên mương nước thuỷ điện, mặt đất rung chuyển, nước và đá chảy ầm ầm từ trên cao xuống. Tiếng la hét từ khắp nơi: Sập đất! Chạy đi! Tôi bế đứa con gái 6 tuổi tên là Đồng Thị Lụn còn đang ngủ chạy ra đầu sàn, cầu thang bị nước cuốn trôi, tôi nhảy vội xuống, nước ngập đến cổ, bám vội mấy cành cây mẹ con tôi leo được lên bờ. Chồng tôi là Đồng Văn Hàm chạy ra sau bị đá đập vào chân, mọi người khiêng lên gửi ở nhà anh em trên kia. Chồng tôi vừa chạy ra khỏi nhà thì đất đá tràn xuống lấp hết ngôi nhà của gia đình tôi, không còn nhìn thấy gì nữa…

Bà Đùn chỉ bãi đất đá phủ kín ngôi nhà sàn cột kê 4 gian bây giờ không còn nhìn thấy dù  chỉ một cây cột. Bà vừa khóc vừa lội xuống bãi đất nhão nhoét bùn đất lổm ngổm đá nhặt nhạnh những thứ còn sót lại giúp Lường Văn Pầng nhà bị sập mất một nửa vừa được người dân trong bản dỡ giúp, lẫn trong đất đá là quần áo, chăn, đệm… 

Nhặt nhạnh những gì còn sót lại

Không thể tin nổi trận mưa đêm 22/1/2010 chỉ đủ thấm đất, nhưng đã làm hàng nghìn khối đất đá từ bãi thải của công trình thuỷ điện Nậm Tộc từ trên cao gần 100m đổ ập xuống, trong nháy mắt đã chôn vùi 4 ngôi nhà sàn cột kê 4-5 người mới khiêng nổi.

Chị Đồng Thị Sươi con ông Đồng Văn Xuân nước mắt giàn giụa: Sớm nay cháu dậy sớm bắt gà đi chợ mua quần áo Tết cho các con. Trời còn tối, vừa bước xuống sàn thì nghe thấy rung chuyển dưới chân như động đất, đất đá lăn đổ ầm ầm. Bố mẹ và các con cháu cùng những người ở các ngôi nhà xung quanh chạy tứ tung. Nhà cháu và nhà các chú: Đồng Văn Hàm, Đồng Văn Biên, Lò Văn Sơn sập đổ, không ai kịp lấy ra một thứ gì, 4 con trâu nhà cháu còn nằm trong đống đất đá kia, chiếc xe máy của anh Lò Văn Pầng gửi ở gầm sàn cũng bị đất vùi …Chị Sươi cứ quẩn quanh bên hai con trâu vừa được chiếc máy cạp đất móc lên từ đống đất đá, nước mắt chị giàn giụa, cả không biết vụ xuân này gia đình chị lấy gì để cày bừa đây. Hai “đầu cơ nghiệp” nằm sõng soài trên đất. 

Di chuyển nhà ra khỏi vùng nguy hiểm

Ông Mè Văn Lún- Bí thư Đảng bộ xã Nghĩa Sơn cho biết: Bà con bản Vẻ sống ở đây từ năm 1964, mấy chục năm nay rồi bản Vẻ chưa bị sập đất lần nào. Trận lở đất này là do đất đá từ bãi thải làm đường và làm mương dẫn nước của thuỷ điện Nậm Tộc trút xuống. Ngoài 4 hộ bị đất sập lấp mất nhà, 4 hộ buộc phải di dời vì nguy cơ sập lở đất cao, đó là nhà của các ông: Lường Văn Pầng, Lường Văn Ơn, Đồng Văn Xiền, Lò Văn Hoa.

Một trận sập lở đất trái mùa, không thể đổ cho thiên tai, mà nguyên nhân chính do bãi thải đất đá của công trình thuỷ điện Nậm Tộc đã trút xuống, gặp mưa khiến đất đá sụt lở đổ ập xuống đầu người dân. Đó là “nhân tai” do chính việc xây dựng thuỷ điện Nậm Tộc gây ra.

Dòng suối Nậm Tộc, người Khơ Mú Nghĩa Sơn gọi là dòng suối nước mắt, nơi những khổ đau mà tộc người Khơ Mú trải qua trong cuộc thiên di từ phương Bắc xuống phía Nam, nước mắt của họ chảy xuống tạo nên dòng Nậm Tộc. Dòng Nậm Tộc bây giờ nhận thêm nước mắt của những người dân tộc Thái bản Vẻ.

Chủ tịch xã Phan Trọng Bình cho biết thêm: "Khi xây dựng thuỷ điện Nậm Tộc xã đã tổ chức di dời 7 hộ, 8 hộ này bằng con mắt cảm quan thấy chưa có nguy cơ sạt lở nên chưa tổ chức di dời". Nhưng người dân lại nói họ đã nhiều lần đề nghị di chuyển mà Cty TNHH Thanh Bình nói đá chưa lăn tới nên chưa phải di dời. Tôi vô cùng ngạc nhiên thấy nhiều chiếc cột nhà còn mới tinh mọi người đang di chuyển, hỏi ra mới biết ông Đồng Văn Xiền vừa dựng ngôi nhà sàn 4 gian, ông chưa kịp vào nhà mới thì đất sập. Trên sà nhà còn mới nguyên dòng chữ “ Khánh thành ngày 16/1”.

Sau khi được tin trận sạt lở đất tại bản Vẻ, ông Nguyễn Hợp Đoàn- Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cùng lãnh đạo huyện tới ngay hiện trường tổ chức cứu hộ và di chuyển nhà cửa cho người dân. Ông Đoàn cho biết: Chúng tôi đã huy động các lực lượng: Công an, bộ đội, dân quân tự vệ và người dân tại chỗ khoảng hơn 400 người tháo dỡ và di chuyển giúp 4 hộ có nguy cơ sập đất, tổ chức nơi ăn chốn ở tạm thời cho bà con. Mỗi hộ nhà bị đổ huyện hỗ trợ 6 triệu đồng, 3 triệu đồng hộ buộc phải di dời. Huyện cố gắng cao nhất để sớm dựng lại nhà cửa giúp bà con ổn định cuộc sống và đón Tết…

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.