| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế hết 'hot', kỹ thuật lên ngôi

Thứ Tư 15/04/2015 , 10:04 (GMT+7)

Cùng với xu thế chuyển dịch dần từ thi đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp sang khối cao đẳng, trung cấp nghề thì xã hội cũng có sự chuyển biến rõ nét trong việc thay đổi xu thế chọn các ngành nghề để học.

13-15-43_dscf0764
Trái với sự trầm lắng của ngành kinh tế, khối ngành kỹ thuật lại tăng trưởng mạnh

Sau một thời gian ngắn “sốt” khi trường trường mở ngành kinh tế, người người đi học kinh tế, nay theo chia sẻ của lãnh đạo một số trường cao đẳng nghề (CĐN) trực thuộc Bộ NN-PTNT, mỗi khóa tuyển được một lớp kế toán hay quản trị kinh doanh đã là may mắn.

ĐÃ ĐƯỢC COI TRỌNG

Nhưng trường đào tạo nghề, ngược lại khá "hot".

Mang câu chuyện có thật trong quá trình đi tuyển sinh của mình tâm sự với chúng tôi và coi đó là “chỉ dấu” cho thấy các trường nghề bắt đầu được xã hội quan tâm, cô Phan Thị Nhung - Trưởng phòng Tuyển sinh giới thiệu việc làm và Hợp tác Quốc tế (Trường CĐN Cơ điện xây dựng Việt Xô, trụ sở tại TX Tam Điệp - Ninh Bình) chia sẻ: Cách đây khoảng vài ba năm, khi nền giáo dục của chúng ta vẫn chạy theo hình thức thì tồn tại một quan niệm là chỉ những học sinh học yếu mới theo học các trường nghề.

Ngày ấy, mỗi khi tới các trường THPT, THCS làm công tác tư vấn tuyển sinh, đa phần những trường như CĐN Cơ điện xây dựng Việt Xô chỉ dám chọn trường vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn và đặc biệt là TTGDTX để giới thiệu.

Theo khảo sát của chúng tôi tại một số Trường CĐN trực thuộc Bộ NN-PTNT, trái với ngành kinh tế, một số ngành liên quan tới kỹ thuật như CNTT, kỹ thuật chế biến món ăn, vận hành máy thi công… lại bất ngờ tăng mạnh.

Nếu trước đây những ngành nghề này chỉ tuyển sinh được một lớp, nay tăng lên 4 - 5 lớp bởi một lí do rất đơn giản là nhu cầu xã hội đang rất cần những công nhân lành nghề trong lĩnh vực này.

Những ngôi trường THPT thuộc diện tốp đầu của huyện, tỉnh như trường THPT Yên Khánh A, huyện Yên Khánh, Ninh Bình chẳng hạn, Trường CĐN Cơ điện xây dựng Việt Xô có tới tuyển sinh cũng chỉ nhận được thái độ hờ hững từ phía các em học sinh và phụ huynh.

Bởi những đối tượng học tại trường này đều xác định đại học hay ít nhất cũng phải là trường chuyên nghiệp, hàn lâm là mục tiêu chính.

Tuy nhiên, quá trình phát triển và sàng lọc của xã hội những năm gần đây đã chỉ ra một thực tế, việc học ở đâu hay học hệ nào không còn là điều quan trọng nhất, thay vào đó học cái gì để sau này tốt nghiệp có việc làm được đặt lên hàng đầu.

Khi quan niệm “sơ mi áo trắng cổ cồn” dần dần phải nhường chỗ cho tư duy thực dụng “dễ xin việc” thì cũng là lúc các trường nghề được xã hội quan tâm và đặt đúng vị trí của mình.

 Cô Phan Thị Nhung vui mừng tâm sự: “Giờ Trường CĐN Cơ điện xây dựng Việt Xô đi đâu cũng được Ban Giám hiệu các trường THPT, THCS, TTGDTX quan tâm, coi trọng.

Điều đó được thể hiện thông qua các buổi tư vấn, hướng nghiệp của nhà trường rất đông phụ huynh, học sinh tham dự. Những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất vẫn là xoay quanh câu chuyện đầu ra, câu chuyện việc làm cho con em của họ sau khi ra trường.

Đây là tín hiệu đáng mừng không chỉ Trường CĐN Cơ điện xây dựng Việt Xô mà còn cho cả hệ thống đào tạo nghề hiện nay”.

Dẫn chứng cụ thể cho việc xã hội đã có sự thay đổi rất lớn giữa đào tạo nghề và hàn lâm chuyên nghiệp, Hiệu trưởng Trường CĐN Cơ điện xây dựng Bắc Ninh Nguyễn Hồng Nam chỉ ra con số cụ thể trong hai năm gần đây.

