| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế Nga sẽ sụp đổ?

Thứ Tư 24/12/2014 , 08:10 (GMT+7)

Đồng rúp trượt giá liên miên và đã có nhiều người Nga giàu có tìm cách đưa tài sản ra nước ngoài để “lánh nạn” khi nền kinh tế Nga khủng hoảng./ Quỹ dự trữ của Nga cạn kiệt hoàn toàn trong hai năm tới

Nhưng cuộc khủng hoảng này sẽ dẫn tới điều gì, liệu kinh tế Nga có khủng hoảng tới mức sụp đổ hay không? Các chuyên gia quốc tế đã đưa ra một số nhận định.

Đại gia sang Anh mua nhà

Một số người giàu có ở Nga đang cố tìm cách đưa tiền của ra nước ngoài trong bối cảnh nước này rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế do giá dầu giảm, đồng rúp mất giá. Báo Telegraph (Anh) nói nhiều nhà giàu Nga đang ráo riết lùng mua bất động sản ở thủ đô London trong những ngày qua với số lượng gia tăng đột biến.

Nước Nga dường như không còn kiểm soát được nền kinh tế trong vài ngày qua sau khi ngân hàng trung ương Nga tăng lãi suất cơ bản nhưng vẫn không chặn được đà mất giá của đồng rúp.

Hãng buôn bán bất động sản Beauchamp nói họ nhận thấy số lượng nhà hạng sang ở London được người Nga mua vào tăng 10%, kể từ khi đồng nội tệ của Nga bắt đầu mất giá khoảng một năm trước.

“Hiện tôi có 5-6 khách hàng người Nga đang muốn mua gấp các loại nhà ở trung tâm London với giá trung bình 31,3 triệu USD (hơn 600 tỷ đồng)”, đại diện hãng Beauchamp nói với Telegraph. Số người Nga tìm cách đầu tư vào bất động sản tại Anh cũng tăng lên, theo ông này.

Hãng Knight Frank cũng ghi nhận hiện tượng khách Nga tăng cường mua vào bất động sản ở Anh trong nửa sau của năm 2014, cho thấy những toan tính của họ trong việc đối phó với tình trạng kinh tế trong nước thông qua việc chuyển tiền thành tài sản ở nước ngoài.

Tuy nhiên, kinh tế Nga có sụp đổ hay không, có khả năng phục hồi hay không hoặc tình hình có thể tệ đến mức nào… là những câu hỏi không dễ trả lời.

Trong một số ngày qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có gắng trấn an người dân rằng những khó khăn chỉ là “ngắn hạn”.

Ông Putin cho rằng Nga có đủ dự trữ ngoại tệ và sẽ tìm cách khai thông dòng dầu mỏ ra nhiều thị trường mới để tránh tác động từ các lệnh cấm vận của phương Tây.

Nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel Pau Krugman bình luận trên tờ New York Times (Mỹ) rằng cho dù ông Putin có lớn tiếng thật, nhưng ông Putin cũng không có nguồn lực đảm bảo những tuyên bố mạnh mẽ của mình.

Theo Krugman, nền kinh tế Nga có quy mô tương đương Brazil và rất dễ bị tổn thương trước các cuộc khủng hoảng kinh tế, điều này khiến chính quyền của ông Putin “còn rất nhiều việc phải làm”.

Đồng rúp trượt giá liên tục kể từ tháng 8 trong khi ông Putin thừa nhận có lính Nga tham gia trong các cuộc xung đột ở Ukraine. Vài tuần sau, đồng rúp rơi tự do.

Các biện pháp khẩn cấp, bao gồm tăng mạnh lãi suất, yêu cầu các Cty tư nhân ngừng tích trữ đồng USD đều không giúp đồng nội tệ tăng giá trở lại. Mọi chỉ số đều cho thấy nền kinh tế Nga đang tiến dần tới điểm suy thoái sâu.

Theo Paul Krugman, nguyên nhân rõ nhất của hiện tượng nói trên là giá dầu thế giới giảm sâu, ảnh hưởng đến nhiều chỉ số của kinh tế Nga, chứ không phải là vì nhu cầu tiêu dùng từ nền kinh tế Trung Quốc và một số nền kinh tế khác yếu đi.

Giá dầu giảm mạnh, các lệnh cấm vận, đồng rúp mất giá chắc chắn là những thứ rất “khó nhằn” với người Nga khi kinh tế nước này phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ. Nhưng khẳng định rằng Nga đã đứng trên bờ vực sụp đổ thì hơi sớm.

Trong khi đó, các lệnh cấm vận đối với Nga từ phương Tây làm tình hình thêm trầm trọng.

Nền kinh tế dầu mỏ

Tuy vậy, trong khi giá dầu giảm mạnh, giá đồng rúp còn giảm mạnh hơn và điều này phá hủy kinh tế Nga nhiều hơn cả. Nhưng vì sao? Krugman cho rằng kịch bản này đã từng xảy ra nhiều lần: Argentina năm 2002, Indonesia năm 1998, Mexico năm 1995, Chile 1982…

Cuộc khủng hoảng mà Nga đang đối mặt là hậu quả của một nền kinh tế vay mượn nhiều từ bên ngoài, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân với các khoản nợ bằng ngoại tệ chứ không phải bằng đồng rúp.

Trong tình huống này, một cú sốc như sụt giảm xuất khẩu có thể dẫn tới những đổ vỡ nguy hiểm. Khi đồng nội tệ mất giá, cán cân thanh toán bị ảnh hưởng nghiêm trọng: các Cty trong nước có tài sản được tính bằng đồng nội tệ những các khoản nợ lại bằng đô la hoặc euro.

Hậu quả là nền kinh tế trong nước bị phá hủy nghiêm trọng. Niềm tin đối với nền kinh tế sụt giảm khiến đồng nội tệ càng thêm mất giá. Những gì đang xảy ra ở Nga diễn ra chính xác với kịch bản này.

Tuy nhiên, trường hợp nước Nga có một ngoại lệ. Thông thường, một quốc gia nợ nước ngoài nhiều dẫn đến thâm hụt thương mại và phải dùng nguồn vay mượn để trả cho những khoản phải nhập khẩu.

Nhưng Nga không thâm hụt thương mại. Ngược lại, nước này có mức thặng dư thương mại trong thời gian dài nhờ vào giá dầu neo ở mức cao. “Vậy tại sao Nga phải vay mượn tiền từ bên ngoài nhiều như thế và tiền chảy vào đâu”?, Krugman đặt câu hỏi.

Theo Krugman, câu trả lời nằm ở những khu vực như Mayfair ở thủ đô London (Anh) hay vùng phía đông Manhattan (New York, Mỹ), nhất là vào buổi tối, để chứng kiến những tòa biệt thự đắt tiền không có ánh đèn (vì chủ chưa đến ở).

Những biệt thự này, hoặc của một số người giàu có Trung Quốc, hoặc của các ông hoàng Ả rập và nhà giàu Nga. Giới nhà giàu Nga trong thời gian dài đã đưa tài sản ra khỏi nước này, đổ vào nhà, đất, biệt thự đắt tiền. Và bất động sản là những thứ dễ nhìn thấy nhất. Ngoại tệ đổ ra ngoài đồng nghĩa với nợ trong nước càng lớn.

Đây là kết quả của một nền kinh tế mà Paul Krugman gọi là “tư bản thân hữu”, nghĩa là những người có quan hệ tốt với chính quyền nắm nhiều cơ hội làm ăn và hưởng lợi. Nền kinh tế ấy sẽ được xem là bền vững chỉ khi giá dầu được giữ ở mức cao.

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Bình Định lên phương án né hạn cho vụ hè thu

Bình Định đang lên phương án chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, tập trung vận động người dân tiết kiệm nước để đảm bảo thắng lợi vụ hè thu 2024.