| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế hợp tác gắn kết SX nhỏ lẻ với chuỗi giá trị toàn cầu

Thứ Hai 12/01/2015 , 09:19 (GMT+7)

Phát triển kinh tế hợp tác (KTHT) trong nông nghiệp được xem là trọng tâm trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói riêng và thúc đẩy công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế đất nước nói chung.

KTHT là chủ đạo

Trong giai đoạn hiện nay, sự thành bại của các hình thức KTHT nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào việc HTX hay liên minh HTX gắn kết thế nào với chuỗi giá trị toàn cầu. Bởi hoạt động theo chuỗi giá trị sẽ cho phép từng thành phần kinh tế tương tác với nhau và kiểm soát nhau ở mức hiệu quả nhất.

Hiện nay chúng ta có khoảng 45 triệu người đang trực tiếp tham gia vào SX trên 70 triệu mảnh ruộng vườn manh mún, ở đó đang thiếu vắng những thành phần nông dân trẻ, hùng hậu, có học, là vốn lao động quý nhất của đất nước.

Nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc cho biết hiện nay có khoảng 4 triệu nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn đang sống trong cảnh nghèo đói, thu nhập chưa đến 1 USD/ngày (United Nations Development Program, Human Development Report 2013).

Thành phần nông dân này - phần lớn là phụ nữ, người già và trẻ em thất học - không có kỹ năng nào khác ngoài việc làm ruộng, 75% phụ thuộc vào thương lái, không thể tự mình tiếp cận với thị trường, họ chưa được tổ chức, hoặc tổ chức lỏng lẻo để làm ruộng.

Như vậy nguyên nhân của sự nghèo đói chính là nông dân ta không có khoa học kỹ thuật, và hạ tầng cơ sở kém đã tiếp sức để ngăn cản bước đột phá của nông thôn Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Quốc Vọng, ở nước Úc nông dân chỉ chiếm 1,8% dân số, nhưng thành phần này đã SX một lượng lương thực và vải vóc với năng suất 1 nông dân có thể nuôi sống được 204 người - một kỷ lục chưa có nước nào đạt được, kể cả Hoa Kỳ - nhờ nông dân có trình độ văn hoá cao: 31% có bằng đại học hoặc cao đẳng.

Nông thôn nước ta có dân số lớn nên công cuộc hiện đại hoá, công nghiệp hoá muốn thành công phải có sự tham gia của nông dân, nhưng phải là sự tham gia của nông dân có trình độ, nông dân "có học".

Có như vậy, sự tham gia này sẽ giúp nông thôn không cần phải "nhà máy hoá" nông thôn, mà là hiện đại hoá nông nghiệp thông qua tổ chức SX nông nghiệp theo kiểu công nghiệp, theo tư duy công nghiệp, trong đó KTHT là thành phần kinh tế chủ đạo, để nông dân cũng có thu nhập cao như công nhân trong khu vực công nghiệp, viên chức ở các đô thị.

Việc trồng rau, hoa trong nhà có mái che (greenhouse) ở Úc, Canada, Nhật Bản, Hà Lan, Israel đã mang đến một thu nhập khoảng 1 - 1.5 triệu USD/ha/năm nhờ ứng dụng công nghệ cao, rồi câu chuyện làng thần kỳ Kawakami thuộc tỉnh Nagano, ở phía tây Tokyo thu nhập bình quân hộ gia đình lại tới mức 250.000 USD/năm, rồi những nông dân có học đang xây dựng thôn Đạ Nghịt, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng thành "làng thần kỳ" là những ví dụ cụ thể chứng tỏ nông thôn có đủ sức để vươn lên làm giàu với những xóm làng xanh, sạch, đẹp nếu được đầu tư đúng, có tư duy đúng.

Tuy nhiên khi đầu tư vào việc hiện đại hoá, công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn, cùng với rất nhiều kỹ thuật và công nghệ cần phải phát triển, Việt Nam cần phải quan tâm đến một vấn đề cực kỳ quan trọng, đó là tổ chức nông dân, tổ chức SX nông nghiệp, mà mấu chốt là hình thành và phát triển KTHT.

Có KTHT, có nông dân có học, với sự giúp sức của KHCN và khoa học quản lý, chúng ta mới có thể xây dựng được những thương hiệu nông sản và thực phẩm made in Vietnam “Tươi ngon, sạch đẹp - green & clean” từ các làng xóm thần kỳ!

Tiếp cận chuỗi giá trị

Việt Nam có đến trên 80% diện tích đất nông nghiệp đang được các hộ nông dân SX nhỏ lẻ nhất thế giới (trung bình mỗi hộ có khoảng 1 ha được chia làm 5 - 7 thửa ruộng, ở miền Bắc nhỏ lẻ hơn ở miền Nam, OEDC 2010) canh tác.

Những hộ nông dân này đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong SX và thị trường do hạn chế về quỹ đất, SX nhỏ, thiếu đầu ra ổn định và đặc biệt thiếu kiến thức và kỹ năng về công nghệ nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp (đại đa số chưa bao giờ biết đến hợp đồng nông nghiệp - contract farming).

Trong khi đó, các công ty chế biến, các doanh nghiệp nông nghiệp cũng gặp phải khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản nguyên nhân do thiếu nguyên liệu đầu vào có chất lượng và ổn định.

Mặt khác, các doanh nghiệp hay các cơ sở chế biến, kinh doanh này lại thiếu niềm tin vào chất lượng và khả năng cung cấp nguồn vật liệu đầu vào của các cơ sở SX nhỏ lẻ. Sự không gắn kết này là rào cản lớn nhất cần phải giải quyết để phát triển KTHT trong nông nghiệp.

Để phát triển KTHT trong nông nghiệp, chúng tôi đề xuất một số giải pháp dựa vào phương pháp tiếp cận chuỗi đó là xác định vai trò của từng thành phần/mắt xích trong chuỗi giá trị và điểm yếu để cải thiện, đồng thời kết hợp với các bài học quốc tế và kinh nghiệm tham gia dự án quốc tế.

(1) Phát triển các hội SX nhỏ - trung bình tự chủ có nhóm trưởng là người có trình độ và uy tín: Từ kinh nghiệm của các dự án nước ngoài và thực tế các Cty chế biến thường chỉ nhận nguồn nguyên liệu cung cấp từ hộ SX nhỏ trong khuôn khổ các dự án của các tổ chức nước ngoài hay là thông qua các tổ chức tư vấn.

Sự mất niềm tin của doanh nghiệp đối với hộ SX nhỏ lẻ là do người dân thường nhận đầu tư ban đầu (tạm ứng vốn, phân bón, hạt giống…) của công ty để cung cấp sản phẩm, nhưng khi thu hoạch họ không làm đúng theo cam kết, sẵn sàng bán đi nơi khác nếu giá cao hơn.

Từ thực tế trên, chúng ta có thể phát triển các “Mô hình hội SX nông dân tự chủ”, lựa chọn các hộ có nguyện vọng và khả năng tham gia vào các hội sản xuất. Nhóm nông dân tự bầu ra một nhóm trưởng có uy tín nhất và mọi trao đổi hợp tác đều thông qua nhóm trưởng (cách tiếp cận của các dự án quốc tế).

Hội SX nông dân tự chủ nên được đào tạo sử dụng nguyên tắc chia sẻ lợi nhuận “matching” theo mô hình của Israel. Qua đây chúng ta cũng sẽ nâng dần niềm tin của các bên liên quan đối với hộ SX nhỏ lẻ.

(2) Đào tạo các thương lái trung gian có kiến thức kinh doanh nông nghiệp: Giải pháp hiện tại của các công ty là hợp tác với các thương lái (middle-man) để họ thu mua nông sản từ các hộ nông dân rồi bán số lượng lớn hơn cho công ty.

Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp ở Kenya cho thấy, thương lái là một thành phần trung gian tiềm năng trong chuỗi SX nông nghiệp, tuy nhiên hiện nay thành phần trung gian này ở các nước đang phát triển cũng chưa có trình độ đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế hội nhập, thậm chí một số còn gây thêm sự mất niềm tin.

Chính vì vậy, người thương lái nên là đối tượng được đào tạo để trở thành một mắt xích kết nối người nông dân nhỏ lẻ hay các nhóm nông hộ tự chủ để cùng tham gia vào chuỗi giá trị. Đối tượng này cần được trang bị kiến thức về luật bản quyền, về hợp đồng kinh doanh, về phương pháp tiếp cận với nhiều nguồn thông tin nông nghiệp trong nước và quốc tế…

(3) Gắn kết KTHT với các tập đoàn, công ty lớn quốc tế bởi các thành phần này sẽ nắm vai trò kéo nền KTHT của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu, dựa trên nguyên tắc phát triển của chuỗi giá trị là kéo (pull) chứ không phải đẩy (push).

Kinh nghiệm thành công của Ukraine và một số nước có sự chuyển đổi từ mô hình HTX kiểu Liên Xô thành các agroholdings cho thấy các nhóm nông hộ, các công ty kinh doanh địa phương cần được hỗ trợ của các Bộ ngành của Chính phủ trong việc hỗ trợ hợp tác với các tập đoàn và công ty quốc tế.

Bài học từ chuỗi SX hạt óc chó (Walnut) của Kazykystan cho thấy trong vài thập niên ngành này luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn do nhiều thành phần tham gia, nhiều trung gian nhưng ngành SX này không có đối tác ổn định do thiếu tổ chức từ SX đến tiêu thụ bài bản.

Tuy nhiên, khi có công ty lớn của châu Âu quan tâm, chuỗi SX hạt óc chó của quốc gia này trở lên ổn định và gia tăng giá trị, và có các đối tác ổn định, tin cậy lẫn nhau, bao gồm HTX, công ty xuất khẩu trong nước, và các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu của châu Âu. (Còn nữa)

(Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất