| Hotline: 0983.970.780

Kính nể người tuần tra biên giới với dạ dày bị cắt một nửa

Thứ Tư 12/04/2017 , 14:30 (GMT+7)

Sau hồi kẻng báo hiệu là tất cả các chiến sĩ ở đồn lại lên đường làm nhiệm vụ trong bóng tối và sương mù giăng kín lối. Những bàn chân đi mòn đá núi. Những bàn chân dày vết sẹo của vắt, muỗi, ong rừng...

Khóc vì nhớ cột mốc đường biên

Khi quạ kêu xuyên màn sương núi, lá cờ giữa sân đồn Tổng Cọt (huyện Hà Quảng, Cao Bằng) vẫn chưa hết ngái ngủ, ủ rũ quấn quanh mình. Gần chục ngày nay ở Lục Khu không có mặt trời, mưa rả rích cả ngày cả đêm như dìm nhân gian vào trong nồi luộc bánh, bỗng hôm nay có chút nắng hửng.

Bước chân tôi lại chộn rộn muốn lên đường dù biết rằng 15 cột mốc của đồn quản lý, 100% đều là đường mòn xuyên thung sâu, vắt núi đá.

Đất no nước, đá no rêu, cạm bẫy giăng ngay dưới lối đi, bất cứ sơ sẩy nào cũng phải trả giá đắt. Nhưng tôi không thể ngăn nổi sự háo hức đang dâng lên trong mình bởi biết rằng có dịp được gặp mặt một tượng đài sống ở miền biên viễn, ông Vương Hữu Nghịt.

Sau hồi kẻng báo hiệu là tất cả các chiến sĩ ở đồn lại lên đường làm nhiệm vụ trong bóng tối và sương mù giăng kín lối. Những bàn chân đi mòn đá núi. Những bàn chân dày vết sẹo của vắt, muỗi, ong rừng. Những bàn chân thẳng bước về phía mặt trời còn chưa dậy.

Một lần tuần tra như thế, chiến sĩ Hoàng Đức Toàn bị rắn lục cắn, đầu óc quay cuồng, mắt tối sầm rồi ngã xuống. Hai đồng đội đã nhanh trí lấy dao rạch chích máu độc rồi dìu về trạm quân y cấp cứu, kịp thời cứu sống.

Cậu bé Nghịt cất tiếng khóc chào đời ở bản Kéo Sỹ (xã Tổng Cọt). Hạt ngô gieo nơi hốc đá nuôi lớn thân mình, gió núi quanh năm ù ù thổi luyện rèn sức vóc. Và như một lẽ tự nhiên, ông yêu dải đất biên viễn này còn hơn cả máu thịt. Tình yêu đó dạy ông biết cầm súng chống lại kẻ thù ngay từ năm còn xung đột biên giới 1979. Tình yêu đó dạy ông biết cầm dao, cầm gậy hết đợt này đến đợt khác chống lại các vụ việc xâm lấn, xâm canh từ phía kia kéo qua.

Chúng thả dê, thả bò, trồng dưa, trồng khoai, chặt gỗ trên đất của ta như chỗ không người. Trong một đợt chống xâm lấn, đồng đội ông, Lục Văn Sông đã bị lũ côn đồ đê hèn dùng súng bắn gục và trở thành một liệt sĩ đầu tiên ở Lục Khu trong trận chiến đấu mới.

Tới tận những năm 2000 việc xâm lấn mới dần chấm dứt khi những cột mốc bắt đầu chính thức được cắm xuống.

Ông Nghịt lúc đó với vai trò là Bí thư xóm đã trở thành người tập hợp bà con tình nguyện tuần tra, bảo vệ 5 cột mốc. Cái gần nhất 722 cũng phải đi bộ mất hơn 1 tiếng còn cái xa nhất 720 phải đi bộ mất nửa ngày.

15-25-43_dsc_7773
Chân dung ông Nghịt trong một buổi tuần tra

Cuộc đời của ông lão ngót 70 tuổi ấy tưởng gắn mãi với những cuộc tuần tra thăm mốc cho đến một ngày bất ngờ quỵ xuống vì một cơn đau bất thình lình. Khám thì bác sĩ báo tin ông đã bị ung thư, phải cắt đi 1/2 dạ dày mà thần chết vẫn còn lởn vởn trước mắt.

9 tháng ròng ở Hà Nội để truyền 8 đợt hóa chất, những cơn đau liên tục giày vò ông. Đau như dao đâm, đau như lửa đốt, toát mồ hôi, lăn lội khắp bốn góc giường. Có những đêm thâu ông ứa nước mắt khóc thầm vì nghĩ mình sẽ không qua khỏi. Năm lần bảy lượt đòi cho về để chết ở quê hương mà không được.

Nằm ở trên giường bệnh ông đếm thời gian trôi không phải bằng ngày bằng tháng mà bằng mùa lạc, mùa ngô, mùa khoai mùa đậu. Nhớ quay quắt những gương mặt thân quen. Nhớ tiếng Nùng. Nhớ bánh dày. Nhớ ngọn rau bí xào. Và nhớ nhất là những cái cột mốc. Cơn bệnh tạm thoái lui, bác sĩ cho phép ông về nhà điều trị với lời dặn: “Ăn mà sống thôi chứ không thể làm được bất cứ việc gì cả”...

Chỉ ngày hôm trước thôi, anh Dương Khánh Hòa, chính trị viên phó đồn Tổng Cọt bảo với tôi rằng trong đợt lên mốc 722 cố ghé qua thăm ông Nghịt. Có ai ngờ, khi nói chuyện tuần tra biên giới, ông bỗng nhanh nhẹn đứng dậy như chưa hề bị bệnh.

Sau một hồi lui cui ngoài vườn cuối cùng ông cũng tìm được một cây gậy thật ưng ý rồi nhất quyết xin đi cùng, bỏ ngoài tai mọi lời can gián của người con út. Để hôm nay tôi được đi tuần tra biên giới cùng ông - một bệnh nhân ung thư 68 tuổi với dạ dày bị cắt đi một nửa. Đá nhấp nhô, đất trơn nhầy nhụa, xen lẫn bùn đất là nhoe nhoét phân gia súc. Ông vẫn cứ chống gậy bước đi.

Nặm Rằng, Tắm, Cáo rồi lại Trang. Những thung lũng cứ trải dài ra tưởng như không bao giờ đứt quãng. Hết lũng rồi đến núi cao với vực thẳm cận kề. Những đợt điều trị hóa chất liên miên khiến cho sức lực ông nhiều lúc xuống nhanh như một cái bình bị thủng đáy. Đã ba lần tôi thấy ông ngồi bệt xuống tảng đá ven đường, mặt nhợt đi, mồ hôi vã ra đầm đìa.

Ông bảo cảm giác như chân tay không phải của mình nữa. Nhưng cũng đã ba lần ông nắm chặt lấy gậy rồi gắng gượng bước tiếp. Dọc đường ông thân mật chào những người bà con đang đuổi bò hay đang vác cày.

Sát mốc là đất canh tác, là bãi thả trâu bò, là mồ mả của tiền nhân nên cứ mỗi lần nghe bà con kể nơi này nơi kia có biểu hiện bị xâm hại là ông như có dao cứa vào chân tay, là giận run người. Giữa trưa, cuối cùng 722 cũng dần hiện ra. Ông lão lặng thầm lấy vạt áo lau mốc giới rồi đứng trầm ngâm như trước một người bạn cố nhân. Nắng lòa lên trên đỉnh mây ngàn, gió rào rạt thổi qua lũng vắng.
 

Ngọn hải đăng xanh giữa biển đá

Nếu ông Nghịt là biểu tượng của mối tình sâu nặng giữa con người với Lục Khu thì cái cây “chống trời” ở ngã ba Tổng Cọt là biểu tượng của mối tình sâu nặng giữa cây cỏ với Lục Khu. Đó là một cây sung khổng lồ, có lẽ không chỉ to hơn tất cả cây sung khác trên đất Việt mà nó còn to hơn nhiều cây đa, lim, nghiến đại thụ khác. Thể theo đề nghị của tôi, anh Dương Văn Định - Chủ tịch xã Tổng Cọt cùng một cán bộ đã kéo cái thước dây ra để đo gốc. Cái thước dừng lại ở con số đúng 10,2m.

15-25-43_dsc_7683
Cây sung khổng lồ ở Lục Khu

Cây sung như một ngọn hải đăng giữa biển đá mênh mông Lục Khu cho người đời khỏi lạc lối. Cây gắn liền với 12 họ người Việt đầu tiên lên Tổng Cọt lập xóm. Ông Lý Văn Rẫy tự hào kể lại với tôi rằng cụ tổ 8 đời của mình một buổi đi chợ Nà Giàng mua lợn đã lấy một khúc sung làm đòn gánh.

Lợn mua về thả vào chuồng còn cái cây được cắm bừa xuống đất làm cọc rào. Nó cứ thế mà lớn lên để thành đại thụ thọ dễ đã 500-600 tuổi. Tổng Cọt 5 ngày có một phiên chợ. Mấy cái cành la đà mặt đất của cây sung đủ chỗ để người dân buộc được 50-70 con ngựa còn dưới bóng mát của nó đủ chỗ cả trăm con trâu bò cùng vài trăm người tụ tập.

Tháng 2/1979 cuộc chiến biên giới nổ ra, lúc dân di tản trở về thì 27 mái nhà của xóm bị giặc đốt cháy thành than, 35 cái khác cháy nham nhở, 90 con trâu bò bị giết còn sống đúng 1 con, xác vứt khắp nơi, hôi thối cả một vùng. Nhưng cây sung vẫn còn, giữa cảnh tượng tang thương đó nó lại bắt đầu đâm chồi, nẩy lộc.

Rồi mấy đợt mưa rét tuyết trùm trắng từ ngọn xuống dưới gốc, hai ba ngày mới tan, nó vẫn sống. Nhờ trú dưới tán cây mà nhà ông Rẫy cùng hai nhà khác thoát khỏi cảnh tàn phá bởi trận mưa đá khủng khiếp năm 1993 với những hòn đá to như nắm tay.

Năm 2010 có một đám cháy xảy ra ở cái hốc rỗng giữa thân cây rồi bốc ngay lên thân khiến cho cả xóm phải gõ mõ báo động. Từ già đến trẻ kéo ra đen đặc. Người múc nước đổ vào, người trèo lên lấy giẻ ướt bịt chỗ bén lửa, cuối cùng cũng cứu được. Để đến hôm nay, dù bốn cành chính đã mục rỗng mà cái cây vẫn sống, vẫn cho dân làng tới vài tấn quả một năm, vẫn tỏa bóng mát trên Lục Khu khô khát.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.