| Hotline: 0983.970.780

Kinh nghiệm tổ chức hợp tác dùng nước ở Thạch Thành

Thứ Sáu 21/11/2014 , 09:11 (GMT+7)

Bài viết này giới thiệu một số kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm xây dựng Tổ chức HTDN ở huyện Thạch Thành, Thanh Hóa.

Hiệu quả hoạt động của hệ thống công trình thủy lợi (CTTL) phụ thuộc rất lớn vào công tác quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi mặt ruộng. Do vậy, việc thành lập, củng cố các Tổ chức Hợp tác dùng nước (HTDN) hoạt động hiệu quả và bền vững là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả khai thác CTTL hiện có, thực hiện tiêu chí thủy lợi trong xây dựng NTM.

Bài viết này giới thiệu một số kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm xây dựng Tổ chức HTDN ở huyện Thạch Thành, Thanh Hóa.

Huyện Thạch Thành đang tồn tại 2 hình thức Tổ chức HTDN, là HTXNN (trong đó có dịch vụ thủy nông) và Tổ bảo nông do các trưởng thôn phụ trách.

Mô hình dịch vụ thủy nông trong HTXNN

Do các HTXNN chưa có quy chế hoạt động thủy nông cụ thể nên việc đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý thủy nông của các HTX chỉ mang tính định tính từ thành viên trong Ban quản lý HTX, của các cán bộ xí nghiệp khai thác CTTL huyện Thạch Thành, tổ bảo nông và dựa trên mức độ hài lòng của những hộ dùng nước đã được phỏng vấn. Kết quả đánh giá tại 12 HTX cụ thể như sau:

- 2/12 HTX được đánh giá hoạt động hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu dùng nước của các hộ hưởng lợi. Nguyên nhân thành công của các HTX này là do điều kiện nguồn nước thuận lợi, ban quản lý nhiệt tình, hiểu biết, có sự chỉ đạo điều tiết nước kịp thời theo kế hoạch, chú trọng đến công tác bảo dưỡng, nạo vét kênh mương định kỳ. HTX có các dịch vụ mở rộng (dịch vụ điện) tạo điều kiện nâng cao thu nhập và phát triển.

- 8/12 HTX được đánh giá đạt loại trung bình yếu, lĩnh vực dịch vụ tưới tiêu hoạt động chưa rõ nét và chưa thực sự hiệu quả. HTX hoạt động cầm chừng.

- 2/12 HTX hoạt động kém hiệu quả, không thực hiện được phương hướng hoạt động SXKD.

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại yếu kém của các HTX được đánh giá như sau:

- Hầu hết các HTX không có đủ tư cách pháp nhân, thiếu điều lệ, quy chế hoạt động, do vậy hoạt động thiếu tính tự chủ, kém hiệu quả;

- Các CTTL do các HTX quản lý có quy mô diện tích nhỏ, phân tán. Thu nhập của HTX chủ yếu là thủy lợi phí nội đồng. Mức thu nhập của các tổ bảo nông thấp chưa khuyến khích được xã viên tham gia;

- Một số HTX chưa đảm bảo yêu cầu về số lượng và chất lượng dịch vụ, vai trò của HTX không được phát huy, nông dân không hứng thú gia nhập HTX;

- Trình độ năng lực của Ban quản lý HTX còn yếu kém, chưa năng động. Ban quản lý HTX, tổ bảo nông không được đào tạo, tập huấn kỹ thuật về công tác quản lý thủy nông nội đồng. Việc cấp nước còn theo kinh nghiệm, chưa khoa học, chưa theo đúng nhu cầu nước của cây trồng, còn gây lãng phí nước;

- Nguồn thu không đủ, thiếu kinh phí để duy tu bảo dưỡng công trình, nạo vét kênh mương dẫn đến công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng và không phát huy được hiệu quả.

Mô hình quản lý thủy nông cấp thôn

Đối với mô hình tổ chức quản lý thủy nông theo cấp thôn, thủy nông viên do nhân dân trong thôn bầu ra và do trưởng thôn trực tiếp chỉ đạo. Tổ bảo nông ngoài nhiệm vụ dẫn nước thường kiêm nhiệm bảo vệ đồng ruộng. Mô hình này mặc dù gọn nhẹ nhưng gặp nhiều khó khăn, do là tổ chức chưa hoàn thiện, thiếu tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản cũng như trụ sở hoạt động.

Hầu hết trưởng thôn và thủy nông viên đều không được trang bị kiến thức về quản lý vận hành, chủ yếu làm theo kinh nghiệm. Đối với các công trình phục vụ từ hai thôn trở nên thường gặp khó khăn trong việc phân phối nước, nhất là thời kỳ thiếu nước.

Đội ngũ thủy nông viên thường xuyên thay đổi, xáo trộn theo thời vụ hoặc năm do các nguyên nhân khác nhau như mức thu nhập thấp, không hoàn thành nhiệm vụ... Để củng cố các tổ chức này, hầu hết các xã đều cùng quan điểm sẽ đưa công tác thủy nông vào HTX để củng cố công tác thủy nông, giảm gắng nặng công việc cho trưởng thôn.

Thành lập, củng cố TCHTDN

Dựa trên kết quả đánh giá hiện trạng, các cuộc hội thảo, tham vấn cộng đồng mô hình Tổ chức HTDN được đề xuất là “Mô hình HTXNN quy mô toàn xã” do có các ưu điểm sau:

- HTX hoạt động đa dịch vụ: Ngoài dịch vụ cơ bản là tưới, tiêu việc mở rộng cung cấp các dịch vụ khác giúp tăng thu nhập cho các Ban quản lý và các cổ đông tạo niềm tin và động lực để các lực lượng này gắn bó lâu dài với HTX;

- HTX có đủ tư cách pháp nhân là đầu mối ký kết hợp đồng tưới với xí nghiệp khai thác CTTL huyện Thạch Thành do đó phát huy được hiệu quả sử dụng tổng hợp các công trình thủy lợi, đặc biệt khi nguồn nước khó khăn;

- Được cấp kinh phí miễn, giảm thủy lợi phí cho những công trình thuộc quyền quản lý của các HTX do đó công trình được duy tu, sửa chữa kịp thời;

- Phù hợp với các địa phương có CTTL quy mô nhỏ trong phạm vi thôn xã. Đáp ứng tốt tiêu chí thủy lợi trong xây dựng NTM;

Yêu cầu của mô hình này là Ban quản trị HTX phải có năng lực tốt.

Kết quả thành lập, củng cố các Tổ chức HTDN: Tổng cộng có 16 HTXNN đã được thành lập, củng cố đảm bảo các tiêu chí về quản lý có sự tham gia. Kết quả cụ thể như sau:

Các Tổ chức HTDN đã có tư cách pháp nhân đầy đủ, có con dấu, tài khoản riêng;

Quy chế hoạt động của Tổ chức HTDN được toàn thể người dùng nước góp ý, thông qua;

- Tổ chức hoạt động của các tổ bảo nông ở từng Tổ chức HTDN được thực hiện theo ranh giới thủy lực, có số lượng nhân sự phù hợp và quy định hoạt động cụ thể;

- Các Tổ chức HTDN có phương án hạch toán tài chính riêng cho lĩnh vực thủy lợi;

- Sẵn sàng thực hiện ký kết các hợp đồng dịch vụ tưới với xí nghiệp khai thác CTTL và với người dùng nước;

- Các Tổ chức HTDN tham gia đề xuất nhu cầu phát triển hệ thống kênh nội đồng phù hợp, cử người tham gia vào quá trình khảo sát thiết kế kênh nội đồng;

Các Tổ chức HTDN có đủ tư cách pháp nhân, năng lực để tự tổ chức thi công xây dựng kênh mương nội đồng.

Kết quả thực hiện dịch vụ tưới tiêu: Diện tích tưới chủ động tăng lên đáng kể trong 3 vụ liên tiếp, nước được cung cấp đầy đủ kịp thời, không còn tình trạng lấy nước tràn lan. Đặc biệt vụ chiêm năm 2012 mặc dù có khó khăn về nguồn nước nhưng các HTX đã chủ động lên phương án phòng chống hạn, bố trí nhân lực, vật lực để đảm bảo gieo cấy được 100% diện tích.

Đánh giá về tài chính của dịch vụ thủy nông: Các HTX đã thu phí thủy nông nội đồng, có sổ thu chi riêng. Mức thu dao động từ 1,2 - 4,0 kg/sào/vụ tương đương 150.000 - 480.000 đ/ha/vụ. Các khoản thu chi đều có biên lai chứng từ rõ ràng. Phí dịch vụ thủy nông nội đồng được sử dụng cho cho công tác dẫn nước và nạo vét sửa chữa nhỏ.

Bài học kinh nghiệm

Vai trò của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp huyện, xã trong quá trình huy động và tổ chức nông dân tham gia vào quản lý, khai thác CTTL rất quan trọng. Việc thành lập Ban chỉ đạo ở các cấp (huyện, xã) trong quá trình thành lập các HTX đã phát huy tác dụng hiệu quả. Ban chỉ đạo đã thể hiện rõ vai trò tổ chức, hỗ trợ, giám sát trong quá trình thành lập cũng như hoạt động của các HTX.

Lựa chọn mô hình Tổ chức HTDN phù hợp có ý nghĩa quyết định tạo nên sự phát triển bền vững của các HTX. Các khía cạnh cần được đặc biệt quan tâm khi lựa chọn các mô hình: Được sự đồng thuận cao từ các cấp chính quyền và người hưởng lợi; tự chủ được tài chính; các thành viên tham gia HTX có thu nhập tương xứng; và phù hợp với trình độ quản lý của HTX. Mô hình HTXNN hoạt động đa dịch vụ để tăng thêm nguồn thu là yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển bền vững của các HTX.

Cần có sự tham gia phối hợp của các bên liên quan bao gồm người dân, công ty, xí nghiệp quản lý, khai thác CTTL, chuyên gia tư vấn trong quá trình thành lập, củng cố các HTX.

Thường xuyên tuyên truyền vận động nâng cao hiểu biết của xã viên về HTX, nâng cao nhận thức về vai trò của họ trong việc tham gia quản lý thủy nông, sử dụng nước tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Đồng thời nâng cao năng lực về cơ chế chính sách, năng lực xây dựng kế hoạch, quản lý, điều hành phân phối nước cho các Tổ chức HTDN.

Cần xây dựng lộ trình bàn giao các CTTL cho các HTX theo năng lực và từng điều kiện cụ thể. Việc giám sát đánh giá các HTX sau 3 - 4 vụ SX là hết sức cần thiết để từ đó có những điều chỉnh hợp lý.

(Viện Nước, tưới, tiêu & môi trường, Viện Khoa học Thủy lợi VN)

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.