Nếu trước kia khối dạy nghề phải đợi các trường đại học, cao đẳng tới trung cấp chuyên nghiệp tuyển sinh đợt 2, đợt 3 xong xuôi hết còn sót lại đối tượng nào thì cạnh tranh nhau tuyển sinh.

Tuy nhiên, kết quả tuyển sinh hai năm gần đây tại Trường CĐN Cơ điện xây dựng Bắc Ninh cho thấy, số lượng học sinh vào học tại trường không tham gia thi đại học ngày càng tăng dần chiếm khoảng 80% số tốt nghiệp THPT.

 Đặc biệt đối tượng tốt nghiệp THCS tham gia học nghề, không đăng ký thi vào học lớp 10 chiếm khoảng 70% trong số đối tượng THCS.

NGÀNH KINH TẾ GIẢM HẲN

Cùng với xu thế chuyển dịch dần từ thi đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp sang khối cao đẳng, trung cấp nghề thì xã hội cũng có sự chuyển biến rõ nét trong việc thay đổi xu thế chọn các ngành nghề để học.

Nếu cách đây không lâu, những ngành nghề thuộc nhóm kinh tế như kế toán, quản trị kinh doanh luôn “hot” và chiếm số lượng sinh viên áp đảo tại các trường nghề thì nay mỗi khóa chỉ còn vỏn vẹn một lớp.

Đó là minh chứng rõ nhất chỉ ra thực tế trên thị trường hiện nay, là ngành kinh tế đang quá dư thừa và rất khó xin việc.

Theo chia sẻ của Phó Hiệu trưởng Trường CĐN Cơ giới Ninh Bình Dương Văn Cường, khoảng năm 2012 trở về trước, mỗi năm nhà trường tuyển sinh được 8 - 10 lớp kế toán và quản trị kinh doanh, bình quân mỗi lớp khoảng 50 - 60 học viên.

 Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay ngành kinh tế sụt giảm hẳn, hiện chỉ còn 1 - 2 lớp mỗi khóa mà mỗi lớp học viên chỉ còn 35 - 40 em.

 Tương tự, tại Trường CĐN Cơ điện xây dựng Việt Xô cũng như Trường CĐN Cơ điện xây dựng Bắc Ninh, ngành nghề kinh tế giảm từ 80 - 90%, từ vài trăm học viên mỗi năm nay chỉ còn vài chục học viên.

13-15-43_dsc_0243
Khối ngành kỹ thuật đang "sốt"

Lí giải phần nào xu thế chuyển dịch chọn ngành nghề theo học hiện nay, Hiệu trưởng Trường CĐN Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho rằng: Tại những thời điểm nhất định trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, những ngành nghề như kinh tế, tài chính, kế toán đã thu hút một số lượng lớn học sinh, sinh viên theo học bởi được cho là dễ xin việc, thu nhập cao và tính chất công việc có phần nhẹ nhàng hơn so với nghề kỹ thuật. 

Ngày 1/7/2015 tới đây, Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ chính thức có hiệu lực và tạo ra sân chơi bình đẳng giữa các hệ đào tạo khi trường trung cấp chuyên nghiệp và trường CĐN thành một hệ thống thống nhất, không còn phân biệt giữa dạy nghề và hàn lâm, chuyên nghiệp.

Qua đó, đây là cơ hội vàng để khối các trường nghề chứng minh rằng, trình độ đào tạo của mình không hề thua kém khối chuyên nghiệp, hàn lâm.

Tuy nhiên, khi bối cảnh kinh tế trở nên khó khăn hơn, khả năng tìm việc thành công trong những lĩnh vực kinh tế, tài chính, kế toán… cũng gian truân hơn nhiều lần.

Cùng với việc nhiều trường đại học, cao đẳng, học viện… đào tạo ra một số lượng lớn nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, trong khi nhu cầu thực tế của thị trường lao động ngày càng giảm mạnh khiến các sinh viên sau khi tốt nghiệp rất khó tìm được việc làm đúng chuyên ngành. 

Mặt khác, các DN trong và ngoài nước, nhất là những DN SX trực tiếp lại đang cần rất nhiều nguồn nhân lực có trình độ cao, có kỹ thuật tốt để đáp ứng yêu cầu SXKD của họ. Do vậy, nhu cầu nhân lực của thị trường lao động hiện đang có xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ sang lĩnh vực kỹ thuật, SX và công nghệ cao.

 Từ thực tế trên, tại Trường CĐN Cơ điện Hà Nội, các em học sinh có xu hướng lựa chọn theo học các chuyên ngành kỹ thuật, nhất là các em học sinh nam khi hầu hết các ứng viên nam đều đăng ký theo học các chuyên ngành kỹ thuật cùng với một số ít là nữ.

Xem thêm
Thả 4,7 triệu con tôm giống ra biển Gành Hào

Bạc Liêu Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm 2024.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm