| Hotline: 0983.970.780

Kinh nghiệm của anh Hai

Thứ Ba 29/10/2013 , 10:28 (GMT+7)

Kinh nghiệm phòng chống bệnh đốm trắng thanh long của anh Hai là không pha thuốc trị nấm chung với các loại thuốc khác mà phun tách riêng ra.

Bệnh đốm trắng (hay còn gọi là nấm Tắc kè) xuất hiện trên cây thanh long đã lâu, nhưng chưa tìm ra phương thuốc đặc trị. Đây là loại nấm bệnh thường gặp vào mùa mưa, chủ yếu gây hại vào cành non và trái làm cho người trồng tổn thất nặng nề.

Nhiều nhà trồng thanh long lo lắng phun xịt nhiều loại thuốc nấm phòng trị nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Tuy nhiên, anh Hai ở thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đã có khả năng khống chế phần nào chứng bệnh này.

Kể từ vụ mùa năm 2011, vườn thanh long của anh Hai mắc một chứng bệnh kỳ lạ. Nhiều cành non mơn mởn tự nhiên có những lốm đốm màu trắng. Biết là vườn mình bắt đầu bị nấm tắc kè, anh cắt tỉa ngay những cành đó đưa ra khỏi vườn cách ly. Sau khi ra trái, trên trái tiếp tục xuất hiện những đốm trắng tương tự.


Chăm sóc cây thanh long

Lúc đầu thì ít, nhưng những vụ sau đó, đốm trắng lây lan ra rất nhanh, gần như hết vườn. Anh Hai phun xịt rất nhiều loại thuốc trị nấm, sử dụng cả thuốc dùng cho lúa, tiêu, điều, cà phê… nhưng bệnh vẫn cứ trơ lỳ, không thuyên giảm. Có lứa thiệt hại 70 - 80%, gây tổn thất rất nặng nề...

Anh cố công theo dõi các chương trình hướng dẫn kỹ thuật cho nhà nông trên báo, đài để tìm kiếm một cơ may nào đó cho việc trị bệnh đốm trắng. Nghe các nhà khoa học nói nguyên nhân gây bệnh do một loại nấm có hại thường xuất hiện vào mùa mưa, nhất là lúc thời tiết ẩm thấp kéo dài.

Thông tin đó khiến anh suy nghĩ, nếu do nấm gây ra thì dùng thuốc trị nấm để phòng trừ là xong. Thuốc trị nấm hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại, nhưng sao anh phun xịt rất nhiều vẫn không trị được?

Một hôm đang uống cà phê sáng, anh nghe một số người trồng thanh long nói rằng, nếu nhà vườn nào lạm dụng thuốc tăng trưởng, thuốc kích thích càng nhiều trên dây, trái thì bệnh đốm trắng càng phát triển mạnh.

Anh Hai chợt nghĩ, có thể thuốc tăng trưởng bám nhiều vào trái thanh long, là môi trường kích thích cho nấm bệnh có điều kiện phát triển nhanh. Trong khi đó, việc pha trộn thuốc trị nấm chung với các loại thuốc tăng trưởng khác, có thể đã làm cho thuốc nấm bị giảm hiệu lực.

Suy nghĩ vậy nên vụ mùa vừa rồi anh Hai không pha thuốc trị nấm chung với các loại thuốc khác mà phun tách riêng ra. Bắt đầu từ khi búp thanh long còn khoảng 2 - 3 ngày trổ bông, anh mới bắt đầu phun thuốc trị nấm trước vào buổi chiều cho sạch nấm bệnh trên trái, sáng hôm sau tôi phun thuốc tăng trưởng.

Việc này được tính một lần phun theo quy trình VietGAP và thực hiện cho đến khi trái lớn, nhưng đảm bảo thời gian cách ly trước khi xuất bán. Thật không ngờ lứa thanh long này, trái bị đốm trắng từ 80% giảm còn 15 - 20%. Số còn lại hầu hết là hàng xuất, thiệt hại như vậy là không đáng kể.

Từ kinh nghiệm này, anh Hai chăm sóc những vụ tiếp theo chu đáo hơn và sử dụng nhiều biện pháp kết hợp. Sau khi thu hoạch xong, những cành non vừa xuất hiện nấm bệnh là cắt và tiêu hủy ngay, rồi phun thuốc trị nấm trên dây vệ sinh vườn.

Khâu hết sức quan trọng là phải chăm sóc cho bộ rễ khỏe mạnh, xử lý sạch tuyến trùng trong đất, bón phân cân đối để dây chắc khỏe, có sức đề kháng tốt đối với nấm bệnh và thời tiết khắc nghiệt.

Quá trình phun tưới, nên tưới vào sáng sớm vừa để rửa sương mai, vừa khô ráo cành, tránh tưới vào chiều tối vì dễ tạo môi trường ẩm ướt làm nấm bệnh có điều kiện phát triển. Nhờ đó mà những lứa trái tiếp theo, tình trạng đốm trắng giảm đáng kể.

"Tôi thấy, tuy phun nhiều lần thuốc, nhọc công một chút nhưng vẫn tốt hơn nhiều, vì tỷ lệ nấm bệnh trên trái rất nhỏ, không còn đáng lo như trước. Tôi mừng lắm vì đó là kết quả mà người trồng thanh long cực nhọc như chúng tôi không mong gì hơn.

Bà con mình có thói quen pha nhiều loại thuốc vào một bình để phun cho tiện. Tôi thấy đó là thói quen cần phải hết sức hạn chế, nhất là tình trạng nấm bệnh khó trị như hiện nay", anh Hai chia sẻ.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất